Thực hiện chiến lược trường kỳ kháng chiến, cuối tháng 2/1947 toàn bộ lực lượng ta đã rời Hà Nội rút lên chiến khu Việt Bắc.
VŨ HOÀNG CHƯƠNG (sinh năm 1916, quê xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) là một thi sĩ nổi tiếng từ thời phong trào thơ mới, tên tuổi của ông được nhắc đến trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh + Hoài Chân. Để kỷ niệm cách mạng tháng 8, năm 1947 ông đã sáng tác bài thơ Nhớ về Hà Nội vàng son. Vàng son mà ông nhắc đến không phải thứ vàng son trong cung Vua, phủ Chúa thời phong kiến mà là hình tượng của lá cờ cách mạng với ngôi sao vàng 5 cánh trên nền cờ đỏ màu son (sau ngày 06/1/1946 Quốc hội nhiệm kỳ 1 đã chọn lá cờ cách mạng làm Quốc kỳ).
Suốt bài thơ, biểu tượng của cuộc cách mạng là lá cờ đỏ sao vàng và lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với không khí, tinh thần sôi sục cách mạng của quần chúng nhân dân thủ đô và cả nước được nhắc đến một cách trang trọng và tin tưởng, trong đó những câu kết của bài thơ như một dự báo. Quả nhiên 7 năm sau, ngày 10/10/1954 bộ đội ta đã trùng trùng quân đi như sóng trở về giải phóng thủ đô.
Với những câu thơ thanh cao, sâu sắc và chân thành cùng với nội dung lịch sử truyền thống, bài thơ này - cả văn chương và tư tưởng - đều xứng đáng đưa vào sách giáo khoa trung học.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
NHỚ VỀ HÀ NỘI VÀNG SON
Ôi ngày 19 - ngày oanh liệt
Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương
Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt
Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương
Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những ngành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô
Xôn xao hành khúc "Xây đời mới"
Tráng khúc du dương "Ngọn Quốc kỳ"
Tóc bạc, má hồng mê vận hội
Cùng trai nước Việt hát "Ra đi"
Chen tiếng hoan hô này khẩu hiệu
Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Muôn năm "Người lính già tiêu biểu...
Vì giang sơn quyết bỏ gia đình"
Ôi ngày 19 - ngày sung sướng
Vạn ước mong dồn một ước mong
Ôi mùa thu ấy - mùa tin tưởng
Một tấm lòng mang vạn tấm lòng
3 Kỳ hỡi hỡi người dân Việt
Mau vũ trang cùng tiến bước lên
Cùng tiến bước mau! thề một chết
Đòi hoa Hà Nội, sóng Long Biên
Cho hoa kia nở vàng như cũ
Cho sóng này dâng đỏ gấp xưa...
Ôi lá cờ sao! từng đã ngự
Giữa lòng dân tộc, giữa Kinh đô
Kinh đô ngàn thuở đòi cho được
Và quét hôi tanh sạch đất này
Trả hôm 19 mùa thu trước
Về cho 19 thu mai đây./.
Vũ Hoàng Chương
1947