Thời kỳ mới nhập ngũ, đơn vị huấn luyện tân binh ở xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Đa số anh em lính mới là sinh viên, học sinh, công nhân còn trẻ. Số lính đã có vợ ít lắm. Điều khó khăn nhất khi vợ lính đến thăm - đó là nơi ngủ qua đêm. Người dân không đồng ý cho vợ chồng người ngoài ngủ chung trong nhà của họ.
Tôi nhớ lần cô Chung là vợ của cậu Sắn lên chơi (cô, chú ấy là người cùng cơ quan, chú Sắn nhập ngũ cùng đợt với tôi). Cả hai vợ chồng trẻ, tính tình vui nhộn. Khi Sắn nhập ngũ, gia đình nhỏ của họ đã có một bé gái 2 tuổi, cô Chung lại đang mang bầu được hơn 3 tháng. Hôm chủ nhật, Chung đạp xe hơn 50km đến thăm chồng, trông vẫn hăng hái vui vẻ lắm. Gặp tôi, Chung chào:
- Em chào anh Lộc, trông anh hơi đen nhưng người rắn chắc hơn đấy.
- Em đang bụng mang, dạ chửa thế mà vẫn hăng hái đạp xe đi à?.
Vẫn cái giọng tếu táo, Chung nói:
- Em đã qua cái cữ 3 tháng đầu kiêng khem rồi, 2 tháng cuối thì chưa tới, em phải tranh thủ đoạn giữa của 9 tháng mang thai, cố gắng lên gặp chồng vài lần để … để … về sau cho dễ đẻ, anh ạ.
- Chịu cô thật!
Cô Chung nói thêm: “Cháu Thủy cứ đòi theo mẹ lên thăm bố, cháu mới 2 tuổi còn nhỏ quá, chưa thể ngồi xe đi xa được anh ạ. Em cứ phải dỗ dành cháu rằng bố sẽ về với con!? Anh Sắn nhập ngũ, ở nhà còn hai mẹ con…trống vắng quá. Em biết, các anh cũng luôn nhớ về vợ con, gia đình nhưng vì nhiệm vụ thì phải chịu thôi. Bây giờ mọi người đều như vậy cả chứ có riêng gì nhà em đâu, em vẫn động viên nhà em yên tâm làm nhiệm vụ. Miệng thì nói vậy nhưng trong lòng buồn, lo lắm, anh à”.
Lần đó, may mắn có chị xã đội trưởng là chủ nhà Sắn ở, thu xếp cho vợ chồng Sắn ngủ ở gian nhà còn bỏ trống gần nơi trực chiến của dân quân.
Mấy tháng sau, vợ Sắn sinh được con trai. Cháu nặng 3,8kg, bụ bẫm, kháu khỉnh lắm.
Sắn hy sinh ngày 13/4/1975 ở Xuân Lộc, Long Khánh. Tôi trực tiếp khâm niệm cho Sắn, cùng các đồng đội chôn cất cẩn thận. Giữa năm 1976 tôi được ra bắc nghỉ phép, đến thăm và trao cho cô Chung quyển sổ nhật ký của Sắn (quyển nhật ký này, Sắn nhờ tôi giữ hộ trước khi hy sinh chỉ hơn 10 phút – Tôi đã viết trong bài “ký ức tháng tư” đăng trên Facebook ngày 13/4/2021, tạp chí Phát Triển và Hòa nhập cũng đăng trong số in tháng 4/2021). Nhớ lại những ngày ngắn ngủi cô Chung lên đơn vị thăm chồng, tôi thương cô ấy quá. Hai cháu con của Chung-Sắn đều được nuôi dưỡng tốt và đã trưởng thành.
Vợ cậu Biểu thì còn trẻ lắm, hai đứa cùng làm việc ở một đơn vị Địa Chất, cưới nhau được 6 ngày thì Biểu nhập ngũ. Hôm vợ Biểu lên thăm, anh em trong trung đội tiếp đón rất vui vẻ, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để vợ chồng Biểu ở bên nhau. Vợ Biểu thật thà nói: “Vợ chồng em mới bén hơi nhau thì lại phải xa nhau, em nhớ từng hơi thở của anh ấy. Bây giờ các anh còn luyện tập ở đây, em cố thu xếp lên với chồng, để được ở bên nhau nhiều hơn, để động viên nhau cùng cố gắng...”. Biểu bảo: lần này vợ em lên chơi, đúng dịp đơn vị sắp bắn đạn thật, kiểm tra môn xạ kích. Trung đội đôn đốc tập luyện cả chiều và buổi tối. Em không có nhiều thời gian dành cho vợ - thương cô ấy quá”. Nghe Biểu nói vậy, một cậu trong tiểu đội động viên: “ yên tâm, yên tâm đi. Thời đánh Pháp, có anh vệ quốc đoàn xin về thăm vợ một đêm, hôm sau đi đánh thắng đồn Tây, anh nói vì bàn tay có hơi vợ đấy thôi”. Tiểu đoàn trưởng thì tuyên bố: “Ngày mai, đồng chí nào bắn đạt 3 điểm 10, tiểu đoàn sẽ cho nghỉ phép 3 ngày.
Hôm sau, tiểu đoàn tổ chức cho C2 bắn đạn thật ở thao trường núi Đót, B6 bắn đầu tiên. Có 5 anh đã bắn đạt từ 23 điểm đến 26 điểm, 1 anh được có 18 điểm thôi. Đến lượt Biểu, vừa nghe đọc đến tên, cậu ấy đứng lên cầm súng, làm động tác nằm bắn. Không hiểu sao tay cậu ấy rung quá, trán toát mồ hôi, đưa súng lên ngắm, lại đặt xuống. Trung đội phó Quyết thì cứ cằn nhằn: “hôm qua vợ nó vần cho suốt đêm, còn sức đâu mà bắn, sui sẻo cho trung đội thật”. Anh em thì động viên Biểu: “Cứ bình tĩnh, bình tĩnh. Hít một hơi thật dài, thở ra từ từ, làm đúng động tác...quyết tâm bắn trúng đích, làm quà cho vợ nào”. Biểu lại nâng súng lên, ngắm rồi bắn rất nhanh cả ba viên. Bắn xong, làm động tác đứng lên, bước về đội hình. Theo hiệu lệnh cờ, số điểm được báo: 10...10...10. Tiếng vỗ tay vang lên. Anh em trong tiểu đội ôm lấy Biểu tung người lên, vui quá, mừng quá. Một cậu nào đó nói: “ Đúng là bàn tay có hơi vợ mà, có hơi vợ mà!”. Biểu đạt thành tích cao nhất toàn tiểu đoàn.
Tôi với Bàng, Thành, Lợi ở trong nhà Bác Sáu. Trong ngôi nhà ngói 5 gian: Gian buồng bên trái là phòng ở của cô con dâu tên là Cúc – đẹp người, đẹp nết. Chồng Cúc tên là Cuông cũng là bộ đội đóng quân ở xa, 4 tháng ở đây tôi chưa thấy anh ấy về thăm nhà lần nào. Gian kế tiếp là giường ngủ của Bác Sáu. ở gian giữa có ban thờ, tủ chè và bộ tràng kỷ, vào buổi tối - trên bàn luôn có ngọn đèn dầu để nhỏ lửa, gian thứ tư kê một tấm phản gỗ to, bác Sáu xếp cho Bàng, Thành, Lợi nằm, chừa lối đi vào buồng bên phải là tấm phản gỗ đơn, bác bảo tôi nằm ở đó. Cửa căn buồng - bác buộc chặt bằng giây thép, khóa chốt bên trong. Trong căn buồng này, hai cô con gái bác là Vĩnh và Thịnh ngủ, họ ra vào bằng cửa mở ra hành lang. Bác gái nằm ở nhà ngang bên dưới, cửa nhà ngang luôn mở, từ giường bác gái nằm nhìn rõ lên cửa buồng của hai cô con gái. Bác Sáu rất vui tính, hai bác và các em trong nhà rất thân thiện và thông cảm giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôi thấy rất ấm áp về tình cảm gia đình ở đây. Bác Sáu thấy tôi lớn tuổi hơn cả, đã có vợ có con lại là cán bộ nhà nước nhập ngũ, bác có phần tín nhiệm hơn. Bác bảo: “ các anh ở đây luyện tập mấy tháng, đi B thì lại có đợt quân khác đến. Đợt quân này có gowin99 hơn nên thái độ, tác phong khác hẳn. Trước đây, có những lính tân binh phá phách lắm. Nhà tôi có tới ba quả bom nổ chậm, sơ sẩy một tý là nguy hại ngay đấy”.
Tôi nhớ một buổi tối, anh em đã lên phản nằm, chuẩn bị đến giờ đi ngủ. Cậu Thành huých tay vào Bàng, nói trêu: “tối nay chúng mình đánh chiếm mục tiêu ban đêm nhé”. Nghe Thành nói vậy, bác Sáu đang nằm trên giường ngồi pốc ngay dậy: “các anh định chiếm mục tiêu nào đấy, liệu hồn nhé!?”. Thấy mấy cậu đùa hơi quá, tôi đi lại gần nói với bác Sáu: “Chiều nay đơn vị cháu học khoa mục: đánh chiếm mục tiêu ban đêm, anh em ôn luyện với phương châm: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu” bác à.
Vợ Bàng làm bên ngành giao thông, xí nghiệp đang thi công gần cầu Trung Dã, cách đây không xa, nên cô ấy đến thăm chồng được nhiều lần. Lần đầu tiên vợ Bàng đến, vợ chồng gặp nhau mừng lắm. Gần đến tối rồi, Bàng lo lắng đêm nay hai vợ chồng ngủ ở đâu đây. Bàng bảo tôi: “ anh thu xếp giúp vợ chồng em đi”. Vợ Bàng thật thà nói: “Anh ạ, nguyên vọng của em là cố gắng đến gặp chồng nhiều lần, hy vọng trước khi anh ấy vào chiến trường, có đứa con để lại cho em, anh giúp vợ chồng em nhé”. Tôi bảo: tại nhà bác Sáu, không có chỗ nào có thể cho cô chú ngủ được đâu, để anh nói chuyện với bác Sáu, anh nói trêu bác vài câu rồi nhờ bác giúp. Tôi đi lại thưa chuyện với bác Sáu:
- Thưa bác, vợ cậu Bàng lên chơi, tối nay bác cho cô ấy vào ngủ chung với em Cúc nhé?
- Không được, chồng nó cũng là bộ đội đang vắng nhà, cho cô ấy vào ngủ chung, nửa đêm anh Bàng thèm vợ, mò vào rồi nhầm lẫn lung tung à!?
- Thế thì bác cho cô ấy vào ngủ chung với cô Vĩnh, cô Thịnh?
- Cũng không được, chúng nó là gái chưa chồng!
- Gay quá nhỉ, thế thì đêm nay tôi sang ngủ chung với Thành với Lợi, còn vợ chồng Bàng chịu khó nằm úp thìa trên tấm phản đơn này vậy!
Nghe tôi nói vậy, bác Sáu đứng lên nói:
- Bậy nào, cả nhà người ta nằm đây, úp thìa, úp thiệc cái gì.
- Thế chúng cháu nhờ bác giúp cho cô chú ấy có chỗ ngủ đêm nay, chỗ nào cũng được, miễn là vợ chồng nó được ngủ chung.
- Được rồi, để tôi đi hỏi xem đã.
Một lúc sau bác Sáu về, cầm trên tay chùm chìa khóa. Bác bảo tôi với Bàng cùng đi. Ra đến nhà kho thóc của HTX ngay gần nhà. Bác Sáu mở khóa kho rồi bảo chúng tôi leo lên, cào bằng đống thóc trong kho, xong xuống sân nhà kho bốc rơm lên trải dày một lớp. Lượng thóc trong kho chưa nhiều, đi đứng thoải mái. Bác Sáu lên kiểm tra rồi nói: “tốt rồi, ở đây vừa yên tĩnh, rộng rãi, anh Bàng về mang màn, chăn chiếu ra, tối nay anh chị chiến đấu suốt đêm được đấy!”. Sáng hôm sau, thấy Bàng về có vẻ mệt mỏi, Thành trêu:
- Bị vợ bóc lột quá sức à?
- Đâu có, tại trong kho nhiều chuột quá, vợ mình lại sợ chuột, vừa thiu thiu ngủ, thấy chuột đuổi nhau kêu chí chóe, vợ đang nằm ngủ quay sang ôm chầm lấy minh. Thế là hai vợ chồng cứ lục sục suốt cả đêm, để...đuổi Chuột.
Vợ Bàng lên đơn vị được bốn lần. Bàng dặn vợ: “ lần này mà có kết quả, khi sinh – nếu là con trai thì em đặt tên là thằng Kho, nếu là con gái thì em đặt tên là cái Thóc nhé. Chúng tôi chúc cho vợ chồng Bàng đạt được điều mà họ mong ước.
Bàng hy sinh cuối năm 1974 ở chiến trường miền tây nam bộ. Rất tiếc vợ chồng họ không sinh được người con nào!
Khi tôi nhập ngũ, vợ chồng tôi đã có hai con, vợ tôi làm việc ở cơ quan, công việc cũng bận nhiều. Sau ngày tôi nhập ngũ được gần một tháng, vợ tôi đến thăm. Cô ấy mang đến rất nhiều thứ: một con gà đã luộc chín, xôi, kẹo, chè, thuốc lá …Tôi ngỡ ngàng nói:
- Công việc của em bận thế, lại còn hai con nhỏ, đường xa tới gần 6okm, em đi vất vả quá mà. Ở đây, các anh được ăn uống đầy đủ, em không phải tiếp tế thế này đâu!
- Em đã gửi hai con về ở với bà ít ngày, anh yên tâm. Em mang mấy thứ lên để anh em liên hoan cho vui thôi.
Vợ tôi nói thêm: “Mấy tháng nữa các anh đã vào chiến trường rồi, em muốn lên để vợ chồng gặp nhau, được ở bên nhau, khi anh đi B rồi thì biết đến bao giờ mới lại được ở bên nhau, mà liệu có còn được gặp mặt nhau nữa không – chiến tranh, có điều gì nói chắc được đâu anh!?”
Vợ chồng tôi không có nhu cầu sinh thêm con trong thời gian này. Mong muốn của vợ là muốn đến để có thêm thời gian vợ chồng ở bên nhau, trước khi chúng tôi vào chiến trường. Nghe em bộc bạch thế, tôi thấy thương vợ quá. Chính vì vậy, sau ngày miền nam được giải phóng, may mắn còn sống sót, được trở về cơ quan cũ làm việc, tôi luôn dành nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình, vợ con. Cho đến tận bây giờ, đi đâu tôi cũng luôn muốn có vợ cùng đi.
Chiến tranh vô cùng tàn khốc, hàng triệu những người con của đất Việt đã phải nằm lại trên chiến trường. Hàng triệu bà mẹ mất đi những người con yêu dấu, người vợ trở thành góa bụa, biết bao cháu nhỏ phải mồ côi cha.
Trong đại đội 2 của tôi còn một số đồng chí nữa cũng có vợ lên chơi, tình cảnh cũng như nhau cả. Họ cùng chung một mong muốn được ở bên chồng thêm ít ngày nữa, trước khi chúng tôi vào chiến trường. Sự mong muốn bình dị đó chứa đựng đầy ắp tình yêu thương, nhớ nhung, với tâm trạng vừa hy vọng, vừa lo âu! Trong bốn người tôi kể ở trên thì Sắn và Bàng hy sinh, bốn người cùng ở nhà bác Sáu: Tôi, Bàng, Thành, Lợi thì Bàng hy sinh cuối năm 1974, cậu Lợi hy sinh ở Hàm Tân (miền đông nam bộ) tháng 3/1975. Cả đại đội 2 của tôi có 148 người đi B, đến nay chỉ còn hơn 30 anh em về gặp mặt nhau trong những dịp lễ, tết. Chúng tôi luôn nhớ thương những đồng đội đã hy sinh, những người sớm ra đi về cõi vĩnh hằng do thương tật, bệnh tật từ chiến tranh. Chúng tôi chia sẻ những mất mát, đau thương của những người vợ có chồng hy sinh ở chiến trường. Hàng năm, khi có điều kiện chúng tôi tổ chức đến thăm một số gia đình liệt sĩ, thăm đồng đội ốm đau…Những buổi tổ chức gặp mặt hàng năm luôn nhớ mời đại diện gia đình đồng đội đã hy sinh tới tham dự cho vui vẻ. Tổ chức về thăm lại nơi luyện quân ở thôn Phú Dương, xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Thăm các gia đình chúng tôi đã từng ở trong mấy tháng luyện quân. Vợ chồng bác Sáu đã qua đời, Vợ chồng anh Cuông – Cúc (con trai cả của bác sáu đã lên chức Cụ), các con của bác Sáu đều có cuộc sống ổn định, an bình, hạnh phúc.
Chiến tranh qua đi gần nửa thế kỷ rồi, tình Quân - Dân vẫn luôn gắn bó. Nghĩa tình đồng đội không bao giờ nhạt phai.
Theo Trái tim người lính