Bà sinh ra trong một gia đình nông dân ở quê hương có truyền thống cách mạng, cụ thân sinh ra bà là địa chủ kháng chiến, sau cải cách sửa sai hạ xuống thành phần Trung nông, trong kháng chiến chống thực dân Pháp có công nuôi giấu cán bộ, được Chính phủ tặng Bằng khen. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, bà tham gia hoạt động bình dân học vụ cùng các phong trào khác ở địa phương, bà viết chữ rất đẹp. Trong kháng chiến chống Pháp, từ tháng 2 năm 1948 đến tháng 7 năm 1954, bà tham gia hoạt động trong đội du kích Hoàng Ngân và từng giữ chức Trung đội phó du kích của xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1949, bà bị giặc bắt cùng một số người khác chúng giam tại bốt Đông Mỹ, bị chúng tra tấn rất dã man, nhưng bà vẫn kiên cường bất khuất không xưng khai. Sau hơn hai tuần, chúng không khai thác được gì nên buộc phải thả cho bà về. Sau đó bà lại tiếp tục hoạt động trong đội du kích Hoàng Ngân và làm đến chức Trung đội phó đội du kích của xã Bắc Sơn, đã góp phần cùng toàn đội làm nên những chiến công vang dội ở đường 5 và chống địch đi càn quét, bình định nông thôn, gây cho quân địch nỗi kinh hoàng khiếp sợ mỗi khi nhắc đến hoặc đụng độ với đội du kích Hoàng Ngân Anh hùng.
Quá trình tham gia hoạt động bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì (ảnh trên).
Năm 1950, bố đẻ vì thua bạc đã gán bà cho một ông kém bà mấy tuổi làm vợ, bà xin đi thoát ly nhưng anh trai bà là ông Phạm Hùng, (sau này làm đến chức Đại sứ quán Việt Nam tại Mô dăm bích, hiện nghỉ hưu và vẫn còn sống ở quê) đã khuyên bà nên ở nhà chăm sóc cha mẹ để anh yên tâm đi công tác. Từ đó, bà vâng lời anh ở nhà làm nông nghiệp. Bà sinh được 5 người con gái, vì sinh con một bề, nên chồng bà lại là con trai duy nhất trong gia đình và còn nặng hủ tục “trọng nam khinh nữ”, “nối dõi tông đường”; nên chồng bà đã cặp với một bà cùng làng không hôn thú, sinh được 2 trai 1 gái, từ đó hai ông bà ly thân nhau, nhiều phen, ông về hành hạ bà thừa sống thiếu chết. Song với nghị lực phi thường, bà đã cắn răng chịu đựng một mình nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành nên người, cho ăn học tử tế và đều thoát ly khỏi đồng ruộng đi làm nhà nước cả. Sau này, bà gả chồng cho các con gái đều chỉ lấy lễ tượng trưng mà không thách cheo gì. Thật là một bà mẹ tuyệt vời! Giờ đây, bà có 4 anh con rể tốt, thế nên mới đúng câu nói: “Có con rể tốt, coi như được con trai; có con rể xấu, coi như mất con gái”. Hiện nay bà là Hội viên Hội CCB Việt Nam.
Cũng do bà ở nhà chăm sóc cha mẹ thay cho anh trai đi thoát ly yên tâm công tác mà sau này, anh trai bà, rồi các cháu của bà (tức con anh trai bà) đều thành đạt. Anh cả: Thượng tướng AHLLVT ND Phạm Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; anh Phạm Hưng, nguyên là Vụ trưởng Vụ Tài vụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bà Phạm Thị Xuyến thật xứng đáng với truyền thống Phụ nữ Việt Nam: “ANH HÙNG BẤT KHUẤT, TRUNG HẬU ĐẢM ĐANG”. Đã góp phần làm rạng danh truyền thống gia đình và quê hương. Một trong cán bộ nữ du kích Hoàng Ngân cuối cùng đang còn sống ở thế kỷ 21. Kính chúc bà sống mạnh khỏe trường thọ cùng con cháu.
Hà Nội, 17/4/2021- 19/10/2022
Trái tim người lính