Vào thời chúa Trịnh, nhà Lê đã mất thực quyền. Chúa Trịnh Sâm cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt thời Lê Trung hưng. Trịnh Sâm là người có tài, quyết đoán, tuy nhiên, sau này, ông ham mê tửu sắc.
Trong Vũ Trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ có viết qua về lối sống của chúa Trịnh Sâm: “Khoảng năm Giáp Ngọ, Ất Mùi (1774 – 1775), trong nước vô sự, Thịnh Vượng (Trịnh Sâm) thích chơi đèn đuốc, thường ngự ở các ly cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Việc xây dựng đình đài cứ liên miên. Mỗi tháng ba bốn lần, Vương ra cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đều bịt khăn, mặc áo đàn bà bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán.
Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ. Cũng có lúc cho bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hay dưới bóng cây bến đá nào đó, hòa vài khúc nhạc”.
Qua đoạn trên thấy rằng, Phạm Đình Hổ miêu tả chúa là người có uy quyền, có thói chơi đèn đuốc, thường ngự ở các ly cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thuý. Thời chúa, việc xây đình đài liên miên. Khi chúa ra cung Thuỵ Liên trên bờ Tây Hồ, lính hầu đông, còn các nội thần bịt khăn, mặc áo đàn bà bày hàng bán.
Phạm Đình Hổ cũng cho biết, bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về.
Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ cũng ca thán rằng: “Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” vào.
Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập núi non bộ hoặc phá cây cảnh để tránh khỏi tai vạ”.
Mặc dù viết không dài về lối sống của chúa Trịnh Sâm cũng như thời cuộc khi ấy, nhưng qua những điểm lược trên, ta thấy được đời sống người dân vào thời chúa cũng lắm buồn lo.