link tải gowin99 mới nhất

Mấy mùa gió bấc

Bấc về, hình như lòng ai cũng nôn nao tết đến, dù tết năm nào cũng…tết nhưng cảm giác nôn nao sao vẫn y nguyên. Nhất là với trẻ em, tết là mùa quần áo mới, ăn nhiều bánh kẹo, được lì xì, và quan trọng nhất là có làm đổ bể thứ gì trong mấy ngày này cũng không bị ông bà cha mẹ rầy la.

 

khi-1673762684.jpg
 

Nhưng không hiểu sao trong tôi cứ ám ảnh những mùa bấc của tuổi thiếu thời. Với tôi, bấc về, ngóng tết thì ít nhưng mong bà chủ đồ trả góp đừng tới thì nhiều. Hồi đó…khoảng năm 1985-1990 phong trào bán đồ trả góp rất nhiều. Không phải là kim khí điện máy góp, xe góp, điện thoại góp…như bây giờ. Mà là vật dụng gia đình. Nồi ơ, xoong chảo, chén bát, vải, dép giày…Những chiếc xe Honda cub chở phía sau là một thùng gỗ to sầm sẽ được bà chủ nó chạy vòng vòng rao khắp xóm. “Ai.. góp đây… góp chén bát nồi niêu, đổi nồi cũ lấy nồi mới… hôn…ôn…”. “Góp…đi chị Ba, góp đi chị Năm…góp để tết có bộ quần áo mới cho chồng con….Tuần góp lần đê…ê…”.

Mẹ tôi là “tín đồ” của mấy bà chủ hàng trả góp ấy. Thật ra, ở lứa tuổi 12-14 tôi tự nghĩ, chắc mẹ cũng không ưa góp đâu, vì đã biết ‘lãi mười phân” là rất cao. Nhưng vì nhà nghèo, làm sao có tiền mua một lúc để mua cho năm đứa con năm bộ quần áo, cho gia đình chục chén chục tô mà không mua góp?

Ba tôi làm thợ hồ. Dạo đó, thợ hồ không có nhiều việc làm như bây giờ. Tiền công cũng thấp, có khi phải đổi gạo, nếu nhà đó là vựa gạo; phải đổi giường nếu nhà đó đóng giường tre; và đổi cả lá lợp nhà (dù có thể năm sau mình mới lợp) khi nhà đó làm vựa lá.

Mẹ tôi bán bánh canh ở chợ xã. Mỗi ngày chưa biết lời lóm bao nhiêu, nhưng phải cọt kẹt trên vai những ba cây số đường đất đỏ cho hai lượt đi về. Và sáng sáng đã phải ‘đóng hụi chết” năm tô cho các con.

Mẹ mua đồ trả góp bằng những đồng tiền mặn mồ hôi của gánh bán canh ấy. Nhưng cũng có không ít ngày bánh canh ế, nhất là ngày mưa, là chị em tôi phải ăn bánh canh trừ cơm đến ngán tận cổ. Mà không ăn thì đói. Vậy là cứ “bánh canh vạn tuế” trong tuổi thơ của chúng tôi. Tuy cơ cực và nghèo khó nhưng có thể nói tuổi thơ chị em tôi thật vui vì có đủ cha đủ mẹ. Những vạt đất đồng đầy gió bấc mỗi mùa tết đến quanh các trò thả diều, tạt lon, u mọi, trốn tìm, tát cá ruộng mùa khô cũng là trò vui của tuổi thơ chị em tôi. Hai thằng em trai tuổi lên 6, lên 8 của tôi đều ít khi mặc quần trong mùa cá cuối năm. Bởi cá nhiều vô kể. Ruộng khô rồi, còn vài lỗ chân trâu to to thì rô, trê, sặc, chạc, lóc…cứ tranh nhau sống. Một chiếc gàu xách nước mang đi, một buổi sẽ không đựng hết cá. Vậy là cởi quần ra, túm ống lại làm “giỏ” đựng. Con nít thời đó hồn nhiên lắm, không biết mắc cỡ như trẻ con bây giờ. Bởi quanh đi ngoảnh lại trên đường quê, không phải chỉ có mình anh em mình uổng trờ. Mà lác đác vẫn có nhiều cu cậu khác. Vai đeo túi cá, tay ôm bó kèo nèo, chị em đi sau thì khiêng thùng cá và nón lá hất ngược sau lưng. Nắng chiều chếch bóng vàng ươm màu hoàng hôn khiến bức tranh quê êm đềm đầy sinh động.

Thế rồi sự êm đềm ấy không tồn tại được bao lâu vào một ngày cuối tháng mười hai năm ấy. Chị em tôi đi tát cá về đến cổng nhà – là nói cổng cho oai vậy thôi chứ chỉ là một hàng rào dâm bụt cao tới vai người lớn. Một cảnh tượng đáng sợ đã xãy ra.

Hai bà hàng trả góp đang nổ máy xe, ba tôi thì chỉ trỏ theo gì đó, mẹ thì vừa gom đống miểng chén vừa khóc như mưa bấc.

Mấy chị em tôi không dám vô nhà. Bởi ba tôi vốn hiền lành nhưng cộc tính. Ông ít đánh con, nhưng hễ đánh là “đánh ngây”, đánh lây từ đứa này sang đứa khác, tội lỗi từ đời tám hoánh, xử tám tòa áo đỏ rồi cũng mang ra “tái thẩm”. Và mấy cái mông bé xíu, không có cách nào hơn là gồng lên chịu đòn cho tới khi ông mệt và…bảo “tùy nghi di tản”.

Tôi dắt các em qua nhà bác Tư đối diện nhà mình. Bác Tư hàng xóm thôi, không bà con gì, nhưng bác thương chị em tôi lắm. Vì bác chỉ có một người con, mà anh ấy đi làm xa. Hàng ngày bác ở nhà một mình, chẻ nan đan mê bồ. Bổi dư của nan bác hay cho tôi mang về nhóm lửa. Bù lại, mấy khi không đi học, tôi hay qua nhà bác học đan, phụ chẻ nan, phụ nhặt rau. Mấy khi mẹ tôi bán ế về trễ, mấy chị em tôi còn ăn cơm luôn bên nhà bác Tư.

- Nhà con có chuyện gì vậy bác Tư?

- Ôi…ta nói ba mẹ tụi bây tầm xàm lắm!

- ???

- Người ta vô đòi nợ, có tiền thì trả, không thì hẹn. Vậy mà cũng cãi nhau rồi đập đổ tùm lum!

- Con mẹ Ba Xuân vô đòi tiền vải góp. Cả tuần nay mẹ mày bệnh đâu có đi bán mà trả góp. Mà ta nói con mẻ chửi ve kêu nát sóc luôn. Mẹ mày năn nĩ mới êm êm thì con mẹ Sáu Đèo vô đòi tiền chén góp.

- Dà…tại hồi tuần trước mẹ con mới mua hai chục chén, một chục tô.

- Ừ. Tại mẹ của mày hết đó. Nghèo thì chịu nghèo đi, bày đặt chảnh, nói tết nhứt nhà cửa phải coi được được. Mua chén mua bát, góp vải góp để không tiền trả, người ta chửi, chồng chửi...

- Ủa mà ba con đâu có biết…

- Thì tại ba mày không biết nên mới ra cớ sự. Xui cho mấy bả là bữa nay ba mày đi về sớm. Mấy bả bu lại đòi tiền. Ổng tức quá hỏi “Vậy chứ hồi mấy chị bán góp cho vợ tui, có hỏi ý tui không? Nhà tui nghèo, từ từ giải quyết”. Mấy bả ức quá, chửi “vợ chồng ăn giựt”. Ba mày tức điên, vô bưng hết xống chén quăng ra sân, nói góp cái gì, trả lại cái nấy hết! Còn vải thì ông xé tét mấy bộ đồ mới của tụi bây hết trọi! Rồi chửi mẹ bây quá trời luôn!

- Hu…hu…

- Hic..hic…

- Khóc cái gì mà khóc? Không có đồ mới thì bận đồ cũ, ở truồng hay sao mà lo?

Bác Tư nói tỉnh khô.

Bên nhà, ba tôi đã lên chiếc xe Honda “đam” nổ máy đi. Xe này của ông chủ nhà vừa cho ba mượn mấy ngày này, để rút ngắn quảng đường tới công trình. Xe vút qua ngõ hàng xóm, hình như ba không biết rằng cơn gió bấc vô duyên nào đó đã quất vào tâm hồn non trẻ của chị em tôi một làn gió tủi hờn.

Nghiệp ‘mua góp/ mượn góp” vẫn vận vào mẹ tôi chưa dứt, cho đến mùa bấc năm sau nữa, khi tôi vào lớp 10, các em đều đến tuổi đi học hết. Mẹ loanh hoanh với gánh bánh canh và mớ tiền nhàu nát mồ hôi của ba mà vẫn chưa thanh toán xong năm phần học phí của các con. Dịp cuối năm cũng là kết thúc học kỳ Một, nghĩa là các khoản phải nộp vào trường đã hết hạn. Mẹ phải mượn tiền góp của bà Sáu Dao Lam để thanh toán cho xong kẻo mỗi sáng con của mẹ được “chào cờ” bất đắc dĩ dưới chân cột cờ thì buồn lắm. Mượn không khó, nhưng trả là một vấn đề, huống chi lời lãi đến “mười hai phần trăm”.

Bà Dao Lam lại đến đòi tiền. Bà đòi “chuyên nghiệp” lắm, tầm bảy giờ tối ngày thứ bảy, bảo đảm ba tôi đã đi làm về, và tất nhiên sẽ có tiền. Nhưng “xui” cho bà, mấy thuần nay thầu không trả tiền công, ba tôi cũng ngoắc ngoải. Cả nhà hôm ấy đang ăn tối bằng bữa cháo trắng muối tiêu chứ không cơm ra cá kho khô vụn gì.

Bà Dao Lam bước vô nhà, nhìn mâm cơm liền bảo:

- Chà…vợ thằng Ba khéo tổ chức dữ! Tối ăn cháo ngủ khỏe bụng lắm à nha!

- Dà…

- … thím Sáu tới lấy tiền góp, hơn cữ rồi bây chưa góp đồng nào đó nhớ hông?

- Dạ nhớ…mà thím Sáu thương giùm con với. Chồng con chưa lãnh lương, tụi nhỏ đều đi học, mình con với gánh bánh canh chèo chống…

- Ta nói…- bà dài giọng- thương bây chớ sao không thương. Không thương sao cho mượn tiền à? Mà ai cũng biểu tao thương như bây thì tao lấy cái gì mà sống hả vợ thằng Ba?

- Dạ…tội nghiệp cháu mà thím Sáu, mấy nhỏ đều đi học…

- Học…học…tao hổng ưa cái từ này mà bây cứ nói hoài à! Ai biểu bây cho tụi nó đi học chi rồi kêu nghèo kêu thiếu? Cho đi làm cu li thợ hồ, đi gánh nước chợ, đi phụ rửa chén quán ăn hết coi có nghèo, có thiếu không thì biết!

- …

- Nghèo mà bày đặt làm phách hà! Cho con đi học rồi mai mốt làm ông làm bà gì mà đi! Tao nói rồi à nghen, qua cữ hai mà không góp đủ cho tao cào nhà đốt bỏ đừng nói tao ác à!

Gió bấc nào thông thốc quất ràn rạt vào đôi mắt đã đầy vết chân chim của mẹ tôi cho dòng lệ khô từ đó tuôn như đê vỡ? Bữa cháo chiều ngày hôm ấy, dù cố nuốt nhưng cũng không trôi qua được mấy chiếc miệng háu ăn.

Bây giờ gió bấc vẫn lạnh, vẫn hanh khô da thịt, vẫn bong tróc từng mảng da gót chân, vẫn nứt nẻ bờ môi đã không còn hồng hào của mẹ. Nhưng bấc đã không còn mang những tủi hờn vì bao lời chì chiết của nợ nần chất lên vai mẹ. Chỉ là tuổi già đã chồng chất và mỗi mùa bấc đến mẹ lại bảo “Hình như chiếc áo len mẹ mặc chục năm nay đã mỏng rồi các con ạ”. Thật sự áo không hề mỏng, chỉ vì thân xác mẹ đã hao mòn quá mà thôi. Áo này chị em tôi mới mua tặng mẹ cách đây hơn năm, nhân chuyến công tác ở Đà Lạt ấy mà.

Tự dưng thấy thương mùa gió bấc.