Những buổi sáng cùng Thầy cô đi gọi học sinh từng nhà,trời nắng như trời mưa trời hạn như trời rét sáng nào cũng lắp tự như vậy. Cuối năm học đưa vào chỉ tiêu thi đua đánh giá về nhiệm vụ vận động học sinh.
Nhớ những ngày mưa bão cây đổ sập chắn ngang lối đi. Nam Giáo viên cầm dao rựa chặt cành chặt cây để khiêng xe băng qua đưa con chữ về cho học sinh trên các bản làng.
Nhớ những dòng nước xiết mùa lũ anh em phải dùng cây chuối làm bè cho xe máy lên bè đưa qua đường về nhà sau những ngày mắc kẹt giữa đường rừng Trường Sơn.Mưa rừng như xối nước áo quần sách vở mắm muối dưa cà đều ướt sũng...
Lại nhớ con đường xe Ben cày xới một màu đất đỏ xe máy người ngợm tóc tai bê bết bùn nhìn nhau cười không ngậm được miệng. Những ổ voi ổ trâu lút đầu gối mắc kẹt xe máy phải ba người mới hổ trợ nhau đẩy xe lên.
Nhớ những ngày mưa dân bản đi rừng về mang theo thịt lợn rừng chia cho các thầy cô. Bên bếp lữa nướng thịt xé chắm muối hạt dỗi nhai mỏi cả răng đến ngày sau thở ra vẫn còn nghe mùi thịt nướng.
Nhớ những lần sinh nhật cầm đàn ra bờ suối hát không cần Micro . Những bài ca về Tây nguyên hùng vĩ. Giọng nam cao vang dội núi rừng, danh ca Minh Thành có tiếng giữa bản làng một thời oanh liệt!
Nhớ những năm tháng 18 điểm trường trên xã Thượng Trạch Có 800 học sinh trực thuộc một trường tiểu học, có đến 68 giáo viên 1 hiệu trưởng 3 hiệu phó. Mỗi lần về họp tại trung tâm Cà Ròong 1 nghĩ ngơi, ở lại hai ngày phải mổ bò mới đủ để nấu ăn cho giáo viên... bát không đủ phải lấy nắp xoong nồi để đựng cơm thay bát.Đêm về phải mượn nhà văn hoá bản để cho giáo viên ngủ, nằm giữa sàn gỗ gió lùa vi vu.
Nhớ những khuôn mặt học sinh thân yêu rất đỗi vui mừng khi gặp lại thầy cô sau mỗi đợt nghỉ.
Dạy học mỗi tháng 22 ngày liên tục và về nghỉ 8 ngày rồi tiếp tục dạy 22 ngày của tháng khác. Dạy liên tục như vậy để giảm bớt việc đi lại vì đường sá xa xôi hiểm trở nên đến các điểm bản một lần cũng cảm thấy gay go.
Nhớ lễ hội đập trống của tộc Người Ma Coong tiếng trống vang dội núi rừng thâu đêm suốt sáng, có nhiều năm trống làm từ da trâu già nên đập không thể nào vỡ trống, dân làng lại kháo nhau có con Ma nó sắp về làm hại mùa màng và đời sống rẫy nương của đồng bào... thêu dệt những câu chuyện nghe đến rùng rợn.
Ôi nhớ những khuôn mặt học sinh thân yêu như những chú nai khờ, nụ cười trong veo bên suối, những chiếc váy thổ cẩm đặc trưng với nhiều tác dụng có thể làm áo, làm quần, làm chăn, lãm xã tạm địu em. Những mái tóc sém nắng hoe vàng đáng yêu biết bao.
Những cô gái dậy thì ngực nồng bỗng không che vô tư tắm bên dòng suối mát làm mồi cho những kẻ đa tình mê sắc dục, chưa đầy mười tám đã vội đi xa...
Nhớ những cụ già ngồi kể chuyện buôn làng dẫn ta vào thế giới hào hùng và lạc vào cổ tích, tiếng suối reo hằng đêm như tiếng thì thầm của đại ngàn hùng vĩ . Hơi thở rừng mang chút âm âm.
Nay đã khác xưa!
Đường sá đi lại dẫu còn xa xôi nhưng cũng không còn ổ trâu ổ voi như ngày xưa...bê tông hoá, nhựa hoá con đường về từng thôn bản.
Những đêm mưa cũng bớt buồn vì có điện năng lượng mặt trời. Ánh sáng của Đảng đã soi sáng đến gia đình từng người dân.
Tôi ngồi nhớ ngày xưa mà không thể tài nào liệt kê hết kỷ niệm 13 năm 11 tháng công tác tại vùng biên giới Tân Thượng Trạch.
Theo Chuyện quê