Ông Lê Duẩn nằm trong khoang thuyền, còn ông ngồi ở mũi thuyền. Buồn buồn ông đọc bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính:
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi mỗi bước trăm đường xót xa...
Nghe đến giữa bài thơ, ông Lê Duẩn chợt bật dậy, ra khỏi khoang, đến ngồi bên Trần Bạch Đằng hỏi: "Thơ ai mà hay thế cậu?". Trần Bạch Đằng trả lời đó là thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Lê Duẩn lại hỏi Trần Bạch Đằng: "Nghe nói Nguyễn Bính vào Nam Bộ đã mấy năm, cậu có biết giờ Nguyễn Bính ở đâu không?". Trần Bạch Đằng cho Bí thư xứ ủy biết Nguyễn Bính đang ở Hà Tiên, trong vùng kháng chiến, nhưng đang bị chính phủ Nam Kỳ tự trị của Nguyễn Văn Thinh chiêu hồi. Ai đưa được Nguyễn Bính về Sài Gòn sẽ được thưởng 1000 đồng Đông Dương, Nguyễn Bính tự nguyện về thành cũng được thưởng món tiền như thế và được trọng dụng. Nhiều bạn bè ở Sài Gòn cũng viết thư khuyên ông hồi chánh nhưng Nguyễn Bính quyết không. Nguyễn Bính đã viết hai câu thơ:
Mình không bỏ Sở sang Tề
Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi
Để nói lên quyết tâm theo kháng chiến của mình...
Lê Duẩn nghe kể liền nói với Trần Bạch Đằng bàn với anh em tìm cách đưa Nguyễn Bính về với Xứ ủy.
Nhà thơ Bảo Định Giang kể rằng khoảng cuối năm 1947 đầu 1948, chú bé giúp việc báo tin có một người tên là Nguyễn Bính muốn gặp. Đó là lúc Nguyễn Bính đã về R, được vào đội ngũ vệ quốc đoàn, được các tướng Trần Văn Trà, Nguyễn Vịnh dặn ông Bảo Định Giang "đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo".
Ông Lê Duẩn rất vui khi đón được Nguyễn Bính về với Xứ ủy, ông cũng nói với anh chị em lãnh đạo văn nghệ xứ ủy quan tâm đến tác giả Lỡ bước sang ngang để ông gắn bó lâu dài, phục vụ tốt nhất cho kháng chiến. Để Nguyễn Bính yên tâm theo kháng chiến, ông Lê Duẩn đã làm mối cho Nguyễn Bính với bà Nguyễn Hồng Châu, một nữ nhà báo dòng dõi trí thức lớn ở chiến khu, một nữ Đảng viên xinh đẹp. Chính Lê Duẩn trực tiếp đứng ra làm chủ hôn đám cưới của cặp trai tài gái sắc này.
Được sự quan tâm của nhà lãnh đạo kháng chiến cao nhất, các cơ quan Xứ ủy và anh chị em văn nghệ sĩ Nam bộ, Nguyễn Bính đã say sưa sáng tác phục vụ kháng chiến, trở thành nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ kháng chiến, được coi là "Tố Hữu của bưng biền Nam Bộ". Hàng chục bài thơ kháng chiến của ông đã ra đời được quân dân Nam Bộ yêu thích, truyền tụng rộng rãi, nhất là các bài Đồng Tháp Mười, Ông lão mài gươm, Tiểu Đoàn 307 (đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành bài hát rất nổi tiếng), Những người của ngày mai...
Đặc biệt Những người của ngày mai là bài thơ rất đáng chú ý vì bút pháp khá hiện đại. Vì bài thơ ít được biết nên tôi xin đưa lên cả bài:
NHỮNG NGƯỜI CỦA NGÀY MAI
Ở chòi hẹp nhưng hồn chìm vũ trụ
Trái tim đau vì thương cả loài người
Đã nhiều hôm họ không thấy bóng mặt trời
Bởi làm việc liên miên và bí mật
Này của riêng rút lại có bao nhiêu
Chiếc khăn tắm, bộ áo quần trong nóp
Hai năm rồi chưa xỏ chân vào guốc
Ăn cơm thiu vì ẩm ướt mưa đêm
Có những anh xưa bảy nổi ba chìm
Thay tên họ xông pha ngoài hải ngoại
Nhớ hận nước xăm xăm miền viễn tái
Dắt toàn dân làm cách mạng mùa Thu
Quê các anh ở miền Trung đá núi
Bãi cát vàng bờ biển uốn quanh co
Đêm trong xanh cao vút tiếng ai hò
Trên bến vắng một dòng sông nổi bạc
Quê các anh ở miền Nam bát ngát
Trái dừa xiêm nước ngọt buổi trưa nồng
Đôi ba cô con gái bán hàng bông
Chèo yểu điệu một xuồng đầy vú sữa
Theo đường kinh đi sâu vào biển lúa
Quê các anh ở miền Bắc xa xôi
Bước chân đi không biết mấy năm rồi
Xa cha mẹ, anh em, xa tất cả
Nương dâu xanh, chiếc cầu ao, mái rạ
Cô gái làng gội tóc nước hương nhu
Nhưng hình riêng chỉ là những tấm hình lu
Họ là đất, họ vui lòng làm đất
Để đắp xây nền độc lập lâu dài
Họ là ai?
Là người của ngày mai.
Có thể thấy là cảm hứng về cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ kháng chiến Nam Bộ, những Lê Duẩn, Trần Văn Trà, Nguyễn Vịnh...đã thôi thúc Nguyễn Bính làm bài thơ này. Đây có thể coi là một trong những bài thơ hay của thơ VN thời kháng chiến chống Pháp.
Sau một thời gian chung sống, cặp vợ chồng Nguyễn Bính - Nguyễn Hồng Châu xảy ra nhiều xung khắc, đổ vỡ. Khi bà Nguyễn Hồng Châu sắp sinh con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu, Nguyễn Bính bất ngờ xin ly hôn. Không biết ông trình bày những gì với Lê Duẩn mà Bí thứ Xứ ủy chấp thuận để chính quyền kháng chiến ký giấy chính thức chqo ông ly hôn. Đây thật là một bí ẩn ở lãnh tụ cộng sản Lê Duẩn. Người đồng ý cho Nguyễn Bính ly hôn cũng là người cấm không cho phổ biến đường lối văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông và kiên quyết không thực hiện cải cách ruộng đất theo kiểu Trung Quốc tại Nam Bộ.
Ít lâu sau khi ly hôn, Nguyễn Bính đã về Bến Tre cưới chính thức một người vợ mới là cô gái quê Mai Thị Mới, rồi có một con gái nữa tên là Nguyễn Hương Mai sau đứa con với bà Nguyễn Hồng Châu là Nguyễn Bính Hồng Cầu.
Cuối năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc theo tiêu chuẩn cán bộ miền Nam tập kết. Ông được trở về quê cũ nhưng lại xa quê mới, nơi ông có những hai người vợ và hai đứa con. Tâm trạng "ngày Bắc đêm Nam" (thơ Tế Hanh) làm nên những bài thơ xứng đáng lọt vào top những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính như Đêm sao sáng, Gửi người vợ miền Nam, Xuân nhớ. Hai bài Đêm sao sáng, Gửi người vợ miền Nam đã quá nổi tiếng, được nhiều người thuộc, nên xin đưa lên đây toàn văn bài thơ Xuân nhớ, bài thơ ít người được biết:
XUÂN NHỚ
Rộn rã xuân về giữa thủ đô
Hồn đơn gác lẻ đón giao thừa
Nhà ai hàng xóm khoe màu cúc
Vườn cũ mai vàng biết nở chưa?
Câu thơ đứt giữa lòng trang giấy
Mắt rượu mờ trông mái tóc thề
Đất Bắc phải đâu là đất khách
Sao lòng mãi nặng mối tình quê
Ngày muộn mẹ già hong tóc trắng
Khác nào mây núi đỉnh Trường Sơn
Mẹ ơi giữ lấy vườn mai nhé
Cho trải vàng xuân đẹp bước con.
Các bài thơ như rứt ruột gan mà viết này cho thấy 9 năm kháng chiến ở Nam Bộ và miền Nam bây giờ quan trọng thế nào với Nguyễn Bính.
Chỉ tiếc là nhà thơ kháng chiến Nguyễn Bính, "Tố Hữu của bưng biền Nam bộ", vì là chủ bút tờ tạp chí Trăm hoa đã phải chịu chung số phận với những tài năng lớn trong vụ Nhân văn giai phẩm và bị cắt biên chế đưa về quê làm nhân viên hợp đồng ở ty gowin99 Nam Hà.
Thật tiếc khi không có tài liệu nào về mối quan hệ của Nguyễn Bính với Lê Duẩn khi ông ra Bắc làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động VN từ năm 1960 .
Lê Duẩn là người chí nghĩa chí tình. Ông từng lén về Vĩnh Phúc để bảo Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc không được từ chức khi bị ông Trường Chinh truy vấn sát ván trong việc "khoán chui". Không lẽ khi ra Bắc, Lê Duẩn không còn nhớ gì tới nhà thơ ông hết sức yêu mến thời Nam Bộ kháng chiến giờ đang bị hoạn nạn...