Chị kể cuộc đời tôi vất vả lắm, đã từng lăn lộn, từng làm công nhân kỹ thuật trục vớt dưới môi trường nước. Sau khi đã nghỉ việc, vì hoàn cảnh gia đình, chị Đoàn Thị Tảo phải tập trung thời gian để chăm sóc cho người mẹ già ốm bệnh và vẫn tranh thủ sáng tác.
Với chị, viết văn hay sáng tác thơ chính là một nhu cầu tự thân: “Tôi thường làm thơ vào những lúc buồn, những lúc cô đơn nhất. Bởi tôi phải neo vào thơ để có bạn để mà giãi bày. Đó là những nỗi niềm riêng tư không thể chia sẻ cùng ai. Lúc ấy, tôi chỉ có thơ làm bạn”! Bài thơ Chị Tôi đã được Đoàn Thị Tảo viết từ khi chị còn trẻ. Đó là món quà sinh nhật chị dành tặng riêng chị gái mình. Sau này bài thơ ấy đã được nhạc sỹ Trọng Đài phổ nhạc, biến thành ca khúc hay “Chị tôi” được dùng làm nhạc nền cho bộ phim dài nhiều tập “Người Hà Nội”.
Gia tài thơ của Đoàn Thị Tảo chỉ gồm 3 tập thơ và một tập truyện ngắn nhưng khá ấn tượng, đặc biệt là mảng thơ tình mang đầy nỗi niềm thân phận. Người đàn bà thơ như chị luôn có cuộc sống dân giã, hồn nhiên, giản dị. Chị ăn mặc còn giản dị hơn nữa, có phần chất phác. Chị luôn được nhiều bạn bè và các em thương yêu, quí trọng vì tài năng và sự mộc mạc, chân thành. Có lần chúng tôi về chơi, mấy chị em đọc thơ tình chán chê, chuyển sang mục nằm chuyện trò về các mối tình thơ. Tôi đã mạnh bạo hỏi: chị Đoàn Thị Tảo ơi, liệu đã có người đàn ông nào ngày xưa từng mê thơ chị mà bây giờ vẫn còn thầm thương trộm nhớ chị hay không?
Chị liền đọc lên mấy câu thơ lục bát:
“Ước gì cũng có một người
Cũng cô đơn, cũng ngậm ngùi, giống tôi”
Chị cũng từng say sưa khi kể về những mối tình của mình.
“Ơi người tôi gọi là chồng
Chẳng qua chút nghĩa đèo bòng vậy thôi
Sung xanh chát lặng cả người
Gừng già xay muối mặn mòi cực thân…”.
Hình như cái người đàn ông mà chị gọi là chồng, người ấy nhiều hơn hẳn tuổi chị! Ông từng là cấp trên, thủ trưởng của chị, từ những ngày xa xưa, khi chị còn là nhân viên kỹ thuật. Sau này, nhà thơ Đoàn Thị Tảo vẫn say sưa kể về mối tình xưa của chị. Chị thích được bạn bè về Đồ Sơn chơi, tụ tập nhà chị và “cùng ăn với tôi bữa cơm rau tại nhà. Thế cũng là hạnh phúc lắm”.
Đàn bà thơ tôi gặp, hầu hết là cô đơn. Nỗi cô đơn đôi khi rất đẹp và cần thiết cho người nghệ sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, đặc biệt là các nhà thơ. Thơ tình viết về những nỗi đau bản thể của con người trong tình yêu là những tâm tư rất riêng. Nỗi niềm thầm kín ấy cho đàn bà thơ có được những câu thơ sâu sắc và trí tuệ. Họ thường phải trả giá, có khi bằng chính cả cuộc đời của những nhà thơ. Chị Đoàn Thị Tảo và các nhà thơ thế hệ trước là những ví dụ cụ thể mà tôi biết. Cuộc đời họ vốn nhiều đa đoan, thăng trầm và thách thức, nhưng các chị đều biết vượt lên để sống đẹp, yêu đẹp và quan trọng là dâng cho đời những áng thơ ám ảnh.
Vẻ đẹp của cô đơn không phải là thứ ai cũng nhận ra. Đôi khi nhà thơ neo vào đó để sống và chiêm nghiệm, từ đó mà viết ra những bài thơ để đời. Những câu thơ ám ảnh nhất của những người đàn bà vẫn thường viết về tình yêu và nỗi đau. Họ kể câu chuyện của mình bằng thơ về những nỗi đau, về thân phận, về nỗi cô đơn và về chính những người đàn ông của họ. Sự trải nghiệm và nỗi thăng trầm trong cuộc đời, trong tình yêu đã khiến cho thơ của họ sâu sắc và ám ảnh hơn.
Bởi thế, sự cô đơn, nỗi đau, sự chia ly và nỗi bất hạnh...sẽ đem lại cho nữ nhà thơ của chúng ta cảm xúc sâu đậm hơn, khao khát hơn và nhiều đắng cay hơn! Bằng sự trải nghiệm và cái nhìn sâu sắc, nhân văn với bản năng đàn bà sẽ mang đến cho nữ nhà thơ có những bài thơ ám ảnh, giàu triết lý nhân sinh! Nhưng liệu mấy ai hiểu rằng sau mỗi câu thơ hay, sau mỗi bài thơ thân phận là rất nhiều nước mắt đàn bà? Kể cả những niềm vui kia cũng chưa chắc đã thật là vui đâu. Họ cười đấy mà âm thầm khóc trong lòng. Họ nói là quên rồi nhưng thực ra rất nhớ. Họ nói là có bồ nọ, bồ kia, rằng vẫn đang yêu nhưng thực ra bây giờ chẳng có ai để yêu cả. Đôi khi họ hạ giọng trầm xuống nói thật lòng rằng đang rất cô đơn nhưng mấy ai tin?
Đàn bà làm thơ là thế, họ giấu nỗi buồn rất khéo sau câu chữ của mình, bởi không phải nỗi đau nào cũng có thể đem ra khoe khoang và phô bầy. Nỗi cô đơn của đàn bà thơ trở nên đẹp hơn khi người ta biết sống đẹp và yêu đẹp. Bởi có những người số phận không may mắn thì đến quá nửa cuộc đời là cô đơn. Nói chung con người ta, ai cũng luôn sợ sự cô đơn nhưng ít khi thoát khỏi nó. “Vẻ đẹp của cô đơn” ư? Có thật không? Nó thế nào đây? Đó là tên bài thơ mà tôi đã đọc tặng chị Đoàn Thị Tảo ngay sau khi nghe những câu chuyện tình muôn năm không cũ của chị. Phải chăng “Ngày chị sinh trời cho làm thơ...". Câu thơ của chị đã đi vào câu hát từ bao lâu nay. Đằng sau sự vui vẻ kia là nỗi đau thấm thía.
Mấy năm trước, cả lũ thơ ca chúng tôi kéo về Hải Phòng thăm chị Tảo. Hôm ấy đoàn Hà Nội có rất nhiều các anh nhà thơ, nhạc sy, họa sỹ ...về cùng, khác với hôm nay, chỉ có trơ ra mấy chị em nữ nên tán chuyện thoải con gà mái luôn, chị em mình dốc bầu tâm sự nhé. Lại nhớ mãi hình ảnh mấy chị em thơ nữ cùng nằm dăng hàng trên căn gác nhà chị Đoàn Tảo. Chúng tôi lắng nghe bà chị khả kính đang nói say sưa về “tềnh iu”, hấp dẫn đến nỗi mấy chị ở dưới nhà cũng phải chạy vội lên gác để hóng, kẻo phí hoài mất lời vàng ý ngọc.
Câu nói hay nhất của chị nói hôm ấy, làm các em còn mãi ấn tượng, đó là: " Chị mày yêu từ 16 tuổi cơ, lớn lên yêu càng nhiều và cho đến bây giờ vẫn cứ yêu, he he...Mà tại sao ta lại không yêu khi người đàn ông họ chỉ có mỗi nguyện vọng là được yêu quý mình. Thế chẳng nhẽ người ta chỉ cần có nguyện vọng yêu mình thôi mà mình cũng không cho yêu. Thế là thế nào nhỉ. Mà chị nói thật nhé, chỉ cần người đàn ông kia mới hơi liêu xiêu thôi là chị mày cũng đã đổ kềnh rồi...."! Nói thế nhưng nhìn vào mắt chị rơm rớm như sắp khóc.
Đang nằm tán chuyện rôm rả thế mà cô em là tôi phải bật dậy ngay để đọc mấy câu tặng bà chị, vì ko thể hoãn cái sự sung sướng lại được. Thấy ánh mắt bà chị vẫn long lanh và rạng ngời khi nhắc đến người tình yêu dấu của mình. Nói một hồi, rồi bà chị ra lục tủ sách gần đấy, chị lấy ra ngay một tập thư tình đã úa màu năm tháng. Chị cho Phương Thảo xem nhé và mọi người cùng xem. Ui chao, vẻ đẹp của cô đơn đây rồi. Em kính phục bà chị sát đất vì cho đến bây giờ vẫn còn lưu giữ được những ký ức tự thuở xa vời. Chị vẫn nâng niu và rất âu yếm với những lá thư tình ấy mỗi khi nghe nhắc đến chúng.
Những lá thư được viết tay với màu mực đã bạc màu. Có lẽ là thư viết tay của một "anh chàng" cưa cẩm chị ngày xa xưa nào đó. Nhìn nét chữ vẫn còn đẹp, màu mực xanh vẫn còn chưa phai, tình vẫn chưa nhoà...Với một người đàn bà làm thơ, như thế cũng là hạnh phúc. Thực đúng chất đàn bà thơ. Chị còn bảo rằng tại sao ta lại phải từ chối một tình yêu đích thực khi nó tới. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn cứ yêu, “yêu như là tình cuối” chứ lị, he he. Ôi bà chị của tôi! Chị Đoàn Thị Tảo ơi, đàn bà thơ cứ được bên nhau thế này thật vui quá, mà sao em cứ muốn khóc nhỉ...!
Giới văn nghệ sĩ hầu như ai cũng biết câu hát: “Thế là chị ơi/Rụng bông gạo đỏ/Ô hay trời không nín gió/Cho ngày chị sinh…” trong ca khúc nổi tiếng “Chị tôi “. Khi âm nhạc đã chắp cánh cho thơ của Ðoàn Thị Tảo bay lên. Chị có những câu thơ thật lạ, thật hay! Thơ với chị chính là người bạn tâm tình để nhà thơ Đoàn Thị Tảo chia sẻ nỗi lòng. Mỗi khi cánh thơ nữ chúng tôi gặp nhau, các em chỉ nhăm nhăm giục: chị Đoàn Tảo ơi, chị đọc thơ tình đi! Chị luôn sung sướng ra mặt, chị cười hiền lắm, rồi nói: “ôi giời các em tôi ơi, chờ tí, đến thơ chị mà chị cũng còn chả thuộc hết được đâu nhé. Có bài chỉ nhớ được vài câu lõm bõm thôi. Nhưng khi tôi mà đã hăng lên đọc ấy à, các em nghe đây, chỉ có mà như lên đồng, he he!” Rồi bà chị say sưa đọc:
“Tôi cô đơn nhất hành tinh
Thế gian thừa đúng một mình tôi thôi
Ước gì cũng có một người
Cũng cô đơn, cũng ngậm ngùi, giống tôi
Cái buồn đem xẻ làm đôi
Nửa cho bên ấy, nửa tôi để dành…”.
Đoàn Thị Tảo có điểm giống với các nhà thơ nữ ở chỗ luôn có nhiều nỗi cô đơn, nhưng số phận chị hình như còn đa đoan và vất vả hơn họ nhiều. Cuộc đời truân chuyên đã đem đến cho chị nhiều nỗi niềm sâu xa để viết nên những câu lục bát nghe thật đắng đót, chua cay.
“Mải chơi để lỡ chuyến đò
Ngẩn ngơ trách bến, oán bờ giận sông
Cái duyên giá những bao đồng
Bán đi thì tiếc, cho không ngậm ngùi
Dùng dằng cau héo trầu hôi
Chợ trưa quán vắng, trách người dửng dưng”. (Bài thơ Lỡ )
Gia đình cha mẹ của nhà thơ Đoàn Thị Tảo ngày xưa khá đông con cái. Chị được cha mẹ sinh ra từ quê hương Hải Phòng vào những năm đói kém, những năm 1945. Chị là người phụ nữ mà số phận không cho diễm phúc được làm mẹ. Chị không có con nhưng lại khá đông lũ cháu. Bởi thế, người đàn bà luôn giàu đức hy sinh ấy lại một tay tận tụy nuôi nấng, chăm bẵm các cháu của mình. Chúng là con cái của nữ họa sĩ nhà văn Đoàn Lê, người chị ruột thân thiết của chị Đoàn Thị Tảo. Nhà thơ tài hoa dường như đã chấp nhận số phận và biết neo giữ tâm hồn buồn, đẹp và cô đơn của mình vào thi ca. Chị biết cách tìm niềm vui cuộc sống cùng bạn bè thơ ca khắp nơi khi lấy những câu thơ làm chỗ dựa tinh thần cho mình.
Cuộc sống của nữ thi sĩ bây giờ đã khá hơn xưa một chút nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chị thường dậy sớm, ra sân vườn ngắm hoa, tập luyện nhẹ nhàng và tự nấu ăn. Những lúc ốm đau thì có mấy đứa cháu lui đến nhà chị chăm sóc, nấu nướng giúp. Chị biết dùng vi tính, cũng biết chơi fb và đăng tải thơ trên Trang Thơ Đoàn Thị Tảo rất oách. Thế cũng là một người giàu nội lực, một đàn bà thơ cao tuổi rất đáng nể phục.
Nhiều năm nay, chị Đoàn Thị Tảo vẫn sống một mình ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Một biệt thự Lộc vừng xinh xắn, chỉ cách bãi biển khoảng 200 mét. Chị luôn khao khát có bạn bè và luôn mong mỏi các em từ Hà Nội xuống nhà chơi. Có lần, tôi đưa nhà thơ Bùi Kim Anh và nhà thơ Đồng Thị Chúc xuống Đồ Sơn thăm chị và giao lưu với CLB THƠ HOA SÓNG rất vui. Ngồi trên bờ biển, chúng tôi say sưa đọc thơ. Đây là những câu thơ được viết trong một đêm giao thừa của chị:
“Người mang tặng ta trước lúc giao thừa
Hành trang sang năm mới
Ta tự hứa với mình
Chơi dè để dành cho mới
Thật cẩn thận kẻo tuột tay đánh rơi
Niềm vui ơi chớ bay về trời”.
Thơ chị là những nỗi niềm, sự đau đớn, cô đơn nhưng không bị lụy. Thơ Đoàn Thị Tảo có câu chữ tìm tòi, khá sâu sắc, là những sẻ chia gần gũi với những người đàn bà. Chị yêu thích thơ tình và cho đến bây giờ vẫn còn làm thơ tình. Thế mới biết tình yêu muôn đời đến nay vẫn có sức mạnh thật ghê gớm! Bài thơ tình mới nhất của chị đây, tôi nhặt ra từ fb khi chị viết tặng cho tuổi 80 của chính mình. Bài thơ kèm lời tặng có chút vui đùa: “Tôi tặng tôi và tặng các cụ bệnh tim”!
TỚI CHỢ
Tình tang tình
Chúng mình
Đâu cần là chồng là vợ
Tới chợ
Không có gì bán mua
Tặng này
Tình trao tay ngay chợ
Khau Vai ... ha ...hày
Một mình cạn ngày
Ha ... hày ... rao chợ
Năm nay, nữ thi sĩ Đoàn Thị Tảo sắp sang tuổi tám mươi. Thế mà nhìn chị, đặc biệt khi nghe chị nói chuyện vẫn thấy đầy chất minh mẫn và hóm hỉnh. Khi nhắc đến thơ tình, mắt bà chị vẫn sáng lên. Cuộc sống người cao tuổi như chị kể như đã có phần an nhiên, buông bỏ, nhẹ nhàng và thanh thản. Đoàn Thị Tảo đã làm thơ, yêu thơ, yêu đời và đặc biệt yêu người. Không chỉ hết lòng vì thơ ca, chị đã giữ cho mình một cuộc sống đẹp, vì bạn bè, một cuộc sống có ích và chắc chắn không hối tiếc. Ngay cả sự cô đơn của đàn bà, chị vẫn luôn biết ơn nó và vẫn tha thiết với sự cô đơn của chính mình.
(Mùa thu 2018- 2022)