Sinh ra trong một gia đình khá giả ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, Trần Thị Quang Mẫn được ba má cho ra tỉnh học trường tư thục. Khi đó, không ưa người Pháp, bà ghét luôn ngôn ngữ của họ nên không tha thiết với việc học lắm. Học hết lớp Nhứt, bà và người em về quê làm ruộng. Bà thường ra đồng thả trâu, bò, bày trò chơi trận giả với đám con nít xung quanh. Tính tình khảng khái như con trai, bà mê đọc sách sử, mê Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực, Phan Bội Châu…
Là phận gái nhưng trong bà luôn day dứt một điều. Đất nước bị xâm lược, đang cần người trẻ nhưng anh chị em bà không ai ra giúp nước. Ông ngoại bà vốn là người của Nguyễn Trung Trực, bị giặc Pháp giam cầm 18 năm ngoài Côn Đảo, các cậu bà hy sinh vì đất nước… Biết tính cha vốn không thích tham gia chính sự, bà “nhỏ to” với người em gái kế, hai chị em cắt máu ăn thề và lên kế hoạch trốn nhà theo kháng chiến. Ngón áp út bên tay trái của bà giờ vẫn còn hằn vết sẹo cắt máu ăn thề.
Mặc cho gia đình ngăn cản nhưng trước sau như một, thấy không lay chuyển được ý định của con gái, ông mang hết quần áo hai cô ra đốt và đuổi hai chị em đi. Người mẹ vừa khóc vừa chạy theo dúi cho bà mấy đồng bạc và xấp vải xô có sẵn trong nhà. Đến bây giờ bà vẫn còn nhớ như in lời mẹ dặn: “Hai chị em con đi phải cho thành danh. Nếu không thành hay hư hèn gì thì đừng có vác mặt về nhà, xấu hổ cha mẹ lắm”.
BẠI LỘ
Trước khi giả trai, gia đình bà có hứa hẹn gả bà cho một chàng trai ở huyện Phú Quốc. Hai người cũng qua lại thăm viếng vài lần. Từ ngày bà cải thành nam giới đi cách mạng, anh con trai tên Nguyễn Văn Bé đang đi bộ đội ở Tiểu đoàn 4010 tới lui không thấy, điều tra biết được bà đang ở Trung đoàn 124. Sau nhiều lần ông dò hỏi, thắc mắc, cuối cùng sự việc của bà bị bại lộ. “Anh” Trần Quang Mẫn trở lại là chị Trần Thị Quang Mẫn. Cả Trung đoàn bật ngửa vì trong suốt năm năm trời, không ai phát hiện ra chuyện “động trời” này.
Sau đó, đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Lúc này, bà lên chức Đại đội trưởng Trung đoàn 124, ông giữ chức Đại đội phó. Năm 1952, ông hy sinh, để lại đứa con trai mới bốn ngày tuổi lại cho bà. Mười tuổi, con trai bà tiếp bước cha mẹ đi bộ đội, 15 tuổi người con trai duy nhất của ông bà hy sinh…
GIAI THOẠI
Có một giai thoại mà những người lính khi đó truyền nhau mãi. Vào năm 1974, trong một đợt hành quân, bà đã dùng dao rạch bụng cứu sống một đứa bé khi người mẹ bị bom dội chết.
Nghe tôi hỏi, bà chỉ tay lên tấm ảnh một người phụ nữ đang cười rạng rỡ bên đứa con trai bảo: “Nó đó!”.
Lúc đó, bà là Tiểu đoàn trưởng. Gặp đợt oanh kích của giặc, cả tiểu đoàn chui hầm tránh bom. Khi chui ra khỏi hầm, bà phát hiện một người phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh bị trúng bom đã tắt thở. Thấy thai nhi chòi đạp dữ dội, không chần chừ bà móc con dao găm nhỏ luôn mang sẵn bên mình rạch bụng người mẹ cứu đứa con. Không đành lòng mang đứa nhỏ đi cho, bà gởi người quen gần đó nuôi vài tháng rồi nhận lại đứa bé gái nuôi dưỡng đến ngày hôm nay.
Cô gái được bà đặt tên là Ngọc Hân, tốt nghiệp Đại học, hiện đang làm ở Ngân hàng Công thương tại TP.HCM. Vì việc học của con gái, bà đã bán nhà ở Kiên Giang, lên TP.HCM mua nhà sinh sống từ năm 1993 tại quận Tân Bình.
Bà được Nhà Nước phong tặng nhiều Huân chương và danh hiệu cao quý: Huân chương chiến công, Huân chương kháng chiến, Huân chương Độc lập… và Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong đợt đầu tiên. Năm 1967, cùng với chị Út Tịch, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Tháng 4/1967, bà được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, được Bác ưu ái tặng cho bà khẩu súng K54 làm kỷ niệm. Cuộc đời bà đã được nhà văn Bùi Hiển viết thành quyển sách “Cuộc đời tôi”. Bà suy nghĩ đơn giản rằng: “Hồi đó đi đánh giặc để giải phóng đất nước, mong cho đồng bào mình được sống trong cảnh thanh bình. Giờ ước nguyện đã thành sự thật, so với nhiều người khác, tôi may mắn còn sống đến ngày hôm nay. Đối với tôi như vậy đã mãn nguyện lắm rồi”
Trái tim người lính/ Theo Tìm hiểu về chiến tranh VN