Bên tách cà phê nóng, trong bầu không khí ấm cúng của không gian “Ký ức nhiếp ảnh”, hoà mình vào những bộc bạch, đến từ nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Công Thắng, về quá trình thực hiện dự án dày công này của mình. Cũng như, vô vàn câu chuyện thú vị, đầy ý nghĩa, xoay quanh hơn 700 hiện vật, trong đó có máy ảnh, cùng nhiều hiện vật giàu giá trị khác, được lưu giữ tại đây, khiến tôi có cảm giác, như đang lạc vào “một thiên đường máy ảnh xưa”.
Một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 01 năm 2023, tôi có dịp được theo chân nhà văn, TS Phạm Việt Long – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển, tới số nhà 225A, phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, TP Hà Nội, để được gặp gỡ, trò chuyện và thị thực không gian “Ký ức nhiếp ảnh” của NSNA Phạm Công Thắng. Cùng hai thầy trò tôi, còn có NSNA Thu Hoài, bà Kim Ngân (phu nhân của TS Phạm Việt Long). Được biết, hai bà là bạn thân và từng công tác tại Thông Tấn Xã Việt Nam.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng – hội viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, xuất thân là một phóng viên ảnh kỳ cựu. Ông đã có cho mình 2 cuộc triển lãm ảnh cá nhân, 2 sách ảnh, 2 tập truyện ngắn, cùng nhiều vị trí, vai trò khác nhau, trong cuộc đời làm báo. Và “Ký ức nhiếp ảnh” với ông là điều đặc biệt hơn cả.
“Ký ức nhiếp ảnh” – được gây dựng từ giữa năm 2020, với ý tưởng ban đầu là Gallery trưng bày ảnh, nhưng trong quá trình làm, NSNA Phạm Công Thắng nhận thấy cái tên đó dường như là chưa đủ, để lột tả hết những gì ông đang làm. Vì ngoài ảnh ra, thì không gian vẻn vẹn hơn chục mét vuông này, chính là nơi lưu giữ hơn 700 hiện vật, trong đó có máy ảnh, cùng vô vàn hiện vật khác, như: máy phóng ảnh, dao cắt ảnh, chân máy ảnh, máy quay, chân máy quay, khay, quy, hộp chống ẩm… của nhiều nhà báo, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, mang đến tặng.
Nếu chỉ nhìn vào thành quả hiện tại, thì ít ai biết được, không gian và bố cục của “Ký ức nhiếp ảnh” lại được chính người đàn ông tưởng chừng như chỉ biết “bấm cò” này, một tay dựng lên, với nguồn kinh phí eo hẹp của mình. Từ dọn dẹp, sơn tường, đến bài trí,…
“Ban đầu, tôi chỉ mới xây dựng ý tưởng, rồi đăng lên mạng mà đã được rất nhiều bạn bè ủng hộ. Thời điểm đầu chỉ có một vài máy. Sau, nhiều người thấy đó là một việc làm độc đáo, cao cả, nên họ cũng giúp đỡ. Có người chưa từng đến đây bao giờ, mà họ vẫn chuyển khoản ủng hộ tiền và tặng máy ảnh, để tôi làm. Cũng có không ít người vô danh, chuyển máy qua đường bưu điện trao tặng, vì đó là thời điểm dịch bệnh Covid-19, họ không đến được và họ cũng không muốn ''ghi danh''. Từ đó, cứ nườm nượp người mang đến tặng. Khi nhiều máy quá, thì tôi thuê người đóng thêm tủ kính. Doanh nhân Bùi Việt Hưng là người tặng chiếc máy đầu tiên, và qua đường bưu điện cho Ký ức nhiếp ảnh” – NSNA Phạm Công Thắng vui vẻ chia sẻ.
“Hiện nay, cái tên “Ký ức nhiếp ảnh” đã được tôi đăng ký bảo hộ, cùng 2 tên miền: kyucnhiepanh.vn; kyucnhiepanh.com. Tôi cũng đã phân loại được hiện vật của nhà báo, nghệ sĩ; nhiếp ảnh gia. Tất cả đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin đầy đủ của người trao tặng. Với họ, thì đây đều là những kỷ vật vô cùng giá trị. Tuy nhiên, vì quá tin tưởng hay quý mến Phạm Công Thắng, hay sao? mà họ vẫn đem tặng Ký ức nhiếp ảnh?” NSNA Phạm Công Thắng dí dỏm bộc bạch.
Qua những chia sẻ của NSNA Phạm Công Thắng, thì mỗi kỷ vật được lưu giữ tại đây, đều có “một hồ sơ đẹp”, chúng mang trong mình những câu chuyện, kỷ niệm, đầy thú vị, mà giá trị đó vẫn và sẽ còn mãi với thời gian. Từ những năm tháng làm báo ra sao, hay đời nghệ sĩ như thế nào… Với NSNA Phạm Công Thắng thì “Ký ức nhiếp ảnh” không phải là của riêng ông, mà là của cộng đồng, ai cũng có thể ghé thăm.
Video ghi lại cuộc gặp gỡ, trò chuyện của nhà văn, TS Phạm Việt Long – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá và Phát triển, với nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng, tại Ký ức nhiếp ảnh: