Sự cách tân quá đà từ trang phục hầu Thánh, đến việc sáng tạo lối hầu trong mỗi giá đồng, vô hình trung khiến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trở nên biến tướng lúc nào không hay. Nguyên nhân nằm ở đâu và hướng phải quyết như thế nào? Đó là câu hỏi vẫn thường trực trong đầu người phụ nữ ở tuổi Bát thập, với hơn 60 năm phụng sự Phật Thánh - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn.
Trang phục hầu đồng xưa và nay
Trang phục hầu đồng có vai trò rất quan trọng trong mỗi vấn hầu, tạo nên tính uy linh tố hảo. Đồng thời, giúp thanh đồng hưng phấn và thăng hoa. Bên cạnh đó, qua trang phục, người tham dự - khách mời có thể nhận diện và hiểu về nhân vật được tái hiện.
“Thời bấy giờ, vải vóc và phụ kiện trang sức khan hiếm, thiếu thốn vô cùng. Nên trang phục hầu đồng của chúng tôi cũng vì thế mà đơn giản. Khi ra đồng, đồng tân chúng tôi chỉ cần sắm cho mình một tấm khăn phủ diện và chiếc áo bản mệnh cùng là màu đỏ. Thời đó, khăn áo làm gì được thêu rồng phượng, hoa lá. Nhiều trường hợp điều kiện khó khăn, chỉ có thể mua một miếng vài đỏ nhỏ, đủ để che đầu.
Khi rời xa dương thế, sang thế giới bên kia nhiều ông bà đồng vẫn nguyện được phụng sự, làm tôi Phật Thánh, vậy nên, lúc thác đi họ sẽ mặc áo bản mệnh và gối đầu lên khăn phủ diện. Đối với chúng tôi, khăn phủ diện và áo bản mệnh là tài sản thiêng liêng và quý giá vô cùng.” – Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá Tín ngưỡng dân gian, thủ nhang Phúc Quang Linh Từ (Ba Đình – Hà Nội) chia sẻ.
“Thế còn ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, nên trang phục hầu đồng cũng có nhiều thay đổi, đẹp hơn, chất liệu cũng vì thế mà đa dạng phong phú. Một bộ trang phục hầu đồng có giá từ 1- 5 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất về kiểu dáng và màu sắc, mỗi vùng miền lại có một phiên bản khác nhau. Đôi khi, sự cách tân quá đà, vô hình trung đã dẫn đến biến tướng lúc nào mà không hay. Khi trang phục hầu không chuẩn sẽ kéo theo việc thực hành - diễn xướng cũng sai. Khiến người xem cảm thấy khó chịu, hoặc lũng loạn thông tin về nhân vật được tái hiện. Thanh đồng cổ chúng tôi vẫn gọi đó là đồng đua, đồng đú.” - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn chia sẻ những trăn trở.
Hiện nay, có không ít cơ sở sản xuất trang phục, phụ kiện hầu, thiếu hiểu biết, hoặc cố tình cách tân để tạo ra tính mới mẻ, bắt mắt, thu hút thanh đồng. Bên cạnh đó, phần lớn là do thanh đồng kiến thức còn thiếu, kỹ năng còn yếu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Do sự chỉ bảo sai của đồng thầy, hoặc đền từ chính mỗi thanh đồng.
Video một giá hầu được cho là biến tướng
Đồng thầy giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng những quy định, tiêu chuẩn về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là điều cần thiết đến từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu văn hoá, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, tính trao truyền đúng đắn của đồng thầy cho các thanh đồng trẻ (con nhang – đệ tử), trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu giữ một vai trò chủ đạo. Đó chính là cơ sở tiền đề, để các nhà nghiên cứu, xây dựng những quy định, bộ quy tắc trong việc bảo tồn và phát huy.
“Nếu đồng thầy nắm không chắc kiến thức, thì sẽ chỉ bảo đệ tử sai. Một người sai dẫn đến nhiều người sai theo, Vì vậy vai trò của đồng thầy là rất quan trọng.” – Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn khẳng định.
“Ở cái tuổi 80 như tôi, nhiều người sẽ chọn quây quần bên con cháu, hưởng những phút thảnh thơi tuổi già. Chân tay yếu cả, mấy ai còn hầu thánh, còn đi tỉnh này tỉnh nọ để truyền dạy, chỉ dẫn cho những thanh đồng trẻ như mình. Cái phận làm tôi ông Thánh nó vậy, không đi không chịu được. Kể ra cũng may mắn, khi tôi được các cụ Đồng cựu xưa truyền dạy những lề lối đúng đắn của nhà Thánh. Vậy nên, thấy những đồng tân lính mới còn lầm lạc trên con đường hành đạo tôi không đành. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ta tuy mộc mạc mà lại vô cùng uy linh!
Tôi rất muốn đến các miền quê để truyền dạy – lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu ở những vùng đất đó. Tôi mong muốn, từ thành phố đến nông thôn, từ già đến trẻ, ai cũng có thể hầu đồng. Chứ không nên phân biệt Đồng giàu, Đồng nghèo.” - Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn giãi bày.
Hiện nay, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn thường xuyên được mời làm đại biểu, ban giám khảo hoặc trực tiếp tổ chức các sự kiện liên hoan diễn xướng chầu văn tại TP Hà Nội và một số tỉnh thành khác, thu hút nhiều thanh đồng tham dự. Đây chính là cơ hội để “đồng tân lính mới” giao lưu, học hỏi những khuôn phép đúng đắn trong hầu đồng. Cơ sở thực tiễn cho các tổ chức, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá, tín ngưỡng thị thực. Từ đó, đưa ra những giải pháp ưu Việt trong việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng này, tránh biến tướng.