Làng nghề thứ hai - Làng Vân (Yên Viên) là làng thuần nông, có nghề nấu rượu nổi tiếng (rượu làng Vân). Cái tên Yên Viên của làng hiện nay ít được nhắc tới. Tuy nhiên cái tên ấy lại là một dấu ấn tự hào của làng Vân nói riêng và của xã Vân Hà nói chung. Cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20; Yên Viên (làng Vân) chính là thủ phủ của huyện Việt Yên. Thời Pháp thuộc, huyện lỵ của huyện Việt Yên chuyển lên Bích Động (nay là thị trấn Bích Động).
Cái tên Yên Viên của làng Vân dần bị lãng quên, nhưng danh tiếng của nó vẫn tồn tại cho đến nay. Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Vân Hà luôn đặt tại làng Vân. Chủ tịch UBND xã Vân Hà từ 1945 đến nay luôn là người làng Vân. Trường cấp II Vân Hà (nay là trung học cơ sở) luôn chỉ có ở làng Vân. Trước năm 1945, xã Vân Hà được nhập với xã Tiên Sơn và được gọi là xã Sơn Hà, trước nữa là xã Yên Hà. Do con trai làng Vân luôn bắt nạt con trai Làng Thổ Hà nên hai làng Thổ Hà và làng Vân thường được học trò chúng tôi ngày ấy gọi là hai làng “Tà Pình và Động Hía” theo cách gọi tên làng của người Mông và Dao.
Tôi có 3 năm học cấp II (lớp 5; lớp 6; lớp 7) học ở làng Vân. Bạn học cùng lớp, cùng trường là bọn trẻ làng Vân khá nhiều. Tôi được mang danh Việt kiều về nước, lại học giỏi nhất nhì trường nên các bạn học làng Vân có vẻ nể trọng, không xếp tôi vào trai Thổ Hà. Trai làng Vân nghe đồn thổi là tôi có võ Thái nên cũng dè chừng. Năm học lớp 8, cấp III (nay gọi là Trung học phổ thông), hàng ngày tôi phải đạp xe xuyên qua làng Vân để sang xã khác học (cả huyện mới có một trường cấp III). Tôi lại hay vào rủ một bạn học cùng lớp người làng Vân đi cùng nên hình ảnh tôi đạp xe đi buổi sang, đạp xe về buổi chiều trên con đường làng phơi đầy rơm rạ của làng Vân đã thành một hình ảnh quen thuộc đối với nhiều người, nhiều nhà dân làng Vân ở hai bên đường. Nếu không thấy tôi xuất hiện trong khoảng những giờ ấy trên đường làng là họ thường mong ngóng hoặc chợt nhận ra hôm đó là chủ nhật (hồi đấy học sinh học cấp III của cả xã Vân Hà chỉ có dăm đứa). Dân làng Vân luôn mỉm cười khi thấy tôi, luôn gật đầu khi tôi chào họ. Nhiều người tôi không biết tên, chỉ thấy quen quen nhưng họ luôn gọi đúng tên tôi.
Viết về làng Vân mà không viết về "mỹ tửu Hương Vân" thì thật là thiếu sót. Tôi có cơ may có nhiều bạn học thời cấp II, cấp III là người làng Vân, đã nhiều lần quan sát các công đoạn của nghề nấu rượu của người dân làng này, từ tạo men rượu, ủ cơm, rồi nấu rượu. Phụ nữ làng Vân là chủ lực trong nghề nấu rượu, đó là một nghề khá vất vả và cần một kỹ năng. Phụ nữ làng Vân không nghiện rượu, không uống rượu nhưng đánh giá chất lượng rượu thì còn hơn cả thiết bị đo lường hiện đại. Phụ nữ làng Vân chỉ cần một ống nứa nhỏ, giống pipet trong phòng thí nghiệm). Các chị nhúng một đầu ống nứa vào bát rượu vừa hứng ở nồi chưng cất, đầu ngón tay trỏ hoặc ngón cái bịt đầu ống còn lại. Nhấc ống nứa lên cao rồi nhả đầu ngón tay bịt ống nứa thả cho rượu trong ống nứa rơi trở lại bát đựng rượu, tạo thành những tăm bọt li ti trong bát rượu. Nhìn tăm rượu trong bát, phụ nữ làng Vân có thể nói nồng độ rượu với sai số lớn nhất khoảng 1 độ, giống như "rượu kế - tỷ trọng kế" mà dân kinh doanh rượu thời nay hay dùng. Khi học đại học ở Hà Nội và sau này đã ra trường công tác ở Hà Nội, tôi hay dẫn bạn bè ở Hà Nội về thăm nghề nấu rượu ở làng Vân. Những ông sâu rượu rất mê uống rượu nóng tại lò nấu rượu. Trời se lạnh, bên hơi ấm của lò mà được thưởng thức bát rượu nóng vừa hứng ở nồi chưng cất ra thì thôi rồi, Lỗ Trí Thâm trong truyện Thuỷ Hử cũng phải gọi bằng “bố”. Không ít lần bạn tôi, sau khi thưởng thức loại rượu ấy đã phải liêu xiêu dắt xe đạp từ làng Vân về Thổ Hà. Khi tỉnh rượu, thường là vào ngày hôm sau, vẫn không biết bằng cách nào mà mình về được nhà bạn. Một thời làng Vân cũng nấu rượu sắn (sắn khô) nhưng rượu sắn khô do người làng vân nấu thì người sành rượu cũng không phân biệt được với rượu nấu bằng gạo. Phụ nữ làng Vân dù không biết uống rượu nhưng họ phân biệt chính xác đâu là rượu gạo đâu là rượu sắn, kỹ năng của họ hơn các thiết bị đo lường là ở chỗ đó. Hiện nay, người làng Vân chỉ nấu rượu gạo nếp. Rượu làng Vân đã có thương hiệu "mỹ tửu Hương Vân", đã có xưởng sản xuất lớn đảm bảo an toàn thực thẩm, đồ uống. Người làng Vân chưa bao giờ dùng bất kỳ loại hóa chất nào cho vào rượu. Rượu làng Vân luôn trong sạch và say đắm tình người.
Làng thứ ba - Làng Nguyệt Đức lại chủ yếu sống trên Thuyền, dân số (khoảng 900 người) chỉ bằng 1/5 dân làng Thổ Hà. Mỗi gia đình sống trên một chiếc thuyền gỗ to có khoang để ở và khoang chở hàng hóa (chở được trên chục tấn hàng hóa), kèm theo chiếc thuyền to là những chiếc xuồng gỗ nhỏ để đi đánh cá, để chở người sang sông, hoặc đến thăm những gia đình ở thuyền khác.
Thuyền to để chuyên chở nguyên, nhiên vật liệu từ nhiều vùng về cung cấp cho làng gốm Thổ Hà, chở sản phẩm của làng Thổ Hà (chum; vại; tiểu sành..) dọc theo sông Cầu về Lục đầu Giang, đến các vùng quê khác để phục vụ nhu cầu dân sinh. Thuyền hồi đấy (1960 -1970) không chạy bằng máy mà phải dùng mái chèo to phía cuối thuyền hoặc dùng buồm nếu có gió. Những chiếc thuyền buồm với những cánh buồm màu nâu no gió chạy zích zắc trên sông Cầu giống như trong chuyện cổ tích, tiếng nước vỗ mạn thuyền khi thuyền rẽ sóng mê hoặc lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi thường mạo hiểm bơi ra bám vào mạn thuyền, thích được leo lên thuyền để rồi từ đó lao mình xuống nước. Các chủ thuyền hình như cũng quen với chuyện đó nên cũng ít ngăn cản (tôi chưa thấy tai nạn đuối nước ở những cuộc chơi như vậy ở thời ấy). Tôi cũng đã từng thấy những thợ thuyền phải nai lưng dùng dây thừng kéo thuyền ngược dòng khi không có gió để căng buồm, năm bảy người (có cả phụ nữ và những người già) căng mình kéo thuyền bằng những dây thừng phụ quàng qua vai; những bước chân trần nặng nhọc lê bước theo triền sông, những chiếc nón rách che những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, những hơi thở gấp của những tấm thân còm cõi. Phía sau họ chiếc thuyền nhích dần, nhích dần như người đi bộ. Sau này mỗi khi xem bức tranh ‘”những người kéo thuyền trên sông Volga” của họa sỹ Repin là tôi lại nhớ về hình ảnh kéo thuyền của các thợ thuyền trên dòng sông Cầu thủa xưa. Dân làng Nguyệt Đức theo đạo Thiên Chúa, người chết được đào sâu chôn chặt chứ không sang cát như đa phần cư dân miền Bắc. Thứ bảy, Chủ nhật họ lại kéo nhau xuống nhà thờ ở Bắc Ninh để làm lễ. Nếp sống; sinh hoạt gowin99 của dân làng Nguyệt Đức khác hẳn với làng Thổ Hà và Làng Vân.
Vậy là 3 làng với ba nghề khác nhau thành cấu trúc gowin99 xã Vân Hà.
(HẾT)
N.V.N
--------------------
P/s: Bài viết là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ của tác giả tại xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cám ơn các độc giả đã dành thời gian đọc bài viết này.