Mai tôi đi
Mai tôi đi
phố có buồn không
Mai tôi đi
mưa trắng ướt lòng
Hàng cây hun hút
vàng kỷ niệm
Có chiếc lá buồn
rớt cuối đông
Người đứng bên bờ
vọng tiếng xưa
Đừng giơ tay vẫy
đừng tiễn đưa
để hồn tôi lắng
không thổn thức
Biệt ly
da diết mấy cho vừa
Mai tôi đi
biết buồn hay vui
Chút nắng nào rơi xuống ngậm ngùi
Người về nhặt lại
màu trắng cũ
Mình lạc nhau rồi cố nhân ơi!
Thơ BT Áo Tím
Lời bình: Nguyễn Văn Hòa
Thơ BT Áo Tím có nét dịu dàng, đằm thắm, mang đậm thiên tính nữ. Chị là nhà giáo làm thơ nên tiếng thơ mang nét mô phạm, mẫu mực, dung dị và ở đó chan chứa tình yêu thương con người. Vì thế, người đọc dễ đồng cảm với những gì mà BT Áo Tím chia sẻ, giãi bày trong thơ.
Mai tôi đi là bài thơ gây nên những rung cảm đặc biệt đối với những người yêu thơ, bạn bè và cả những người thân thích của chị. Linh cảm chẳng lành, BT Áo Tím viết bài thơ Mai tôi đi và đây cũng là bài thơ cuối cùng của cuộc đời chị. Đời thơ, đời người của BT Áo Tím tạm dừng tại đây. Cuộc vui - buồn nơi cõi thế đã gác lại. Chị đã về miền mây trắng rong chơi nơi cõi phiêu bồng, có thể nhiều hương hoa, mật ngọt; cũng có thể thăm thẳm nỗi buồn không chạm đáy nơi cõi hư vô!
Ngày chị ra đi, đó là ngày kết thúc một cuộc đời nơi dương thế; có lẽ chị cũng cảm thấy mãn nguyện vì chị đã sống, đã cống hiến hết mình bằng tình yêu, sự sẻ chia của một người đàn bà hiểu đời, hiểu người. Hành trình cuộc người ấy, BT Áo Tím không hẳn hoàn hảo nhưng những gì chị để lại cho đời, cho người, cho gia đình, cho con cháu, bạn bè, đồng nghiệp... là một minh chứng đầy đủ nhất. Tin chị mất, làm cho nhiều người bàng hoàng, thổn thức. Những người bạn thân thiết của chị, con cháu chị cũng không tin đó là sự thật. Dù không tin nhưng đó cũng là thực tế phũ phàng, đau đớn đã xảy ra. Chị ra đi đúng vào một ngày cuối đông như chị linh cảm!
BT Áo Tím là người sống mô phạm, mực thước, cốt cách của một nhà giáo đã ăn sâu vào máu thịt; cùng với đó là tấm lòng nhân ái bao dung của một người phụ nữ biết sẻ chia. Những người thân thích thì đã quá rõ tính cách của BT Áo Tím còn những người dù chưa gặp chị ngoài đời nhưng với sự ân cần, lịch thiệp thể hiện ngay trong từng tin nhắn, từng bình luận trên facebook... đã phần nào minh chứng được chị là con người chân thành và quý trọng tình cảm.
Mai tôi đi, tiếng thơ có vẻ ngậm ngùi, nhưng đó lại là tiếng nói cất lên từ tâm hồn và trái tim của chị.
Mai tôi đi là nhan đề và cũng là câu mở đầu cho bài thơ: đó là lời thông báo, là dự đoán trước một sự thật. Mai tôi đi được lặp đi lặp lại 3 lần, không chỉ đơn giản là lời thông báo mà ở đó còn là những day dứt, suy tư. Bởi rồi đây, mọi thứ sẽ dang dở, mọi điều sẽ có một kết cục không như ý, tất cả rồi sẽ trả lại với hư không?
Mai tôi đi/ phố có buồn không/ Mai tôi đi/ mưa trắng ướt lòng/ Hàng cây hun hút/ vàng kỷ niệm/ Có chiếc lá buồn/ rớt cuối đông.
Linh cảm chẳng lành, để rồi BT Áo Tím day dứt trong một câu hỏi nghe có vẻ xót xa:Mai tôi đi/ phố có buồn không. Nhà thơ hỏi “phố”, có lẽ cũng có cái lý của chị. Rồi đây “phố” cũng sẽ thiếu đi một dáng hình, phố sẽ vắng đi bước chân của một người đàn bà đa cảm, phố sẽ vĩnh viễn không còn chứng kiến cảnh người đàn bà sáng chiều lang thang ngắm phố, trong tà áo dài tím của một thuở ngày hai buổi đến trường hay trong những buổi chợ phiên với bộ đồ bà ba của một người đứng tuổi... Phố vừa là người bạn, đồng thời cũng là nhân chứng cho bao nhiêu đổi thay của cuộc đời chị.
Nhà thơ đã nhân cách hóa nên tất cả những vật vô tri vô giác cũng trở nên có hồn. Đọc lên nghe nghèn nghẹn nỗi niềm, linh cảm mách bảo chị sẽ rời dương thế, sau những tháng ngày ngắn ngủi của kiếp người dâu bể. Rồi đây, khi “tôi đi”, mọi thứ cũng sẽ buồn, tất cả chỉ còn lại là những kỷ niệm vời xa. Cái đặc biệt của nhà thơ BT Áo Tím là chị “biết trước” sự ra đi của mình. Vì thế, ở bài thơ Mai tôi đi và cả bài thơ Cát bụi làm trước đó cũng đã có những “dự báo” trước về cái chết của chính mình. Niềm đau, sự trăn trở trước một hiện thực đầy chua xót, não nề:
Mai tôi đi/ mưa trắng ướt lòng/ Hàng cây hun hút/ vàng kỷ niệm/ Có chiếc lá buồn/ rớt cuối đông.
Sắc màu thời gian và nỗi buồn tràn ngập trong từng lời thơ. Có chiếc là buồn/ rớt cuối đông: Câu thơ giàu sức gợi, tạo nên liên tưởng về sự ra đi của một kiếp người, sự ra đi đó cũng làm cho mọi thứ xung quanh hẫng hụt, buồn đau, trống vắng, có gì đó rưng rưng. Ngay cả hàng cây, chiếc lá cũng ăm ắp những nỗi niềm!
Rồi đây, khi “Mai tôi đi”còn có bao điều cần nhắn gửi với người ở lại. Và chị tin chắc một điều người ở cõi dương gian sẽ nhìn về quá vãng để nhắc nhớ, để chia sẻ những yêu thương với người vừa rời cõi tạm. Giữa hai bờ âm - dương, cách biệt nghìn trùng ấy nhà thơ muốn người ở lại “đừng” khóc thương, “đừng” nhớ tiếc nhiều. Nếu có khóc thương bao nhiêu cũng chỉ là nước mắt, khóc thương bao nhiêu cũng không thể nào làm cho người vừa mất có thể sống lại. Chi bằng “đừng giơ tay vẫy”, “đừng tiễn đưa”. Có như vậy “tôi” mới có thể bình thản, nhẹ nhàng đi vào thế giới khác mà không phải còn luyến tiếc với dương gian! Cách hành xử như trên cũng phần nào phản ánh một tâm hồn giàu nữ tính, yêu thương, luôn quan tâm và nghĩ về người khác.
Người đứng bên bờ/ vọng tiếng xưa/ Đừng giơ tay vẫy/ đừng tiễn đưa/ để hồn tôi lắng/ không thổn thức/ Biệt ly/ da diết mấy cho vừa.
BT Áo Tím đã trải lòng mình trước hiện thực cuộc sống để rồi cảm thức về sự ngắn ngủi, mong manh của một kiếp người mà ở đó dường như mọi thứ được ký gửi với thời gian.
Mai tôi đi, điệp khúc ấy là thông tin khẳng định sự “ra đi” của chính mình. Nhà thơ day dứt trong nỗi niềm thương cảm về sự chia cách.
Mai tôi đi/ biết buồn hay vui/ Chút nắng nào rơi xuống ngậm ngùi/ Người về nhặt lại/ màu trắng cũ/ Mình lạc nhau rồi cố nhân ơi!
BT Áo Tím mường tượng cảnh“Người về nhặt lại/ màu trắng cũ”. Và sau đó là tiếng kêu thảng thốt, mình sẽ lạc nhau từ đây. Mình lạc nhau rồi cố nhân ơi! Tiếng nấc nghẹn của chủ thể trữ tình. Dù ở khổ thơ trên, “tôi” với mong muốn người ở lại “đừng” nhớ tiếc, đừng bận tâm đến người đã về cõi khác. Ấy vậy mà đến cuối bài lại là tiếng kêu thương đầy da diết. Thế thì làm sao người ở lại có thể dửng dưng trước sự “ra đi” đó? Phải chăng “tôi” vì sợ phiền lòng đến người còn sống mà tự dặn lòng mình không phải làm phiền, không nên làm phiền, không được làm phiền. Thế nhưng khi nhắc đến “cố nhân” và những năm tháng cũ thuở tinh khôi thì “tôi” không thể nào giấu được sự nghẹn ngào xúc động. Tiếng gọi xé lòng “Mình lạc nhau rồi cố nhân ơi!”. Và cũng kể từ đây mọi thứ sẽ khác: “tôi” không còn làm thơ nữa, những buồn vui trả lại với hư không... bởi “tôi” đã trở thành cát bụi!
Đến một ngày/ Tôi không làm thơ nữa/ Những buồn vui đem thả giữa hư không/ Đến một ngày/ Cạn nước dòng sông/ Mùa thu cũ là khu vườn hoang phế/ Đến một ngày/ Tôi không còn trên dương thế/ Tan vỡ rồi dâu bể trăm năm/ Kỷ niệm nào chắc cũng xa xăm/ Trong lòng đất/ Âm thầm/ Tôi/ Cát bụi (Cát bụi).