Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt (hầu đồng, lên đồng) là hình thức tái hiện lại tích của các vị Thánh, thể hiện truyền thống yêu nước và tôn vinh nguồn gốc, công lao của các ngài. Qua hoạt động hầu đồng, nhằm cầu mong sức khỏe, may mắn và hạnh phúc, thể hiện lòng từ bi và bác ái trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong gia đình và gowin99 Việt Nam.
Những ngày trước khi diễn ra nghi thức lên đồng, các ông bà đồng sẽ chuẩn bị trang phục tương ứng với từng vị thần linh (Thánh) và cất chúng trong va li riêng. Một số ông bà đồng giàu có, thường sắm cho mình nhiều bộ trang phục khác nhau, từ những bộ sang trọng, đắt tiền, dành cho các dịp lễ lớn, đền phủ to, đến những bộ trung bình hầu tại các đền, điện nhỏ. Theo nguyên tắc, mỗi vị Thánh được phụng hầu đều có trang phục riêng biệt, không được phép sử dụng trang phục của các vị Thánh khác. Do đó, trong một buổi lên đồng, các thầy đồng cần chuẩn bị số bộ trang phục tương đương với số giá đồng mà họ dự định hầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trang phục lên đồng có thể thay đổi tùy theo điều kiện và tài chính của mỗi người. Nghe các ông bà đồng già kể lại, trước kia, thanh đồng không có điều kiện, chỉ cần một chiếc khăn phủ diện màu đỏ để hầu các giá đồng. Tuy nhiên, thời nay không đến mức khó khăn vậy. Đối với lớp thanh đồng giàu có ở thành thị, việc lên đồng từ lâu đã trở thành một nghi lễ sang trọng, lộng lẫy, nguy nga, do đó, họ rất chú trọng tới trang phục. Không những trang phục, mà phụ kiện kèm theo cũng được sắm sửa đầy đủ, chỉn chu. Vì vậy, ít nhiều cũng có sự cách tân.
Trước khi lên đồng, các ông bà đồng thường thực hiện một số quy tắc bất dịch như: tránh gần gũi với người khác giới, đặc biệt là quan hệ giường chiếu. Trước kia, nhiều ông bà đồng thực hiện chế độ ăn kiêng, chỉ ăn đồ chay và hạn chế thịt, cá, thậm chí có thể nhịn ăn. Ngày nay, có thanh đồng vẫn giữ được lề lối đó, hoặc lược bỏ phần nào. Những hành động này được coi là làm "thanh sạch" bản thân trước khi kết nối với thần linh. Theo quan niệm của tín ngưỡng, các bà đồng không được vào đền hầu Thánh nếu đang trong thời gian chịu tang, mang thai, cho con bú, hoặc vào “ngày của phụ nữ”.
Vài ngày trước khi diễn ra buổi hầu đồng, ông bà đồng sẽ gửi lời mời tham dự đến các bạn đồng (bạn trong giới hầu đồng), người thân, bạn bè và con nhang,… Mọi người mặc đẹp, trang trọng, phù hợp với bầu không khí của buổi lễ. Tuy vậy, vẫn có trường hợp ăn mặc chưa phù hợp.
Các buổi lên đồng chủ yếu diễn ra trước ban công đồng (khoảng 10m2). Phía trước là ban thờ, ba bên còn lại là nơi ngồi của cung văn (thường sẽ là bên phải) và khách mời. Nghi lễ dâng sớ và cúng chúng sinh diễn ra trước khi ông bà đồng ngồi vào sập công đồng (nơi ngồi hầu Thánh). Nghi lễ dâng sớ được xem là việc thỉnh cầu của ông (bà) đồng lên vị thần chủ của đền, xin phép ngài được làm lễ. Đây là nghi lễ cần thiết, quan trọng và rất thực tế, thể hiện sâu sắc tính lễ nghĩa, tôn trọng thần linh. Theo quan sát, nghi lễ này thường được thực hiện bởi một pháp sư và một thầy cúng phụ việc. Trong đó có nghi lễ cúng chúng sinh và thường được thực hiện ở phía cửa đền với các vật phẩm như: cháo, bỏng, nước lã và một chậu nước có thả một số đồng xu.
Khi mọi thứ đã được chuẩn bị, ông (bà) đồng sẽ vào hầu, với trang phục màu trắng muốt, thể hiện sự trong trắng trước khi trở thành “cái bóng, cái ghế” của thần linh. Ông bà đồng sẽ chắp tay, cúi đầu và có lời chào gửi tới quan khách, trước khi bước vào chiếu đồng, giữa bốn người hầu dâng (quỳnh, quế). Hầu dâng bao gồm: hai hoặc bốn người, nam và nữ, những người đã ra đồng (trình đồng mở phủ) và chịu trách nhiệm hỗ trợ ông (bà) đồng trong suốt buổi lễ; với một số việc như: thắp hương, dâng rượu, che quạt,… và thay đổi trang phục. Trang phục của hầu dâng sẽ là áo dài may theo lối truyền thống, kín đáo. Hiện nay, nhiều hầu dâng mặc áo bà ba. Dù vậy, vẫn có không ít hầu dâng ăn mặc không đúng, hở hang, gây phản cảm và thiếu tôn trọng buổi lễ. Do đó, vai trò của hầu dâng là rất quan trọng, góp phần trong việc tạo nên tính uy nghiêm của ông bà đồng, cũng như buổi lễ.
Phía bên phải của chiếu đồng là cung văn, nơi các nghệ sĩ trình diễn các bài văn kèm theo nhạc cụ truyền thống như: đàn nguyệt, trống, phách, sáo, và nhạc xóc. Ngày nay, nhiều đoàn văn chuyển sang dùng thiết bị điện tử (trống điện tử, đàn điện tử,…). Có người đồng tình, có người phản đối. Trong đó, đàn nguyệt thường được sử dụng làm nhạc khí chính cho việc hát văn và lên đồng (có người vừa hát văn, vừa đệm đàn). Ngày nay, nhiều ban cung văn có sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên nghiệp từ các đoàn chèo, cơ quan văn hoá, nghệ thuật, những người có tâm hướng về tín ngưỡng, đồng thời, cũng được xem là cách gia tăng thu nhập. Chính vì vậy, nhiều đoàn văn hiện nay không còn giữ được chất giọng nguyên vẹn như trước, thay vào đó là sự kết hợp với chèo, cải lương,... Việc một số đoàn văn “đạo lời văn”, “chế văn”, khiến các buổi hầu đồng trở nên sôi động, mới mẻ. Lời ra tiếng vào, khen, chê có cả. Tuy nhiên, về lâu dài không ai dám chắc, liệu có bị hoà tan, văn cổ sẽ bị mai một hoặc sai lệch. Về trang phục, trước kia, cung văn thường mặc áo the khăn xếp. Ngày nay, ít đoàn giữ được điều này, thay vào đó là trang phục hiện đại, thậm chí là áo phông không cổ và quần jean (bò).
Như chúng ta đã biết, âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó có thể làm thay đổi tâm trạng, tạo cảm xúc, kích thích trí não, gợi nhớ kỷ niệm và thậm chí làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của mỗi người, do vậy, vai trò của cung văn quan trọng hơn bao giờ hết trong tín ngưỡng này. Việc thay đổi tiết tấu giai điệu hợp thời được cho là cần thiết trong quá trình thực hành, nhằm tạo nên sự vui tươi, tuy nhiên, cần hạn chế tối đa, tránh làm sai lệch gốc tích và lịch sử các nhân vật được phụng hầu.
Mỗi giá đồng, thanh đồng phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ bao gồm: thay lễ phục tương ứng với vị Thánh được phụng hầu; dâng hương hành lễ; hầu Thánh, tái hiện hình ảnh của nhân vật, “mượn” bóng Thánh, phán truyền những điều tốt đẹp cho bách gia trăm họ; ban lộc, và cuối cùng là Thánh thăng (xe giá hồi cung).
Không khí hầu đồng lúc trang nghiêm, khi vui nhộn, nhất là đến giá hầu tung tiền, tán lộc, những tiếng “hú”, vỗ tay thật sôi động, huyên náo,... Nhiều người coi việc dự hầu là cách giải toả tâm lý, áp lực cuộc sống. Khách đến dự, có thể là bạn đồng (người hoạt động trong cùng lĩnh vực), người thân, hoặc đệ tử (con nhang, con hương). Tất cả đều tỏ rõ lòng thành kính, kèm theo mong muốn, nguyện cầu những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Âu cũng là điều dễ hiểu, vì đó là mưu cầu chính đáng của mỗi con người, nhất là những tín đồ của tín ngưỡng này. Khách dự hầu ngồi theo thứ bậc, vai vế, từ đồng cựu đến đồng tân, từ khách mời có vị trí gowin99 , đến khách mời thông thường (từ trong ra ngoài). Điều này cần thiết, thể hiện rõ sự tôn trọng Thánh, Thần và lề lối đã có từ xưa. Tuy nhiên, nhiều cuộc lên đồng vẫn còn khá lộn xộn, khách mời ăn mặc không kín đáo, cần thay đổi.
Lộc hầu đồng cũng được ban phát theo thứ bậc và mối quan hệ của khách mời với thanh đồng. Thời đại mới, do đó lộc hầu đồng đa dạng với nhiều vật phẩm giá trị hơn xưa, kể đến như: gương, lược, khăn tay, cặp tóc, vở, bút, bánh kẹo, hoa quả, trầu cau, bia, rượu, thuốc, tiền, nhiều ông bà đồng còn phát lộc bằng vàng,… thậm chí cả đoạn nhang (hương), mồi múa, hay thuốc lá hút dở, những món này thường được "ghế Thánh" (thanh đồng) ban cho một số tín đồ. Theo quan niệm, những món lộc trong buổi hầu đồng có thể mang lại may mắn, tài lộc và xua đuổi những rủi ro, tà ma. “Một miếng lộc Thánh, bằng một gánh lộc trần”.
Chính vì tính đa dạng và giá trị của lộc hầu đồng, cho nên, tại một số buổi lên đồng, ít nhiều vẫn có vài vị khách, mang trong mình tư tưởng và mục đích khác. Trong quá trình hầu, lộc ban phát không đồng đều, hoặc không đúng thứ bậc, có thể nảy sinh mâu thuẫn (bằng mặt, không bằng lòng) giữa các khách với nhau, hoặc khách mời với ông bà đồng, điều này đã từng xảy ra tại một số cuộc hầu.
Kết thúc buổi hầu đồng, người nhà ông bà đồng sẽ chuẩn bị một túi lộc (là những vật phẩm dâng Thánh trong buổi lễ hầu đồng). Lộc thường là: bánh, kẹo, nước ngọt, chè, thuốc, trái cây, rượu, thuốc,… Số lượng và chất lượng túi lộc phụ thuộc vào điều kiện của ông bà đồng. Đây được xem là món quà thay cho lời cảm ơn của ông bà đồng gửi tới những vị khách đến dự hầu. Đôi khi một số người không đến dự, cũng được ông bà đồng gửi lộc tận tay.
Tóm lại, cá nhân thanh đồng khi thực hành cần có thái độ nghiêm túc, giữ đúng lề lối, không xuyên tạc lịch sử, thay đổi gốc tích, nhất là việc phán truyền doạ nạt. Đối với khách mời tham dự, cần giữ cho mình phong thái trang nghiêm, tôn trọng thần linh, buổi lễ. Chỉ có vậy, thì Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt mới không thể mai một, lệch lạc, và sẽ trở nên bền vững, vượt thời gian.