Vào ngày Tết Đoan Ngọ ngày xưa, mẹ tôi thường ra đồng bãi lấy lá để hãm nước uống dành cho cả một năm .Những cây ổi dại, cây bưởi bung mọc hoang ở các gò cao ngoài đồng bãi,hay là những cây vối mọc ở bờ ao vườn nhà .Mẹ tôi thường cắt về làm thức uống vào những ngày này .
Khi cắt về mẹ tôi không phơi nắng ngay .Bà lấy lá chuối tươi trải ra đất và để những lá cây cắt về xếp lên, sau đó phủ lá chuối kín lên trên. Ủ được độ vài ngày, lá cây sẽ chuyển sang màu vàng là lúc đó mẹ tôi lấy ra phơi khô và để dành đun nước uống dần quanh năm .Mẹ tôi nói làm như thế nước uống sẽ ngon, không có vị chát và mùi hăng của lá cây .Sau này đi ra ngoài và được học hành, tôi mới biết là làm như thế là khử bỏ chất Diệp lục của lá cây .Các cụ ngày xưa làm theo kinh nghiệm thôi chứ chưa biết khoa học,vậy mà đã tạo ra một thứ nước uống bổ dưỡng thanh lọc cơ thể rất tốt
Tập tục thứ hai là tục “Khảo mít“ .Những cây mít lá xanh mướt và không ra quả .Ngày Tết Đoan ngọ các cụ thường vác roi đánh vào thân mít và năm sau cây mít thường ra quả .Phân tích theo khoa học là những cây mít ấy (thường là cây còn non, chưa già) khi bị tác động vào thân, cây sẽ trầy xước và nhựa sẽ chảy ứ ra, thân mít sẽ xù xì không còn nhẵn thín .Như thế là sẽ hạn chế chất dinh dưỡng nuôi lá cây và tập chung vào thân vỏ, bởi chất dinh dưỡng nuôi lá được dẫn qua vỏ cây .Khi chất dinh dưỡng vị hạn chế lên lá, dành phần lớn nuôi vỏ, mít sẽ nhanh ra quả .Còn cho người trèo lên cây mít để khảo chỉ là biến tướng và chẳng có cơ sở khoa học nào.
NĐS- Tết Đoan ngọ 2022
Chuyện làng quê