Theo TS Tôn Quang Cường, các công nghệ trong giáo dục (EdTech) là thực tế rất cần với các trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, các giảng viên và sinh viên hoàn toàn không thể tự làm mà rất cần sự tham gia của doanh nghiệp EdTech vì sản phẩm Edtech muốn chiếm lĩnh được thị trường thì phải có bàn tay của doanh nghiệp để thương mại hoá. Ngược lại, các doanh nghiệp EdTech nếu tự phát triển sản phẩm của mình thì có thể có những khiếm khuyến do không nhúng trong môi trường thực tế của giáo dục. Vì thế, nhà trường và doanh nghiệp EdTech chắc chắn không thể thiếu nhau.
Cũng chính vì thực tế đó, TS Tôn Quang Cường cho rằng ngay cả các ngành khoa học cơ bản cũng cần chủ động với EdTech và hợp tác với doanh nghiệp để cùng có được những sản phẩm EdTech nhằm phục vụ cho không chỉ với nhu cầu của chính mình.
Còn theo TS Nguyễn Thành Nam – nhà sáng lập mô hình đại học học trực tuyến FUNIX, khác với các mô hình truyền thống thì giáo dục trực tuyến rất cần các giải pháp công nghệ để làm sao chỉ cần 1 người thầy để giảng dạy với số lượng sinh viên càng đông càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí và sinh viên nên tranh thủ tối đa để sử dụng các công cụ EdTech miễn phí cũng rất phổ biến trên mạng. Riêng trong thi cử với mô hình đại học trực tuyến thì lý tưởng nhất vẫn là vấn đáp trực tiếp hoặc trực tuyến thay vì sử dụng các công cụ chấm điểm trực tuyến do độ tin cậy không thể đạt được tuyệt đối.
Tiếp đó, TS Lê Hiếu Học – Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội đã cung cấp thông tin về mô hình xây dựng EdTech ở đây cũng không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài nhà trường thì mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp do nhà trường mở ra cho chính sinh viên của mình cũng là hết sức quan trọng.
Sau khi các doanh nghiệp EdTech giới thiệu các sản phẩm hướng tới giáo dục, phần giao lưu của hội thảo đã được thực hiện với sự chủ trì của TS Tôn Quang Cường cùng sự tham gia của các diễn giả đã tham gia thuyết trình.
Xung quanh tình hình thời sự về sự khủng hoảng của Trường Đại học Quảng Bình hiện đang nợ lương cán bộ, giảng viên do không có đủ nguồn thu từ học phí vì số lượng tuyển sinh quá ít khiến UBND địa phương này buộc phải họp khẩn để bàn giải pháp cứu vãn, TS Nguyễn Thành Nam cho biết, phải nhìn vào nguyên nhân sâu xa về sự thất bại ở đây. Các trường đại học địa phương nếu quá chú trọng đào tạo về công nghệ thì chắc chắn không thể có sức hút tuyển sinh và đương nhiên không có đủ nguồn thu cần thiết. Việc cần hơn của họ là phải làm thế nào khai thác thế mạnh của địa phương trong tuyển sinh mà đặc biệt là phục vụ du lịch và giáo dục phổ thông. Họ cũng hoàn toàn có thể tranh thủ EdTech để làm công cụ học tập cho sinh viên vì giá thành rất hợp lý. Bên cạnh đó, các trường địa phương nên hợp tác với các trường lớn để giảng viên của họ tham gia hợp tác đào tạo trực tuyến cho sinh viên.
Còn theo TS Lê Hiếu Học, kinh tế giáo dục luôn là một thực tế liên quan đến công nghệ giáo dục. Vì thế, không chỉ các trường địa phương mà ngay cả với mô trường giáo dục đại học và cao đẳng ở các đô thị lớn cũng cần tranh thủ ứng dụng công nghệ EdTech để tiết kiệm chi phí đào tạo.
Cũng theo TS Lê Hiếu Học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đương nhiên là không thể đứng ngoài cuộc với thực tế của EdTech trong các nhà trường. Vấn đề đặt ra là chính các nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã và đang cần những hành lang pháp lý phù hợp cho sự hợp tác không thể thiếu giữa hai bên. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hội thảo hôm nay đã không hề thấy sự hiện diện của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thay mặt các doanh nghiệp EdTech, ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc khối kinh doanh giáo dục của AWS PS bày tỏ mong muốn các nhà trường có thêm nhiều thiện chí hơn cho sự hợp tác mà đôi bên đều mong muốn. Mục tiêu của các doanh nghiệp EdTech không phải là kiếm tiền trực tiếp với đối tác của mình vì thị trường trong lĩnh vực này hết sức rộng mở và có nhiều tiềm năng lớn.