Ông cũng nhắc lại cho chính xác hơn, rằng cửa hàng đồng hồ của ông bây giờ ở số nhà 32L phố Lý Nam Đế, chứ không phải là số nhà 34. Còn cái ngõ nhà ông ở phố Thụy Khuê, bây giờ đánh số là 444 mới đúng. Biết tính ông cẩn thận, tôi phải đưa những chi tiết này vào ngay đầu kỳ 2 này, kẻo "kính chẳng bõ phiền", ca ngợi mà không chính xác chắc cũng chẳng làm ông vui...
Còn bây giờ, chúng ta lại tiếp tục phần kết đầy có hậu của giai đoạn "đánh giặc bằng đồng hồ" trong cuộc đời người thợ tài hoa bậc nhất Hà thành Đào Văn Dư...
Năm tháng trôi qua, cho tới ngày nước nhà thống nhất, năm 1976, Đại tá Nguyễn Văn Điện từ Bộ Tổng tham mưu đến tìm gặp lại người thợ đồng hồ Đào Văn Dư tại nơi làm việc. "Thật không bút nào tả xiết được niềm vui và cảm động khi chúng tôi gặp lại nhau - ông Dư xúc động nhớ lại - Đất nước đã hòa bình, những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Tay xiết tay, những giọt nước mắt lăn trên gò má xạm đen của người Đại tá quân đội và người thợ đồng hồ.
Ông Điện nghẹn ngào thăm hỏi sức khỏe của tôi cùng gia đình... Ông nhắc đi nhắc lại: "Anh có công lắm. Ở ngoài Bắc này, mỗi khi anh xem báo, nghe đài thấy tin chiến thắng của bộ đội đặc công như trận đánh đắm tàu chở dầu hàng vạn tấn ở sông Lòng Tàu - Cửa Việt, các trận đánh kho xăng Nhà Bè, Liên Chiểu, sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa - Tân Sơn Nhất, đánh căn cứ kho tàng của địch và các khu giặc lái,... chính là anh nghe tin những trận đánh mà anh có công tham gia. Anh đã góp một phần công nhỏ bé vào những chiến công đó...".
Sau lần gặp đó, Đại tá Nguyễn Văn Điện còn chuyển cho ông Dư bản nhận xét của Đơn vị 1750 thuộc Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, trong đó ghi rõ 5 điều: 1/ Có nhiệt tình tham gia cải tiến khí tài. 2/ Có nhiều sáng kiến cải tiến. 3/ Sản phẩm đem lại hiệu quả cao trong các trận đánh. 4/ Bảo đảm an toàn tính mệnh của chiến sĩ. 5/ Giữ gìn bí mật tốt.
Tiếp sau tờ giấy chứng nhận trên, vào năm 1979, lại có một đồng chí bộ đội cấp tá là ông Bào ở Bộ phận khen thưởng của Tổng cục Chính trị đến tìm ông Dư, trao đổi với Ban giám hiệu Trường đồng hồ Hà Nội nơi ông đang công tác, đề nghị tổ chức một cuộc họp gồm các cán bộ chủ chốt trong nhà trường để tuyên dương ông, trao bằng khen và gắn lên ngực Đào Văn Dư tấm huy hiệu "Chiến sĩ Mậu Thân năm 1968" cùng quyết định khen thưởng của Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu ghi rõ: "Trong thời gian chống Mỹ đã có thành tích giúp đơn vị sửa chữa và cải tiến một số phương tiện phục vụ cho chiến đấu giành thắng lợi" (Quyết định số 873/QĐ ban hành 10/9/1979)...".
Góp phần làm nên những chiến công của bộ đội đặc công - hay nói cụ thể và khiêm tốn hơn - góp phần cho những quả mìn, quả bom nổ đúng giờ cần thiết trong mỗi trận đánh của đặc công, có công sức, có trí tuệ, có bàn tay vàng của người thợ đồng hồ nổi tiếng Đào Văn Dư. Chính vì thế, Bộ đội đặc công coi ông là người lính thân yêu của lực lượng mình. Chính vì thế, Hội cựu chiến binh coi ông là người hội viên vẻ vang của mình.
Bây giờ có lẽ phải nói qua tiểu sử người "lính đặc công không biên chế" này một chút. Đào Văn Dư người Hà Nội gốc. "Quê" ông ở quận Đống Đa. Ông tuổi Mậu Dần, sinh năm 1938, ngày 5 tháng 5. Năm 14 tuổi, theo học nghề với cha, ông đã tự mày mò sửa chữa được những hỏng hóc đơn giản của đồng hồ. Kể từ khi bắt đầu đi làm, ông có liên tục gần 60 năm gắn bó với chiếc đồng hồ và nghề sửa chữa. Từ thợ công nhân bậc 5/7 (bậc cao nhất thợ đồng hồ lúc đó) của Nhà nước những năm 60 của thế kỷ XX, rồi Trưởng phòng Đào tạo của Trường Công nhân kỹ thuật đồng hồ Hà Nội, rồi ra nước ngoài tu nghiệp, rồi là chuyên gia kỹ thuật sửa chữa đồng hồ vượt khung bậc 7/7, và cả bây giờ, khi về nghỉ hưu, ông vẫn là thợ đồng hồ.
Cùng các bạn quốc tế thực tập tại nhà máy đồng hồ lớn tại Eta - Ebeauche (Thụy Sĩ).
Theo chân ông nội và cha đẻ, Đào Văn Dư từ năm 17 tuổi đã đi làm thuê cho Hiệu đồng hồ Vạn Sinh ở Hà Nội. Năm 20 tuổi, sau giải phóng thủ đô, anh là người thợ trẻ được xếp bậc cao nhất trong làng thợ đồng hồ Nhà nước: 5/7. Năm 1975, Chính phủ Thụy Sĩ viện trợ nhân đạo để lập Trường Công nhân kỹ thuật đồng hồ Hà Nội (trụ sở ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm). Ông Dư được mời về trường làm Trưởng phòng Giáo vụ - Kỹ thuật. Làm "sếp", nhưng ông vẫn trực tiếp đào tạo gần 500 công nhân trong 9 khóa liên tục. Năm 1979, ông Dư được Nhà nước và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cử đi tu nghiệp ở Thụy Sĩ về sửa chữa đồng hồ.
Sau đó 10 năm, ông lại là người Việt Nam duy nhất được WOSTEP (Trung tâm Bổ túc nghiệp vụ quốc tế) mời sang Thụy Sĩ theo học lớp bổ túc nâng cao tay nghề sửa chữa và bảo hành đồng hồ, thực tập tại các hãng Rado, Omega, Longines và nhà máy sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới Eta-Ebauches. Trong hai lần đi tu nghiệp ở nước ngoài này, Đào Văn Dư đã được các hãng đồng hồ danh tiếng trao 7 bằng chứng nhận nghề (Diplome). Với một người thợ chữa đồng hồ Việt Nam, uy tín ấy quả là hiếm hoi, vinh quang này không dễ gì đạt được.
Đời thợ hơn nửa thế kỷ có biết bao kỷ niệm vui buồn. Ông nhớ cái thuở đồng hồ quý như... ôtô bây giờ. Rồi ông nhắc tới một kỷ niệm sâu sắc trong đời mình. Chuyện là thế này. Một hôm, cách đây đã hơn chục năm, có một người khách lớn tuổi, dáng vẻ cao lớn bệ vệ tới cửa hàng ông, nhờ ông bảo dưỡng giúp cho một chiếc đồng hồ đeo tay Movado Thụy Sĩ. Chiếc đồng hồ đã "cao tuổi", nhưng chỉ liếc qua, ông Dư cũng biết đây là một chiếc đồng hồ rất "xịn", và nó được chủ nhân bảo quản nâng niu vô cùng cẩn thận. Mấy hôm sau, theo hẹn trả hàng, ông khách cao lớn ấy tới nhận lại chiếc Movado.
Sau khi thanh toán tiền bảo dưỡng, chuẩn bị ra về, ông khách bỗng hỏi ông Dư: "Anh có biết xuất xứ của chiếc đồng hồ này không?". Tưởng khách hỏi về nơi sản xuất, ông Dư đã suýt cáu vì tự ái. "Cửa hiệu treo đầy giấy chứng chỉ, bằng cấp của đủ các hãng đồng hồ Thụy Sĩ cấp cho chủ nhà mà lại bị hỏi thế, có ức không cơ chứ!". Như đoán được nỗi tự ái trong lòng người thợ, ông khách bổ sung ngay: "Ấy là ý tôi muốn hỏi anh có biết vì sao tôi có chiếc đồng hồ này không. Anh có biết không, chiếc đồng hồ này là của bà con Thụy Sĩ tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi Thủ tướng sang dự Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Khi về nước, Thủ tướng đã trân trọng trao tặng Bác Hồ chiếc đồng hồ này. Rồi đầu năm 1955, tự tay Bác đã tặng lại chiếc đồng hồ này cho tôi...".
Ông Dư lặng người vì xúc động. Một báu vật lịch sử đã được lưu lại mấy hôm nơi cửa hàng mình, đã được chính tay mình gìn giữ chăm sóc. Và vị khách đó chính là ông Tạ Quang Chiến, một trong những người cận vệ trung thành của Bác Hồ thời kháng chiến chống Pháp, sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao trong nội các Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tương đương Thứ, Bộ trưởng ngày nay.
Như đắm chìm trong kỷ niệm, ông Dư tiếp tục kể về việc mình từng vinh dự được tham gia lắp đặt chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ bên hồ Hoàn Kiếm. Chiếc đồng hồ được lắp đặt trên tầng 5 của tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ ấy là do Trung Quốc tặng. Thời đó, vị trí này gần như cao nhất Hà Nội. Nhưng đang lắp đặt dở thì chuyên gia Trung Quốc rút về.
Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Minh Chi, Giám đốc Bưu điện Hà Nội ngày ấy, ông Dư và những người thợ Việt Nam tiếp tục lắp đặt hoàn thiện chiếc đồng hồ này và đến đúng ngày lễ Quốc khánh năm 1978 thì chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm ngân lên tiếng chuông đầu tiên. Cứ 60 phút, chiếc đồng hồ gióng chuông một lần. Đặc biệt, mỗi thời khắc giao thừa, tất cả đều như nín lặng, nghe đồng hồ điểm từng hồi chuông thiêng liêng, đón chào năm mới.
Bưu điện Hà Nội khi ấy đã lập một tổ mang tên Tổ đồng hồ, biên chế tới 12 người. Ông Dư là một trong số ấy. Chiếc đồng hồ được sử dụng đồng bộ cùng một hệ thống đồng hồ công cộng khác đặt tại chợ Hàng Da, chợ Mơ, Bách hóa Tổng hợp, chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, Ngã Tư Sở. Vì dùng chung đường dây với đồng hồ Bưu Điện nên hệ thống đồng hồ công cộng trên luôn thay đổi giờ thất thường, lúc nào cũng phải đến chỉnh sửa lại. Thế là ngày nào những người như ông Dư cũng phải đạp xe đi tuần từng điểm đồng hồ công cộng, ghi lại những sai sót để chỉnh giờ cho đúng.
Ông Dư kể, chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ thật ra là cả một hệ thống gồm 3 đồng hồ hoạt động tách biệt, cả 3 được điều khiển từ một "đồng hồ mẹ" nằm ở tầng 1. Bốn mặt của đồng hồ là 4 dàn loa phóng thanh, tổng cộng có 16 chiếc. Căn phòng chứa "đồng hồ mẹ" rộng khoảng 30m2, bên trong đặt một tủ tăng âm, có chức năng khuếch đại âm thanh nhận từ bộ phận phát chuông, sau đó phát lên loa phóng thanh. Bên cạnh tủ tăng âm là tủ công chế, có chức năng điều chỉnh giờ, điều chỉnh chuông nhạc. Ngoài ra, chiếc "đồng hồ mẹ" điều khiển hoạt động của tháp đồng hồ được chuyển qua một tủ cảm biến truyền - nhận tín hiệu. Ở đây người ta cũng đặt một chiếc radio để có thể lấy lại giờ chuẩn theo giờ nhà đài.
"Già rồi, nhưng cũng không thể ngồi mà gặm... vinh quang" - ấy là câu nói vui của ông Đào Văn Dư khi kể về những chuyến đi Tây tu nghiệp và đưa cho tôi xem một loạt các văn bằng, chứng chỉ được trao tặng ở nước ngoài.
Cái năm mới nghỉ hưu, ông mở ngay một cửa hàng chữa đồng hồ ở phố Lý Nam Đế. Thuê căn phòng nhỏ, có hơn 10m2 với 4 người cùng làm, cửa hàng của ông lúc nào cũng đầy ắp đồng hồ, chật ních khách hàng. Từ loại đồng hồ cà tàng giá chỉ dăm chục nghìn, tới loại sang như Rolex giá hàng ngàn USD, ông đều nhận chữa, và chữa tốt, có bảo hành thường xuyên. Trong số khách hàng của ông đã trở thành bạn bè thân thiết, có cả vợ chồng vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Hà Nội.
Thực tập dưới sự chỉ dẫn của các kỹ thuật viên kỳ cựu tại Eta - Ebeauche (Các ảnh sử dụng trong bài do nhân vật cung cấp).
Về sau, công việc của cửa hàng ông nhiều, luôn đủ việc cho cả gần chục người thợ. Trong số họ, có người mới hơn 20 tuổi, do ông kèm cặp hướng nghiệp; có người là thợ bậc 5, vốn là học trò hơn 30 năm trước của ông. Thu nhập bình quân của mấy thầy trò là 4-5 triệu đồng/tháng/người. Ông bao giờ cũng trả hàng cho khách đúng hạn. Và đeo đồng hồ do ông sửa chữa bảo hành, khách hàng cũng chẳng bao giờ lỡ hẹn, sai giờ... "Không để ai lỡ hẹn" luôn đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng với Đào Văn Dư.
Ông có 3 con, 2 gái, 1 trai. Cô cả tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện công tác tại một tổng công ty xây dựng ở Hà Nội. Còn cô thứ 2 và cậu út Đào Vũ Hải đều theo nghề bố sửa chữa đồng hồ. Gần đây nhất, cha con ông đã thôi không thuê cửa hàng ở Hàng Phèn, mà chuyển về 32L phố Lý Nam Đế. Cửa hàng bây giờ của ông treo biển hiệu mang tên con ông - Cửa hàng đồng hồ Đào Vũ Hải.
Cha truyền con nối, vẫn chỉ có kim giây, kim giờ, dây cót, bánh xe. Vậy mà, trò chuyện với tôi, bất ngờ ông Dư nói: "Không hiểu sao, ai cũng cần đồng hồ như một vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Việt Nam chưa sản xuất được đồng hồ đeo tay, vậy mà, thuế nhập khẩu xếp đồng hồ vào loại xa xỉ phẩm, đánh thuế rất cao".
Cái đồng hồ có xa xỉ thật không? Chứ cái nghề sửa chữa đồng hồ, và những người thợ đồng hồ như Đào Văn Dư - cần thiết lắm và đáng trân trọng, đáng tôn vinh lắm chứ?
Đêm ngõ nhỏ Thụy Khuê trầm mặc bên hồ Tây. Khuya lắm rồi. Chỉ còn rì rầm xa xôi tiếng sóng hồ Tây ì oạp. Và ngân vang, trầm ấm mà da diết, gần gũi mà xa ngái là tiếng chuông của chiếc ODO cổ trên tường nhà ông Dư bính boong bính boong 12 nhịp. Ông đứng lên thắp thêm một nén hương trên ban thờ người vợ trước khi bước vào một ngày mới.
Thời gian có thể đo đếm được bởi những chiếc đồng hồ. Còn nỗi lòng người thợ đồng hồ những đêm trường quạnh quẽ này, cái gì đo đếm được?
Trái tim người lính