Chúng tôi bắt đầu đi bộ vào đường dây Giải phóng do đoàn C50 quản lý, binh trạm nối tiếp trạm khách... đêm ngày hành quân qua những cánh rừng già bạt ngàn, đi theo chỉ dẫn của các đồng chí Giao liên, đoàn chúng tôi đi tới tỉnh Cambốt Campuchia.
Nói về lực lượng Giao liên phải nói đến sức mạnh, tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập. Chúng ta hình dung theo bản đồ hình S. Con đường mà các đồng chí Giao liên phụ trách được ví như mạch máu trong cơ thể, vươn tới khắp các mặt trận.
Nhìn nhận với góc độ cá nhân, các đồng chí Giao liên làm tôi thực sự ngưỡng mộ và khâm phục.
Tiếp đường hành quân, chuyển sang cung đường 1C, xuất phát từ Cảng Xihanucvin đi về 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Từ cung đường này chúng tôi được tiếp xúc nhiều, trực tiếp với những người chiến sĩ Giao liên. Hình ảnh họ rất bình thường giản dị, quần áo như người dân Nam Bộ. Ấn tượng nhất đối với tôi là những người con gái Giao liên với bộ quần áo bà ba, chiếc khăn rằn, vai khoác khẩu súng M16 của Mỹ. Đoàn chúng tôi gần 400 người, hành quân ban đêm dưới sự chỉ huy của ba người con gái Giao liên. Họ đi trước bơi qua sông bám địch bám lộ, rồi thoắt quay lại dẫn đường. Họ thực sự dũng cảm, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Họ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ an toàn cho các đoàn quân Giải phóng. Mọi cung đường, địa hình, địa vật... họ thuộc như những đường vân trong lòng bàn tay.
Những đêm vượt sông Hậu, tuân thủ theo đường dây Giao Liên, hai thuyền kẹp hai máy Cole 12 sức ngựa. Vượt vào ban đêm chắc chắn các đồng chí Giao liên đã nắm được quy luật của các Giang thuyền, lũ Ngụy quân Ngụy quyền.
Những đêm hành quân trên cánh đồng rộng mênh mông thẳng cánh cò bay, trời tối đen như mực, Giao Liên nói nhìn sao trên trời để xác định hướng đi.
Chúng tôi còn hành quân bằng thuyền qua vùng địch hậu giữa ban ngày. Là những trường hợp các đồng chí nằm viện, chuyển viện, đi công tác một hai người... nếu đi bằng đường bộ, lại phải một tổ Giao liên bám lộ bám sông. Vậy cơ sở của ta làm thuyền hai đáy, anh em nằm ở dưới, các má các chị để thóc gạo, củi khô ở trên, vì người dân có thẻ căn cước hợp pháp, đi đến đâu cũng được. Gan dạ biết bao.
Có những đêm bám lộ bám địch vượt sông, giữa cái sống và cái chết trong gang tấc mới hiểu được những người làm công tác Giao liên. Từ vĩ tuyến 17 cho tới vùng rừng đước Năm Căn- Đất Mũi, mạng lưới Giao liên thông suốt mang ánh sáng của Đảng tới tận bản làng ấp xã. Công việc của họ thầm lặng...
Chiến công của họ góp phần rất lớn trong cuộc chiến tranh Giải phóng Dân tộc để đến ngày Toàn Thắng.
Vinh dự sống và chiến đấu ở đơn vị tiểu đoàn 306 Trung đoàn 3 quân khu 9, đơn vị được Đảng Nhà nước Tuyên dương ba lần Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Chúng tôi luôn được bà con cô bác che chở tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho.
Thật lòng chiến trường nào cũng ác liệt cả, nhưng người chiến sĩ Giải phóng sống và công tác trên chiến trường sông nước Cửu Long miền Tây Nam Bộ được hơn những người lính khác. Chúng tôi được sống nhờ vào dân. Các má, các chị, các dượng lo cho từng miếng cơm manh áo. Ít khi bị đói. Nếu không may những nắm cơm buộc vào chiếc khăn rằn treo sau gáy bị dính nước thì chuyển sang ăn trái cây. Có khi ban ngày dân cho xuống chum chém vè, ban đêm mới lại đưa lên, cuộc sống của người lính chiến trường là vậy.
Những ngày công tác trên chiến trường Vĩnh Trà nay là Vĩnh Long- Trà Vinh, những trận đánh công đồn Chi khu, Yếu khu... con đường hành quân đêm của chúng tôi tiếp xúc nhiều với những người con gái Giao liên. Họ phụ trách các cung đường, dẫn chúng tôi luồn qua các ấp chiến lược. Ấp nọ đến xã kia. Bộ đồ màu đen bà ba, chiếc khăn rằn, mũ tai bèo, thuyền ba lá cùng chiếc cầu khỉ bắc qua kênh rạch... để lại nhiều nỗi nhớ cho những người chiến sĩ Giải phóng chúng tôi ngày ấy.
(Kính tặng CCB Phan Trọng Sâm)
19/8/2022
Trái tim người lính