Nhân dịp hoạ sĩ Vũ Đình Lương cho ra mắt phòng tranh triển lãm cá nhân lần thứ 3 “Sắc phố hương quê” tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền Hà Nội từ ngày 25/7 đến 3/8/2024, phóng viên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đã có cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan.
PV: Xin chào hoạ sĩ. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 trong vòng 6 năm. Với một cá nhân liệu có phải là dày không? Và có gì khác trong mỗi lần ra mắt?
Hoạ sĩ Vũ Đình Lương: Để có các triển lãm cá nhân liên tiếp như thế này, đó là sự tích tụ đam mê, tích tụ năng lượng hàng chục năm của tôi và thể hiện trải nghiệm theo khả năng của mình có được. Đã đến lúc người hoạ sĩ mang tác phẩm ra công bố và triển lãm với người yêu thích mỹ thuật. Tôi vẫn là tôi thôi, vẫn vẽ theo cảm xúc. Gặp cảm xúc là vẽ ngay hay loé một ý tưởng cũng là vẽ luôn. Có những thời kỳ tôi vẽ liên tục hàng ngày dùng bận công việc gì cũng tranh thủ vẽ tối khuya hay sáng sớm vẽ như xả ra cho hoàn thành bằng được, cũng có khi không động đến vẽ gì trong vài tháng đến nửa năm.
PV: Mạch nguồn nào để hoạ sĩ lấy cảm xúc và ý tưởng? Tôi có cảm nhận là chất dân tộc nó ở đâu đó trong tranh của anh nó vừa như nhìn thấy vừa như không thấy?
Hoạ sĩ Vũ Đình Lương: Để có cảm hứng vẽ là rất khó, vì công việc này không ai đặt hàng không ai yêu cầu không ai thúc giục, không có hạn thời gian như cách nói hiện nay. Người hoạ sĩ phải bám vào nội tâm của mình mà làm tự tạo ra cảm hứng tự thấy thích thú và yêu với chính tác phẩm của mình trước khi chia sẻ đến mọi người. Với tôi mạch nguồn dân tộc và dân gian là cảm hứng lớn cho mình, từ bé tôi đã chơi ở đình làng và có thời gian khá lâu tôi và gia đình mình đã sống trong một ngôi đình khi mẹ tôi được phân chỗ ở tạm khi bà đi dạy học ở địa phương. Nên vậy văn hoá dân gian nó ngấm vào tôi và len lỏi ra tác phẩm.
PV: Đúng là nhiều bức của anh tính dân tộc, chất phương Đông rõ rệt, nhưng tôi cũng thấy nhiều bức anh vẽ cũng theo kiểu phương Tây đấy chứ, vẽ theo kiểu màu sắc tươi sáng có không gian 3 chiều, không phải không gian ước lệ phương Đông. Điều gì tồn tại trong anh “đa nhân cách sáng tác” như vậy?
Hoạ sĩ Vũ Đình Lương: Tôi bị giằng kéo bởi hai nửa phố và quê, nhiều khi ở phố thấy mình có nhiều tính quê, nhưng nếu ở quê thì tôi lại thấy mình cũng không hẳn thuộc về đó vì mình không còn quê. Quê mình ở Hà Nội, làng cổ bị đô thị hoá trăm năm biến vào trong phố mất rồi.
Tôi cũng biết ít ngoại ngữ đủ dùng để tra cứu tìm tài liệu, cá nhân tôi sưu tầm khá nhiều sách tham khảo hội hoạ phương Tây. Tôi may mắn học được từ một người thầy có thời gian tu nghiệp ở phương Tây hướng dẫn một số kỹ năng và tư duy sáng tác, nên bạn thấy tôi có những bức vẽ theo kiểu phương Tây nhưng diễn tả không gian văn hoá phương Đông là thế. Cũng do cách tiếp cận đề tài cách chọn chất liệu vẽ nữa nên vô tình phòng tranh có tính chất “đa nhân cách sáng tác” như bạn nói.
PV: Cảm ơn hoạ sĩ.
Hoạ sĩ Vũ Đình Lương:Cảm ơn bạn và hẹn hội ngộ tại phòng tranh!