Kỳ 18
Đạo quân Thanh ở Hải Dương cũng bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Đạo quân của Ô Đại Kinh hoảng loạn tháo chạy. Trong 5 ngày chiến đấu, Quang Trung đã tiêu diệt gần như toàn bộ 20 vạn quân và hàng loạt các tướng lĩnh cao cấp dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu của nhà Thanh. Đề đốc kiêm phó tướng Hứa Thế Hanh, Phó tướng Hình Đôn Hạnh, các Tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hoá Long, tri phủ Sầm Nghi Đống, các tham tướng Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm và hàng chục viên quan cao cấp khác tử trận. Chiến thắng oanh liệt này của quân Tây Sơn đã đập tan mộng cướp nước, đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long và miền Bắc, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Chiến thắng Ngọc Hồi –Thăng Long đó kết thúc vĩnh viễn sự xâm lược của phong kiến Phương Bắc đối với nước ta.
Như vậy sau 18 năm bùng nổ và phát triển, từ cuộc khởi nghĩa ở địa phương Bình Định, phong trào nông dân Tây Sơn lan rộng thành cuộc chiến tranh cách mạng nông dân có qui mô toàn quốc , lập nên những chiến công hiển hách, những sự nghiệp vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Nguyễn Hụê, quân Tây Sơn đã lật đổ các tập đoàn phong kiến Trịnh- Nguyễn, khôi phục lại nền thống nhất đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt, đập tan các cuộc xâm lược có qui mô lớn của quân Xiêm ở phía Nam, của quân Thanh ở Phía Bắc, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, nâng địa vị Đại Việt lên hàng uy tín ở Đông Nam Á, buộc nước phong kiến lớn nhất châu Á là Trung Hoa dưới vương triều Càn Long phải khâm phục, nể trọng. Phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn nổi dậy làm nhiệm vụ giai cấp đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc (thống nhất đất nước, đánh bại các thế lực ngoại xâm). Phong trào nông dân Tây Sơn là một trong những phong trào hi hữu của phong trào nông dân thế giới giải quyết trọn vẹn cả hai nhiệm vụ trên.
THÀNH CÔNG TRONG CÔNG CUỘC BANG GIAO (1789-1792)
Trước chiến dịch Ngọc Hồi –Thăng Long, vua Quang Trung đã trù liệu sau khi chiến thắng phải tìm cách chấm dứt chiến tranh với nhà Thanh để xây dựng đất nước, củng cố lực lượng để tiêu diệt Nguyễn Ánh ở Gia Định. Quang Trung nói ở Tam Điệp: “Chỉ trong 10 ngày nữa thế nào cũng quét sạch quân Thanh nhưng nước Thanh lớn hơn nước ta đến 10 lần, bị thua tất nhiên người Thanh lấy làm nhục, chắc phải tìm cách rửa hận. Nếu cứ để binh lửa liên miên thật không phải phúc của dân. Lòng ta sao nỡ. Vì vậy sau khi thắng trận phải dùng ngọn bút thay giáp binh. Việc đó ta phải giao cho Ngô Thời Nhậm”.
Sau khi đại phá xong quân Thanh, Quang Trung lại rút về Phú Xuân chuẩn bị phương lược tiêu diệt Nguyễn Ánh. Công việc chính trị, quân sự, ngoại giao ở Bắc Hà giao cho Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm, Phan Văn Lân , Phan Huy Ich và Vũ Huy Tấn. Theo phương lược của Vua Quang Trung, tài ngoại giao của Ngô Thời Nhậm trên cơ sở cứng rắn về nguyên tắc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ nhưng hết sức mềm dẻo về sách lược, công cuộc bang giao giữa Đại Việt và Trung Hoa đạt được những kết quả tốt đẹp. Vua Càn Long nhà Thanh đã bãi bỏ Nam chinh, chấm dứt chiến tranh, khôi phục lại quan hệ hoà bình giữa hai nước. Do quan hệ bang giao với nhà Thanh có kết quả, nguy cơ chiến tranh không còn nên tháng 2 năm 1789 (âm lịch) Quang Trung rút đại quân về Phú Xuân. Từ đó công việc ngoại giao nặng nề đặt trên vai Ngô Thời Nhậm và Phan huy Ích. . . Kết quả, vua Càn Long không công nhận Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) là Quốc vương Đại Việt, cho Lê Duy Kỳ và thuộc hạ đi an trí ở Quế Lâm . Sứ bộ nhà Thanh phải vào kinh đô Phú Xuân phong Vương cho Nguyễn Huệ. Nhà Thanh còn mong muốn Hoàng đế Quang Trung sang Yên Kinh (Bắc Kinh) dự lễ “Bát tuần thượng thọ” của vua Càn Long tháng 8 năm Canh Tuất (1790). Ngô Thì Nhậm đã bố trí một người cháu của vua Quang Trung là Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung sang Yên Kinh. Phái đoàn vua Quang Trung giả tổng cộng 159 người trong đó ngoài “vua Quang Trung” còn có Nguyễn Quang Thuỳ, con thứ Nguyễn Huệ, Ngô Văn sở, Đặng Văn Chấn, Phan Huy Ích , Vũ Huy Tấn. . . Ngày 15 tháng 4 năm 1790 phái đoàn từ Nam Quan đi Yên Kinh, dọc đường đi được quan lại nhà Thanh ở các tỉnh đón tiếp trọng thị. Tháng 7 năm 1790, phái đoàn đến Yên Kinh và đến Nhiệt Hà bệ kiến vua Càn Long, được vua Càn Long tiếp đón cực kỳ trọng hậu. Ngày 29 tháng 11 năm 1790, phái đoàn vua Quang Trung giả mới về đến nước. Theo “Đại Thanh thực lục” việc đón tiếp phái đoàn “Quang Trung” làm cho triều đình nhà Thanh tốn 800.000 lạng bạc, trung bình mỗi ngày chi hết 4000 lạng. Triều đình Tây Sơn còn đấu tranh bằng lý lẽ buộc nhà Thanh phải huỷ bỏ lệ cống người vàng mỗi khi đến ngày giỗ của Liễu Thăng. Chính vua Càn Long cũng thừa nhận lệ buộc Đại Việt cống người vàng là đáng khinh bỉ.
Năm 1792, vua Quang Trung sai một đoàn sứ bộ do Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cầm đầu sang sứ nhà Thanh, trình thư của Vua Quang Trung lên vua Càn Long đặt vấn đề xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm đất đóng đô, xin một công chúa nhà Thanh về làm cung phi cho vua Quang Trung. Trong một cuộc tiếp kiến phái bộ sứ giả Đại Việt ở cung Ỉ Lương Các , vua Càn Long đồng ý cho vua Quang Trung tỉnh Quảng Tây và thuận gã cho Quang Trung một nàng công chúa. Sau đó vua Càn Long ra lệnh cho Bộ lễ chuẩn bị nghi lễ định ngày đưa công chúa Đại Thanh sang Đại Việt sánh duyên với hoàng đế Quang Trung. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì ngày 29 thỏng 7 Năm 1792 (âm lịch), phái bộ Đại Việt nhận được tin vua Quang Trung đã đột ngột từ trần. Phái bộ Vũ Văn Dũng về nước. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi hiệu là Cảnh Thịnh Hoàng đế, sai một đoàn sứ thần khác do Ngô Thời Nhậm cầm đầu sang Yên Kinh báo tang. Vua Càn Long hết sức sửng sốt và thương xót vua Quang Trung. Nhà vua phê vào tờ biểu báo tang hai chữ: “Đáng tiếc”. Vua Càn Long làm một bài thơ viếng Quang Trung, sai Án sát Quảng Tây là Thành Lâm đến mộ giả Quang Trung ở Linh Đường (thanh Trì, Hà Nội) đọc và đốt bài thơ trước mộ. Nhà vua còn tặng Sứ bộ Tây Sơn hai tấm lụa quí, 3000 lạng bạc dùng cho việc tang lễ vua Quang Trung. Không chờ triều Tây Sơn dâng biểu, vua Càn Long phong ngay cho Quang Toản làm “Quốc Vương An Nam”. Càn Long còn ra lệnh cho các quan chức nhà Thanh làm lễ truy điệu vua Quang Trung. Nhiều quan lại nhà Thanh cũng thương xót vua Quang Trung. Phúc An Khang khi đó đang đi công cán ở miền Trung Tây Tạng cũng gửi thư chia buồn đến vua Tây Sơn Cảnh Thịnh. Tất cả những hành động tốt đẹp của vua quan nhà Thanh đối với triều Tây Sơn không phải vì Càn Long khiếp sợ Đại Việt mà xuất phát từ lòng yêu mến, kính trọng, khâm phục của Càn Long đối với tài năng, đức độ của Vua Quang Trung, cũng là sự hoạt động bang giao có kết quả của các nhà ngoại giao xuất sắc khi đó như Ngô thời Nhậm, Vũ văn Dũng. . .
NỘI CHIẾN GIỮA TÂY SƠN VÀ NGUYỄN ÁNH, CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN SỤP ĐỔ (1792-1802)
Sau khi giành thắng lợi trên toàn quốc, do hoạt động trên những địa bàn khác nhau mà ba anh em Tây Sơn cuối cùng đã cai quản ba vùng khác nhau. Từ Bình Thuận đến phía bắc Quãng Ngãi thuộc phạm vi thế lực Nguyễn Nhạc, thủ phủ là thành Qui Nhơn, phía nam Bình Thuận trở vào là toàn bộ vùng đồng bằng Nam Bộ gọi chung là Gia Định do Nguyễn Lữ cai quản, thủ phủ là thành Gia Định (Sài Gòn). Từ Quảng Nam trở ra đến hết miền Băc thuộc chính quyền của vua Quang Trung với kinh đô Phú Xuân. Do sự bất tài của Nguyễn Lữ nên miền đất chiến lược Gia Định không được Tây Sơn tổ chức cai trị và bảo vệ chặt chẽ nên đã lọt vào tay Nguyễn Ánh tháng 8 năm 1788. Trên mảnh đất chiến lược này, Nguyễn Ánh ra sức phát triển kinh tế và xây dựng lực lượng, đặt quan hệ tốt với các thế lực thực dân bên ngoài, đặc biệt với thực dân Pháp.
Sau khi đứng chân vững chắc ở Gia Định, trước năm 1792, Nguyễn Ánh bắt đầu mở cuộc tấn công ra Qui Nhơn và các vùng khác của chính quyền Tây Sơn theo chiến thuật “tằm ăn lá dâu” và theo “mùa gió nồm”. Gặp gió nồm thì tiến, hết gió nồm thì về, khi tiến thì quân lính đủ mặt, khi về thì tản ra đồng ruộng”.
Sự lớn mạnh và những cuộc tấn công của lực lượng Nguyễn Ánh trực tiếp đe doạ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn. Chính Vua Quang Trung đã nhận thấy hiểm hoạ đó. Ông coi lực lượng phản động của Nguyễn Ánh là “Quốc thù”. Sau khi chiến thắng quân Thanh ở Bắc Hà, khi về Phú Xuân, Nguyễn Huệ ra sức chuẩn bị lực lượng và vạch kế hoạch tấn công tiêu diệt Nguyễn Ánh. Theo kế hoạch, cuộc tấn công lần này của quân đội Tây Sơn phối hợp bộ binh với thuỷ binh. Thuỷ binh có nhiệm vụ khép chặt các cửa sông không cho Nguyễn Ánh chạy thoát ra các đảo như những lần trước. Kế hoạch đó thể hiện quyết tâm của Quang Trung kiên quyết tiêu diệt, không để Nguyễn Ánh chạy thoát trong chiến dịch Gia Định sắp tới. Nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì Quang Trung đã đột ngột từ trần năm 1792. Cái chết của Vua Quang Trung đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ phong trào Tây Sơn và cuộc đối đầu giữa Tây Sơn theo chiều hướng có lợi cho Nguyễn Ánh. Nguyễn Quang Toản lên ngôi khi mới 15 tuổi. Toàn bộ quyền hành lọt vào tay cậu nhà vua là Thái sư giám quốc Bùi Đắc Tuyên. Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, sát hại, giáng chức những đại thần không ăn cánh. Tuyên bắt đi đày Trần văn Kỷ, giết hại Đại đô đốc Ngô Văn Sở, làm cho triều đình Tây Sơn nghiêng ngửa lục đục. Trước tình hình đó, năm 1795, Vũ Văn Dũng phải giết Bùi Đắc Tuyên và phe cánh, chính quyền Tây Sơn mới tạm thời được củng cố.
Sau khi đánh chiếm Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, năm 1793, quân Nguyễn Ánh bao vây thành Qui Nhơn. Nguyễn Nhạc nguy cấp phải viết thư cầu cứu Nguyễn Quang Toản. Toản sai các tướng Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn. . . đem 17.000 bộ binh, 80 thớt voi, 30 thuyền chiến cứu viện Qui Nhơn. Nhưng sau khi cứu được Qui Nhơn, các tướng Tây Sơn của Cảnh Thịnh lại chiếm toàn bộ đất đai của Nhạc. Nhạc uất hận mà chết. Con Nhạc là Bảo chỉ còn được một huyện Phù Ly. Bảo muốn hàng Nguyễn Ánh, bị Quang Toản phát hiện bắt uống thuốc độc chết.
(Còn nữa)
CVL