Cô gái trong bức ảnh là Sáu Hường (tên thật là Nguyễn Thị Hường) có biệt danh là “Sáu bìm bịp”!. Sáu Hường vào đội du kích nhờ sự động viên, ủng hộ nhiệt tình của ba cô. Ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Dặm. Năm 1965, ba cô lên huyện họp thì bị địch phục kích, bắn chết giữa cánh đồng ấp Nhơn Thuận (Nhơn Thành Trung, Tân Trụ, Long An).
Mất đi người ba thân yêu, Sáu Hường càng căm phẫn quân Mỹ, ngụy. Cô biến đau thương thành sức mạnh để tiếp bước con đường của ba. Từ một cô bé thơ dại mang trong lòng nỗi thương nhớ ba, đến khi trưởng thành, cô đi theo phong trào quân dân miền Nam nổi dậy chống ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của Mỹ, ngụy. Hễ nghe tin quân địch chuẩn bị đi càn, dùng xe bọc thép đàn áp cuộc biểu tình của nhân dân là cô lại cùng các chị em du kích phối hợp với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực đắp mô giữa lộ, cài lựu đạn để ngăn cản cuộc hành quân của chúng. Không chỉ vậy, cô còn tích cực vận động bạn bè cùng trang lứa tham gia đội du kích địa phương. Mùa xuân năm 1968, khi cuộc chiến diễn ra ngày càng ác liệt, công tác đưa đón cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Không e sợ, cô mưu trí đưa đoàn cán bộ và bộ đội vượt qua các “hàng rào” kiểm soát của địch trên dòng sông Vàm Cỏ, men theo các con lạch đến cơ sở an toàn. Một thân một mình lặn lội trên sông, các anh giải phóng quân thương quý và đặt cho cô biệt danh “Sáu bìm bịp”.
Đầu năm 1970, lúc quân ta phá thành công cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của Trần Văn Hương, nguyên thủ tướng chính quyền Sài Gòn đang vận động tranh cử chức phó tổng thống thì bị địch phát hiện, truy sát. Nhiều đồng chí hy sinh, một số còn sống thì bị truy lùng ráo riết. Trong lúc đó, Sáu Hường đã có mặt kịp thời giấu các anh vào căn hầm bí mật mà cô đào sẵn trong khu vườn hoang đầy cỏ dại và cây cối rậm rạp ở gần thôn Cây Tài. Hai ngày sau, địch dàn hàng, hung hăng dùng lưỡi lê cày xới từng tấc đất và phát hiện. Những người trong hầm bị địch bắn chết, chỉ còn anh Nghĩa (lính đặc công Bộ tư lệnh Miền) bị thương và bị bắt về tra khảo. Đêm hôm sau, Sáu Hường và 3 đồng đội đã có cuộc đột nhập vào nơi giam giữ để giải thoát cho anh. Tuy nhiên, anh Nghĩa bị chúng dùng dây xích còng chân và tay nên không thể thoát đi. Trước khi quay trở ra, cô dặn anh Nghĩa: “Hãy cố gắng chịu đựng, giữ khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Đồng đội và cơ sở tin tưởng ở anh, một chiến sĩ kiên trung”. Gặp được anh mà không thể cứu, trong lòng cô đau đớn vô cùng.
45 năm sau, thật bất ngờ khi đoàn làm phim của Chương trình Điều ước thứ 7 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cho cô hội ngộ một người bạn tại nhà tù Phú Quốc. Ở đây, cô đã trực tiếp nhìn thấy một gương mặt rất thân quen trong ký ức, để rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi người ấy chính là Nguyễn Thế Nghĩa, người đồng chí năm xưa vẫn còn sống...
Theo Trái tim Người lính