Tôi đọc lời giãi bày của chị ngay trang đầu tiên: "Tôi làm thơ để chống lại nỗi buồn và sự cô đơn. Dẫu biết rằng đến với thơ chẳng dễ gì." Đó là lời tâm sự của người đàn bà làm thơ hay là lời khẳng định của chị trên trang đầu tiên của ấn phẩm thứ 8" Tuyển tập thơ" Nguyễn Thị Thúy Ngoan.
Sách đẹp, nhẹ nhàng, với màu bìa trang nhã, còn thơm mùi giấy mới. Tuyển thơ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép phát hành quý 3/2022. Tuyển tập được chia làm hai phần: Phần một là các bài thơ hay được chị lựa chọn từ các tập thơ trước đó. Phần hai là phần các bạn văn viết về nhà thơ Thúy Ngoan và thơ. Thơ của chị thật buồn! Đó là nỗi buồn thân phận rất đỗi đàn bà. Ta đọc trong nỗi buồn ấy một sự khao khát rất đàn bà, nỗi đau hiện hữu chân thật cứ như xuyên suốt tập sách nhưng gần gũi, giản dị. Một người đàn bà đẹp bị “đứt gánh giữa đường” sẽ sống thế nào và làm gì để nuôi đàn con khôn lớn, trưởng thành và vượt qua nỗi đau thân phận? Gió bấc như dao cùn / Mưa phùn như chưa sắc/ Cứa vào đêm! Em / Liêu xiêu ngõ nhỏ/ Lạc trong sương bóng mình / Đêm vỡ ra hư thực “(Đêm) Còn bao nhiêu nỗi lo toan gia đình của người đàn bà phải thay chồng để chăm lo làm tốt cho những bổn phận làm dâu của mình. “Trên đầu đội mấy vòng tang Sợi dọc cho mẹ, sợi ngang cho chồng”! Đọc những câu thơ chị viết cho quê hương, cho mẹ chồng, cho em dâu… “Gió đưa diều mỏng đứt dây Quê chồng một bóng, vai gầy, tóc thưa”.
Tôi biết chị từ lâu nay, đặc biệt là sau mỗi chuyến đi Hải Phòng giao lưu thi ca cùng bạn văn đất cảng. Mỗi lần được gặp gỡ, trò chuyện cùng chị, tôi vẫn nhận thấy ở chị một hồn thơ sâu thẳm và nét buồn, sự đau đáu lo toan hiện trên gương mặt đẹp một người quả phụ. Những nỗi buồn đẹp đã thêu dệt nên tính cách người thơ và những vần thơ u buồn, không bị nụt và đa đoan! Chị là nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng. Một người đàn bà mang vẻ đẹp và phẩm chất của phụ nữ Việt Nam khá truyền thống. Đó là sự nhẹ nhàng, dịu dàng, một tình yêu đằm thắm. Ở chị, ta thấy vừa có chút gì đoan trang, nghiêm nghị, lại vừa có chút gì cởi mở, chân thành. Đó là hình ảnh của những phụ nữ ưa cuộc sống nội tâm. Từ những ngày đã xa, tôi nhớ hình ảnh chị luôn gắn với bài thơ "Nón không quai". Cảm giác về một người đàn bà đẹp vẫn bước đi trong giông bão cuộc đời, số phận luôn “chòng chành như nón không quai!” Hoặc bài Trăng Goá được chị viết từ năm 1980 dưới đây là một ví dụ điển hình: “Dòng sông ngợp gió/Trăng lúc mờ lúc tỏ/ Em như con thuyền nhỏ/ Trôi giữa dòng sông anh / Những đêm xanh/ đi qua! đi qua! rồi một đêm/ bão đến/ Anh xa! Để lại sau thềm / Trăng góa!...” Hoặc như bài cái bóng khá hay dưới đây: “Đũa có đôi / Mâm có bát/ Em một mình/ Chan nước mắt vào cơm/ ngoài thềm gió lạnh mưa tuôn/ Em ngồi nuốt cả nỗi buồn tháng năm/ Anh ơi trăng khuyết lại rằm/ Em như sông cạn trăm năm chẳng đầy/ Tuốt trăng luồn chỉ cỏ may/ Em ngồi vá víu tháng ngày xa xưa/ Cải già đã nẫu thành dưa/ Bồ hòn thì ngọt - chát chua thì bùi/ Em và cái bóng lẻ đôi/ Rưng rưng một bát - một người - một mâm!” (2002). Quan trọng là thơ chị không vì đau buồn mà trở nên bi lụy, chán chường. Đọc thơ Thuý Ngoan, người ta thấy thương cảm nhiều hơn nhưng không có cảm giác bị người đời thương hại. Chị luôn giữ được sự kiêu hãnh cần thiết cho mình:" không quai thì đã làm sao!". Một người đàn bà đẹp, có tâm hồn sâu sắc và luôn giàu nghị lực sống khi đã trải qua nhiều năm tháng gian truân sẽ biết phải làm gì. Nuôi một đàn con ăn học, trưởng thành trong thời bao cấp ngày xưa đâu có dễ dàng gì. Chị là một hình ảnh tiêu biểu về sự hy sinh, vượt khó vươn lên của đàn bà. Những người phụ nữ giàu nghị lực sống, dẫu khổ sở đến thế nào, họ vẫn giữ được nét đẹp bình dị, sự thủy chung như nhất. Đọc tuyển tập thơ Nguyễn Thị Thuý Ngoan, ta thấy chị đã từng viết nên những câu thơ gan ruột để chống lại nỗi buồn và sự cô đơn cho chính mình. Chị giãi bày, nói chuyện với đêm bằng cách tự độc thoại với chính mình. Người đàn bà hàng đêm tự truy tìm lẽ sống và bản thể chính mình. Người đàn bà lấy ký ức tình yêu và thi ca làm nơi bám víu để sống tròn đầy và nội tâm hơn. Chị lấy thơ ca và những đứa con làm động lực sống và sáng tác. Hãy đọc “mùa xuân không anh” để thấy tình yêu chung thủy và sự trong trẻo thuở ban đầu của chị: “Anh đi... Bỏ lại em một thời xuân sắc. Bốn mươi năm đêm nào em cũng khóc, nghe tiếng thạch sùng tặc lưỡi đêm sâu. Em ghen với mùa xuân như thuở ban đầu, cứ rực lên nồng nàn hương sắc, ngực căng tròn rực rỡ tuổi đôi mươi. Đặt lên ngực mình giờ lạnh giá bàn tay, má đã tàn nhang và mái đầu điểm bạc, chăn dẫu đắp chẳng thể nào ấm được. Di ảnh anh mấy mươi năm nguyên vẹn hình hài, chỉ đôi mắt trẻ trai nhìn em lặng lẽ...Thăm thẳm như dòng sông im lặng đến bao giờ? Mênh mông tình anh không bến, không bờ... Vĩnh hằng mùa xuân… Vĩnh viễn không anh... Em đã đi qua... bao mùa giông bão! Trái tim đập: Tình yêu mách bảo, nhịp vẹn nguyên trong trẻo buổi ban đầu”! (31/02/2010). Không hiểu sao, đọc thơ Thuý Ngoan, tôi cứ liên tưởng đến vẻ đẹp của những thiếu phụ xa xưa khi họ ngồi than khóc về sự ra đi của chồng mình. Có một sự kết nối cổ điển nào đó giữa họ với người đàn bà thơ mang tên Thuý Ngoan chăng? Để chọn cho mình một cách sống an nhiên và tự biết cách xoa dịu những nỗi đau bằng thơ, điều ấy là quá khó với một người đàn bà đẹp như chị! Tôi nghĩ thế! Cuộc sống nội tâm hơn khi người ta biết vin vào câu thơ, biết lấy thơ ca làm người bạn tâm giao hàng đêm, thơ giúp chị đẹp hơn và sâu sắc hơn khi biết tự chữa lành vết thương để vượt qua nỗi bất hạnh của cuộc đời. “Câu thơ mỏng mảnh mồ côi/ Đêm đông gió lạnh mình tôi ru mình!".
Thơ Thuý Ngoan cơ bản là buồn. Một nỗi buồn đẹp và đậm chất dân gian. Những người đàn bà cổ điển, yêu chồng, thương con và giàu đức hy sinh. Những nỗi niềm thân phận đàn bà buồn đau và mất mát. “Nửa đêm vùng dậy soi gương/ Thương cho phận gái dặm trường còn xanh". Cho dẫu thế, chị vẫn sống dịu dàng, thủy chung, luôn dạy đàn con mình sống yêu thương, sống lương thiện. Yêu chồng, thương con nên chị chấp nhận cuộc sống đơn thân vì các con. Chồng chị - một nhà giáo giỏi họ Phạm, anh là nhà giáo Phạm Thìn dạy văn trường cấp 3 Ngô Quyền một trường tên tuổi của thành phố Hải Phòng. Anh ra đi mãi mãi khi chị mới 27 tuổi đời. Cái tuổi đàn bà mới biết thế nào là tình yêu vợ chồng. Người đàn bà trẻ đẹp như chị khi ấy phải che giấu cảm xúc khát khao, để lo toan chăm sóc và dạy dỗ các con khôn lớn. Người thơ đã đi qua nhiều thăng trầm, để bây giờ có thể an nhiên nhìn lại hạnh phúc của mình và của người đời: "Hạnh phúc như cát khô/ Nắm chặt Cát tìm kẽ tay trốn mất/ Người đàn bà giữ được hạnh phúc/ Nương nhẹ cát/ Tưới bằng nước mắt/ Cùng những lời ngọt ngào/ Cát ngủ trong lòng tay".
Ngưỡng mộ chị, một hồn thơ buồn mang tên Nguyễn Thị Thuý Ngoan! Tôi viết đôi dòng cảm nhận về chị và thơ của chị - Người đàn bà làm thơ đằm thắm mang nỗi buồn đẹp! Mong sao chị luôn có một cuộc sống an nhiên và hãy cứ yêu thương cuộc đời, dẫu cho cuộc đời này còn nhiều nỗi đau buồn!
(Hà Nội 4/9/2022)