Kỳ 13.
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỒNG NGUYÊN-MÔNG THẾ KỶ XIII.
Đế quốc Nguyên-Mông: Vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, công xã nguyên thuỷ của các bộ lạc du mục Mông Cổ phía bắc Trung Quốc đang tan rã, bước sang gowin99 có giai cấp và nhà nước. Sự thống nhất các bộ lạc, ra đời nhà nước được thực hiện bằng những cuộc chiến tranh tàn khốc giữa các thủ lĩnh bộ lạc. Cuối cùng, năm 1206 Tê Mu Zin chiến thắng và lên ngôi Hãn (Vua), xưng là Thành Cát Tư Hãn (Trin Gít Khan).
Nhà nước phong kiến quân sự Mông cổ ra đời. Nhưng Thành cát Tư Hãn đã lợi dụng tài bắn cung cưỡi ngựa của người Mông Cổ, đưa đất nước vào những cuộc xâm lược tàn khốc các quốc gia châu Á, châu Âu lập nên một đế quốc rộng lớn, hung bạo bậc nhất thời kỳ trung đại. Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, quân Mông Cổ tiêu diệt Tây Hạ, vương quốc Kim, đánh chiếm vùng Trung Á, đánh chiếm nước Nga, chiếm Xi bê ri, Crưm. Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn chết, con là Oa Khát Đài lên nối ngôi Hãn mở rộng xâm chiếm tới Bắc Nga, vùng Ban Tích, đánh chiếm Hung ga ri, Ba Lan, Đức làm rung động châu Âu và toà thánh Vaticăng. Dưới thời Oa Khát Đài, vó ngựa quân Mông Cổ tiến tới I ran, I rắc. Năm 1236 Oa Khát Đài chết, Man Gu lên thay tiến hành chiến tranh khốc liệt chiếm Trung Đông, Bắc Phi, vó ngựa quân Mông cổ khua cát bụi, máu, lửa đến tận Đa Mát, thủ đô vương quốc Xi Ri. Em Man Gu là Hốt Tất Liệt (Khu Bi Lai) tiến hành xâm lược Việt Nam lần thứ nhất năm 1258, tiêu diệt nước Liêu, chiếm bắc Trung Quốc. Năm 1259 Man Gu chết, Hốt Tất Liệt lên thay ngôi Hãn hoàn thành xâm lược Trung Quốc. Năm 1279 Hốt Tất Liệt tiêu diệt nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên. Hốt Tất Liệt là vua Trung Quốc, đồng thời cũng là vua của toàn đế quốc Mông Cổ. Đại Đô (Bắc Kinh) trở thành trung tâm của toàn đế quốc Nguyên-Mông. Sau khi xâm lược toàn Trung Quốc, Hốt Tất Liệt tiến hành xâm lược Đông Nam Á. Nhưng thất bại ở Đại Việt năm 1285, năm 1287-1288 đã phá vỡ giấc mộng điên cuồng này của Hốt Tất Liệt. Hơn nửa thế kỷ xâm lược, Mông cổ đã thành một đế quốc rộng lớn vắt ngang từ Thái Bình Dương đến bờ Hắc Hải. Cả châu Âu, châu Á chấn động bởi họa xâm lăng và sự tàn bạo của quân Mông Cổ.
Thế kỷ XIV, đế quốc Mông Cổ suy vong. Năm 1368, Hãn Mông Cổ là Temur bị Chu Nguyên Chương lật đổ ở Trung Quốc, mở ra thời kỳ sụp đổ của đế quốc Mông Cổ và sau đó nó chấm dứt tồn tại trên bản đồ thế giới với tư cách là một đế quốc.
Cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258: Trên con đường xâm lược làm bá chủ thế giới, đế quốc Mông Cổ xâm lược Đại Việt để sáp nhập vào bản đồ rộng lớn của chúng, làm bàn đạp tiến xuống xâm lược Đông Nam châu Á. Riêng cuộc xâm lược lần thứ nhất còn nhằm mở gọng kìm tấn công phía Nam, phối hợp với mũi tấn công phía bắc tiêu diệt nhà Nam Tống.
Đầu năm 1258, 3 vạn quân Mông cổ tinh nhụê do tướng Ngột Lương Hợp Thai (U ri ang khai đai) chỉ huy từ Vân Nam Trung Quốc theo đường sông Hồng tiến vào Đại Việt. Ngày 17 tháng 1 năm 1258 quân địch tiến tới Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc). Quân thuỷ, bộ của ta do vua Trần Thái Tông chỉ huy nhằm mở cuộc huyết chiến với giặc tại đây. Thế giặc rất mạnh. Nghe theo lời khuyên của Lê Tần, quân ta rút về Phù Lỗ, Cà Lồ rồi rút khỏi kinh thànhThăng Long, theo đường sông Hồng về Thiên Mạc (Khoái Châu-Hưng Yên). Như vậy ta đã rút lui chiến lược . Quân Mông Cổ buộc phải đánh lâu dài nên lâm vào tình trạng thiếu lương thực, đau ốm, bị chiến tranh du kích của ta tiêu hao. Giặc điên cuồng đốt phá kinh thành Thăng Long nhưng không cứu vãn được tình thế thất bại. Ngày 29 tháng 1 năm 1258 quân ta do vua Trần Thái Tông chỉ huy từ Thiên Mạc theo đường sông Hồng mở cuộc phản công tiêu diệt địch ở Đông Bộ Đầu (Khu vực gần Hồ Gươm ngày nay). Địch thua to theo đường sông Hồng chạy về Vân Nam (Trung Quốc), dọc đường bị quân dân ta phục kích, truy kích tiêu hao thiệt hại nặng nề, 3 vạn quân chỉ còn 5000 tên chạy thoát. Lúc này là năm Nguyên Phong thứ 7 (niên hiệu vua Trần Thái Tông). Thắng lợi của cuộc kháng chiến lần thứ nhất tạo nên niềm tin vững chắc vào sức mạnh của dân tộc, chứng minh ta có thể chiến thắng được quân Mông Cổ, một đế quốc dường như bất khả chiến bại khi đó. Thắng lợi của Đại Việt đã trả lời được câu hỏi lớn của thời đại: quân đội của đế quốc Mông Cổ có thể bị đánh bại hay không? Năm 1258 câu hỏi này đã được trả lời ở Đại Việt. Các dân tộc có thể đánh bại bất cứ một cuộc chiến tranh xâm lược nào nếu như giai cấp cầm quyền còn tiến bộ, biết kết hợp quyền lợi vương triều với quyền lợi dân tộc, từ đó có khả năng đoàn kết dân tộc để thực hiện kháng chiến toàn dân. Phải biết rút lui chiến lược tạo cơ hội khi địch suy yếu thì phản công chiến lựợc tiêu diệt chúng.
Cuộc kháng chiến lần thứ 2 từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1285: Thời gian từ cuộc kháng chiến lần 1 đến cuộc kháng chiến lần 2 kéo dài 30 năm vì Hốt Tất Liệt còn tập trung lực lượng tiêu diệt nhà Nam Tống, chinh phục toàn Trung Quốc. Trong thời gian này Mông cổ liên tiếp cử các sứ thần xuống Đại Việt đe doạ, uy hiếp nhằm buộc nhà Trần khuất phục. Vương triều Trần mềm dẻo về sách lược nhưng kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và danh dự quốc gia. Mặt khác nhà Trần ra sức chuẩn bị kháng chiến vì chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Tháng 12 năm 1282, nhà Trần họp hội nghị quân sự ở Bình Than (Lục Đầu Giang-Hải Dương) bao gồm các tướng lĩnh cao cấp chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Tại hội nghị này Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương) được cử giữ chức Quốc công tiết chế (Tổng tư lệnh quân đội). Trần Quốc Tuấn viết bài “Hịch tướng sĩ” động viên tinh thần yêu nước, quyết tâm tiêu diệt giặc của các tướng sĩ . Ông còn viết “Binh thư yếu lược” đúc kết kinh nghiệm chiến tranh, nguyên nhân thắng lợi và đề ra chiến lược, chiến thuật cho cuộc chiến tranh sắp tới. Tiếp đó, đầu năm 1285, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Diên Hồng, triệu tập tất cả bô lão (người cao tuổi) trong toàn quốc để củng cố tinh thần đoàn kết, quyết tâm tiêu diệt giặc của toàn dân. Nhà Trần đã chuẩn bị tinh thần, vật chất, chiến lược, chiến thuật cho toàn dân tộc bước vào cuộc chiến tranh sinh tử với quân thù.
Năm 1260 Hốt Tất Liệt lên ngôi Hãn của toàn đế quốc Mông Cổ, đổi quốc hiệu là Nguyên. Năm 1279 nhà Nam Tống bị quân Mông Cổ tiêu diệt. Trung tâm của đế quốc Mông Cổ chuyển về Trung Quốc, biên giới của đế quốc này đã sát liền với biên giới Đại Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc xâm lược.
Tháng 1 năm 1285, Hốt Tất Liệt huy động 50 vạn quân tinh nhuệ, 3 vạn thạch lương do Thái tử Thoát Hoan (Tô Gan) chia làm 3 đạo tiến vào nước ta. Đạo chủ lực gồm 30 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy tiến vào Lạng Sơn, đạo thứ 2 theo đường Lào Cai-sông Hồng do Na xi rút đin chỉ huy, đạo thứ 3 do Toa Đô (Xô ghê tu) từ năm 1282 đã vượt biển đánh Chiêm Thành, bây giờ được lệnh quay ra đánh vào Đại Việt, tạo nên gọng kìm phía nam. Ngoài quân đội tinh nhuệ và kế hoạch “Hai gọng kìm” Nam-Bắc, nhà Nguyên còn huy động nhiều tướng soái tài giỏi, quen chiến trận như Lý Hằng, công thần của nhà Nguyên, A rích kha y a kẻ đã cầm quân trong chiến dịch tiêu diệt nhà Nam Tống, Toa Đô và nhiều tướng lĩnh khét tiếng hung bạo của đế quốc Nguyên- Mông.
(Còn nữa)
CVL