Mùa đông, khi những cơn mưa dầm xuất hiện vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, khu đầm quê tôi dâng đầy nước.
Đó là một vũng đầm nằm giữa bờ biển và con đường quốc lộ chạy dọc sát chân núi. Với chiều dài khoảng 1 km (tính từ nam ra, bắt đầu từ cống Ông Giáo đến chân núi Bù Nú). Chiều rộng khoảng 300m.
Mùa hè nắng nóng, đầm khô cạn. Mùa đông nước từ núi của thôn Hưng Long, Tấn Lộc đổ về đây trước khi đổ ra biển Châu Me. Nước trữ lại đến giêng, hai là hết.
Thật lạ là chỉ có nước trong khoảng thời gian ngắn, vậy mà khu đầm này đã nuôi trong lòng rất nhiều loại thuỷ sản nước ngọt: cá tràu (cá lóc), rô, sặc, ngạnh, bống, tôm, tép, rạm, cua nhìm (là cua xanh to bây giờ, quê tôi gọi cua nhìm để phân biệt với cua đồng ).... dù chỉ cách con sóng biển là một bờ cát mà thôi. Tất cả đều là tự nhiên chứ không phải của ai nuôi. Với tôi, khu đầm này đã cho tôi một góc tuổi thơ vô cùng kì thú.
Ba tôi cùng các chú, bác trong thôn Hưng Long hay đi cất vó vào những ngày đông nước lớn. Đó là những ngày ba tranh thủ công việc cuối ngày để kiếm vài con cá đồng cải thiện cho gia đình. Nhưng nó như là những lần thư giãn hiếm hoi của ba trong năm. Ba hay chở tôi đi theo cùng (lúc ấy tôi khoảng 9, 10 tuổi). Dụng cụ là một cái vó, xâu lưới và một cái bao để đựng cá. Tôi đi theo vừa để cho ba vui, vừa để phụ xách cho ba những dụng cụ đó. Hai cha con từ nhà ra đến đầm khoảng 3km. Đến nơi, sau khi chọn một địa điểm thích hợp, ba chuẩn bị vó và lưới xong xuôi là bắt đầu đặt vó. Mặt nước gợn sóng theo những cơn gió và chênh chao khi lưới vó được ba thả xuống. Hai cha con ngồi đợi khoảng 10 phút hoặc lâu hơn tuỳ nơi cá nhiều hay ít. Khi đợi vó, ba tranh thủ lội ra chỗ nước sâu thả lưới.
Tôi ngồi theo dõi mặt nước, nghe tiéng cá quẫy và nhìn thấy cá đớp bọt nước.
Thả lưới xong, ba quay lại cất vó lên. Tay ba phải rất khoẻ để từ từ ghì cần vó. Cái vó nặng trình trịch vì nước và vì gió. Tôi hồi hộp. Ôi thật thích thú khi trong lưới vó vừa lên khỏi mặt nước là những chú cá đang ra sức vùng vẫy. những chú tôm đang cố búng thật cao như những vận động viên nhảy cao, cố lao trở lại mặt nước. Nhưng khi cú nhảy chạm vào mặt lưới, chúng lại lấy đà búng tiếp. Đó là những vận động viên thật chuyên nghiệp. Tôi nhìn theo và tưởng tượng như vậy.
Ba đưa vó lên bờ:
- đưa cái bao cho ba, bắt cá đi con.
- Dạ.
Tôi răm rắp tuân lệnh chỉ huy ba và thích thú cùng ba bắt cá. Mỗi lần vó cất lên là được vài con cá. Khi thì cá cửng (có lóc nhỏ), cá bống ghim (cá bống đen thịt trắng và chắc), cá rô đồng, cá sặc. Thích nhất là tôm sú thật to.
Cũng có lúc không có con nào cả. Ba không ngồi một nơi mà thay đổi chỗ để cá không quen bẫy mà tránh. Mỗi lần đi cất vó khoảng hai tiếng là ba về. Trước khi về ba cẩn thận xếp vó lại và không quên lội ra đầm kéo lưới. Cá mắc lưới cũng có hôm nhiều hôm ít, cứ để nguyên chùm lưới còn cá, hai cha con mang về khoe chiến tích cho mẹ và các anh chị ở nhà cùng gỡ cá.
Đó là những buổi chiều đông thật thích thú. Khi ba về là có nồi cá đồng kho thơm lừng mùi nghệ. Những con tôm xú tất nhiên là ưu tiên cho những đứa con bé nhỏ của ba.
...........
Qua giêng nước cạn dần, ba không còn cất vó,
thả lưới nữa. Cả thôn tôi cứ cơm tối xong là hầu như nhà nào cũng ra đầm úp nôm.
Mỗi nhà từ 1 đến vài người. Người già đến thanh thiếu nhi đều đi cả. Nôm cũng đủ kích cỡ cho nhười lớn và trẻ em. Tất nhiên là tôi cũng được cả nhà sắm cho một chiếc nôm nho nhỏ vừa tầm của mình. Nội cùng các chị em tôi tối nào cũng tranh thủ đi cùng bà con. Tiếng gọi nhau í ới. Từng tốp cùng ra khu đầm.
Nếu cất vó cần yên tĩnh thì úp nôm lại ồn ào và náo nhiệt. Tiếng lội nước bì bõm. Tiếng úp nôm xuống mặt nước rào... rào. Tiếng nói cười râm ran. Khu đầm như mở hội đêm mà không cần ánh đèn (hay điện). Khi nôm được úp đến mặt bùn, tôi thò tay vào bên trong lần trong làn nước:
- Ôi nội ơi! Con cua nè con không bắt được.
- Để đó cho chị bắt cho con.
- Nội và chị đi kề bên hỗ trợ tôi bằng cách thay tôi bắt.
Một chú cua nhìm thật to được đưa ra khỏi nôm trong tiếng reo vui của mọi người. Có hôm tôi bị cua kẹp đến kêu khóc thất thanh.
Thích thú nhất khi úp vào trong nôm nghe tiếng quẫy mạnh, nước tung lên và chiếc nôm bị lay động thì chắc chắn người ấy đã có được chú tràu to rồi. Cái cảm giác nắm chặt chú cá giơ cao lên khoe mọi người thích ơi là thích.
Cứ như thế người bắt được cua người bắt được cá to hay nhỏ cứ hò reo vui cả khu đầm. Đêm như không còn tối nữa. Những bàn tay lao động ấy chỉ thấy có niềm vui trong công việc của mình.
Cũng có lúc nôm úp trúng cá ngạnh, bị nó đâm vào tay, nhức ơi là nhức. Vậy mà chịu đựng rồi khi hết nhức lại tiếp tục.
Đến khoảng 8 giờ đêm chúng tôi ra về. Mỗi nhà đều có cho mình một thành quả không chỉ là những con cá, tôm hay cua, mà còn là một niềm vui tinh thần mang đậm chất cộng đồng.
...........
Những ngày nước cạn sắp hết, chúng tôi lại bắt rạm. Không hiểu sao rạm nhiều lắm. Nhớ ba, mẹ tôi phải đem cả đôi thúng bắt rạm về.
Rạm chắc, gạch vàng ươm. Mẹ đem rim mặn. Còn thì giã làm mắm rất ngon. Cá ngạnh và tép lúc này nước hết nên bắt chúng cũng dễ hơn. Chỉ cần tát từng vũng cho cạn rồi lấy rổ để vợt. Con cá ngạnh da vàng bụng đầy trứng nấu lá dang chua chua, thanh thanh ngon ngọt đến giọt cuối cùng. Có khi bắt được nhiều mẹ đem phơi khô tép, cá ngạnh, cá sặc, rô đồng để dành cho những ngày sau đó.
Cứ vậy, như là chu kì. Mỗi năm cứ đến con nước mùa đông, khu đầm lại cho người dân thôn tôi một mùa thuỷ sản đồng tự nhiên thật hào sảng.
Đó là những năm tháng mà hầu như mọi nhà
tự cung tự cấp trong thời kì bao cấp đầy khó khăn thiếu thốn. Nhưng cái khó ló cái khôn. Trong lao động tôi tìm thấy những bài học đầy ý nghĩa cho sự cần cù, sáng tạo của những người lao động. Nhìn lại tôi thật sự khâm phục những thế hệ ông, cha đã đi qua.
.............
Ngày nay khu đầm đã đổi thay cùng sự phát triển của kinh tế quê nhà. Trên khu đầm đó dọc theo quốc lộ là dãy quán cơm, nhà nghỉ.
Đó là những quán cơm nằm trên địa phận của xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ quê tôi. Nằm trong chuỗi quán cơm nổi tiếng của Sa Huỳnh.
Mừng cho sự phát triển của quê hương hôm nay và cũng không quên ở nơi đây, chúng tôi
đã từng có một khu đầm và những ngày xưa thương mến.
Chuyện Làng Quê