Trong “Phong trào thơ mới”, chỉ bằng một đoạn thơ dưới đây, trích từ “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan Viên đã giúp người đời sau hình dung ra thân phận các nhà thơ sống trong thời nô lệ trước năm 1945: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn/ Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày/ Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi/ Lòng ta thành con rối/ Cho cuộc đời giật dây/ Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ...”.
Trong “Thơ Quang Hoài tuyển chọn” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 4 năm 2024), cũng cần chỉ đọc ít bài thơ, người đọc đã đủ hình dung ra Quang Hoài và thời ông sống. Rõ nét nhất là thời Quang Hoài còn làm lính Cụ Hồ, thời cả nước hồ hởi xây dựng chủ nghĩa gowin99 ở Miền Bắc và sục sôi đấu tranh thống nhất nước nhà, thời Miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh phá hoại và Miền Nam tiến hành công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước...
Em ghé thăm thị xã/ Khi còi vừa báo yên/ Những dãy nhà thân quen/ Trăm vết thương lở loét (“Trưa hè chiến tranh ghé thăm thị xã”); Có cửa hàng mậu dịch/ Chật cáí quầy hàng vải đỏ, vải xanh/ Có muối, có dầu chật các chum sành/ Cô gái bán hàng đón anh chào hỏi…/ Con gái cũng biết lo việc nhà, việc nước/ Thay con trai đi xa/ Biết ngắm trúng cái bia/ Đạn xuyên vòng mười, vòng chín…/ Thay anh ra đi/ Em lo đảm đang tất cả (“Lá thư gửi anh”); Rừng đại ngàn cứ in dấu ấn/ Những bàn chân nối tiếp những bàn chân/ Tôi đến Trường Sơn/ Lại nhận được những dấu chân bè bạn đi vào (“Dấu chân bè bạn”); Tiếng cười con bay lên/ Trong tiếng bom Mỹ nổ/ Pháo của ta các cỡ/ Quây chặt lũ giặc trời (“Tiếng cười và hai nốt muỗi”); Ba người ở ba nơi/ Không cùng miền cùng tỉnh/ Tên gọi chung là: Lính/ Chí cốt: Một căn hầm (“Thư viết cho con từ hầm chốt”… Đó là những minh chứng trong thơ. Cùng trưởng thành và hoà nhập với đội ngũ thơ chống Mỹ, đôi khi thơ Quang Hoài cũng mang khẩu khí rất đáng yêu và cũng rất hiện thực của một thời đã qua: Mười tám tuổi chưa đầy/ Anh xung phong nhập ngũ/ Ngày Đảng trao xe này/ Bụng mừng đêm quên ngủ (“Anh lái xe người Mèo Hoa”); Chiến tranh càng ác liệt/ Con người càng kiên cường/ Thị xã thành cửa tử/ Xe vẫn thẳng hướng Nam (“Trưa hè chiến tranh ghé thăm thị xã”); Anh sẽ mang theo/ Vầng trăng đêm nay vào chiến dịch (“Trăng của tình yêu”); Háo hức lên đường nối gót cha anh/ Đường ta đi, đồng ruộng, vườn xanh/ Như vui múa tiễn người ra trận (“Đường ra trận”)...
Quang Hoài là người ưa nhìn thẳng vào sự thật và lúc nào cũng cảm thấy mình luôn nợ sự thật bằng trách nhiệm và lương tâm của chính bản thân mình. Với cách phản ánh trực diện một cách dũng cảm, ông cảnh tỉnh những kẻ ham lợi danh, ham quyền lực qua những lời gần như tự thú trong “Tiếng đập cửa trong đêm”: Ta chưa muốn rời chiếc ghế/ Chiếc ghế ta ngồi suốt chục năm qua.../ Ôi những mùi cho ta được sống một thời thoả thích đế vương/ Ta bỏ ngoài tai những lời phê bình, góp ý... Tương tự, ta có thế bắt gặp những câu thơ khác cũng mang tinh thần ấy trong “Vai diễn đời tôi”: Tôi không biết mình trở thành một vai diễn tự bao giờ.../ Sân khấu hề thì xanh như cỏ/ Hề là thật còn tôi là giả/ Nên vai tôi thua kém vai hề; trong “Diễn”: Ngoài đời diễn rồi/ Về nhà còn diễn... Nhiều lúc, ông băn khoăn tự hỏi: Người xưa: Đen mực... sáng đèn/ Người nay: Sáng đèn sao lại tối om? (“Rồi ra... rồi cũng thế thôi”). Có lúc, ông muốn: Giao thừa/ sấm dậy rung trời/ Lay ta bừng tỉnh giấc người trăm năm (“Sấm giao thừa”). Có lúc, ông cảnh báo có một cái gì như tất yếu đang đến: Trên ngai thời gian/ Ta nhìn những vết sơn bong/ Bức tường che chắn ta dần chết/ Ngôi nhà bao bọc ta dần chết (“Trên ngai thời gian”). Và có lúc, ông chỉ ra bản chất của các phe phái: Đã/ bè cánh/ đã/ nhóm băng/ Thì/ sau trước/ vẫn là thằng/ lưu manh (“Một giuộc”), bản chất của một hiện tượng khó suy suyển: Nhìn từ lỗ thủng nhìn ra/ Nhìn đi nhìn lại vẫn là... lỗ thôi/ Thấy bầu mà chẳng thấy trời/ Thấy người mà chẳng thấy đời bao la (“Nhìn từ lỗ thủng”) và không khỏi đau lòng: Thương bao luận thuyết tung hoành/ Chửa lời ai điếu đã thành tro than/ Thương con đò mộng bến Vàng/ Chửa chèo gác mái đã tàn giấc mơ (“Thương”)...
Lâu nay, nhiều người vẫn đánh đồng sự sám hối với việc nhận thức lại. Bởi trước có sai lầm thì sau mới có sám hối. Còn nhận thức lại chính là một quá trình, phù hợp với sự trưởng thành, sự tiến hoá. Ở tuổi trẻ bồng bột, non dại... nhận thức khác. Lúc có tuổi bình tĩnh, chín chắn... nhận thức khác. Đây cũng có thể coi là bước chuyển của nhận thức, sao cho gần chân lý hơn, sát với đời sống hơn. Đáng mừng thơ Quang Hoài có hẳn một vệt bước chuyển của nhận thức. Không phải ai cũng tỉnh táo, dũng cảm và bản lĩnh như thế! Ông nhận ra: Ta ở trong vỏ bọc/ Ta có sự sống nhưng sự sống vô nghĩa chẳng để làm gì/ Ta muốn thoát nhanh ra ngoài vỏ bọc (“Khi ra ngoài vỏ bọc”). Ông ao ước: Giá như mình ra khỏi những cơn mê (“Tôi cũ tự bao giờ”), Bao giờ rũ sạch u mê/ Để ta lại được trở về là ta?/ Bao giờ rũ sạch chói loà/ Để ta lại được như ta thuở nào? (“Bao giờ rũ sạch...”). Ông băn khoăn tự hỏi mình: Đã lạc lối vào/ Lẽ nào lạc nốt lối ra (“Lối”)...”Rũ được chói lòa”, đã khó; “Lạc... lối ra”, xem ra còn khó hơn nhiều.
Quang Hoài có nhiều bài thơ viết về tình yêu. Đó là “Nguyện cầu”, “Bến”, “Gió”, “Mùa em”... Ông nhận ra quy luật của tình yêu: Hạnh phúc và đau khổ/ Luôn tồn tại trong đời/ Trái tim dầu muốn ở/ Nhưng cuộc đời lại trôi (“Nguyện cầu”). Em lúc nào cũng hấp dẫn ông đến nỗi: Gió không thổi từ sông/ Gió không thổi từ bể/ Mà gió thổi từ em (“Gió”) và Có mùa nào hơn mùa em, em ơi/ Anh hạnh ngộ mùa em đích thực (“Mùa em”). Có một thứ gió mang tên em, có một thứ mùa mang tên em - đấy là một cách nói rất sáng tạo, rất riêng của Quang Hoài.
Trong khi làm tuyển thơ Việt về sen và những gì liên quan đến sen, tôi phát hiện ra Quang Hoài có một chùm thơ ba bài độc đáo. Đó là “Bùn”, “Giọt trời trên lá sen” và “Chắc gì đã sen”. Ông không phân biệt bùn, phân biệt sen và đặt ra mối quan hệ hai chiều, bình đắng mang tính hữu cơ giữa bùn và sen:
Hoa sen là tinh tuý của bùn, em nhỉ
Không có bùn, sen nở ở đâu?
Ông làm một cuộc lật xoay, làm đảo lộn cách cảm, cách nghĩ truyền thống, tư duy theo thói quen khi hạ bút:
Nhìn những bông sen ao nhà chớm nụ
Anh cứ ước ao giá ta có chút bùn
Để cho đời chút xíu hương thơm…
.
Như thế, theo Quang Hoài, bùn không hề hôi tanh mà bùn cũng có hương đặc trưng của nó. Còn trong “Giọt trời trên lá sen”, thực chất là một sự biến ảo, thăng hoa của một tứ thơ vừa đẹp, vừa kín đáo, vừa rất gợi:
Những giọt trời
trên lá sen xanh
những giọt sương
nhú hồng nụ biếc
Mùa đến... mùa đi... mùa không mùa
trong vô tận giọt giọt
anh tìm những giọt em
giọt trời trên lá sen...
Trong “Thơ Quang Hoài tuyển chọn” có nhiều câu thơ tài hoa qua “Khúc ru”, “Chợ Viềng 2”, “Giấc người”... Những câu vừa tài hoa, vừa sâu sắc, vừa cô đọng, kiệm lời thuộc về “Chỉ một”: Ai cũng chỉ một/ thế rồi.../ Lên giời/ xuống đất/ một thôi.../ Một đường! Và “Hành trình”: Hành trình/ ngắn ngắn/ dài dài.../ Đi nhanh/ đi chậm/ không ngoài/ lối ta.
Theo tôi, “Thơ Quang Hoài tuyển chọn” thực chất là một “tập đại thành” về thơ, về đời Quang Hoài. “Tập đại thành” này ra đời trên cơ sở tuyển lựa từ các tập thơ: “Nguyễn cầu”, “Mưa đền tình”, “Lời yêu rượu đắng”, “Gió sông Hồng vẫn thổi”, “Kiếp này ta chửa thương ta”, “Chớp lửa đường cong”, “Giữa hai bờ trăng khuất”, “Giọt trời trên lá sen”, “Trong veo nước suối nguồn”, “Trước mùa nước dâng”, “Quả càng già càng chín ngọt thơm”, “Giấc người”, “Miền Hoài Phương”. “Tập đại thành” này vừa dày dặn, vừa đầy đặn, đủ sức hấp dẫn độc giả từ nhiều phía, nhiều chiều, với tâm thế, tâm trạng, tâm tình, tâm sự vừa hàm chứa, vừa gợi mở.
Phố Khuất Duy Tiến, Hà Nội, đêm 4 - 5 - 2024
Đ. H. G