Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km, người làng Chuông được cả nước biết đến bởi chiếc nón với niềm tự hào. "Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông". Câu ca này đã được truyền tụng từ bao đời không còn ai nhớ nữa, chỉ biết rằng nó là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi.
Làng nghề làm nón lá ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã có từ lâu đời. Làm nón lá không chỉ là thu nhập chính mà còn là niềm tự hào của mỗi gia đình, mỗi dòng họ của người dân nơi đây. Hình ảnh người con gái Việt Nam mặc áo dài đội nón lá đã đi vào biết bao áng văn thơ, làm mê mẩn biết bao con mắt của bạn bè quốc tế. Những chiếc nón tuy nhìn mộc mạc và đơn giản, nhưng lại ẩn giấu phía sau nó cả một nghệ thuật chế tác.
Làng Chuông hàng tháng có 6 phiên chợ vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 (âm lịch) trong tháng. Những ngày phiên chợ họp ta sẽ thấy tiếng cười nói lao xao cùng những trồng nón cao gần bằng người, và la liệt nguyên liệu làm nón khắp sân đình từ sáng sớm tinh mơ. Thông thường 1 chiếc nón dao động từ 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng phù hợp với đa số hoàn cảnh của người mua.
Mỗi phiên chợ với kẻ bán, người mua và khách tham quan đổ về đã tạo nên khung cảnh tấp nập, những bình dị, gần gũi với cuộc sống, tạo nên sắc thái riêng của chợ quê. Tới chợ nhiều người tìm mua những chiếc nón lá do chính tay người thợ làng Chuông làm ra có chất lượng bền đẹp.
Nón được làm từ lá cây lụi, một loại cây họ nhà cọ, được lấy từ những cánh rừng ở Phú Thọ, Thanh Hóa và Quảng Bình. Công đoạn làm lá là công đoạn vất vả nhất trong nghề nón lá bởi vẫn phải làm thủ công để đảm bảo lá không bị dập, rách nát. Lá lụi được người thờ dùng chân vò trong cát khô và sỏi.
Lá được phơi nắng trong làng, trong sân nhà hoặc dọc suốt bờ đê. Phơi lá cũng phải cực kỳ cẩn thận, lúc lá tươi phải được chọn phơi, tách riêng từng lá một. Lá lụi từ màu xanh, sau quá trình phơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ dần chuyển thành màu trắng. Người làng Chuông ai ai cũng có thể làm thao tác rẽ lá bởi rẽ lá là công đoạn dễ làm nhất. Những bó lá khô phải được đặt dưới nền đất để lá hút được độ ẩm.
Muốn làm nón, lá phải phẳng. Vì vậy người thợ làm nón phải ủi lá cho phẳng, khi ủi phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa cho nóng trước khi chà nhẹ lên lá cho thẳng. Để làm ra những chiếc nón đẹp, tròn và cân đối người thợ làm nón phải sử dụng chiếc khung gỗ có 8 gọng, trên mỗi gọng có 16 khấc đều nhau để đặt các vòng nón.
Vòng nón được làm từ những thanh tre cật được vót tròn, nhẵn và đều. Các vòng tròn nhỏ dần đến chóp tạo ra khung nón. Thường mỗi mối buộc được dùng cột hay mây bện lại rất chắc chắn và đẹp mắt.
Quai nón là công đoạn xếp lá lên khung, là công đoạn tạo hình cuối cùng cho chiếc nón. Các tập lá được xếp lại cắt vát 1 đầu, rồi dùng kim cố định lại, ghim trên chóp nón và việc quay lá bắt đầu. Công đoạn khâu nón được cho là khó nhất, bởi nó quyết định đến độ tròn và sự bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông trông đơn giản nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ khi làm ra nó.
Ở Việt Nam hình ảnh chiếc nón lá còn xuất hiện trong đám cưới, nón lá tuy giản dị, chỉ là một đồ dùng bình thường hàng ngày để che nắng, che mưa nhưng trong lễ cưới lại mang một giá trị tinh thần rất to lớn. Người xưa vẫn quan niệm rằng khi mẹ chồng trao nón cho nàng dâu mới là trao cả niềm tin, trao cả hy vọng về một tương lai đủ đầy, sung túc mà con dâu sắp đón nhận. Để con dâu biết rằng từ nay con đã là một thành viên mới của gia đình, của họ hàng, của cả dòng tộc. Ngoài ra khi được mẹ chồng trao nón cho sẽ đem lại may mắn và hạnh phúc cho cô dâu về cuộc sống hôn nhân sau này. Cô dâu sẽ được che chở trong tình yêu thương của chồng cũng như gia đình nhà chồng.
Cùng với sự phát triển đất nước, có rất nhiều loại vật dụng hiện đại, tiện ích khác để giúp con người che nắng, che mưa nhưng chiếc nón lá vẫn là một đồ vật không thể thiếu trong đời sống tâm hồn người Việt. Chiếc nón lá bình dị, đơn sơ đã trở thành nét đẹp duyên dáng, âu yếm trong lòng người Việt Nam ta từ xưa đến nay.