Huế vẫn mưa bay đón lụt về. Nhưng nay đối với những học sinh tiểu học 6, 7 tuổi bản địa cho đến những sinh viên nơi khác đến Huế học dần dần làm quen với mưa lụt. Đôi khi thích lụt nho nhỏ để đi lội nước bì bõm nữa là đằng khác.
Ở Huế thấy mưa lớn triền miên, mọi người thường hỏi nhau: "Đập Đá tràn chưa?". Đó là câu hỏi dân gian dự báo thời tiết lúc chưa có điện thoại di động lướt web. Đập Đá là cái đập tràn, ngăn cách sông Hương và sông Như Ý để chia lũ và tưới tiêu cho cánh đồng hai huyện Phú Vang và Hương Thủy từ 300 năm trước. Mỗi khi nước sông Hương tràn qua Đập Đá đổ vào sông Như Ý (sách Đại Nam nhất thống chí ghi sông Như Ý là Thọ Lộc giang hay Thiên Lộc giang) thì lúc đó Huế mới lụt thực sự. Thời gian trước năm 1998 chưa xây dựng cầu Vỹ Dạ nối đường Bà Triệu với đường Phạm Văn Đồng. Người dân và học sinh, sinh viên vùng ngoại ô đi làm, đi học trên thành phố Huế nếu nước sông Hương tràn Đập Đá muốn sang thành phố phải đi đò. Bến đò tạm thời mùa lụt nằm ở đường Nguyễn Công Trứ.
Dần dần mưa Huế, lụt Huế trở thành một nét đặc trưng của du lịch Huế. Du khách đến Huế đúng vào những ngày mưa lụt lại thích đi dạo phố dưới mưa. Họ vẫn đi thăm các di tích cố đô Huế. Mưa lụt ở đây đối với họ là một đặc sản tình cờ nên muốn thưởng thức cho tỏ tường. Có những bạn trẻ thích ra phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ngắm sông Hương nước đỏ ngầu phù sa. Đôi khi còn xuống lội nước trên cây cầu gỗ lim (có lan can hai bên khá an toàn) để trải nghiệm nước lụt sông Hương mát lạnh thế nào. Những nam sinh viên xa nhà xoay xở mượn chiếc ghe nhỏ trong xóm trọ chèo đi thăm giúp đỡ bạn bè, người yêu (cảm động biết mấy). Ngày trước lúc chưa có bếp ga, mỗi khi mưa lụt dân lao động thường chèo thuyền ra sông vớt củi. Nay đã bị cấm vì nguy hiểm một phần, một phần đời sống đã khá đầy đủ, nhiều gia đình không đun nấu bếp than, củi nữa.
Ngồi bó gối nhìn mưa mãi cũng chán. Một số dân cư ở gần sông Ngự Hà, Đông Ba, An Cựu, Bao Vinh, Phổ Lợi, Như Ý thành phố Huế đem rớ (vó) ra cất. Đây cũng là một cách giải trí trong ngày mưa lụt, như thú đi câu cá vậy thôi.