Vào mùa cưới, nhiều lúc cứ nháo nhào lên như chạy sô, phân công nhau đi đám này đám kia, ngồi chút gắp được con tôm, lại phải vội vàng qua đám khác, may ra còn cái lẩu. Ăn mà chẳng thấy ngon, vì đi trả nợ miệng là chính. Bởi vậy, có nhiều cặp chỉ sống chung không hôn thú, nhưng vẫn tổ chức lễ cưới đình đám ở nhà hàng, để người ta đi trả nợ miệng. Ma chay, giỗ chạp cũng vậy. Người chết là hết, nhưng với người sống, còn nợ nhau dài dài. Những tên tuổi, con số còn lưu trữ rất lâu, để chờ có dịp, thì trả lại.
Mời tôi hai bữa, thì ít nhất tôi phải mời lại anh một bữa, như vậy sống với nhau mới bền, mới không mắc nợ. Không phải vì anh không có tiền, mà như vậy mới công bằng, ai cũng như ai. Nhiều khi đang rất mệt, thì có người gọi, ới ra làm vài ly, lại phải đi. Tất nhiên là từ chối cũng được, nhưng chỉ một hai lần, chứ từ chối miết, rồi bạn bè chẳng còn ai, lại mang tiếng là keo kiệt, khinh khi và sợ tốn kém. Nhưng thật sự với nhiều người, tụ tập ăn uống chỉ để chuyện trò tâm sự, là một nỗi ám ảnh. Không phải vì họ không có tấm lòng với mọi người, mà họ lo lắng ăn hôm nay, không biết mai lấy tiền đâu để mời lại.
Rồi họp lớp ăn uống ôn lại kỷ niệm xưa, tất nhiên mỗi người góp một số tiền nhất định. Với người có tiền, có thời gian thì rất vui, và thấy họp lớp là một việc làm ý nghĩa. Nhưng với người bận rộn với cuộc sống mưu sinh, lại ở xa, thì thật khó hồn nhiên và hào hứng với chuyện họp lớp. Một việc làm mà với họ, có cũng được, không có cũng được. Đấy là chưa kể, hay xẩy ra tình trạng, vui vẻ với bạn giàu, lạnh nhạt với bạn nghèo, dù số tiền mỗi người góp để tổ chức họp lớp đều như nhau.
Cái vấn đề "Nợ miệng" thì muôn thủa, đố ai mà thoát được, vì ai cũng phải ăn, phải có bạn bè, có anh em họ hàng. Có rất nhiều người, phải gồng lên để trả nợ miệng. Đã qua rồi, cái thời chỉ bỏ phong bì với số tiền tượng trưng, tùy theo khả năng. Giờ thì trước anh đi bao nhiêu, giờ phải đi lại bằng hoặc hơn, nếu không muốn bị nhăn mày khó chịu sau lưng.
Đúng là, cái miệng làm khổ cái thân. Cơ mà, muốn sống thì phải ăn, còn ăn thì còn nợ, biết làm sao...
Chuyện Làng quê