Đây là thể thơ do Cố nhà thơ Trần Quang Quý sáng lập và được giới chuyên môn đánh giá cao. Cùng với thể thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng và phát triển mạnh, Thơ Namkau ngày càng được nhiều nhà thơ chuyên nghiệp và bạn yêu thơ hưởng ứng và cổ vũ. Cố nhà thơ Trần Quang Quý, một người đã được giải thưởng nhà nước về VHNT, ông từng là ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Phó Chủ tịch Hội NV Hà Nội, ông đã mong muốn phát triển thể thơ này qua việc thành lập CLB THƠ NAMKAU.
Thể thức thơ Namkau ngắn gọn như tên gọi. Ngắn gọn nhưng có thông điệp và dư ba. Thơ Namkau khá phù hợp với những người cao tuổi bởi nhiều sự suy ngẫm và chiêm nghiệm. Những dòng thơ cô đọng, có khi chỉ là những lát cắt trong cuộc sống, vẫn đủ đề chất chứa nỗi niềm nhân thế. Đó là khi con người ta viết và cảm nhận bằng tâm thế an nhiên, họ đã sống kỹ, đủ trải nghiệm với cuộc đời và nhân gian. Những vẻ đẹp cất lên từ thể thơ Namkau. Có lẽ thế, khi cần tìm kiếm những bài thơ Namkau hay, ta sẽ bắt gặp nhiều bài viết về cảm thức mùa thu. Mùa thu của đất trời và mùa thu của cuộc đời. Tôi từng đọc thuộc lòng bài Cảm thức mùa thu và một số bài Namkau khác của Trần Quang Quý viết từ lâu. Từ khi CLB Namkau chưa thành lập. Đọc lại, giờ vẫn thấy thích.
Những bài Namkau của cố nhà thơ Trần Quang Quý từng viết về mùa thu, ta bỗng thấy lòng xôn xao khi đọc lại. Bỗng, có cảm giác, bóng dáng nhà thơ vẫn như đâu đây. Người thơ đã về miền mây trắng, hôm nay cũng đang ngược mây bay về đây chăng? Ngài xa rời cõi tạm, ngài đang đi du Xuân cùng bạn thơ ở Văn Miếu ngày nào, bây giờ cùng mây trắng kia, bay về đây dự hội thơ năm con Rồng. Thì đây:
CẢM THỨC
“Mùa thu giặt những đám mây trắng
phơi lang thang bầu trời
vắt ngang gió một lườn sông sóng sánh…
Trong rón rén bình minh chợt nhú
ban mai vừa cởi cúc mùa thu!”
Vẫn là giọng điệu rất riêng Trần Quang Quý, ông không lẫn với bất cứ ai. Đặc biệt, ở bài BUỘC dưới đây:
“Hoa nở
ngỡ môi em còn thơm đầy vườn
hoàng hôn khép ráng chiều xa ấy…
Gió gọi em mùa đi biền biệt
vườn buộc anh cả một đời hương”.
Thơ Namkau đang náo nức gọi xuân về . Và kia, bóng những tà áo dài của thiếu nữ Hà Thành đang bay tha thướt trong hội xuân. “Tôi biết mình yêu áo dài không phải vì sặc sỡ…”. Đây là thơ Namkau của một nhà LLPBVH, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là Đỗ Ngọc Yên, người có mái tóc mây bay đang buộc túm đuôi gà kia kìa:
ÁO DÀI THU HÀ NỘI
“Tôi chưa biết yêu áo dài thướt tha từ trong bụng mẹ
bà sinh tôi ra từ vạt áo nâu sồng
nhà nghèo thế lấy đâu tiền mua nhiều vải
Lớn lên tôi biết yêu áo dài không phải vì sặc sỡ sắc màu hay kiểu dáng thướt tha trong những ngày hội lễ
tôi yêu thân phận mỗi con người sau tà áo mong manh”.
Nhà thơ Lôi Vũ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một hậu duệ nhiệt huyết của cố nhà thơ Trần Quang Quý. Anh hiện là chủ nhiệm CLB THƠ NAMKAU. Anh
đã viết một bài Namkau mang tên MỞ nghe khá lạ:
“Cây hổn hển sáng nay thay lá
Như mùa thu bóc nõn cúc ngực trần
Nghe rần rật tiếng trời chuyển vụ
Rưng rức màn sương xám vàng cuối ngõ
Đụn địn hanh heo mở nút sang mùa…”
Đọc xong, hẳn không ít người, giống như tôi, sẽ còn phân vân mãi về hai chữ “đụn địn” nghe sao mà kỳ kỳ…!
Còn THUỘC ĐỊA thì sao? Sao người thơ lại đặt tên bài như thế? Bạn hãy đọc và sẽ tự trả lời.
“Dại dột thế một mình xanh với thu
Khi cả không gian chuyển mầu vàng dụ
Gió mang ảo mùa từ ngày búp nhú…
Vỗ vào nụ xanh thúc thắc chuyển mầu
Một cõi ta, thành thuộc địa trong nhau!”
Nữ nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo, một người rất yêu hoa sen và chị từng viết khá nhiều về sen ở các thể loại thơ. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN. Một cách nhìn, cách cảm về sen. Sen của một tâm hồn Việt, mang sắc thái hội hoạ.
“Sen lan tỏa cái đẹp của hoa, của lá, của cành
Sen bung cánh như sinh ra để nở
Môi sen thơm làm đêm quyến rũ…
Sen thật gần, em thật xa
Sen thật xa, em thật gần!”
()
Ngay cả khi sen kia đã tàn, nữ thi sĩ vẫn nhìn thấy vẻ đẹp của tàn phai.
“Sen đang tàn sau những ngày bừng nở
Cái đẹp của sen vẽ vào tàn úa
Ngay cả khi sen nở đã biết mình sắp tàn!
Sen đến với đời và sen đã nở
Người đến với người, sao vội chia xa?”
Thơ và nhạc luôn là cặp đôi song hành. Trong thơ có nhạc. Trong nhạc có thơ.
Nhà thơ Trần Cường, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông hiện là Chủ tịch CLB THƠ NHẠC VIỆT. Người đã có những câu thơ thiền Namkau gây được ấn tượng với người đọc:
TẬP THIỀN
“Nhắm mắt mở tâm
Tìm chân lý
Bản ngã riêng bình dị
Ham muốn cứ vô cùng
Khó khăn một chữ: Buông”.
Nhà văn Y Mùi, phù nhân của cố nhà thơ Trần Quang Quý. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Nữ sĩ đã có bài Namkau ấn tượng về MỜI RƯỢU:
“Tất niên bữa cơm cuối năm
Nào chồng nào con nâng chén
Giọt cay ta cùng nhấp môi
Đắng đót cuộc đời nếm đủ
Ngọt bùi Xuân mới an vui”.
Tôi thích bài PHẬN HỒ của chị hơn, dẫu hai chữ Phận Hồ nghe cứ sao sao ấy:
“Thấy sóng lăn tăn
Ngỡ hồ phẳng lặng
Ai biết lòng hồ thăm thẳm nguồn cơn
Dưới phẳng lặng cả một trời giông tố
Hồ giấu phận mình trong bóng nước lặng câm”.
Nữ thi sĩ đồng quê mang tên Thu Sang, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, người có bài Namkau duyên dáng mang tên BỨC HỌA ĐỒNG QUÊ:
“Nâu non xẻ dọc tà mây biếc
Nón trắng chao nghiêng vạt gió đồng
Ai vít vành trăng căng ngực gió.
Con thuyền e ấp tỏ tình sông
Khúc hoan ca trên đồng”.
Ai mà biết được chị lại ủ tình như lửa cháy thế này:
“Ủ lửa phượng cháy rực trời
Ủ bùn sen tỏa ngời ngời sắc hương
Ủ đêm tinh khiết giọt sương
Ủ bao nhung nhớ để vương vấn tình
Ủ tim để ướp hình anh!”
Thơ Namkau với cách nói khúc triết, ngắn gọn, đã góp phần chuyển tải nhiều thông điệp cuộc sống. Chẳng thế mà nhà thơ Kiên Lục Bát, một người thơ chuyên viết thơ lục bát đã thành danh, cất tiếng cùng Namkau:
“Gắn vào thân chữ bên đời
Quên hay nhớ đã đầy vơi kể gì
Giữa muôn ngọn bấc ngọn chì
Đường văn chương vẫn người đi với người.
Đất trời gầy những cuộc chơi...”
(Đường văn)
Vẫn là lục bát thôi, nhưng khi sang thể thức Namkau, dường như lục bát đã có thêm sắc thái mới:
“Là anh ở cuối mùa thu
Nên chiều gió mới hát ru đấy người
Trong màu sương biếc gọi đôi
Lá vàng nghiêng xuống một lời hẹn xa.
Gió còn dặn với: Hôm qua...”
(GỌI )
Thi sĩ Xuân Đạt, một người con của miền trung du, anh là hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, người luôn “thắp lửa Namkau”:
NAMKAU TỎA SÁNG NGUYÊN TIÊU
“Mùa xuân về vườn hoa thơ nở rộ sân Văn Miếu
NamKau tỏa sáng khúc dạo một con đường
Lều thơ rực rỡ khoe màu sắc
Khách thơ, người thơ hồ hởi giữa sân thơ
Các cụ rùa ngạc nhiên nhìn phướn thơ NamKau song ngữ”.
Với anh, thơ Namkau mang niềm vui chào xuân mới, biết đâu, đi dự hội thơ nơi thủ đô, ta lại bắt được ánh mắt của nàng thơ nào chăng?
“Xuân về thắp lửa Namkau
Nguyên tiêu Văn Miếu rực màu phướn thơ
Em cười ánh mắt mộng mơ
Câu thơ trình diễn mà ngơ ngẩn lòng
Bỏ bùa cả đám đàn ông....”
(Thắp lửa Namkau)
Nhà báo Trọng Nghĩa- nguyên Phó TBT Báo An ninh thủ đô lại như trẻ lại khi anh viết những bài Namkau như thế này:
NHÉ EM
Em đừng nói “ Người đàn bà cũ”
Bởi Mùa Xuân chưa cũ bao giờ
Em bừng thức một miền đông giá
Lạc bước nơi em, hương vườn lạ
Chiều hoang mơ.
Đặc biệt, trong bài DÂM ĐÀM THU, một bài thơ lạ, người đọc bỗng nhận ra hình như mỗi con người trong cõi sống nhân gian đều ít nhiều phải bùng nhùng mắc lưới số phận:
“Người đánh cá rẽ thuyền vào màn sương
Dâm Đàm mịt mùng che chở
Phận người Tự do
Ta bùng nhùng trong sương lạ
Mắc lưới phận số”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Hằng, hội viên
Hội Nhà văn Hà Nội. Anh có bài Namkau hay mang tên MẦM XUÂN:
“Nắng hanh hao rót vàng lên cây lá
Rót vào nhau hương mật của đất,trời
Rắc men tình ủ qua đông buốt giá...
Ấm áp, nồng nàn tươi căng nguồn nhựa
Khúc giao mùa kích hoạt nẩy mầm Xuân”.
Bài Namkau MÙA LOA KÈN cũng gợi một nét xuân khi đất trời hát khúc giao mùa:
“Ngẩn ngơ em
Trắng muốt,dịu êm
Nuột nà,tinh khôi màu phố...
Níu chân khách qua đường quen,lạ
Nắng đầu mùa thơm thoảng mãi tháng tư”.
Nữ sĩ Phạm Thị Hồng Thu, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, một người viết nhiều thơ cho thiếu nhi, bỗng hứng khởi chuyển viết thơ Namkau.
Nàng thơ Nông Thị Hưng, là người dân tộc Tày, chị là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN, khiêm tốn tự nhận mình mới tập viết những bài Namkau đầu tiên:
NÀNG XUÂN
Nàng xuân đỏng đảnh bên thềm
Để em tỏa sáng, ngọt mềm gió mưa
Văn Miếu vui hội sớm trưa
Trái tim cô lẻ, như vừa ấm lên
Những lời có cánh bên thềm…
SẮC XUÂN
Dịu dàng bên cỏ ấm
Rót mùa lên tay người
Đắm say cùng trời đất
Sắc xuân tràn khóe mắt
Mùa say mùa trong tay…
Hội thơ xuân Văn Miếu lần này, có những người từ rất xa cũng gửi bài tham gia. Anh Mai Hân Hạnh - một cán bộ hưu trí, quê Nga Sơn Thanh Hóa. Nay là hội viên Hội VHNT Đồng Nai rất tích cực sáng tác Thơ Namkau.
MEN XUÂN
Đường Thanh Niên tay trong tay dạo phố
Mùa xuân hò hẹn bước sóng Hồ Tây
Vin cành đào má em hồng lúng liếng
Bồng bềnh đêm, tay đan tay cháy bỏng
Nhịp thở Sông Hồng gió thốc lửa men xuân
RU MÙA!
Anh ru mùa đông trong giấc mộng xuân thì
Nhặt lá rơi chụm lửa con tim hong ngày dang dở
Môi hồng nhấp rượu xuân cho say lại thủa ban đầu
Gọi tên nhau, nắng hồng vườn băng giá
Viết lên mặt trời thơ mùa trổ lộc đơm bông
Thi nhân HỒ THỊ THIÊN NGA lại có những câu thơ Namkau ấn tượng về Hà Nội.
HÀ NỘI CỦA TÔI
Rưng rức xuân len từng con ngõ
Tà áo thiên thanh eo thon hé lộ
Một bản tình ca cánh thiên thần nhẹ vút
Phố cổ bỗng điệu đàng
Vũ điệu đôi mươi căng tràn nhịp thở
Nhà thơ DƯƠNG VĂN LƯỢNG, hội viên
Hội Nhà văn Hà Nội. Anh có những bài Namkau hay, cô đọng và đầy sức chiêm nghiệm:
RÊU
thế thái nhân tình đổi thay chóng mặt
lòng người khúc khuất đa chiều
chợ trời trắng đen thật giả.
ta bỗng thành hòn đá
lăn phía nào cũng rêu.
ĐÊM THƠ HOÀNG THÀNH
đêm Nguyên tiêu
Hoàng thành bừng thức
trầm tích đền đài cung điện thăng hoa.
khi câu thơ tạc vào lịch sử
mảnh gốm nghìn năm cũng thi ca.
Nhà thơ Đỗ Thu Yên, hội viên Hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội. Chị từng là nữ quân nhân Trường Sơn. Những bài thơ Namkau của chị là sự chiêm nghiệm về nỗi buồn nhưng không bi lụy:
ĐỜI SEN
Mọc từ bùn nước chơi vơi
Gian nan khó nhọc mưa rơi nắng tràn
Mùa Đông như thể lụi tàn
Dấu bao tinh túy lọc sàng mới nên.
Dâng đời những đóa hoa sen.
CÓ MỘT CHIỀU MÙA ĐÔNG.
Có một chiều đông, tóc em pha màu nắng
Anh bâng khuâng, bâng khuâng đứng lặng
Cơn gió đùa mơn man.
Mùa xuân như đến sớm
Trong một chiều mùa đông.
Nữ sĩ Bùi Thanh Hà, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, một nàng thơ sung sức viết và đầy nữ tính. Chị đã có những bài Namkau hay, giàu tính tượng trưng,
đặc biệt bài về ĐẤT NƯỚC:
Đất nước tôi
Cha vịn non sông qua ngàn năm bão tố
Mẹ vin cánh đồng chao liệng những vành nôi...
Đất nước tượng hình từ yêu thương, xương máu, mồ hôi
Xoải cánh vươn mình ôm biển Đông đời đời sóng vỗ...
Bài thơ KÉN TẰM, lại là một lát cắt nói
về thân phận con người:
Bình yên nhú trên vạt cỏ
Buồn đau rã cánh xuống chiều
Niềm vui lang thang đâu đó...
Đời người... kén tằm trong vỏ
Khao khát cắn tổ, bật mình, ló trời xanh.
Nhà thơ Đặng Quốc Việt, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Anh viết Namkau với nhiều suy ngẫm, chiêm nghiệm về nhân tình thế thái.
PHẬN CHIM TRỜI
Vạc ăn đêm vì cờ bạc, ruộng đồng cầm cố
Tu hú chiếm nhà người làm tổ
Cò lộn cổ, nước đầy diều còn tiết tháo huênh hoang
Đại bàng có khi sà thấp hơn quạ
Quạ đừng khoe bay cao sánh Đại bàng
SÁO SẬU
Nghe tâng bốc danh ca
Há mỏ chê lũ sáo đen chim sẻ
Bỏ lùm cây vút lên thuê sân khấu Cổng Trời
Khán giả đâu? Vài cơn giông lạc mẹ
Õng ẹo mây vờn, ậm ọe Thiên Lôi
Nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn, hội viên Hội viên Hội nhà văn TP.HCM. Thơ Namkau của anh khá cô đọng và gợi khi viết về vẻ đẹp của phụ nữ:
TRĂNG THU
Trăng nửa đêm lấp lánh
Đồi núi cao chập chùng
Ta chạm vào trăng run rẩy.
Cúc áo mềm
Ngực em...
TẮM ĐÊM
Khỏa thân tắm đêm
Cô lái đò cài mảnh trăng vàng lên tóc.
Gió thu trở mình rạo rực.
Hương trinh nữ...
Dòng sông lung linh
…
Tôi không phải là người sành rượu thơ nhưng cũng xin mạo muội cảm nhận chút chút về rượu ngon Namkau. Ngày xuân, mời bạn nhâm nhi chút rượu thơ Namkau và thêm chút chiêm nghiệm.
Nếu muốn, bạn có thể độc ẩm trước thứ rượu thơ Namkau của chính mình. Còn nếu muốn được giao lưu, gặp gỡ hay chia sẻ với bạn thơ, xin mời hãy đến với Ngày thơ ở Văn Miếu ngày 13-14 Tết Giáp Thìn cùng CLB THƠ NAMKAU nhé.
Rượu ngon cần có bạn hiền
Namkau chào đón mọi miền, gần xa…
(Trước thềm ngày thơ Việt Nam; ngày 13 Tết Giáp Thìn năm 2024)