Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, vượt qua hải trình năm trăm hải lý với hai lần lên thăm quân dân đảo Trường Sa Lớn và đảo ngầm Đá Lát, sáng sớm hôm ấy, theo sự phân công, tôi cùng 25 thành viên khác của đoàn công tác 180 người, được lên thăm đảo ngầm Đá Tây B.
Lên đảo, được chứng kiến cảnh sinh hoạt khó khăn thiếu thốn của các chiến sĩ phòng thủ trong một pháo đài chật hẹp nổi lên trơ trọi giữa đại dương sóng gió, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu tình cảm gia đình; nhìn những gương mặt trẻ măng, yêu đời nhưng đanh chắc khí phách kiên cường của lính đảo, thương yêu xót xa vô cùng. Hầu hết anh em đều là người nông thôn. Những địa danh Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… gợi cho ta nhớ về những đoàn quân dài bất tận ra đi từ những miền quê thời đánh Mỹ. Tâm sự, sẻ chia mới thấy hoàn cảnh nhiều em ở quê nhà cũng rất éo le, khó khăn. Tôi ghi lại những câu chuyện như thế, rồi chụp ảnh chân dung những người lính với ý định sẽ viết về họ. Nhưng rồi cái cảm giác băn khoăn là chủ đề này đã có rất nhiều người trước đó viết rồi, viết kỹ và viết rất hay, cái cảm giác đó nay lại quay về như muốn nhắc nhở, tìm được một chủ đề không trùng lặp ở đây, vào lúc này quả là một việc không dễ dàng gì!
Lấy xong tư liệu tôi đi về hướng cầu tầu với ý định chọn cảnh chụp mấy bức hình, vì tới lúc này mới có điều kiện ngắm nhìn không gian bao quát toàn đảo. Thì ra Đá Tây B là một cụm có hai hòn đảo nhỏ liền kề kết nối với nhau bởi một chiếc cầu bê tông kiên cố, ngoài ra còn một hòn thứ ba có cây đèn biển nằm tách biệt cách khối liên hoàn này khoảng non cây số, muốn sang bên ấy chỉ còn cách đi ca nô. Từ cầu tầu nhìn sang, đảo đèn nhô lên mặt biển như một cái mai rùa, còn cây đèn biển chẳng khác nào cây bạch lạp gắn trên lưng rùa tại các nơi cúng lễ, thờ tự.
Theo lịch trình đã định, làm việc ở cụm Đá Tây B đến 11 giờ, thì đoàn sẽ tạm biệt cán bộ chiến sĩ trên đảo để xuống xuồng trở về tầu tiếp tục cuộc hành trình. Lúc ấy mới khoảng hơn 9 giờ, bỗng thấy ông Võ Duy Khương, phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng khoảng chục người khác đều đã nai nịt gọn gàng áo phao mũ cối, lại thấy mấy người í ới gọi nhau mang vác các thùng quà xuống ca nô để đi thăm một vài đơn vị làm kinh tế và dịch vụ nào đó. Đơn vị làm kinh tế và dịch vụ? Một câu hỏi thoáng qua trong óc tôi, như thế là lại có thêm những hoạt động đời thường dân sinh giữa vùng biển động này sao? Hình ảnh những xóm dân cư từ đất liền chuyển ra đảo Trường Sa sinh cơ lập nghiệp, lớp học cho con em họ học hành, chùa chiền cho họ có chốn đi về gửi gắm tâm linh… đã cho tôi một suy ngẫm: Cùng với việc tăng cường sức mạnh phòng thủ trên tất cả các hòn đảo lớn nhỏ, thì những việc làm góp sức vun trồng cho cuộc sống dân sinh trên khắp vùng biển đảo này, đều là những việc làm có ý nghĩa không kém phần quan trọng của sự nghiệp giữ gìn và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tự cổ chí kim, bao giờ cũng thế, hễ cứ nơi nào có dân và dân sống được, thì nơi đó là đất, là nước, là biển của mình. Cái tứ bất chợt này hay quá, tại sao lại không cố gắng kể lại cho mọi người cùng nghe cơ chứ? Khi biết được đây là đoàn cán bộ thành phố Đà Nẵng kết hợp đi kiểm tra và tặng quà cho cán bộ nhân viên đèn biển và khu hậu cần nghề cá, lòng tôi khấp khởi mừng thầm liền lẳng lặng mặc áo phao và thản nhiên bước xuống ca nô. Viên sĩ quan trực tác chiến giang tay cản lại bảo tôi không có nhiệm vụ đi chuyến này. Nghĩ đến những câu chuyện phía trước có thể lại là những tư liệu quý cho một bài viết theo cái tứ vừa nẩy sinh, tôi liền cố gắng thuyết phục cho bằng được. Cuối cùng, viên sĩ quan đành miễn cưỡng chỉ cho chỗ ngồi phía sau đoàn người. Chiếc ca nô rồ máy rẽ nước lao về hướng đảo đèn.
Anh em đảo đèn đã trực sẵn ở mép nước đón khách. Cánh đàn ông trên ca nô ai nấy xắn quần quá gối lội ào xuống nước nhẩy thoắt lên bờ. Trong lúc mấy cô văn công còn đang lúng túng trên mạn thì mấy chàng chủ đảo đã kề lưng tận nơi năn nỉ mời chị em ôm cổ để được cõng lên bờ. Cái màn đón khách độc đáo đến độ ga lăng diễn ra giữa những tràng cười rộ nở râm ran một góc đảo.
Vào nhà, chủ khách phân chỗ ngồi đâu đấy là bước ngay vào cuộc giao lưu ngắn. Khách mà lại là cấp trên không chính ngạch, chủ mà lại là cấp dưới ngoài vòng phủ sóng, thành thử phần đầu cuộc giao lưu mang khuôn sáo của một cuộc kiểm tra lướt sóng, đượm màu chiếu lệ. Chỉ đến phần tâm tư trao đổi, cái không khí chan hòa cởi mở mới tràn ngập trở lại căn phòng.
Anh Đoàn Văn Tấn, tổ trưởng tổ đèn biển Đá Tây B mà anh em ở đây tự phong là Đèn Trưởng tư lệnh đảo cho chúng tôi biết, thoạt nhìn nhiều người cứ nghĩ đảo đèn là của quân đội, do quân đội quản lý, vì tất cả đèn biển đều nằm trong các khu vực phòng thủ chiến đấu, nhiều đèn còn nằm chung trên cùng một hòn đảo quốc phòng như An Bang, Trường Sa lớn, Tiên Nữ… Trên thực tế, đèn biển Đá Tây B cùng với hàng chục đèn biển khác rải rác trên các đảo Trường Sa đều trực thuộc sự quản lý của Tổng công ty Bảo đảm an toàn giao thông hàng hải Miền Nam, thuộc Bộ Giao thông vận tải, tất cả đều có tên và được đánh dấu trên bản đồ hàng hải thế giới. Đèn biển có nhiệm vụ phát sáng về đêm với cường độ ánh sáng xa từ 15 tới 20 hải lý, giúp cho tầu bè trong nước và quốc tế đi lại an toàn trên tuyến hàng hải qua khu vực Trường sa. Công việc thì thuần chất dân sự, nhưng tác nghiệp trong khu vực chiến sự, lại luôn sát cánh cùng bộ đội chiến đấu trên cùng một điểm chốt, nên xét về mọi phương diện, cán bộ nhân viên đèn biển cũng chẳng khác gì bộ đội trực chiến trên chốt. Bởi thế đã từ lâu lính đảo Trường Sa qen gọi anh em bên này bằng cái tên trìu mến là lính đảo đèn.
Lính đảo đèn Đá Tây B có bốn người cả thảy. Anh Tấn tự giới thiệu quê gốc Thủy Nguyên Hải Phòng, vào ngành 1992, thoạt đầu là công nhân đóng tầu sau chuyển sang nghề gác đèn biển. 20 năm trong nghề với 15 năm gác đèn, từng lang thang qua hàng chục đảo đèn trơ trọi giữa biển khơi. Xa vợ con gia đình đó là đặc trưng nghề nghiệp lính đảo đèn. Anh nói vui, mỗi năm đi phép một lần, về nhà con nhỏ trông thấy bố toàn gọi là bác, mới hỏi lại, thế có bác hàng xóm nào con gọi là bố thì chỉ cho bác biết bác cho kẹo? Vui thế đấy mà buồn cũng thế đấy. Rồi anh Đèn Trưởng giới thiệu đến ba Đèn Viên của mình. Phạm Văn Nghĩa quê Hải Dương, Lê Tuấn Anh, Phan văn Minh đều Thái Bình. Cả ba đều học trung cấp Hàng hải, ra trường được biên chế vào ngạch đèn biển và được điều ra đảo. Tất cả đều chưa tới hai lăm và đều chưa có người yêu. Nói đến đây Đèn Trưởng ném một cái nhìn đầy ý nghĩa về phía mấy cô văn công trẻ. Các nàng tiên giáng trần thông minh sáng láng như hiểu ý, liền làm mấy động tác hôn gió gửi đến ba chàng ngự lâm pháo thủ đang bẽn lẽn ngồi ở vòng ngoài. Tất cả mọi người reo cười vỗ tay rào rào hưởng ứng. Trong không khí hân hoan xóa nhòa chủ khách, ông Võ Duy Khương thay mặt đoàn công tác trò chuyện cùng mọi người, cuối cùng là trao tặng anh em đảo đèn những thùng quà đem theo từ đất liền, và đó cũng là nghi thức cuối cùng của phần thăm hỏi trước khi tiếp nối sang phần văn nghệ.
Ba cô văn công Đà Nẵng mỗi người hát tặng hai bài. Bốn bài đầu nội dung ca ngợi biển đảo quê hương đất nước không có chuyện gì. Đến lượt mình, nữ ca sĩ Mỹ Hạnh hát bài Về Quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương, hát chay không có nhạc đệm. Lúc này đoàn khách vẫn ngồi quây tròn xung quanh chiếc bàn mộc kê giữa nhà, người lim dim say sưa gõ nhịp tay theo giọng hát, người hí hoáy tiếp tục ghi chép, người quay nghiêng gật gù rỉ tai điều gì với người bên cạnh. Đối diện với tôi là Đoàn Văn Tấn, và nếu có ai đó chăm chú nhìn vào khuôn mặt anh lúc này chắc cũng có được điều cảm nhận như tôi, dường như bài hát đã hút hết hồn của anh, biến khuôn mặt rắn rỏi góc cạnh xạm màu nắng gió bỗng như chùng xuống, thả lỏng ra trong một trạng thái thư giãn hoàn toàn. Đôi mắt anh yên ả khép lại, và rồi bỗng đâu từ hai khóe mắt chợt thấy những ánh nước ngân ngấn long lanh dưới ánh đèn. Người Trưởng Đèn bỗng giật mình choàng tỉnh, anh vội lấy tay quệt nước mắt và ngồi thẳng lưng như cố gắng lấy lại dáng vẻ bình thường trước mặt quan khách.
Ngồi cùng vòng ngoài tôi tranh thủ trò chuyện với ba lính đảo đèn, có một lúc tôi buột miệng hỏi một câu thật ngớ ngẩn, sao lại chọn học nghề đèn biển? Phan Văn Vinh hồn nhiên trả lời vì nghề này dễ xin việc, học xong là được gọi ngay, cũng giống như bộ đội í mà. Biết là vất vả, xa nhà nhưng còn có tiền gửi về cho bố mẹ. Im lặng hồi lâu anh nói tiếp, thế với mình mà không làm thì lại người khác cũng phải làm, đèn biển không thể không thắp sáng dù chỉ một phút trong đêm. Thế đấy! Sự chân thật thường bao giờ cũng đi đôi với sự giản gị. Nhân cách làm người chẳng phải bao giờ cũng bắt đầu từ những bài học nhỏ bé không ồn ào lộng ngôn đó sao?
Đoàn công tác chia tay đảo đèn ở mép nước lúc nãy. Và ba chàng trai nhà đèn lại xin được tình nguyện tiễn các bạn gái bằng cách bế bổng từng người đặt lên ca nô. Những lời chúc tụng, những cái bắt tay và cả những nụ hôn gió… Cuộc chia ly bao giờ cũng thế, dẫu vẫn biết trong đời gặp nhau có khi cũng chỉ thoảng qua một lần nhưng sao lòng ta cứ thấy ngập tràn lưu luyến, kể cả kẻ ở người đi!
Ca nô từ từ tách bến rồi bỗng gầm lên xé nước hướng ra đại dương.
Theo Chuyện Làng Quê