Chuyện kể rằng, vào một ngày tháng 6 năm Ất Sửu (1925), chồng nữ sĩ Sầm Phố qua đời để lại cho bà hai con nhỏ là Tạ Quang Bửu và Tạ Quang Đệ và một món nợ lớn trị giá hơn 400 đồng thời đó. Nữ sĩ Sầm Phố một mình tần tảo nuôi các con ăn học và ngày càng lâm vào nghèo túng. Trong tình thế gian nan ấy, một cứu tinh đã đến với gia đình bà. Đó là một người đồng hương Nam Đàn có tên thường gọi là Bạch Liên. Người ân nhân mà Nữ sĩ Sầm Phố dặn hai con Tạ Quang Bửu và Tạ Quang Đệ gọi là “O Thanh” để tỏ lòng yêu quý, kính trọng như với chị ruột của cha mình.
Bà giải thích cho các con biết, “O Thanh” chính là con gái đầu lòng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và là chị gái của cậu Côông (Cung), người mà về sau này Giáo sư Tạ Quang Bửu và Nhà báo Tạ Quang Đệ mới nhận ra là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Nhờ sự giúp đỡ của “O Thanh”, bao công đèn sách cậu học trò Tạ Quang Bửu không làm mẹ thất vọng. Cậu là một trong những học sinh xuất sắc của trường Quốc học Huế và Vinh vừa đỗ Tú tài ở Hà Nội, được lựa chọn sang Pháp đào tạo vào năm 1929.
Ở quê nhà, khi cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Trung Quốc rồi đưa về giam lỏng ở Huế. Lúc này, O Thanh đã bàn với Nữ sĩ Sầm Phố dẫn cậu hai Tạ Quang Đệ đến tới nhà cụ Phan, xin cụ nuôi dạy thành người. Cụ Phan vui vẻ nhận lời. Chỉ ít bữa sau, với tính tình hiền lành ngoan ngoãn và tư chất thông minh, cậu hai Tạ Quang Đệ được cụ Phan rất yêu mến.
Nhà báo Tạ Quang Đệ sau này tâm sự: Thời gian sống trong nhà cụ Phan tuy không dài nhưng thực sự rất quan trọng trong cuộc đời của ông. Bởi lẽ nếp sống, nhân cách, tư tưởng tiến bộ của cụ Phan Bội Châu đã tạo nên những ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm không thể nào phai mờ và đã theo ông đi cùng năm tháng.
Thời gian này, ngoài những việc ở tri huyện, ông cùng với một giáo viên dạy lớp nhất có tên Võ Chương có những đóng góp cho việc xây dựng và phát triển phong trào địa phương. Cũng trong giai đoạn này, ông thường xuyên trao đổi ý kiến về thời sự, chính trị với cụ Đặng Thai Mai. Và nhờ đó, mà ông dần dần có quan hệ tốt với khá nhiều người đang hoạt động có tổ chức mà sau này ông mới biết họ là Việt Minh.Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng thiết tha đề nghị cụ Phan lúc này tổi cũng đã gần 65, sức đã yếu nên không cho phép hoạt động quá nhiều. Khi cụ Phan nghỉ dạy, Nữ sĩ Sầm Phố đã nhờ Tiến sĩ Đinh Loan Tường chỉ dạy thêm cho cậu hai Tạ Quang Đệ trước khi thi vào trường Quốc Tử Giám (Hà Nội). Năm đó, không phụ lòng của mẹ, sự giúp đỡ của O Thanh, cụ Phan và Tiến sĩ Đinh Loan Tường, cậu hai Tạ Quang Đệ đã đạt điểm xuất sắc ở ba môn thi là Quốc văn, Hán văn và Pháp văn. Sau khi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, ông được bổ đi làm việc ở phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Đến khoảng cuối tháng 8 năm 1945, cụ Hoàng Đạo Thúy và cụ Đặng Thai Mai viết thư nhắn ông Tạ Quang Đệ ra Hà Nội để làm việc cho Văn phòng Bộ Nội vụ và bác Võ Chương cũng được mời ra Hà Nội làm vệ sĩ cho Bác Hồ và được Bác đặt tên là “Trường” (Một trong bảy người giúp việc của Bác Hồ là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi).
Ngày 15/5/1946, ông Tạ Quang Đệ được tín nhiệm giao làm Thư ký riêng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Sau khi công việc ổn định, theo đề nghị của cụ Đặng Thai Mai, ông chuyển sang dạy Việt văn và Pháp văn ở Trường Phan Chu Trinh của Mặt trận Việt Minh mở cho con em những người hoạt động chính trị ở Hà Nội.
Năm 1947, đồng chí Trường Chinh thông tri cho Nhà báo Tạ Quang Đệ làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương và Ủy viên Tòa soạn báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân). Sự nghiệp báo chí của Nhà báo Tạ Quang Đệ bắt đầu từ đây. Ông gắn bó với báo Nhân Dân cho đến ngày nghỉ hưu, tháng 9 năm 1979 dưới bút danh Quang Đạm.
Từ khi nghỉ hưu (1979), cây bút của ông ngày càng phóng khoáng, toàn diện, sâu sắc hơn. Nhiều công trình, bài viết mang tính chuyên khảo của ông lần lượt được công bố trong sự chào đón của bạn đọc. Các tác phẩm đáng kể của nhà báo Quang Đạm là: Nho giáo xưa và nay (1993), Tư văn qua các triều đại; Một nghề đáng quý là tổng tập hơn 50 bài viết và công trình tiêu biểu của nhà báo Quang Đạm, trong đó có bài nổi tiếng Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam và một số bài đăng trên báo Sự Thật và báo Nhân Dân (Một số tác phẩm được xuất bản sau năm ông mất - năm 1999).
Suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Tuy nhiên, đã có lúc tổ chức đánh giá chưa thật đầy đủ về ông. Chính điều này, làm Nữ sĩ Sầm Phố vô cùng buồn thương. Bà khóc thầm nhiều đêm! Năm 1975, trước khi bà ra đi về với cõi vĩnh hằng vẫn khắc khoải niềm tin người con thứ hai của bà sẽ sớm được minh oan.
Trong một lần trò chuyện với người viết bài này, Giáo sư Vũ Khiêu đã chia sẻ: “Tôi có hai người bạn tri âm đầy tâm huyết, tài năng, đức độ và một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc có nhiều duyên nợ, truân chuyên trên bước đường sự nghiệp. Đó là Giáo sư Trần Văn Giàu và Nhà báo Quang Đạm. Lịch sử sẽ minh xét một cách công bằng nhất với họ. Với nhà báo lỗi lạc Quang Đạm tôi chỉ nói ngắn gọn là “Ngọn bút vinh Quang- Cuộc đời thanh Đạm”.
(Trích trong bài “Nữ sĩ Sầm Phố mẫu thân của hai nhà trí thức tiêu biểu”)