link tải gowin99 mới nhất

Một người anh

Đầu tháng 5 năm 2019, tôi có dịp trở về thăm đơn vị cũ (4C-60 Hà Nội) sau 34 năm. Tôi gặp lại rất nhiều người, những người chú, người anh, người chị trong đó có anh - một con người sống giản dị, khiêm nhường, thân thiện, vô tư, giỏi giang và luôn tận tụy trong công việc.

Sống ở đơn vị với nhiều phó tiến sĩ, các kỹ sư hàng không và cả những người thợ, những thành phần bảo đảm khác, tôi thấy anh luôn được mọi người yêu quý. Họ yêu quý anh bởi tài năng và phong cách sống.

nguoui-anh-1664415320.jpg
(Từ phải sang trái): AHLLVTND Từ Đễ, Lê Chương, Nguyễn Sĩ Hưng và TGD Vaeco.

 

Khi tôi về đơn vị công tác thì anh đã gần bốn mươi tuổi, nhưng nhìn anh rất trẻ. Sự thân thiện của anh đã làm cho những chiến sĩ mới như chúng tôi có thiện cảm ngay từ lần đầu gặp. Là thợ gò bậc 7/7, ngoài việc làm rất tốt công việc chuyên môn của mình, anh còn rất giỏi trong nhiều việc khác như sửa chữa xe máy, sửa chữa ô tô,… thậm chí có lần buổi tối đơn vị đang tổ chức chiếu phim thì máy chiếu phim hỏng, việc đầu tiên người ta làm là gọi Lê Chương để anh đến sửa giúp.

Với tôi, anh luôn là một tấm gương về lao động miệt mài, vô tư, hết mình vì nhiệm vụ và luôn sống chan hoà với mọi người xung quanh. Tôi nhớ có lần, hình như năm 1985, mẹ tôi bị mệt (khi đó mẹ tôi 61 tuổi), ngày nghỉ tôi xin được chỉ huy đơn vị cho về thăm. Tôi xách túi đi ra cổng đơn vị, thì gặp anh đang trực, làm gì đó trước cửa phòng. Anh hỏi tôi đi đâu, tôi bảo: em đi ra tàu về quê. Thế là anh bảo để anh đưa ra ga. Rồi anh cất đồ nghề, lấy chiếc xe Cub 50 chở tôi ra ga Hà Nội. Vì đi xe máy nên còn nhiều thời gian, anh và tôi vào quán uống chè, hút thuốc. Qua chuyện trò anh biết tôi sắp đăng ký đi học sĩ quan, anh cũng tán thành, động viên tôi và bảo: “Làm gì thì làm nhưng phải giỏi một nghề”. Tôi luôn coi đó là lời dặn dò của một người anh đáng kính và trong suốt đời thợ, luôn gắng làm tốt công việc của mình.

Vì tài năng của mình, năm 1985, Lê Chương cùng một đồng chí nữa trong đơn vị - Nguyễn  Văn Tỵ cũng là thợ 7/7 được vinh danh là “Người có đôi bàn tay vàng” của quân chủng Không quân (nay là quân chủng Phòng không - Không quân).

Vì tài năng và đức độ, cũng năm 1985, Lê Chương được quân đội, quân chủng cử đi đào tạo ở Tiệp khắc. Sau này, tôi nghe tin anh về làm việc ở A76 Hàng không dân dụng. Vì cuộc sống bộn bề, tôi không có dịp gặp lại anh cho đến tận năm 2019.

Những gì tôi biết về anh chỉ rất ít ỏi. Sau này, qua một mẩu chuyện của cựu phi công, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hưng (tác giả cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) - Nhìn từ hai phía“) và đồng tác giả (viết chung với AHLLVTND, trung tướng phi công Nguyễn Đức Soát) cuốn sách “Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965-1973) - Phía sau những trận không chiến” tôi được biết thêm về anh. Tôi xin trích một đoạn tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hưng viết về anh ngày 6.3.2020 mà tôi đã có may mắn đọc được trên trang Facebook “Bầu trời đồng đội”:

Bàn tay vàng

Chúng ta đã được nghe nhiều về các chiến công của các phi công Anh hùng, họ là những huyền thoại của KQNDVN. Nhưng như nhiều cựu phi công đã nhận xét, không có binh chủng nào mà chiến công có đóng góp của rất nhiều thành phần như bộ đội Không quân. Từ các vị chỉ huy, các sĩ quan dẫn đường, các sĩ quan tham mưu, tác chiến, quân báo, thông tin... Trong số đó lực lượng kỹ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong chiến tranh, lực lượng kỹ thuật đã đảm bảo 8.500 chuyến bay chiến đấu và 277.000 chuyến bay huấn luyện. Họ chính là người cuối cùng động viên khích lệ phi công trước khi bước vào cuộc chiến sinh tử, họ là người đầu tiên đón các phi công chiến thắng trở về và chúng ta không thể quên hình ảnh các chiến sỹ thợ máy đứng ở đầu đường băng ngóng về phía chân trời đau buồn như thế nào khi không thấy máy bay của mình cùng người phi công trở về... Hôm nay tôi xin phép không nói nhiều về những kỹ sư, thợ máy nổi tiếng ấy, tôi rất muốn nhắc đến những chiến công thầm lặng của một con người rất khiêm tốn, giản dị, kiệm lời - đó là bạn Lê Chương, người được mệnh danh là Bàn tay vàng trong giới kỹ thuật Không quân và Hàng không. Lê Chương cùng lớp dự khoá bay với các tên tuổi như Hoàng Tam Hùng, Nguyễn Xuân Hiển, Nguyễn Sỹ Vũ, Bùi Thanh Liêm...nhưng do sức khỏe anh không thể đi học bay mà chuyển sang làm kỹ thuật ở các trung đoàn Không quân. Anh không được giao một máy bay cụ thể nào, nhưng có bất kỳ công việc nào khó về kỹ thuật, mọi người nghĩ ngay đến Lê Chương - bàn tay vàng. Anh đã tham gia chế tạo khá nhiều thứ độc đáo, đòi hỏi có bàn tay khéo léo như lắp dù đuôi cho MiG-17, vá  thân máy bay do bom bi phá, chế tạo mâm và trục để Mi-6 cẩu MiG đi sơ tán, thậm chí anh ngồi gò thân chiếc máy bay TL và HL của Việt Nam sản xuất (mà đáng ra phải có cả phân xưởng gò hàn hiện đại)...còn rất nhiều việc tưởng như nhỏ nhặt khác, nhưng lại góp phần rất quan trọng bảo đảm kỹ thuật máy bay. Sau này khi đã sang hàng không, anh lại tham gia chế tạo các khung, giá đỡ để soi và sửa động cơ, xử lý các hỏng hóc tưởng chừng bàn tay thợ khó mà làm được, nhưng khi có Lê Chương là mọi người tin rằng công việc sẽ thành công. Bây giờ khi đã sang tuổi 75 rồi, nhưng những ca khó về kỹ thuật, giới kỹ thuật hàng không vẫn gọi đến Anh. Anh không chỉ có bàn tay khéo léo, kỹ năng của người thợ mà còn có óc sáng tạo tuyệt vời. Nhiều ca khó, khi các tiến sĩ, kĩ sư chưa tìm ra giải pháp, anh đã nhanh chóng đưa ra phương án rất bất ngờ và hiệu quả. Những con người khiêm tốn mà có những chiến công thầm lặng như thế ở Không quân có rất nhiều. Tiếc là chưa có nhiều bài viết để tôn vinh những người anh hùng thầm lặng ấy. Lê Chương - người có bàn tay vàng - khối óc thông minh và một tình bạn chân thành. Lứa dự khoá bay chúng tôi may mắn có được một người đồng đội tuyệt vời…”

Tôi mong Không quân cũng như Hàng không có thêm nhiều những con người tài - đức, để xây dựng ngành kỹ thuật hàng không ngày thêm vững mạnh.

Chuyện Quê