Ông học giỏi từ nhỏ, là học sinh xuất sắc của Lycée Condorcet, từng nhận phần thưởng danh dự về môn tu từ học và giải thưởng toán học. Từ năm 1878, Bergson học trường Sư phạm, đỗ thạc sĩ Triết học. Năm 1889, ông bảo vệ luận án tiến sĩ với luận văn Các dữ kiện trực cảm của ý thức.
Năm 1900, ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm bộ môn Triết học Hy Lạp trường College de France. Năm 1914, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp và trở thành chủ tịch Viện Hàn lâm các khoa học chính trị và đạo đức.
Những hiện tượng thuộc về trực giác (đôi khi ông gọi là thấu thị hay viễn cảm) mới là cánh cửa quan trọng để đi vào và khám phá thế giới tinh thần con người. Những ảo tưởng, mơ hồ của ý thức, chứng quái ảo của giấc mơ… nhiều khi không được chú ý, nhưng lại được Bergson quan tâm và chú ý hơn. Tiểu luận Năng Lực Tinh Thần (L'Energie spirituelle) được ông dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu những hiện tượng ấy.
Trong những năm đầu của thế kỉ 20, Henri Bergson viết nhiều công trình khảo cứu cơ bản, mà quan trọng nhất là L'Evolution créatrice (Tiến hóa sáng tạo, 1907), đây là công trình ảnh hưởng sâu rộng tới giới trí thức hàn lâm. Bergson cho rằng, chỉ có bằng lý hội trực giác mới nắm được hiện thực, phải phân biệt "thời gian toán học" đo bằng đồng hồ và "thời gian trực cảm" (duree) của đời sống nội tâm luôn luôn vận động, không cắt ra từng mảnh được. Về quan niệm sự sống, ông chủ trương thuyết sức sống, "sự tiến hóa sáng tạo" mà cơ sở là "đà sống" (élan vital).
Muốn bắt gặp chân lý tuyệt đối, theo Bergson thì phải gạt bỏ ngay hệ thống tư tưởng đã được nhồi nhét trong óc chúng ta, phải căn cứ trên “trực giác”. Trực giác này do lương tri của chúng ta cho chúng ta mỗi khi chúng ta đứng trước một sự vật, không cần phải lý luận nhiều.
Bergson biện luận, chúng ta đứng trước bức tường trắng (chân lý). Người này thấy bức tường màu đỏ, người khác thấy bức tường màu vàng. Nghĩa là người này đeo kính đỏ, người khác đeo kính vàng. Muốn thấy đúng màu trắng của bức tường thì phải vứt bỏ kính đi (hệ thống tư tưởng đã bị nhồi nhét trong óc), nhìn bức tường trực tiếp bằng cặp mắt trời cho. Khi ấy, ta thấy bức tường mầu trắng.
Bergson cho rằng: Có hai cách khác nhau để hiểu biết một vật. Cách thứ nhất là chúng ta đi quanh sự vật. Tri thức nhận được chỉ mang tính tương đối vì tri thứ này tùy thuộc chỗ chúng ta đứng để quan sát. Cách thứ hai là chúng ta đi vào trong sự vật, tri thức nhận được mang tính tuyệt đối, vì ta khắc phục được những giới hạn của một phối cảnh cụ thể nào đó, chúng ta lĩnh hội được sự vật đúng theo thực chất của nó.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Henri Bergson:
- Matière et mémoire (Vật chất và ký ức, 1896)
- L'Evolution créatrice (Tiến hóa sáng tạo, 1907)
- L'Energie spirituelle (Năng lực tinh thần, 1919)
- Les deux sources de la morale et de la religion (Hai nguồn của luân lý và tôn giáo, 1932)
- La pensée et le mouvant (Tư tưởng và chuyển động, 1934)