link tải gowin99 mới nhất

Mỹ phải thừa nhận người Việt Nam đầu tiên bắn hạ B-52 trên toàn thế giới

Chiếc B-52 trúng tên lửa của Vũ Đình Rạng cố bay về được Thái Lan nhưng đã bị loại khỏi biên chế. Vì thế, họ vẫn xem ông là người đầu tiên trên TG hạ B-52.
ban-b-52-1638929705.jpg
Đại tá, phi công Vũ Đình Rạng – người đầu tiên loại máy bay B-52 ra khỏi vòng chiến đấu kể lại trận xuất kích tại sân bay Dừa đêm 20/11/1971

 

Huấn luyện kỳ công – Lập kỳ tích thế giới

Vũ Đình Rạng, quê ở Nam Thắng – Tiền Hải – Thái Bình, là một trong số phi công được chọn vào Phi đội đánh đêm khi mới tốt nghiệp bay năm 1968 ở Liên Xô về, với số giờ bay khoảng 200 giờ.

Năm 1963 chàng trai quê lúa lên đường nhập ngũ, được biên chế về Lữ đoàn dù 305, sau đấy anh được tuyển chọn đi học lái máy bay ở Krasnodar, Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp bay, về nước anh được biên chế về Trung đoàn Không quân 921.

Tháng 8 năm 1970, anh tham gia vào đoàn nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 trên vùng trời Khu 4.

Anh tâm sự: “Chiến trường Khu 4 rất ác liệt, nhiều khó khăn. Đường băng dã chiến ngắn hẹp, như sân bay Anh Sơn chiều dài chỉ có 1.800m, chiều rộng 27m, lát bằng ghi sắt; địa hình hiểm trở. Lớp phi công chúng tôi tuổi đời còn rất trẻ, giờ bay ít, chưa có kinh nghiêm trận mạc.

Về phía Mỹ, được trang bị vũ khí hiện đại hơn, nhiều phi công có hàng ngàn giờ bay. Máy bay thường hoạt động ban đêm, với nhiều phương tiện gây nhiễu, cả chủ động lẫn thụ động lại có lực lượng đông đảo máy bay tiêm kích bảo vệ xung quanh.

Phi công lái MiG-21 ban đêm chủ yếu dựa vào sự chỉ huy, dẫn đường từ mặt đất. Dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, chúng tôi thực hành huấn luyện bay, dẫn đường trong đêm.

Mục tiêu giả tưởng cho máy bay B-52 là máy bay IL-18 tuy nhiên kích thước nhỏ hơn máy bay B-52 nhiều. Một phần quan trọng là việc huấn luyện cho phi công cất cánh, hạ cánh ban đêm, trên các sân bay dã chiến ngắn hẹp thiếu đèn chiếu sáng hạ cánh”.

20 giờ 40 phút ngày 20/11/1971, từ sân bay Anh Sơn, phi công Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh theo đúng như phương án đã chuẩn bị kỹ: bay thấp để bảo đảm bí mật, hạn chế liên lạc qua máy đối không. Được dẫn từ các Sở chỉ huy dưới đất, Vũ Đình Rạng đã tiếp cận và phóng tên lửa vào máy bay B-52.

Mỹ phải thừa nhận: B-52 đã bị MiG-21 KQVN hạ đo ván

Sau này từ nhiều nguồn thông tin và chính Không quân Mỹ đã thừa nhận, người ta mới biết chiếc B-52 do phi công Vũ Đình Rạng bắn đêm 20/11/1971 đã bị thương rất nặng phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhom – Phanom.

Theo tài liệu của Không quân Mỹ, chiếc B-52 trúng tên lửa từ MiG-21 của Vũ Đình Rạng bị hỏng 1 động cơ vẫn “lết” về được Thái Lan nhưng không thể sửa chữa và bị “vứt” khỏi biên chế. Vì thế, Không quân Mỹ vẫn xem ông là người đầu tiên trên thế giới bắn hạ B-52.

Sau đêm ngày 20/11/1971 máy bay B-52 đã không còn hoạt động ở các trọng điểm Khu 4. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển chi viện cho tiền tuyến trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Chiến công của phi công Vũ Đình Rạng là kinh nghiệm quí báu để KQNDVN hoàn chỉnh cách đánh B-52, góp phần đáng kể vào chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Trong 12 ngày đêm đánh B-52, phi công Vũ Đình Rạng nhiều lần xuất kích đánh chặn B-52, tuy anh không bắn rơi thêm được chiếc nào nhưng những lần xuất kích của anh đều gây rối loạn trong đội hình bay của địch, phá tan đội hình bay của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho tên lửa của ta bắn B-52.

4 giờ 43 phút sáng 19/12/1972, Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm để đánh chặn tốp B-52 đang bay vào từ phía Nam Sầm Nưa.

Sở chỉ huy dẫn anh về phía Chương Mỹ với độ cao 3.000m. Lúc 4 giờ 46 phút, Sở chỉ huy lệnh cho anh vứt dầu phụ và kéo cao lên 7000m, cho hướng bay về hướng Tân Lạc và liên tục thông báo mục tiêu. Lúc này tốp F-4 bảo vệ B-52 dã phát hiện ra có MiG.

Sở chỉ huy thông báo cảnh giới bên phải, ngay lập tức Rạng phát hiện 2 chiếc F-4 đang tăng lực bay từ phải qua trái, anh bám theo áp sát tiếp cận mục tiêu. Đến cự ly hơn 2.000m Rạng phóng 2 quả tên lửa nhưng không trúng mục tiêu do khoảng cách còn xa.

Sau khi thoát ly, Vũ Đình Rạng thấy máy bay không ổn định, chấn động nhẹ do tên lửa từ máy bay F-4 bắn về phía anh. Sở chỉ huy cho anh về hạ cánh sân bay Gia Lâm.

Sân bay Gia Lâm lúc này bị địch đánh hỏng nặng, hệ thống đèn chiếu sáng bị hư hỏng, phải sử dụng đèn của máy bay và lợi dụng ánh sáng của những chiếc máy bay ở dưới đất đang cháy do trúng bom.

Máy bay của Rạng bị văng ra khỏi đường băng, va vào chướng ngại vật và bị gãy càng trước. Phi công an toàn. Khi kiểm tra máy bay, thợ máy phát hiện nhiều vết thủng do mảnh tên lửa của F-4, cánh lái lên xuống phía bên trái bị cụt mất 1/3.

Ngay ngày hôm sau, đêm 20/12/1972, Vũ Đình Rạng lại tiếp tục cất cánh từ sân bay Đa Phúc với nhiệm vụ đánh chặn máy bay B-52.

Sau gần 40 năm phục vụ trong Quân đội, phi công Vũ Đình Rạng nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và sống tại Hà Nội.

Cách đây vài năm, thỉnh thoảng ông vào thành phố Hồ Chí Minh thăm con cháu và các đồng đội cũ. Rất mừng khi thấy ông còn tinh nhanh, mạnh khỏe.

Ông tâm sự: “Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, mỗi khi MiG-21 cất cánh đánh chặn đội hình B-52 lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì làm cho đội hình của địch bị tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng phòng không của ta tiêu diệt máy bay địch. Lúc đó không ai còn nghĩ đến sự hy sinh, mất mát …”.

Ông nhắc đến lá thư viết dở dang của phi công Vũ Xuân Thiều gửi lại cho gia đình trước trận đánh: “…Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của Hà Nội phải hứng chịu lửa bom hết đợt này đến đợt khác. Rồi sẽ còn chồng chất những tội ác nào nữa? Đó là điều ai cũng lo lắng. Con nghĩ lúc này không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà thân yêu của mình cùng với…”.

Ông trầm ngâm: “Anh Thiều đã hy sinh. Những người còn lại như tôi, lâu lâu anh em ngồi với nhau vẫn nói: Mình còn sống được là may”.

Ông cho rằng, khi còn trong quân ngũ, hay cuộc sống về hưu bây giờ là mình đã hoàn thành nhiệm vụ, sống thanh thản, như thế là hạnh phúc lắm rồi.

Theo Trái tim người lính