Tôi có mấy người bạn quê Tiền Giang thì nói xứ anh ngày tảo mộ chính là ngày 20 tháng chạp. Còn quê tui miệt Long An và vùng Saigon thì ngày chính có lẻ là ngày 25 tháng chạp. Trong khi người Hoa thì tảo mộ vào tiết Thanh Minh tháng 3 AL. Hồi đó tôi không rành nên cũng hơi thắc mắc là ngày Thanh Minh không có ngày cố định mà lại là ngày dịch chuyển! Sau nầy có anh bạn là người Quảng Đông giải thích nên mới biết được, là Thanh Minh bắt đầu từ sau Đông Chí 100 ngày, đó là ngày Thanh Minh . Người Hoa dùng lịch Âm nhưng Đông Chí và Thanh Minh thì lại tính bằng Dương Lịch cái khác biệt của họ là như vậy .
Thời xa xưa khi còn chiến tranh miền quê còn nghèo khổ . Thêm phần kiêng kị nên lớp đời trước ông cố, ông sơ, ông sờ, ông sở toàn chôn mả đất. Cho nên thế hệ sau dù có khá giả cũng phải khiêm cung chôn bằng mả đất như đời trước , để tỏ lòng kính trọng tổ tiên cũng như tránh bia miệng người đời đàm tiếu. Vì chôn toàn mả đất, nên đến ngày nầy con cháu chỉ làm sạch cỏ, rồi đắp đất lên cho cao, trừ hao sạt lỡ trong suốt một năm, nên hồi đó quê tôi gọi là đi dẫy (rẫy) mả hoặc tảo mộ . Thời chiến tranh có gia đình không về chăm sóc mồ mả ông bà được , đến khi có điều kiện thì tìm khá vất vã vì mả bị dịch chuyển , bị san bằng nên từ đó mới có vía cúng những người siêu mồ lạc mả! Gia đình tôi thì chôn trong khuôn viên ruộng nhà của Nội tôi để lại, có gia đình không có đất nhà thì chôn trong nghĩa địa. Người thiêu thì đến tết mới đi viếng tro cốt.
Sau năm 1975 khi đất nước không còn tiếng súng, người dân lũ lượt về quê hồi hương canh tác lại thữa ruộng mãnh vườn của gia tộc, của ông bà cha mẹ để lại . Rồi thế hệ sau văn minh hơn ít câu nệ hơn, nên khi có người thân mất người ta bắt đầu làm mả bằng gạch xây quét vôi. Người khá hơn thì làm bằng đá mài, đá rửa đó là trong cuối thập niên 1970 đến 1990. Mả quét vôi thì tảo mộ cũng đỡ chỉ cần chà rửa sạch sẽ, quét vôi hai lớp là xong , nếu kịp thì bày đồ ra cúng không kịp thì hôm sau cúng. Chỉ mả đá rửa là phê vì nó đóng rong rêu đen xì, dùng bàn chải với bột giặc chà rửa phờ râu chớ hỏng phải giởn chơi.
Qua khỏi năm 2.000 thế hệ trẻ đời sau cở tui tầm U5, U6 tháo bỏ bớt đi một phần nào rào cản trong việc sửa mộ gia tộc. Theo truyền thuyết thì khi muốn bỏ mộ cũ, xây mộ mới, phải tìm thầy coi ngày kị tuổi, coi hết tất cả con cháu trong kiến họ ,mới được làm mả mới. Thì ngày nay tân tiến hơn, mượn tiết Thanh Minh của người Hoa , gia đình thuê thợ quen biết đứng ra làm lại tất cả mả trong gia tộc theo khung , kiểu mà gia đình đã hợp đồng trước đó. Vì kiêng kị nên gia chủ không đặt chân , léo hánh đến khu vực làm mả. Cho đến khi nào việc xây mả hoàn thành xong xuôi , tới chừng đó mới nhờ thầy coi ngày lành tháng tốt tổ chức cúng mả mới, quê tôi gọi là ăn tạ mả, cũng tương tợ như người ta ăn tân gia ngôi nhà mới cất.
Mả thế kỉ 21 giờ tệ lắm cũng dán gạch men, khá hơn thì dán đá garnit sung túc, giàu có thì làm nhà mồ kiên cố cả tỉ bạc , quan chức thì làm nhà mồ tỉ chục, tỉ trăm. Nói là nhà mồ nhưng thực chất nó nguy nga , đồ sộ, hơn cả lăng tẩm vua chúa thời phong kiến xa xưa. Người miền Nam thì làm mả đơn giản ít cầu kì hơn người miền ngoài đặc biệt là dân Quảng Nam, Huế, Quảng Trị trở ra. Họ làm mả chạm trổ cực kỳ công phu giống như xây đền, chùa , miếu, mạo. Người làm sau phải công phu và đẹp hơn người làm trước. Một sự ganh đua quá mức cần thiết.
Vì mả ngày nay dán gạch, đá trơn láng o nên bụi ít bám. Vì vậy việc tảo mộ đỡ phần vất vả hơn ngày trước, chỉ cần dùng khăn mới lau với nước sạch hoặc xà bông là bóng ngời. Xong bày đồ ra cúng. Hàng năm gia đình tôi mua Heo, Vịt quay, rượu đế, trái cây, bông hoa , giấy quần áo, giấy vàng bạc, nhang đèn.
Tảo mộ cũng là một tập tục tốt theo giá trị luân lý đời xưa , để hàng năm con cháu khắp nơi , nếu có điều kiện rảnh rổi nhín một ngày, qui tụ về quê hương , hoặc mồ mả ông bà cha mẹ trước là thắp hương tưởng niệm, sau là cả dòng họ anh em con cháu bày đồ cúng ra ăn uống vui vẻ, nhằm kết chặc tình thân máu mủ ruột rà của những đứa con , đứa cháu chắc cùng chung một tổ một họ tộc, nhiều khi vì một hoàn cảnh khách quan nào đó mà sống chia cách nhau người chân trời, người góc biển có dịp ngồi bên nhau hàn huyên tâm sự.
Theo Chuyện quê