Dân chơi đồng hồ kim cổ khắp trong Nam ngoài Bắc gọi ông là “phù thủy thời gian”, bởi cho đến nay, ở nước ta chỉ có ông là người thợ chữa đồng hồ duy nhất có trong tay 7 bằng chứng nhận nghề do 7 hãng đồng hồ lớn nhất của Thụy Sĩ cấp.
Chưa một ngày ra trận, ông vẫn được bộ đội đặc công coi là người chiến sĩ thực thụ của mình. Chưa một ngày mặc quân phục, ông vẫn là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Người thợ đồng hồ có một không hai ấy, người chiến sĩ đặc công"ngoài biên chế" ấy là ông Đào Văn Dư, nhân vật mà tôi sẽ giới thiệu cùng bạn đọc trong bài viết này.
Kỳ I: Để cho những quả mìn luôn nổ đúng giờ
Lâu lắm rồi, dễ cũng đến gần 3 năm nay, tôi mới gặp lại ông Dư. Ra tìm ông ở Cửa hàng Đồng hồ 29 Hàng Phèn, thấy cửa đóng im ỉm. Trên cánh cửa dán tờ thông báo chuyển địa điểm về 34 Lý Nam Đế. Ra phố nhà binh Lý Nam Đế, gặp con cháu ông đang chữa đồng hồ, bảo ông đã về nhà. Các cháu cho số máy di động, tôi gọi cho ông, và hẹn gặp nhau ngay buổi tối hôm ấy, ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Bảy
Cái ngõ 499 Thụy Khuê nơi có nhà số 9 của ông lép nhép sau mưa và tối sâu hun hút. Một cái ngõ cổ vào bậc nhất Hà thành bây giờ. Cổng ngõ là một ngôi đình cổ, bên cạnh có cái giếng nước cũng cổ như ngôi đình. Trong cái ngõ cổ ấy, có một người nổi tiếng của Hà Nội thời hiện đại đang trú ngụ.
Đứng ngoài cổng nhìn vào, thấy ông đang lúi húi thắp hương bên bàn thờ. Bấm chuông, ông ra mở cửa đón tôi rồi lại lật đật quay vào bên bàn thờ lầm rầm khấn vái. Nhìn lên bàn thờ, thấy ảnh người vợ của ông, tôi sững người. Bà là giáo viên tiểu học quận Ba Đình đã nghỉ hưu, vốn là thiếu nữ Hà Nội, xinh đẹp mà dịu hiền, lịch duyệt mà đảm đang. "Nhà tôi đi đến hôm nay vừa vặn tròn 6 tháng sau một cơn bạo bệnh...".
Nước mắt rưng rưng, ông chùng giọng bắt đầu câu chuyện cùng tôi. Nghe chính người thợ đồng hồ đếm thời gian, đếm những giờ khắc xa cách vĩnh viễn người vợ thân yêu của mình, thấy sao mà xót xa. Ông già yếu đi nhiều quá so với lần gặp trước. Và nói nhiều - cái bệnh nói nhiều của người già, hay của kẻ cô đơn trên cõi đời này? Suốt cả cuộc đời chỉnh sửa những chiếc đồng hồ cho thiên hạ, để không ai lỗi hẹn với ai, giờ chính ông lại lỗi hẹn trong chuyến ra đi mãi mãi với người bạn đời của mình, ông buồn lắm... Xin phép thắp hương cho bà nhà ông xong, để dứt ông ra khỏi tâm trạng u sầu, tôi nói ngay vào chuyện đồng hồ sau khi cùng ông nhấm nháp tách trà sen thơm dịu.
Đã dăm lần cùng ông nói về cái nghiệp đồng hồ, lần nào cũng thế, đầy hào hứng và phấn khích, bất chấp trình tự thời gian, bao giờ ông cũng nói ngay về chiến công thầm lặng của mình thời cả nước ra trận đánh Mỹ đã rồi mới đến những chuyện bằng cấp, chứng chỉ, tay nghề. Và tôi tự nhận cũng thật là có cơ duyên với câu chuyện "đánh Mỹ bằng đồng hồ" của ông. Mãi sau nhiều năm, khi đã quen biết ông Dư, khi nghe ông kể chuyện cải tiến đồng hồ hẹn giờ cho bộ đội đặc công, tôi mới nhớ lại, mới vỡ ra một chuyện liên quan đến gia đình mình thời chống Mỹ.
Gia đình tôi có một người thân tên là Tuyên. Anh là lính đặc công Hải quân, Đoàn 126 Anh hùng. Ngày đó tôi mới 9-10 tuổi, còn học cấp 1 Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình. Nhà tôi ở ngay gần Thành Cửa Bắc, gần Trạm 66 của quân đội. Một dạo, vào khoảng cuối năm 1967 đầu năm 1968, thỉnh thoảng tôi lại thấy anh Tuyên và một vài đồng đội từ đơn vị "đặc công nước" (ngày ấy người ta thường gọi đặc công hải quân như thế) từ Quảng Yên về, chở những thùng các-tông bao gói kín mít từ Trạm 66 ra mang đến nhà tôi gửi, nhờ bố mẹ tôi cất kỹ sâu trong gầm bộ phản gỗ kim giao kê ở phòng khách - của gia bảo quý nhất của dòng họ nhà tôi ngày ấy.
Trẻ con hiếu kỳ, những lúc hi hữu anh Tuyên rảnh rỗi chở tôi trên chiếc xe đạp Vĩnh Cửu ra đường Thanh Niên ăn bánh tôm hay ra Bờ Hồ ăn kem Hồng Vân - Long Vân, cứ thi thoảng tôi lại nì nèo gặng hỏi anh là trong những chiếc hộp các-tông của các anh gửi dưới bộ phản nhà mình là cái gì, bao giờ anh cũng cười xoà rồi mắng yêu tôi bằng cái giọng miền biển Quảng Bình đặc sệt: "Mi con nít biết chi... Bí mật quân sự là răng mi nhớ nghe...".
Mãi sau này, khi đã dần dần chuyển hết nhũng hộp các-tông “bí hiểm” ấy ra khỏi gầm phản nhà tôi, vào một ngày cuối năm 68 đầu năm 69, khi chuẩn bị vào Nam đánh trận Cửa Việt, một tối, anh Tuyên mới "bật mí" cho tôi biết khi ôm tôi vào lòng từ biệt để ngày mai ra trận và để rồi từ đó mãi mãi không về: "Chừ nói cho mi biết hè... Trong những chiếc hộp ấy là đồng hồ Liên Xô, là vũ khí đánh Mỹ của tụi anh. Mi biết nhưng nhớ giữ bí mật nghe...".
Lớn lên, vào cấp 2, cấp 3, đi bộ đội, rồi đi học đại học, tôi phần thì nghe lời anh Tuyên cứ im thin thít để "giữ bí mật quân sự”, phần vì thời gian qua đi vùn vụt với bao công việc, học hành và bom đạn chiến tranh, tôi quên béng trả lời cho mình cái câu hỏi còn ấm ức suốt cả tuổi thơ: "Bộ đội đặc công nước sao lại dùng đồng hồ Liên Xô làm vũ khí?". Mãi hơn 20 năm sau, khi từ Liên Xô đi công tác về, tôi mang chiếc đồng hồ Poljot đến cửa hàng ông Đào Văn Dư thay quai. Tình cờ trò chuyện, tôi mới hiểu ra và tìm được câu trả lời chính xác cho nỗi thắc mắc tuổi thơ xa xôi mà gần gũi ấy của chính mình.
Và dưới đây là chuyện kể của ông Dư về những chiếc đồng hồ Poljot Liên Xô từng được dấu kỹ dưới gầm bộ phản kim giao nhà tôi mà sau này qua tay ông, trở thành một bộ phận quan trọng của vũ khí đánh Mỹ của đặc công hải quân:
"...Năm 1967, lúc đó tôi (ông Đào Văn Dư) 29 tuổi - đang là đoàn viên thanh niên lao động - là cán bộ kỹ thuật sửa chữa đồng hồ tại Cửa hàng Quốc doanh số 2 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Một hôm, cửa hàng chúng tôi được tiếp một người sĩ quan quân đội đến từ Cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Đó là ông Nguyễn Văn Điện - Ông Điện đưa giấy giới thiệu và trình bày nội dung, yêu cầu muốn tôi cải tiến những chiếc đồng hồ chạy giờ, thành những đồng hồ đóng mạch mìn, phục vụ cho chiến đấu... Ông nhấn mạnh những yêu cầu cần thiết như: đồng hồ phải chạy tốt, đúng giờ, không thấm nước... và phải giữ bí mật tuyệt đối, không được để một ai biết.
Không phải suy nghĩ lâu, tôi trả lời ngay với ông là tôi xin giữ bí mật vì đó là trách nhiệm của mọi người dân như chúng tôi đối với quân đội, với Tổ quốc khi đất nước đánh giặc. Còn công việc chế thêm một bộ phận vào đồng hồ để hẹn giờ đóng mạch mìn, thì quả thật là một công việc hoàn toàn mới mẻ đối với tôi, cũng như trong làng thợ đồng hồ lúc bấy giờ. Nhưng với lòng nhiệt tình đối với quân đội, trách nhiệm với Tổ quốc, tôi hứa với ông, tôi sẽ suy nghĩ thêm, tìm mọi phương pháp để làm bằng được! Lúc này, nét mặt ông hiện rõ một niềm vui và hy vọng... Xiết chặt tay tôi để hẹn sau một tuần gặp lại, ông còn động viên tôi: "Cố gắng, anh Dư nhé!".
Còn đối với tôi , thời gian "một tuần" của người sĩ quan quân đội kia hẹn tôi là mệnh lệnh quân sự. Đầu óc tôi từ phút ấy không hề nghĩ đến một việc gì khác ngoài tập trung suy nghĩ, căng óc ra tìm tòi các cách để thực hiện mệnh lệnh ấy. Trước kia trong tay cầm chiếc đồng hồ là nghĩ đến tìm hiểu công năng, công thức chế tạo và công việc sửa chữa nó. Nay trong tay cầm chiếc đồng hồ chỉ duy nhất tìm hiểu xem làm cách nào để chúng tạo thành hai cực (cực dương và cực âm), làm cách nào để người chiến sĩ có kế hoạch sau mấy tiếng đồng hồ thì kim đóng mạch.
Bây giờ thì rõ rồi, từ chiếc vỏ, chiếc mặt số và những chiếc kim giờ, phút, giây đều liên kết với bộ máy, chúng được cấu tạo bằng hai kim loại chính đó là đồng và thép (là chất dẫn điện) như vậy chúng chỉ tạo ra được một cực, dù đặt vào nó là cực âm hay cực dương, vậy thì còn một cực nữa phải "bố trí" ở đâu, mà kim giờ lại nằm dưới kim phút và kim giây? Nếu đem cấy vào mặt kính đồng hồ một cọc nhỏ xíu bằng kim loại rồi vứt bỏ kim phút và kim giây đi thì đạt được yêu cầu về thời gian, có thể muốn dăm ba tiếng đồng hồ hẹn "nổ" cũng được. Nhưng vứt bỏ kim phút và kim giây đi thì không đạt được mong muốn, lúc sử dụng người chiến sĩ không phát hiện được đồng hồ sống hay chết, không tính được giờ hẹn nổ tính tới số phút. Thật là nan giải.
Cuối cùng , tôi dã tìm ra một phương pháp tối ưu. Tôi đã khoan trên mặt kính của đồng hồ Poljot một lỗ nhỏ xuyên qua, và cấy vào nó một cọc bằng kim loại đồng thau, có đường kính chỗ nhỏ nhất là 1,2mm, đầu cọc chỉ cách mặt số khoảng cách 0,5mm (để tạo thành một cực nữa) - cọc kim loại trên được gia công trên máy tiện tạo nhiều bậc, có đường ren ốc vít (phi = 1,2mm), cùng với những ê-cu nhỏ xíu để bắt chặt vào mặt kính đồng hồ. Tôi đã quyết định cắt ngắn kim phút và kim giây để trong quá trình bộ máy vận hành hai chiếc kim này chỉ có tác dụng tính giờ hẹn tới phút, còn kim giây thì giúp chiến sĩ biết được đồng hồ vẫn chạy. Thế là tôi đã tạo thêm một cực để biến chiếc đồng hồ Poljot xưa nay chỉ để xem giờ nay lại thêm nhiệm vụ đóng mạch điện.
Ông sĩ quan Điện còn đặt thêm yêu cầu cho tôi là đồng hồ không được để thấm nước. Thuở ấy tìm được một miếng nhựa dẻo quả là khó (mãi những năm sau ta mới có sản phẩm nhựa Tiền Phong), tôi đã phải tìm mua thắt lưng của Trung Quốc bằng nhựa dẻo, đem về lạng mỏng như tờ giấy rồi đột thành những chiếc "rông-đen" nhỏ để ngăn chặn không cho nước thấm vào nơi khoan thủng trên mặt kính đồng hồ. Còn một yêu cầu cơ bản nữa không được thiếu mà mỗi lần làm việc với ông Điện ông thường nhấn mạnh "Đồng hồ phải chạy tốt, đúng giờ, nếu không đạt sẽ lỡ kế hoạch, sẽ lỡ trận đánh, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của chiến sĩ ta...".
Ông Đào Văn Dư (thứ 2 từ trái sang) trong Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Binh chủng Đặc công (19-3-1997).
Nói đến chất lượng, ngay như những hãng đồng hồ nổi danh trên thế giới ai chẳng phải gánh sự cố kỹ thuật khoảng vài phần trăm vì đồng hồ "chết bất ưng" hoặc long kim, chạm kim... Đối với tôi vì trách nhiệm được giao, tôi đã vận dụng tối đa khả năng kỹ thuật và kinh nghiệm truyền đời, kiểm tra kỹ càng từng bộ phận, từng chi tiết phải bảo đảm quy chuẩn, đồng hồ không thể "chết" được - kim không được long rơi vì nếu để kim long, rơi trong đồng hồ thì vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của chiến sĩ, lỡ dở đến trận đánh vì kim đó sẽ "chạm mạch" trong quá trình "vận chuyển" (Tôi đã lựa chọn các loại kim bằng thép mạ vàng, được đóng chặt bằng dụng cụ chuyên dùng - đồng hồ có bị va đập mạnh thì kim cũng không thể rơi ra được).
Vừa khớp với thời gian hẹn "một tuần" thì "sản phẩm" được hoàn thành. Ông Điện đến gặp tôi, ông như đoán được kết quả thành công trên nét mặt vui mừng của tôi, ông xiết chặt tay tôi với niềm sung sướng, xúc động, ông nói: "Tốt lắm! Tôi sẽ đem số đồng hồ chế thử này về Cục nghiên cứu để báo cáo với các anh lãnh đạo". Ít ngày sau, ông Điện lại đến gặp tôi, nét mặt vui mừng ông nói: "Kết quả thử nghiệm tốt lắm, các anh ở Cục nghiên cứu rất phẩn khởi...".
Công việc cứ tiếp tục như vậy suốt từ năm 1967 đến 1970, hàng trăm chiếc đồng hồ Poljot được đưa đến tôi cải tiến trong nhiều đợt và hàng trăm chiếc đồng hồ - sản phẩm đóng mạch mìn được ông Điện chuyển ra chiến trường... Cứ mỗi lần đến đặt và nhận hàng ông lại tỏ lời khen ngợi tôi và lại có thêm yêu cầu đối với tôi như: Đồng hồ phải có dạ quang, phải dễ tiếp xúc điện, có thể đảo lại chữ số trên mặt của đồng hồ không? Vì nếu nhận nhiệm vụ "sau ba giờ sẽ cho nổ" thì người chiến sĩ chỉ cần đặt kim đóng mạch ở số 3 (tức là số 9 cũ). Yêu cầu nào tôi cũng đáp ứng được, như tôi thay thế vào đồng hồ những bộ kim có dạ quang sáng quắc, mạ bằng nitrat bạc cọc đóng mạch để chống han rỉ, dễ tiếp xúc điện, kẻ lại mặt số theo yêu cầu lúc bấy giờ (từ số 12 tiến tới 11, 10 theo chiều kim đồng hồ).
Cách đây 43 năm, lúc đó trình độ khoa học, kỹ thuật của ta chưa phát triển như bây giờ, tôi làm được như vậy là xuất phát từ tinh thần yêu nước, có trách nhiệm đến tính mạng của chiến sĩ đặc công, tôi không hề đòi hỏi gì cho bản thân. Sau này tôi được biết đây là một cách đánh, một phương thức mở đầu cho những cách đánh sau này của bộ đội đặc công (khác với thời kỳ xa xôi ta đánh mìn bằng đốt ngòi nổ chậm) sản phẩm "đồng hồ hẹn giờ đóng mạch mìn" là nhu cầu cần thiết lúc bấy giờ để chiến sĩ thực hiện được kế hoạch trận đánh, chủ động thời gian trở về vị trí an toàn để chờ kết quả... dù kẻ thù có canh phòng tầng tầng lớp lớp, hàng rào dây thép gai và xe bọc thép dày đặc, bộ đội đặc công vẫn đủ và chủ động thời gian để tiêu diệt mục tiêu, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ
(Còn nữa)
Trái Tim Người Lính