Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chiến tranh, đất nước phân ly, gia đình ly tán nên thơ của bà thấm đẫm nỗi đau chiến tranh.
Lâm Thị Mỹ Dạ làm thơ từ năm lên 9 tuổi, đến 10 tuổi bà đã có tập thơ đầu tiên với khoảng 40 bài. Do hoàn cảnh chiến tranh, tập thơ đã thất lạc, chỉ còn lại trong trí nhớ nhà thơ những câu thơ đầy trắc ẩn thời thơ ấu: "Tuổi thơ tôi như sáng chiều đỏ lựng /Hắt máu xuống dòng sông đen".
Năm 1971, ở tuổi 20, Lâm Thị Mỹ Dạ đoạt giải nhất báo Văn nghệ với bài "Khoảng trời và hố bom", ghi dấu cái tên Lâm Thị Mỹ Dạ vào văn đàn Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng học Trường viết văn Nguyễn Du, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng đạt các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ "Bài thơ không năm tháng"; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: "Trái tim sinh nở" (1974), "Bài thơ không năm tháng" (1983) và "Đề tặng một giấc mơ" (1988).
Các tác phẩm chính của nhà thơ đã xuất bản gồm: "Trái tim sinh nở" (thơ, 1974), "Bài thơ không năm tháng" (thơ, 1983), "Danh ca của đất" (truyện thiếu nhi, 1984), "Nai con và dòng suối" (truyện thiếu nhi, 1987), "Phần thưởng muôn đời" (truyện thiếu nhi, 1987), "Hái tuổi em đầy tay" (thơ, 1989), "Mẹ và con" (thơ, 1994), "Đề tặng một giấc mơ" (thơ, 1998), "Hồn đầy hoa cúc dại" (thơ, 2007).
Một tập thơ gồm 56 bài nhan đề "Cốm Non" (Green Rice) do bà tự tuyển chọn trong những tập thơ đã xuất bản của mình được Nhà xuất bản Curbstone dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Hoa Kỳ năm 2005.
Từ năm 2012 đến nay, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và chồng là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chuyển vào sống tại TP.HCM cùng với gia đình con gái Hoàng Dạ Thư.
Lễ viếng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tổ chức từ 15h chiều nay (6/7) tại nhà riêng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ động quan vào lúc 8h ngày 9/7. Hỏa táng tại Phúc An Viên, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Khoảng trời, hố bom Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường Trường Sơn, 10-1972 |