Tôi nhớ lại một trường hợp khác đã gây bất ngờ và lý thú cho tôi, đó là Tạ Quang Thắng với ca khúc :
“Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc- Nam
Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha
Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem
Không biết Bobo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ
Chuyện của cha tôi
Là những giấc mơ dở dang
Là xếp bút nghiên, chiến đấu vì một màu cờ đỏ tươi thấm máu bao người
Chuyện của mẹ tôi
Là cất tiếng ca cho đời
Là đến những nơi xa xôi với những con người cài ngôi sao vàng trên mũ
Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng
Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang
Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom
Để rồi nay bước trên con đường đời
Dù bao gian khó, chông gai đời tôi
đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca :
'’Đoàn quân Việt Nam đi...’'
Rồi ngày tháng trôi
Bao đổi thay đến với cuộc đời
Thì trong trái tim tôi luôn tự hào là người Việt Nam
Màu cờ thắm tươi vẫn phấp phới với những cuộc đời
Lòng bồi hồi nhớ”
Một trường hợp khác là ca sĩ Hiền Anh, giải nhì Sao mai Toàn quốc, đã làm nên một sự kiện khá vang dội, bất ngờ, khi công bố bài hát do cô viết về lực lượng cảnh sát chống ma túy. Một đề tài cực khó, vậy mà Hiền Anh đã chinh phục được người nghe bằng giai điệu và ca từ hấp dẫn, vẽ nên chân dung những chiến sĩ xả thân chống “cái chết trắng”, đem lại sự bình yên cho cuộc sống:
“Giữa thời bình đồng đội tôi chắc tay súng
Giữa thời bình cha mẹ già vẫn ngóng trông con
Cái chết trắng mang đau thương
Đồng bào tôi hao mòn
Tổ quốc ơi, chúng tôi lập chiến công
Giữa thời bình đồng đội tôi vẫn ngã xuống
Giữa thời bình giọt máu nóng vẫn cứ tuôn
Ngàn bước chân, đi trong đêm, vẫn âm thầm trên mọi nẻo đường
Giữ yên bình trên mảnh đất quê hương
Mẹ yêu ơi mẹ đừng buồn
Khi mà con không về
Em yêu ơi em đừng giận
Anh lỡ hẹn một lần này thôi
Đồng đội hỡi có nghe gọi
Tiếng vọng hồn thiêng núi sông
Lời thề đó là bản trường ca anh hùng
Lời thề đó sẽ mãi khắc ghi trong tim tôi”
Nhân nói tới Hiền Anh, tôi kể vài chuyện về mối quan hệ giữa nhạc sĩ và ca sĩ. Đó là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó. Phải có nhạc sĩ sáng tác thì ca sĩ mới có tác phẩm để biểu diễn. Đồng thời, phải có ca sĩ, thì bài hát mới được chắp cánh bay vào đời sống. Hiền Anh là ca sĩ giàu nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng, luôn luôn tìm cái mới, luôn luôn làm mới mình. Một trong những cách làm mới mình, là cô chịu khó tìm, hát những bài hát mới được sáng tác. Bản thân tôi, chính nhờ Hiền Anh mà có những ca khúc được lan tỏa trong đời sống. Như “Nhớ nắng”, Hiền Anh biểu diễn ở nhiều chương trình, trên sân khấu cũng như trên truyền hình, lại còn giới thiệu cho đồng nghiệp, dạy cho học sinh hát nữa, rồi làm MV tới vài ba phiên bản. Không những vậy, Hiền Anh còn gợi ý cho tôi viết một số ca khúc, tôi sẽ nói tới ở phần kết cuốn sách này. Hoặc như nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, viết ca khúc không phải là nghề chính, nhưng nhờ có Hiền Anh phát hiện, dàn dựng, biểu diễn mà một số ca khúc của anh được đông đảo công chúng biết đến. Như bài hát “Con đường của Bác - Đường Hồ Chí Minh”, qua giọng hát khỏe khoắn và thắm thiết của Hiền Anh, đã được công chúng nhiệt tình đón nhận, trở thành bài hát được sử dụng rất nhiều trong các sự kiện lớn. Còn đây là do chinh tác giả trinh bày:
“Khi chúng con được về bên nhà Bác
Làm con đường mà mỗi sáng Bác đi
Quanh nhà sàn một con đường cách mạng
Là con đường Việt Nam con đường của Bác
Con đường của thời đại Hồ Chí Minh
Con đường của thời đại Hồ Chí Minh
Đường con đi từ nhà sàn của Bác
Đường con đi bắt đầu từ đây
Đường con đi nối bao nhiêu đỉnh núi
Giữa ngàn tiếng vang ca hát về Bác mãi mãi
Giữa đất trời bát ngát chứa chan
Giữa tấm lòng người dân Việt Nam
Đường con đi theo dấu chân người
Đi dọc Việt Nam yêu dấu
Nối trăm miền bằng tình Bác thiết tha
Nối trăm miền bằng tình Bác bao la”
Sự phát hiện và lựa chọn của Hiền Anh quả là tinh tường. Những ca khúc của Phạm Hồng Sơn đáng được lan tỏa rộng trong đời sống, bởi giai điệu thăm thẳm hồn dân ca xứ Nghệ quê hương anh, ca từ trùng điệp hình ảnh, nội dung nồng nàn tư tưởng nhân văn.
Chính sự trân trọng tác phẩm và có biện pháp dẫn dắt tác phẩm vào đời sống của ca sĩ là nguồn động lực lớn cho nhạc sĩ sáng tác. Mặt khác, chính sự tìm tòi, phát hiện rồi trình diễn những tác phẩm mới giúp ca sĩ tránh bớt lối mòn, làm giầu, làm mới vốn nghệ thuật của mình, tạo được cho mình nét riêng, một trong những đặc tính cơ bản của nghệ sĩ.
Những nhạc sĩ trẻ tuổi mà tôi dẫn ra trên đây chỉ là sự lựa chọn theo hiểu biết hạn chế của tôi, còn trong đời sống âm nhạc, có rất nhiều nhạc sĩ trẻ tài năng, đã truyền vào nền âm nhạc nước ta sinh lực mới, với nhiều thể loại, phong cách âm nhạc khác nhau, cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ, thế hệ tương lai làm chủ đất nước.
***
Tinh thần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thời kỳ này gợi ta nhớ lại cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc đã gây hấn ở biên giới Lạng Sơn. Lê Đình Chinh hy sinh lúc 10h30 trên đồi Pù Tèo Hào, gần sát km số 0 (Lạng Sơn), là chiến sĩ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc, khi tròn 18 tuổi. Ngày 30/8/1978, anh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu "chống bọn xâm lược mới ở biên giới phía Bắc”. Lê Đình Chinh trở thành biểu tượng cho lòng quả cảm, xả thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần, khí phách Việt Nam một lần nữa được các nhạc sĩ tôn vinh qua các ca khúc đằm thắm và hào hùng.
Viết về Lê Đình Chinh, có hai ca khúc còn lan truyền đến ngày nay. Đó là “Bài ca tuổi trẻ Lê Đình Chinh” của nhạc sĩ Bảo Chung và “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát tiếp tục phong cách hào hùng của dòng nhạc cách mạng:
“Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh,
Nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình
Tuổi thanh xuân anh đẹp sao
Vì Tổ Quốc hiến dâng dòng máu
Nguyện theo anh thề lập chiến công đầu
Vì hòa bình ta không ngơi tay súng
Từ trong lửa đạn bão bùng
Chúng tôi thành những anh hùng Việt Nam
Trên biên giới xa xôi
Nơi hải đảo ngàn trùng khơi
Gìn giữ mỗi tấc đất quê hương
Lời Tổ Quốc thôi thúc lên đường
Tuổi trẻ yêu thương, tuổi trẻ là chí kiên cường
Tuổi trẻ trong đấu tranh lòng tràn đầy những ước mơ xanh
Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh
Nguyện sống kiên cường sao cho trọn vẹn nghĩa tình
Tạm biệt xa bao người thân
Vì hạnh phúc ấm no toàn dân
Vì một lý tưởng trong sáng vô ngần
Vì cuộc đời đang dâng lên phơi phới
Dưới lá cờ Đảng sáng ngời
Đứng lên gìn giữ đất trời Việt Nam
Ơi đất nước vinh quang!
Ơi mẹ hiền Việt Nam!
Đường đi tới dẫu mấy gian lao
Vẫn rộn vang tiếng hát tự hào
Tuổi trẻ Lê Đình Chinh là tuổi trẻ vì nước quên mình
Thời đại Hồ Chí Minh càng rực hồng truyền thống quang vinh”
Bài hát này lấy nhân vật Lê Đình Chinh làm điểm tựa để đề cao tinh thần xả thân vì Tổ quốc của lớp người trẻ tuổi hôm nay, không sa vào các tình tiết cụ thể, do vậy có giá trị phổ quát, có sức sống lâu bền.
Tiếp đó, có nhiều ca khúc nói về tình yêu, trách nhiệm bảo vệ biên cương của Tổ quốc, trong đó có hai bài hát kết hợp hài hòa tính chất hào hùng của dòng nhạc cách mạng và tính chất ngọt ngào, đằm thắm của dòng nhạc trữ tình, là “Chiều biên giới” và “Gửi em ở cuối sông Hồng”.
Bài hát của nhạc sĩ Trần Chung phổ thơ Lò Ngân Sủn như sau:
(1-2). Chiều biên giới em ơi !
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá
Như tình yêu đôi ta.
Chiều biên giới em ơi !
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như trời quê biên cương.
(ĐK1 x2)
Em ơi ! Có nơi nào đẹp hơn
Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây
Muôn tỏa ngát hương bay
Chiều biên giới em ơi !
Nhớ bao điều thân thương
Đôi ta cùng chiến hào
Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta.
(1-2)
(ĐK2 x2)
Em ơi ! Giữa nông trường lộng gió
Tình gắn bó nghe cuộc đời say nồng
Như trời rộng mênh mông
Ánh chiều tà bâng khuâng
Một lời hát đang dâng.
Chiều biên giới em ơi !
Nhớ bao điều thân thương
Đôi ta cùng chung chiến hào
Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta”.
Bài hát (1979)” của nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ Dương Soái như sau:
“1. Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Ở nơi đấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ.
Anh ở biên cương biết là em năm ngóng tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lời em mong.
Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa Đông-Bắc
Em thương anh nơi chiến hào gặp rét
Và em thương anh chiều nay đang đứng gác
Lo canh giữ đất trời, áo ấm có lạnh không
Hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy.
Có gì đâu tấm lòng người chiến sĩ
Có tình yêu bốn mùa sưởi ấm (bốn mùa vẫn ấm)
Dù gió mưa (dù mùa đông)
Vì rằng em luôn ở bên anh.
2. Em ở phương xa nơi con sông Hồng chảy về với biển
Ở trên anh đầu nguồn biên giới, cuối dòng sông nơi ấy quê nhà
Em ở phương xa, cách mười sông ba núi bốn đèo
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Đem lòng mình gửi về miền biên giới
Sông chẳng nói nên lời nhưng nặng tình yêu thương.
Anh ở biên cương sương lạnh giá biết mùa Đông tới
Nơi quê hương em bước vào vụ mới
Rằng anh thương em đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, cấy lúa thẳng hàng không
Hỡi em yêu ở cuối sông Hồng.
Thấy dòng sông sóng ngầu lên sắc đỏ
Biết là anh nhớ về em đó (nhớ về anh đó)
Là chiến công (là niềm tin)
Là tình yêu anh gửi cho em
Là tình yêu em gửi cho anh
Anh gửi cho em...
Em gửi cho anh...
Anh gửi cho em...”
Hai bài hát trên đây đều nói về tình yêu và quyết tâm bảo vệ biên giới, thông qua mối tình của đôi nam nữ, một ở biên cương, một ở làng quê, gửi thương gửi nhớ cho nhau, cũng là gửi chiến công, gửi niềm tin. Điều này khiến tôi nhớ đến lời khuyên của nhạc sĩ Thuận Yến: Bây giờ, muốn để cho lớp trẻ nghe ca khúc về nhiệm vụ chính trị, thì cần lồng vào đó tình yêu đôi lứa! Thật vậy, tình yêu đôi lứa trong hai ca khúc trên cao đẹp, không kém phần lãng mạn, làm nền cho tình yêu biên giới và trách nhiệm với Tổ quốc, nghe ngọt ngào, mềm mại, thấm thía, có sức hút mãnh liệt với mọi lớp người, do đó tới tận bây giờ vẫn thuộc tốp những bài hát được nhiều người ưa chuộng nhất!
(Còn nữa)