Thời gian này, từ tháng Chín, đến hết tháng Mười âm lịch là Mùa vàng, sẽ có lễ hội Mùa vàng, lúa trên các thửa ruộng bậc thang chín vàng rực rỡ trong nắng Thu, có lẽ được xã yêu cầu dân giữ lại chưa gặt, nhằm thu hút khách du lịch. Và chúng tôi, đến hẹn lại lên, lên với ruộng Mâm xôi, Móng ngựa, những xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình đầy hấp dẫn cho dù có thể lúc này là ngày mưa, bão hay nắng vàng rực chói chang.
Mù Cang Chải, tiếng địa phương nghĩa là nói đến những bản làng, miền đất cây khô, (Mộc Khan Thổ - Đất gỗ khô) không rõ do cháy rừng hay lý do gì ra cái tên này? Nằm ở độ cao trung bình 2000 mét, dưới dãy núi Hoàng Liên Sơn, với 91% người dân là Mông với 4 nhóm chính: Đen, Trắng, Hoa và Đỏ. Cách Hà nội 300 km, đường đi hiện nay mất khoảng 8 tiếng chạy xe ô tô, ấy nhưng thời xưa, là một vùng xa tít mù tắp, tới mức đồng hoá chữ xa xôi là "Mù cang chải." "Con bà được phân công đi đâu?" Thời Bao cấp, người ta hỏi nhau. "Ui giời, xin mãi mới được vào cơ quan đấy, giờ họ cho đi xa tít mù tắp, "Mù cang chải."” Họ trả lời nhau. Ý là, cháu được phân đi một nơi nào đó rất rất xa, có thể Tây nguyên, Yên bái hay Quảng ninh, ví như Mù cang chải, nơi họ chưa từng đến, mà có đến khó về thường xuyên.
Thế nhưng, nhiều năm gần đây, Mù Cang Chải không chỉ là cái tên quen thuộc mà còn là điểm đến của rất nhiều người. Nhóm đi phượt, có thể đi ô tô hay xe máy, họ ưa những cung đường núi quanh co, mây mù che phủ. Những nhóm xe mô tô phân khối lớn từng đoàn. Những nhóm gồm các tay săn ảnh thường thức thâu đêm hay phơi nắng cả ngày. Những nhóm du khách du lịch quần áo sắc màu, tìm đến để checkin những khoảnh khắc mùa vàng rực rỡ hay những bản làng người Mông trên cao. Rồi những nhóm, thậm chí những cá thể người nước ngoài ưa mạo hiểm, đạp xe đạp hay tracking trên những đường mòn. Và nay, thêm nhiều nhóm, nhiều tổ chức các cuộc đua chạy bộ trên núi như đã diễn ra tuần trước.
Chúng tôi, những tay máy chụp ảnh, cũng lang thang mỗi mùa vàng trên Mù Cang Chải gần chục năm nay. Đi 1 lần chỉ là cảm giác đã từng qua, đi hai lần có thêm sự gần gũi, đi 3 lần thấy sự thân quen, đi thêm lần nữa, rồi lần nữa, càng đi càng thấy lạ, càng muốn khám phá và càng muốn đi thêm lần nữa, lần nữa. Lần nào lên cũng chỉ làm chừng đó việc, nhưng sự khác nhau thời tiết, sự khác nhau về thời khắc trong ngày, tháng, luôn đem lại sự mới mẻ cộng thêm với sự may mắn của chuyến đi, không ai cảm thấy nhàm chán vì đi nhiều lần tới đây.
Lần này, sự ngạc nhiên đầu tiên của tôi trong nhiều sự đổi mới của địa phương, của cảnh quan nơi thị trấn, của con người, là Xe ôm. Thực sự ấn tượng, xe ôm Mù Cang Chải, có lẽ không khác với xe ôm các vùng miền núi khác, nhưng sự ấn tượng đó là số lượng. “Chỉ riêng xã La Pán Tẩn, năm ngoái thành lập hợp tác xã có 500 xe anh ạ.” H’Lú, một xe ôm trên Nhà Ngô bản Mảng Mủ nói với tôi. “Nếu tính cả các xã khác nữa, có trên 1000 xe ôm!” anh ta nói thêm. Bạn có thể tưởng tượng 1,6% dân số (61 ngàn dân) của huyện là xe ôm! Năm 2023 ước tính trên 200 ngàn lượt khách du lịch tới Mù Cang Chải.
Tại sao số lượng xe ôm lại đông tới vậy? Họ là ai? Mù Cang Chải nằm trên quốc lộ 32 chạy qua thị trấn song song với con suối bên dưới. Nằm gọn dưới hai sườn núi là những bản làng nhỏ xinh, những nhà sàn người Thái, và nay nhiều khu nhà của người xuôi lên và đô thị hoá thị trấn xinh tươi. Thấp thoáng dưới mây trên hai sườn núi, là những cánh đồng ruộng bậc thang nổi tiếng xen giữa những vạt rừng già, rừng thông hay rừng trúc cũng như lấp ló những mái nhà trong mây của các bản người Mông. Ngoài thị trấn Mù Cang Chải, ta có 13 xã là những điểm hấp dẫn khách: Cao Phạ, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Dế Xu Phình, Hồ Bốn, Khao Mang, Kim Nọi, La Pán Tẩn, Lao Chải, Mồ Dề, Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông. Mỗi điểm đều là các bản người Mông ở trên núi cao, từ đường quốc lộ, muốn lên bản sẽ có một con đường mòn, khoảng cách khoản 7 -15 km tuỳ bản, phải đi bằng xe ôm. Và từ đó, nhu cầu của các du khách với xe ôm tăng cao.
Không phải bây giờ mới có xe ôm, nhiều năm trước đã có, cũng manh nha có sự quản lý của địa phương nhưng đa số tự phát, nay xã đứng ra tổ chức và thành lập hợp tác xã, đội xe có đồng phục, có quản lý, có vé và giá chung, đảm bảo trật tự cho cả du khách lẫn dịch vụ. Trung bình mỗi điểm tới, xe ôm chở cả đi và về dao động từ 100 ngàn đến 200 ngàn/người. “Xe ôm có việc làm, tập trung chỉ khoảng 2 tháng trong năm, hết mùa là rất ít khách.” H’Linh, một xe ôm chở tôi lên ruộng Mâm xôi chia sẻ. “Đường đi hai năm nay được đổ bê tông hoá nên xe đi dễ hơn, đỡ nguy hiểm hơn.” H’Linh vừa lượn vào cua vừa trả lời dù tôi hỏi từ lúc nãy. Bởi vì xe vừa mới lên dốc đứng, cua sang trái đổ dốc nên tiếng máy xe êm hơn mới trả lời được.
Từ thị trấn, chạy ô tô trên quốc lộ hơn chục km thì tới điểm chân núi để lên ruộng Mâm xôi. Từ chân núi lên núi chỉ khoảng 1,17 km nhưng dốc đứng, 3 năm trước, con đường đất đá có những vết rãnh xe máy đi rất nguy hiểm. Nay đã là đường bê tông. Còn từ thị trấn đi khoảng 1 km thì là điểm lên và xuống của điểm ruộng Móng ngựa (Mổ Dể), rừng Trúc, khoảng 2,5 km đi lên dốc thẳng đứng, cũng đã là đường bê tông vừa đủ 1 xe máy chạy. Xa hơn một chút, 7 km cả đi và về là xã Kim Nọi, đi qua điểm trường Háng Đăng Dê.
Đa số các bản người Mông là ở trên núi cao, độ cao từ 800 đến hơn 1700 mét, hai bên hai sườn núi kẹp giữa thị trấn Mù Cang Chải, “Lúa gặt xong, tuốt, đập rồi thóc được gùi xuống dưới à?” tôi từng tò mò hỏi mấy bà đang đập lúa cùng đám trẻ con vây quanh thùng gỗ vừa là đựng thóc vửa là bàn đập. “Không đâu, thóc phải gùi về nhà chớ, về trên núi kia kìa.” Một phụ nữ ngừng đập, đưa tay quệt mồ hôi đáp. Theo cánh tay chỉ, tôi nhìn lên ngọn núi có mây lưng chừng. Nhìn những bao tải thóc mà khó hình dung việc gùi lên vì chúng tôi phải thuê xe ôm leo lên đến điểm này đã là rất cao, nghĩ việc gùi thóc xuống đã khó, nay họ nói phải gùi lên mới là về nhà…
Không chỉ thóc, ngô, thảo quả, táo mèo hay sơn trà, những sản vật của núi rừng, nương rẫy, đều thu hoạch ở những cánh đồng, nương rẫy bên dưới và được đưa về nhà bên trên, cách nhà cả chục cây số và leo cao vài trăm mét dốc đứng. H’Linh, một tay xe ôm tiếp tục chở tôi từ đường quốc lộ lên đi hai điểm rừng Trúc và Móng ngựa. “hai điểm này đi cùng một cung đường, lên một chiều và xuống một chiều.” H’Linh vừa về số xe vừa nói. Tiếng máy xe chạy số 1 gầm rú để leo con dốc ngược lên trên. So với mấy năm trước, đường đất trơn trượt trong rãnh vừa bánh xe, nay được bê tông hoá đã là một sự đổi mới rất xa rồi, dù con đường chỉ khoảng 50 – 60 phân bề ngang, đủ một xe máy chạy. Hai bên mép đường bị mưa xói đang mòn dần. Nhiều chỗ, một bên là vực, một bên sát các cây bụi của vách núi. Thế nhưng, những tay xe ôm người Mông vẫn bình thản đưa khách vượt lên.
“Khúc khuỷu”, có lẽ ta nghe quen từ này, thử gập cánh tay lại, nhìn theo từ vai xuống rồi từ cùi trỏ sang bên cổ tay, thấy như nào thì con đường ở đây y chang như vậy, từ chân núi leo lên mỗi ngọn núi, những con đường mòn hàng trăm năm được tạo ra với các khúc cua khuỷu tay rất gấp chỉ đủ chỗ lái xe cua lên với người đủ can đảm, với dộ dốc trên 45o và số xe luôn ở số 1 nên tiếng máy gầm vang cả núi rừng. “Đây là đường mòn nhiều đời người Mông đi lại, thồ hàng bằng ngựa hoặc người anh ạ.” H’Linh chia sẻ khi xe đi xuống đá bớt ồn. “Ai chi tiền làm đường bê tông này?” tôi hỏi. “Có đoạn nhà nước làm, có đoạn dân tự bỏ tiền làm.” H’Linh đáp.
Nhiều con đường độc đạo kết nối các bản thành đường liên xã, những con đường nối những ngọn núi cao mây phủ. Điều khác là, dù từ dưới chân núi lên đỉnh núi, mỗi con đường có hàng chục khúc cua, nếp gấp, thế nhưng từ dưới hay từ xa, gần như không nhìn thấy con đường. Ta gần như không thấy có bức ảnh nào chụp các con đường này, và tưởng tượng, nó sẽ hoành tráng và ấn tượng lắm nếu thấy. Đây chính là điều nên vui, vì các con đường chạy dưới tán cây rừng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng thông hay thậm chí vườn nhà của các bản, đang xanh tươi phủ kín các ngọn núi.
Xe leo lên, lên mãi, tận gần đỉnh núi mới tới rừng Trúc, một vạt xanh rất đẹp, ấn tượng như trong phim “Thập diên mai phục” của Trương Nghệ Mưu, do hôm nay mới thứ Sáu nên vắng khách, một mình tôi vào rừng khám phá. “Anh xem nhanh vậy?” H’Linh ngạc nhiên khi thấy tôi trở ra. “Thường khách mà xuống đó, bọn tao phải chờ cả tiếng.” H’Linh đưa mũ bảo hiểm cho tôi nói thêm. Đúng thế, nếu đi theo vài cô gái nữa, cùng với máy ảnh, có lẽ hết ngày chỉ một chỗ này thôi.
Xe đi xuống hoàn toàn, vẫn là những khúc cua, nhưng phía núi bên này để sang ruộng Móng ngựa. “tuần trước, giải chạy ở đây, họ có chạy cung đường này không?” Tôi hỏi H’Linh. “Có chứ, họ đi lên và đi xuống các con dốc ta vừa qua.” H’Linh đáp. “Nhìn họ chạy có mệt không?” Tôi hỏi lại “Mết quớ chớ, nhìn ai cũng ướt sũng mồ hôi, họ đi thôi, chạy sao được.” H’Linh nói và chia sẻ thêm, “Bọn tao gùi hàng cũng đi đường này, trước đi còn bị trơn, nay dễ hơn, nhất là lại có xe máy nữa, nên đưa ra chợ huyện hay đưa về nhà nhanh hơn.”
Ruộng móng ngựa rất sâu bên dưới, xe đi xuống mãi qua nhiều sườn núi mới tới, đồng nghĩa là khi gặt hái xong, họ phải thồ ngược sản phẩm lên rất xa. Ở đây đang khá đông các tay máy ảnh đứng lắp chân, họ lên thẳng từ dưới đường nên nhanh hơn, leo lên cao chỉ hơn 2 km. Du khách cũng khá đông đang đến các nhà sàn, các điểm chụp ảnh. Tất cả đang chờ hoàng hôn, khi mặt trời từ từ khuất núi phía xa. Nhiều người từ miền nam ra nên rất hưng phấn với cảnh quan và đồng lúa chín dưới ánh nắng chiều. Khách nước ngoài họ đi du lịch theo một cách khác, nên cũng ít va chạm với đám đông khách Việt nam. Kể cả các giải chạy trail, từ sau dịch Covid, các chân chạy nước ngoài tham gia rất đông. Ví dụ ở VMM Sapa vừa rồi, cự ly 21 km có đến gần 1 ngàn người thì 70% là người nước ngoài! Ở Mù Cang Chải, người nước ngoài họ đi sâu vào các làng bản người Mông, khám phá những nét văn hoá, nhưng cảnh sinh hoạt đời thường của dân. Người Việt đa số theo số đông, check in những điểm mà báo chí, mạng gowin99 , nơi cho ra những bức ảnh đẹp.
Tôi hỏi H’Lú, một xe ôm đưa chúng tôi qua bản Kim Nọi, ở phía núi đối diện với Mù Cang Chải, đi qua cầu bên kia con suối, cũng leo ngược lên trên giống như lên nhà Ngô. “Tuần trước họ không chạy bên này, nhưng năm trước có chạy.” H’Lú trả lời tôi khi nói về cung đường chạy của giải hôm Chủ nhật. Xe phải chờ một đoàn trâu đi qua. Tôi hỏi H’Lú “Trâu ở đây chăn nuôi để làm gì?” H’Lú đáp “Làm giống, làm thịt thôi, giờ làm đồng bằng máy rồi.” Theo như H’Lú kể, vận chuyển nông sản thường là ngựa, nhưng từ khi anh ta lớn, mấy chục năm nay đã không ai nuôi ngựa nữa. Con ngựa là bạn, là người thân, nhưng nuôi ngựa vất vả lắm “Ngày mưa, nắng, rét cũng vẫn phải đi lấy cỏ, thức ăn cho ngựa, vẫn phải chăm cho nó, giờ xe máy đỡ hơn nhiều rồi.” H’Lú nói thêm.
Gia súc nuôi ở các bản Mông là giống chịu rét, không như nơi khác. Họ nuôi và nhân bản ở tại chỗ, “Dự án 135 cho mỗi nhà một con trâu, được một năm, chết sạch.” H’Lú kể. Mùa rét, họ phải bọc, che chắn cho gia súc nhưng nhiều năm, vẫn bị chết nhiều. Giống chịu rét được phải từ địa phương, nếu mang từ nơi khác về, không chịu được rét, lên gác bếp hết.
Nhà H’Lú ở bản có nhà Ngô, phía núi bên kia, Kim Nọi ở phía núi bên này “Cách nhau khoảng 15 cây số, nhưng lên và xuống hai ngọn núi, trước đây sang nhau phải đi bộ hết một đêm đấy.” Anh ta kể về chuyện lứa đôi, phải đi hẹn hò như vậy. “Còn cướp vợ không?” tôi cười và hỏi. “Không, giờ phải ưng nhau rồi lên xe đi thôi, không cướp nữa.” Theo H’Lú, trẻ học lớp chín, khoảng 14 – 15 tuỏi là đã lấy nhau, sinh con đẻ cái. “Chúng nó cứ ở với nhau thôi, chờ đủ tuổi mới làm lễ cưới.” H’Lú giải thích, chưa đủ tuổi nhưng cha mẹ cho chúng ở với nhau và thực tế là một gia đình mới, có vợ, chồng, rồi con cái. Nhưng để có chứng nhận kết hôn, phải đủ tuổi theo pháp luật mới đi đăng ký và có thể làm đám cưới nếu muốn.
“Người dưới xuôi có lên đây mua đất không?” tôi hỏi H’Lú, anh ta nói “Có chứ, nếu mua đất buôn bán, ở, thì họ mua dưới huyện, nhưng có người mua làm nương rẫy trồng sơn trà, táo mèo, hay thảo quả, họ cũng thuê người Mông ta làm.” Tôi hỏi tiếp “Thế người Mông có bán đất không? Sao cần bán?” Thêm một câu chuyện dài, H’Lú chia sẻ, những mảnh ruộng bậc thang kia là thừa kế của cả dòng tộc, gia tộc. Nhiều đời mới khai phá ra, “Ruộng mới rất ít, dù có đất nhưng việc dẫn nước không dễ.” H’Lú nhấn mạnh. Số lượng bậc thang ruộng, thể hiện giàu có và vị thế của gia tộc. Nhưng nếu gia đình có người nghiện, phải bán đi. Có nhà nhiều con sẽ phải chia sẻ cho các con. “Mỗi nhà giờ chỉ có vải mảnh ruộng thôi.” H’Lú nói giọng nhỏ hơn.
Không phải nhà nào cũng có tiền mua xe máy, chạy xe ôm chỉ khoảng 2 tháng mùa vàng. Mùa nước đổ thì nhu cầu ít hơn, đa số chỉ dân chụp ảnh, khách du lịch ít lên mùa nước đổ. “Có xe máy, sao trên đường vẫn nhiều người phải thồ hàng lên bản thế?” Tôi tò mò hỏi. “Nhiều người già không biết đi xe máy, họ vẫn phải mang hàng về mà.” H’Lú nói và kể thêm “Người già làm việc nhiều hơn thanh niên đấy.” Người già không đi xe máy, nên họ dậy sớm hơn, có khi từ 3, 4 giờ sáng để xuống núi, làm việc rồi khi thồ hàng thì tận khuya mới về nhà. Với họ, con đường bê tông chỉ đỡ trơn trượt hơn, chứ con dốc vẫn vậy, cuộc sống họ vẫn vậy.
Hết mùa vàng, những người Mông lại quay về lao động, quay về với nương thảo quả, vườn táo mèo, sơn trà hay đi làm thuê cho các dự án, công trình dưới huyện. Con cái nhiều gia đình cũng thoát ly đi làm công nhân ở nơi khác “Nhà mình có 3 đứa, đứa con gái đã đi làm xưởng ô tô ở tận Hoà bình.” H’Lú khoe. Với lượng xe ôm đông cả ngàn người, mỗi điểm lên núi có cả trăm xe ôm nên mỗi khi xe khách du lịch tới, họ lao sang kiếm khách, không khác bên xe Mỹ đình khi xưa. Chính vì vậy hợp tác xã xe ôm thành lập và đánh số. Mỗi người mỗi ngày cuối tuần cũng có thể được vài ba chuyến, đủ thu nhập 300 – 500 ngàn, thế cũng là khá cao so với công việc khác của họ. Hợp tác xã cũng sẽ thu trên đầu chuyến nghe nói 20%.
“Xe máy chở khách leo núi như này có đội nào sửa xe cho không?” Tôi hỏi H’Lú, “Không, xe ai nấy tự sửa, tự chi phí thôi.” H’Lú đáp khi trả tôi về bến. Với hoạt động nặng leo núi, xe rất nhanh hỏng, và nguy hiểm nếu đang leo dốc, việc sửa sẽ và sãn sàng hoạt động tốt cho mỗi chuyến đi cũng là điều quan tâm không chỉ cho lái xe mà sự đảm bảo an toàn cho du khách cũng là điều phải có trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ruộng bậc thang khi lúa nếp chín vàng óng ả trải dài khắp các triền đồi. Du khách đến Mù Cang Chải tận mắt chứng kiến những mâm xôi xanh, vàng hiện lên giữa bạt ngàn đồi núi. Dừng chân tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Su Phình, ở đâu du khách cũng nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp trải rộng khắp các quả đồi.
Mù Cang Chải vẫn được mệnh danh là “xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu”. Hệ thống khe, suối của Mù Cang Chải khá dày đặc, chạy dọc theo Quốc lộ 32 là Nậm Kim con suối lớn nhất và duy nhất của huyện chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc. Nậm Kim quanh năm nước chảy rì rầm, chia Mù Cang Chải thành tả ngạn và hữu ngạn, mang lại vẻ đẹp thơ mộng hiếm có cho vùng cao Mù Cang Chải. Ngoài ra, Mù Cang Chải còn rất nhiều hệ thống suối nhỏ như: Nậm Hu, Nậm Mu, Nậm Muối, Nậm Có, Nậm Păng, Nậm Khắt, Nậm Khót… góp phần mang lại khí hậu mát mẻ, trong lành. Cùng với hệ thống khe, suối là hàng loạt các thác nhiều tầng, nổi tiếng như: Thác Nậm Mơ (Mồ Dề), Dề Thàng (Chế Cu Nha), Du khách sẽ được hòa mình vào những dòng nước tung bọc trắng xóa.
Dọc hai bên suối Nâm Kim, bờ được xây kè cũng như có con đường giữa hai cây cầu khá thơ mộng. Tối sau 8 giờ, tôi chạy bộ dọc theo suối, mỗi chiều khoảng 1 km rất thích. Bên bờ có những ta luy như ghế ngồi cho khách ngắm. Từng đôi trai gái là các thiếu niên còn mặc áo đồng phục học sinh, mỗi đôi một đoạn, chắc toàn người Mông, tôi đoán.
Thác Pú Nhu nằm cách bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn 10 km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ huyện Than Uyên - Lai Châu đổ về, thác có độ dốc cao cột nước khoảng 20 m được chia nhiều bậc. Thác Mơ huyện Mù Cang Chải nằm giữa hai ngọn đồi của Nả Háng A và Nả Háng B, thuộc xã Mồ Dề. Trong hành trình chinh phục Thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Từ trung tâm huyện đi bộ vào Thác Mơ mất khoảng gần 30 phút vào đến Thác, tiếp tục từ đây du khách sẽ tới điểm Thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm Thác 4 tầng du khách phải tiếp tục đi bộ ngược dòng Thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để du khách có thể lưu lại những hình ảnh đẹp về Thác Mơ. Ngoài ra du khách còn có thể đến thăm hang động của xã Nậm Khắt, chinh phục đỉnh núi của xã Púng Luông và bãi đá cổ Lao Chải.
Rời thị trấn, trên đường quay về chúng tôi dừng chân trên đèo Khau phạ, con đèo “Sừng Trời” là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” bao gồm 4 đèo cao nhất Việt Nam: Đèo Mã Pí Lèng, Đèo Ô Quí Hồ, Đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin. Tối hôm thứ Sáu, có vụ sạt lở núi nên khá nhiều xe các đoàn chụp ảnh và du khách phải quay đầu về Tú lệ nghỉ chờ tận trưa thứ Bảy điểm sạt lở mới thông xe để đi tiếp. Ở đây có điểm nhảy dù lượn rất đẹp, bay trên mùa vàng dưới thung lũng. Cũng là điểm chúng tôi thường ghé để chụp ảnh cánh đồng lúa chín phía dưới, nhưng lần này, toàn bộ cánh đồng lúa đã gặt, có lẽ năm nay lúa ở đây chín sớm hơn thường lệ?
Về Tú lệ, một địa danh nổi tiếng với cốm nếp, các gia đình người Thái trắng tự tay làm thủ công giã cốm cho du khách, mỗi người khách ghé qua, trước khi rời Mù Cang Chải, ai cũng muốn có một món quà, ít nhất là những hạt cốm xanh ngọt ngào từ các cánh đồng lúa vùng núi non mây mù bao phủ, đượm cái nắng, gió, mưa của đất trời mang về xuôi. Khi nhắc đến một nơi mang vẻ đẹp quyến rũ từ những cánh đồng ruộng bậc thang tuyệt mĩ, không gian thoang thoảng hương thơm của nếp, sự trong trẻo của sương mai thì chính là đang nói đến Tú Lệ. Thị xã này là một thung lũng rộng gần 3.000ha nằm dưới 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán.
Rời Mù Cang Chải, chúng tôi hẹn sẽ quay lại vào năm sau, vào mùa nước đổ để sẽ có những khoảng khắc mới, khác lạ so với mùa vàng. Khám phá thêm những điều màng càng lên nhiều lần càng thấy lạ.