Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” lấy cảm hứng từ câu chuyện về Trung đoàn mũ sắt - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều đồng chí là người Hà Nội gốc. Sau thời gian luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó như: mũ sắt của Liên Xô, áo Tô Châu của Trung Quốc… cũng là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41 tại chiến trường. Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26/3/1968. Trong trận đánh này, gần chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với Mỹ tại điểm cao 995-996.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra. Vì thế, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm hài cốt đồng đội.
Hơn 10 năm qua, những hành trình thầm lặng của họ đã giúp cho “đường về nhà” của các liệt sĩ ngắn lại, nhiều gia đình đã tìm được người thân của mình. Đặc biệt, trong những chuyến đi ấy, nhiều ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy. Những đóng góp thầm lặng của các Cựu chiến binh được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận. Trong những chuyến đi tìm đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt, có rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cả những bạn trẻ tình nguyện viên trên mọi miền Tổ quốc đồng hành, hỗ trợ cung cấp sử liệu làm căn cứ giúp các bác, các chú tìm đồng đội của mình. Đặc biệt, trong những hành trình thầm lặng ấy, có cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Chư Tan Kra…
Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” ra đời trong nguồn cảm hứng, cảm xúc về thế hệ những người lính thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu cho Tổ quốc và những người lính trở về, dù mỗi người một số phận, hoàn cảnh riêng, có nhiều người là thương binh, gặp nhiều khó khăn do sức khỏe, tuổi tác… nhưng họ vẫn giữ khí chất, tinh thần dũng cảm, hào hoa, sống và hành động vì nghĩa lớn.
“Chư Tan Kra mây trắng” có 6 chương, gồm: Chương I - Giấc mơ vụn; Chương II - Đỉnh gió; Chương III - Bên kia đại dương; Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về; Chương V - Gửi hòa bình; Chương VI - MẸ.
Chương I - Giấc mơ vụn: Nội dung về những giấc mơ chập chờn, trở đi trở lại, không theo trật tự, tuyến tính… của một nữ phóng viên chuyên thực hiện các chương trình về liệt sĩ. Và những giấc mơ của cô khởi nguồn sau những chuyến đi cùng các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt tìm hài cốt đồng đội tại Chư Tan Kra. Tác giả cho biết, nguyên mẫu của nhân vật này chính là các Phóng viên, Biên tập viên của Chương trình Đi tìm đồng đội (một chương trình rất nhân văn của kênh Truyền hình QPVN) mà chị có cơ hội tiếp xúc, tương tác trong công việc và trở thành bạn bè. Các anh chị đều còn trẻ nhưng đầy nhiệt huyết, không quản gian khó và giàu lòng trắc ẩn về công việc ý nghĩa này.
Chương II - Đỉnh gió: Là hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn 209 với nhiều cung bậc cảm xúc và chất liệu thực tế. Họ đi tìm đồng đội chủ yếu vào mùa khô, nhưng cũng có những chuyến tìm kiếm đặc biệt vào mùa mưa, điều kiện thời tiết, đi lại và tìm kiếm vô cùng khó khăn. Các Cựu chiến binh đối diện với nhiều thử thách nhưng ý chí, tinh thần luôn vững vàng, truyền lửa cho lớp trẻ và động viên, đồng cảm với gia đình thân nhân liệt sỹ. “Đỉnh gió” có nhiều chi tiết xúc động mà khi nhắc nhớ, các Ccb vẫn rơi nước mắt, như: Do thời gian, điều kiện khí hậu nhiều hài cốt liệt sỹ đã hoàn thổ, tan vào đất, chỉ còn những kỷ vật; Câu chuyện cha tìm con, con tìm cha, em tìm anh, cháu tìm ông, tìm chú…; tình cảm của những người lính già với thế hệ trẻ…
Chương III - Bên kia đại dương: Khai thác góc nhìn của những người lính Mỹ bên kia chiến tuyến trở lại chiến trường xưa, cùng các Cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sỹ. Cũng như những người lính Việt, họ chịu nhiều ám ảnh chiến tranh, có người là thương binh, nhiễm chất động Dioxin, ở độ tuổi bảy mươi với những nỗi dằn vặt, ám ảnh lớn khiến họ quyết định trở lại Chư Tan Kra cùng nhiều tư liệu về trận đánh năm xưa. Theo chia sẻ của tác giả, đây vừa là những nhân vật có thật, với tình tiết thật, vừa mang tính khái quát về hình ảnh Cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về: Xoay quanh câu chuyện về tình mẫu tử. Những người mẹ ngậm ngùi tiễn con ra trận, khôn nguôi hi vọng đứa con mười tám, đôi mươi sẽ sớm trở về. Sau chiến tranh, bao người con đã không về, hài cốt cũng nằm lại chiến trường xưa. Một số chi tiết ngang trái, ít được khai thác trong văn chương, được tác giả đề cập, như: Hiện tượng nhận nhầm phần mộ liệt sỹ, những sai lầm khi áp dụng phương pháp ngoại cảm…
Chương V - Gửi hòa bình: Mang nội dung, màu sắc, thanh âm đậm chất Tây Nguyên với những buôn làng thời kỳ mới, với hình ảnh người mẹ dân tộc thiểu số tóc bạc trắng vẫn chống gậy đi tìm những “đứa con” người Hà Nội; những em bé Tây Nguyên “vượt lũ đến trường/ băng suối về buôn”. Nạn phá rừng, sự thực dụng, mưu toan hủy diệt màu xanh đại ngàn cũng được đề cập trong chương này.
Chương VI - MẸ: Chương khép lại trường ca có những dấu ấn đặc biệt: Không đánh số đoạn như các chương khác; chữ MẸ viết hoa với ý nghĩa đây vừa là những người mẹ gần gũi, yêu thương; vừa là mẹ Tổ quốc linh thiêng, che chở. Ở chương này, ngôi kể là người con thưa với mẹ về tình cảm tận sâu của mình với mẹ, đồng đội, quê hương, Tổ quốc… Niềm yêu thương tận cùng trong cuộc đời người lính, đó là đi đến tận cùng là gặp mẹ. Khi trúng đạn, khi bị thương, khi đau đớn, khi trút hơi thở cuối cùng, họ đều thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi!” - tiếng gọi đầu tiên cũng là tiếng gọi cuối cùng, ngọn nguồn của sự hi sinh và sức mạnh.
Một số trích đoạn từ các chương:
Chương I – Giấc mơ vụn
“Đoàn quân ấy trẻ lắm
hồn nhiên như lá rơi
ngời ngời như suối chảy
chiếc bi đông vùi sâu nguyên nước
rót cơn mưa lên mặt người về
người kể
nhà gần ngay giếng Cổ Loa
soi bóng thấy tòa sen ngọc bích
người quê lụa Hà Đông
chị gái nhà bên ươm tơ má ửng đợi chồng
đê Yên Phụ hàng cơm nguội buồn hiu hắt
Phùng Hưng kéo gần kí ức hỏa xa…
những đứa trẻ đuổi nhau bờ đê
tha thẩn đường me, ngõ sấu
ngày cởi trần bêu nắng bắt ve
tối lụi cụi đèn ống bơ soi dế
sáng nghịch dại thách nhau bơi vượt bè gỗ sông Hồng
chiều Bác Cổ lang thang
nhặt đầu đạn đúc đồng tiền cái
góc phố lá bay vẩy vẩy mây vàng
những chàng trai chưa yêu
hơi thở đăm chiêu cỏ mật
những tâm hồn chân chất
soi xuống hồ khoảng lặng xa xăm
mãi bay mãi bay cánh chim không mỏi
bứt màn đêm ra khỏi vĩ thanh buồn
trăng đã loãng gió không còn thở
tự sự Biển Hồ xanh giấc mơ
những cơn mơ một ngày về lại”.
Chương II - Đỉnh gió:
“Tiếng bom cũ xô những người lính già
suối đêm róc rách như hờn trách
bảy mươi ngại gì sông suối núi đèo
sẽ khai quật hầm hào
sẽ biết trước muỗi vắt nhiều vô kể
sẽ chằng chịt ngã ba không ở trong bản đồ
còn sức còn đi
còn thương còn nghĩ
thắp một bình minh âm ỉ
trong tay người dấu chỉ hoa sen”.
“Đầu mùa khô Sa Thầy
lá rừng lạo xạo
bước chân như dần khô vỡ
mười năm hơn ba mươi chuyến
tìm từng vết đen lẫn trong đất đỏ
có thể một mai
vết đen cũng chẳng còn
chỉ lau trắng quệt ngang nước mắt
ba ngày dò năm mươi mục tiêu
đồng đội bao người hoàn thổ
ánh mắt dõi tìm lại đối diện hố sâu
bạn đã nằm lại đây
cho chúng tôi bắc cầu về những năm tháng ấy”.
“Rừng ào ào nổi gió
lá rập rờn vẫy vẫy bàn tay
chỉ quanh quẩn đâu đây
dưới tầng đất
dưới gốc cây
dưới từng cụm cỏ
lành hiền lặng im như bí mật trong lòng mẹ
chiến tranh qua đi
chiến trận vẫn quay về
chưa bao giờ thấy mất mát gần mình đến thế”.
Chương III - Bên kia đại dương:
“Cặp mắt như hồ nước của cô gái Việt trong bức ảnh
vẫn nhìn tôi
người yêu cô ấy vĩnh viễn không về lại
cô sẽ chờ suốt đời hay bước tiếp trong mòn mỏi
trả bức ảnh này thương nhớ có vơi?
người mẹ Việt mời tôi ly nước
mát lành mà buốt ruột
mẹ thắp nhang khấn nguyện
để trời mãi xanh lòng người vơi uất hận
mọi xót thương mẹ giữ trọn cho mình”.
Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về:
“Bức chân dung truyền thần họa sĩ vẽ con
theo trí nhớ vẹn nguyên đời mẹ
cô gái trẻ đưa vào Chư Tan Kra
đón đồng đội con trở về Hà Nội
mẹ lại nghe con dặn
đó đều là những đứa con của mẹ
mẹ ôm vào lòng sẽ ấm hơi con
chớ buồn tủi sớm hôm lận đận
con gửi kỷ niệm về tặng mẹ trong mơ”.
Chương V - Gửi hòa bình:
“Hơi lính trốn trong vạt áo đi rừng
các anh đùa với bầy em nhỏ
vượt lũ đến trường
băng suối về buôn
muốn kể cho các em nghe từng mẩu chuyện xưa buồn
thuở ông bà mẹ cha đeo gùi chạy loạn
chiến trường hướng nào cả làng theo hướng đấy
đầu tiên mất đất
sau sạch bách cửa nhà đồ đạc
tài sản lớn nhất - cái gùi
gùi muối gạo
gùi đạn cho bộ đội
đói đến mờ mắt run chân
muối gạo không vơi một hạt
đàn bà váy thổ cẩm bện dây rừng
đàn ông đóng khố da trần mồ hôi lấm láp
thuốc rê khét hơn nắng cuối mùa
hút từ đỉnh núi
lưng chừng bộ đội ngả nghiêng say
cô bé du kích dẫn đường
các anh tặng áo xanh bộ đội
chỉ cười lắc đầu quầy quậy
“đồng bào không dám nhận đâu!”
nay dải lụa màu cà phê chín đỏ
nay khoảnh rừng cao su ngút xanh
đất đã cồn lên từng hơi thở
nhịp hào hoa hát khúc quân hành
các anh gom ngàn sao trên cỏ
từng giọt sương - ngọc quý đầu cành
sáng ra nếu đàn em dậy muộn
ngọc và sao anh cất ở mây xanh”.
Chương VI - MẸ:
“Con cứ đứng trên đỉnh núi cao mà gọi
Mẹ ơi!
gió cao nguyên thổi bạt người
nắng đổ lửa xuống đỉnh đầu cháy khét
đồi săng lẻ đỏ khoảng trời ngơ ngác”
“Đời lính muôn điều kỳ lạ
đến tận cùng là gặp mẹ của con
khi trúng đạn
khi nằm yên trút hơi thở cuối
miệng thốt lên hai tiếng Mẹ ơi
tiếng gọi đầu tiên
tiếng gọi cuối cùng
ngọn nguồn hi sinh - sức mạnh”.
Nhà thơ Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học gowin99 Hà Nội (Tiến thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Hiện công tác tại Ban gowin99 – Văn nghệ, Báo Nhân Dân. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Các tác phẩm chính đã xuất bản: Giấc (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010), Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019), Mở mắt rồi mơ (Tập thơ NXB Hội Nhà văn, 2015), Thời cách ngắn trống rỗng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Linh hồ (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019), Nơi đầu sóng (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Những mùa hoa còn lại (Tản văn, NXB Quân đội Nhân dân), Ngang qua bình minh (Trường ca, NXB Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021).
Giải thưởng:
- Giải Ba Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca Ngang qua bình minh.
- Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân cho bộ sách Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi.
- Giải Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 của Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam cho tác phẩm Nơi đầu sóng.
- Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn và ký đề tài Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam lần thứ 3 của Quỹ Nhà văn Lê Lựu năm 2018 - 2020 cho tác phẩm Núi cựa.