Giờ đây, mái tóc tôi đã lên màu sương khói, nhưng mỗi lần xuân đến Tết về, nhìn những chậu hoa nhiều màu sắc chưng bán bên đường; nhìn những đàn cháu mặc áo mới đang vô tư vui đùa trong nắng sớm, trong lòng tôi vẫn rộn lên nỗi nôn nao, thấy nhớ ghê những cái Tết của quê nghèo trong ngày thơ bé.
Hàng năm, khi những cơn gió nhè nhẹ thổi về mang theo chút se se lạnh báo hiệu mùa xuân, ở quê tôi (làng cổ Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) dưới những rặng tre ven đường làng người ta bắt đầu đặt những cái chảo to tướng để rang nổ làm các loại bánh. Khói bếp màu lam có mùi ngai ngái hòa quyện với mùi thơm của nổ, của đậu đã rang tạo nên một không khí rất riêng, chỉ có vào dịp Tết sắp đến xuân sắp về.
Lúc bấy giờ, khắp các ngả đường quê, nhà nhà, người người nô nức sắm sửa các vật dụng cho ngày Tết. Hai bên đường làng, từng dãy chảo rang gạo nếp, đậu xanh, hạt mè… để làm nguyên liệu cho các loại bánh nổ, bánh in, bánh khô, bánh tổ. Các lò đúc bánh tráng cũng hoạt động hết công suất để cho ra những cái bánh tráng, mì khô, làm nguyên liệu chế biến những món ăn phổ biến dịp này. Bên cạnh đó, nhiều nhà còn tổ chức làm mứt; mùi mứt gừng thơm nồng, mùi mứt dừa thoang thoảng hương va-ni, mùi đường ngọt ngào, mùi củi cháy nồng nồng lan tỏa khắp vùng quê.
Ngày nhỏ, theo mẹ vào chợ Tết vùng quê để mẹ mua cho chiếc áo mới đầu năm, nhìn lối vào chợ đã xuất hiện những chùm bong bóng bay đủ màu xanh, đỏ làm đôi chân tôi ngập ngừng không muốn bước. Dọc hai bên lối đi, người ta bày bán đủ loại hoa chưng tết tạo nên một khung cảnh ngập tràn sắc màu, nào là màu vàng rực của hoa cúc, màu trắng của hoa ly, màu phớt đỏ của loa kèn, màu tím của thạch thảo, màu hồng của đỗ quyên, màu vàng chen lẫn sắc xanh của hoa mai nở sớm...
Trong chợ, nhộn nhịp kẻ mua người bán với đủ thứ nông sản, thực phẩm, hoa quả, bánh trái, áo quần mới… mà ngày thường ít có dịp thấy chúng. Cuối cùng mẹ cũng mua được cho các anh chị em chúng tôi quần áo mới để “đi khoe xóm giềng”.
Rồi đến những ngày giáp tết, thường vào khoảng 28 - 29 tháng Chạp, nhà tôi bắt đầu chuẩn bị vật liệu, đặt nồi nấu bánh tét. Mẹ tôi vuốt sạch đậu, vo nếp, chị tôi cắt lá chuối, phơi cho hơi héo rồi mang vào lau lá. Mẹ trải chiếu giữa nhà, đặt các thứ nguyên liệu đã chuẩn bị từ trước lên: nếp ngâm, đậu xanh, thịt ướp.
Cậu Sáu tôi có đôi bàn tay khéo léo nên năm nào mẹ tôi cũng nhờ cậu gói bánh tét. Và thường thì phần nếp dư cuối cùng được cậu gói cho chúng tôi một cái bánh tét tí hon, trông cái bánh thật xinh xắn, dễ thương. Không có gì ấn tượng hơn, giữa trời đêm cuối năm se lạnh, không gian yên tĩnh, vừa ngồi canh nồi bánh tét đang sôi, vừa được nghe những câu chuyện cổ tích do bà tôi kể, thấy ấm áp, hạnh phúc vô cùng.
Ngoài bánh tét, năm nào cũng vậy, nhà tôi đều làm bánh khô nổ, khô mè. Đó là một loại bánh chế biến mất nhiều thời gian. Bánh khô nổ hoặc khô mè nếu làm đạt yêu cầu sẽ có màu sắc tự nhiên, đẹp, khô ráo, khi bẻ bánh ra bên trong có những sợi tơ đường, phần ruột bánh phải có độ xốp nhất định, ăn rất thơm. Ngoài cúng tổ tiên, ông bà trong ba ngày Tết, cha tôi còn dành ra một phần để cúng mùng 9 tết và rằm tháng giêng. Ra Tết, bánh khô, bánh in... là những món ăn nửa buổi khi đi làm đồng.
Ngày ấy, miền Trung xứ Quảng quê tôi nghèo khó, với đất đai khô cằn. Hạn hán, thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra khiến mùa màng thất bát. Dẫu vậy, hàng năm trong xóm nhiều gia đình vẫn ráng nuôi được vài con heo cỏ để ngày Tết làm thịt chia nhau mang về cúng tổ tiên, ông bà và làm món ăn cho bữa cơm được tươm tất trong ba ngày Tết.
Như thông lệ, cứ vào ngày 28 tháng chạp, nhà tôi làm heo để lấy thủ (đầu) cúng tất niên. Số thịt còn lại sau khi chia và biếu các nhà chú, bác, cô, dì, phần còn lại mẹ tôi chế biến các món như nấu đông, hon đường, rán mỡ và đựng vào thẩu để ăn dần.
Có lẽ con nít đứa nào cũng vậy, mong mau tết đến, hồi hộp chờ tết. Rồi đêm giao thừa của tuổi thơ tôi cũng đến, với khung cảnh mâm cỗ đầy hương vị trên bàn thờ tổ tiên, khói hương, trầm thơm ngát, tiếng pháo đón giao thừa giòn giã khắp làng… Sau thời khắc thiêng liêng giao hòa giữa đất trời, vạn vật, chúng tôi đi ngủ trong niềm vui lâng lâng, mong đến sáng hôm sau - mùng 1 tết - háo hức mặc áo mới, nhận phong bao lì xì, và cùng cha mẹ đi chúc Tết ông bà.
Ngày nay, xa quê biền biệt, cứ mỗi lần Tết đến xuân về, tôi lại nhớ về quê ngoại yêu dấu của tôi với những mùa xuân năm ấy. Có đêm, trong giấc mơ chập chờn hiện về đoàn người rước kiệu trên cánh đồng làng; nghe tiếng chiêng trống đánh vang rền khi tế lễ, nghe tiếng trống đua ghe thúc dục dưới sông xưa; được ăn lát bánh tổ chiên ngọt ngào thơm ngát hương gừng trong tiết xuân se lạnh… Những hình ảnh đó đã theo tôi suốt cả cuộc đời với mấy câu thơ của Đoàn Văn Cừ: “Mùa xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh / Đón tôi về xem hội ở làng bên / Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang rền / Người lớn bé mê man về hát bội…”.
Giờ đây, mái tóc tôi đã lên màu sương khói, nhưng mỗi lần xuân đến Tết về, nhìn những chậu hoa nhiều màu sắc chưng bán bên đường; nhìn những đàn cháu mặc áo mới đang vô tư vui đùa trong nắng sớm, trong lòng tôi vẫn rộn lên nỗi nôn nao, thấy nhớ ghê những cái Tết của quê nghèo trong ngày thơ bé.
Lão nông Đặng Toàn (93 tuổi, trú thôn Túy Loan Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết khi tham quan và trải nghiệm không gian Tết Việt Hòa Vang vừa qua, đã thấy rất ấn tượng với quy mô và hoành tráng của sự kiện và đánh giá rất cao không khí vui chơi, giải trí, và trải nghiệm tuyệt vời mà lễ hội mang lại, được cả du khách và người dân phấn khởi, hào hứng. Đối với ông Toàn và những người cao tuổi khác, việc tham gia vào lễ hội Tết xưa giúp họ sống lại những ký ức Tết xưa với nhiều cảm xúc dạt dào mà từ lâu đã lãng quên./.