- Ngày mai 25/8 kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh em
mình đến nhà riêng Đại tướng dâng hương cùng cuốn sách mới vừa xuất bản
nhé.
- Vâng anh
- Anh hẹn Võ Hồng Nam 16h rồi, 15h45 có mặt ở 30 Hoàng Diệu nhé.
Hà Nội đang thực hiện chỉ thị 16 của Chính Phủ, mọi người chỉ ra đường khi thực sự cần thiết nên ai cũng ái ngại, tuy nhiên tình cảm, lòng ngưỡng mộ và sự tri ân với Đại tướng khiến chúng tôi không thể dừng bước. Hơn thế nữa Truyền hình TTX Việt nam cũng đã lên lịch ghi hình. Chúng tôi có mặt đúng giờ hẹn, đón chúng tôi là Võ Hồng Nam con trai út của Đại tướng. Sau những lời chào thân mật, Hồng Nam xin phép được đón một đoàn quân đội đã đến từ trước vào dâng hương. Vì thành phố đang có dịch nên các đoàn đến chỉ vài ba người đại diện và thực hiện nghiêm quy định 5K. Những lẵng hoa đủ sắc màu do các đoàn đến trước đó được bày dọc hai bên lối đi, không gian trang nghiêm và lặng lẽ. Duy chỉ có trong trái tim mỗi người đến đây là sống động và trào dâng niềm cảm xúc. Những ký ức về vị tướng một thời trận mạc và quãng đời sau binh nghiệp lại ùa về.
Ôm trên ngực mình cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà anh gop góp trong suốt 35 năm được tháp tùng Đại tướng trên mọi miền đất nước, chứng kiến và ghi lại những hình ảnh chân thật về chân dung, cuộc sống một con người bình dị mà cao quý.
Chia sẻ cảm xúc của mình về Đại tướng, Nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Tuấn tâm sự:
“Tôi từng đội mũ tai bèo, mặc quần áo lính với máy ảnh trong tay có mặt ở nhiều nơi, cả ở chiến trường. Khi đó tôi chưa có dịp được gặp được gặp Đại tưởng Võ Nguyên Giáp nhiều. Hòa bình trở lại, tôi cũng vẫn cầm máy ảnh, làm việc ở Ban biên tập ảnh TTXVN với một bộ dạng khác, không còn bộ quân phục trên mình. Đất nước im tiếng súng, tôi được tiếp xúc nhiều hơn với Đại tướng. Nhìn ông, tôi có cảm giác quá khứ vẫn ngưng đọng đâu đó quanh ông, hiện tại vẫn hiện hữu và tương lai luôn luôn sáng lên trong ánh mắt và nụ cười của vị tướng già. Tôi bị ông hút hồn từ lúc nào không biết. Thế là tôi say mê chụp ảnh ông, từ lúc ông ấy làm việc đến lúc ông làm việc trong trạng thái nghỉ ngơi... Nhiều bức ảnh tưởng như ảnh kỷ niệm mà ban đầu nhiều người đến thăm ông cả người trong và ngoài nước yêu cầu tôi ghi lại với Đại tướng một tấm hình. Khi nhìn lại có cái gì đó nằm ngoài những bức ảnh, dường như có niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự mãn nguyện trên gương mặt những người trong ảnh, và tôi chợt nhận ra rằng đó là lòng ngưỡng mộ, đó là tình yêu, đó là sự tôn kính mà họ dành cho một vị tướng huyền thoại - Một con người đại diện cho một dân tộc anh hùng, giàu lòng vị tha, nhân ái đến vô cùng.
Cuốn sách 236 trang được anh trực tiếp biên soạn với 103 bức ảnh cùng những câu chuyện xúc động sau mỗi bức ảnh được anh ghi lại tỷ mỉ từng chi tiết thể hiện đậm nét tính cách và con người thật của vị tướng già dân tộc. Được hỏi về ấn tượng nào mà anh khó quên nhất khi anh ở bên cạnh Đại Tướng, tác giả Trần Tuấn kể lại:
”Năm 1995, Đại tướng về thăm và làm việc với tỉnh Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang đã sát nhập). Thời kỳ đó đồng lương của cán bộ công chức Nhà nước còn ít ỏi, không đủ chi phí cho cuộc sống của mỗi gia đình, nhiều công nhân viên chức phải làm thêm nghề phụ. Hai vợ chồng chị Trần Thị Tỉnh cùng là diễn viên ca múa nhạc Đoàn Văn công tỉnh Hà Tuyên lương không đủ lo cuộc sống gia đình với mẹ già cùng hai đứa con thơ, chị phải mở quán trước nhà mình bán nước trà, bánh kẹo, thuốc lá… phụ thêm thu nhập. Nghe được câu chuyện đó, Đại tướng đề nghị được đưa đến thăm và động viên gia đình chị. Khi đến nơi, chị Tính cùng gia đình vô cùng ngạc nhiên và xúc động trước cuộc thăm bất ngờ mà chị chưa bao giờ dám nghĩ đến có vinh dự như ngày hôm nay”.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, người con trai phố cổ Hàng Đào lịch lãm và tài hoa luôn được anh em bạn bè yêu quý, đồng nghiệp nể trọng. Năm 1968 anh vào làm phóng viên TTX Việt Nam, năm 1973 anh được cử sang Ban thống nhất Trung ương và được điều động vào chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên TTX Giải Phóng, sau khi đất nước thống nhất, anh được phân công xây dựng Phân xã TTX Việt Nam tại Huế.
Năm 1976 thừa lệnh của Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam anh được điều động phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng Đại tướng thăm các tỉnh miền Nam sau giải phóng. Chiến tranh biên giới năm 1979, anh lại có mặt tại 6 tỉnh biên giới phía bắc, rồi lên Tây Nguyên cùng quân đội tiễu trừ Phunrô.
Trở lại cơ quan TTX Việt Nam tại Hà Nội làm việc tại Ban Ảnh thời sự cuối năm 1979, ngoài công việc của một phóng viên chuyên trách anh bắt đầu theo học chuyên ngành báo chí. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, sau khi tốt nghiệp Đại học báo chí anh tiếp tục học và bảo vệ xuất sắc luận án Thạc sỹ Báo chí.
Hàng nghìn cuốn phim, hàng vạn file ảnh được anh ghi lại trong suốt 35 năm công tác và tháp tùng Đại tướng là một kho tư liệu quý cho lịch sử. Với Trần Tuấn,” Anh Văn” như một người cha, người anh thân thiết gắn bó trong gia đình. Những sự kiện trong gia đình Đại tướng đều có mặt vợ chồng anh, kể cả đến bây giờ mỗi dịp sinh nhật hay ngày giỗ của Đại tướng vợ chồng anh đều không quên. Yêu quý, kính trọng và ngưỡng mộ là tình cảm anh luôn dành cho Đại tướng.
Năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, cá nhân Trần Tuấn đã tự lo liệu chi phí tổ chức triển lãm lớn “ 101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” tại nhiều tỉnh, thành nơi mang nhiều dấu ấn của Đại tướng, triển lãm đã gây xúc động cho đông đảo người xem trong nước và khách quốc tế. Ấn tượng về những tâm huyết và tình cảm anh dành cho vị Tướng già dân tộc, bạn bè và đồng nghiệp mỗi khi gặp anh thường gọi anh bằng cái tên vui và trìu mến ”Tuấn huyền thoại”.
“103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” được Nhà báo,NSNA Trần Tuấn công phu ghi chép, chọn lọc và biên soạn trong kho dữ liệu đồ sộ của mình sẽ mang đến cho độc giả những cảm nhận xúc động về một vị tướng “huyền thoại” với tính cách quyết đoán trên chiến trường, dung dị và đầy nhân hậu trong đời sống thường nhật.