Về dự Lễ khai hội Chùa Hương xuân Giáp Thìn 2024 năm nay gồm có: Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng toạ Thích Minh Hiền, Phó Ban Văn hoá - Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Mỹ Đức, Trụ trì Tùng lâm Hương Tích; ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội; ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Huyện uỷ Mỹ Đức; ông Đỗ Trung Hai, Phó Bí thư Trường trực Huyện uỷ Mỹ Đức; ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức; ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2024.
Phát biểu khai mạc Lễ hội Chùa Hương năm 2024, ông Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2024 thông tin: “Lễ hội Chùa Hương của huyện Mỹ Đức được tổ chức hàng năm và kéo dài trong 3 tháng. Là một Lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ hội Chùa Hương còn là nơi hội tụ các nét sinh hoạt văn hoá như: bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, múa rồng, rước kiệu, tế lễ,… cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng của nhà chùa Trụ trì Thượng toạ Thích Minh Hiền dóng lên sẽ đánh thức mọi cỏ cây hoa lá, vạn vật để khai xuân, mở hội, cầu cho năm mới mưa thuận gió hoà, mùa mang bôi thu, mọi người được bình an, ấm no, hạnh phúc”.
Thượng toạ Thích Minh Hiền, Phó Ban Văn hoá - Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Mỹ Đức, Trụ trì Tùng lâm Hương Tích phát biểu và dóng lên hồi trống khai hội: “Hương Sơn nơi có cảnh sắc thiên nhiện hùng vĩ, đâu thó thấp thoáng những mái ngói đỏ, những kiến trúc cổ kính, xen kẽ ẩn hiện trong núi rừng bao la. Không chỉ có cảnh sắc, nơi đây còn nổi tiếng với những hang động cổ xưa được thiên nhiên tạo hoá gắn liền với những huyền tích được lưu truyền trong dân gian từ bao đời như: động Hương Tích, động Ngọc Long; động Người Xưa. Hương Sơn còn là Thánh tích Phật giáo của người con đất Việt, nơi Bồ tát Quán Thế âm trác tích tu hành thành đạo.”
Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) là một đại danh lam thắng cảnh, là địa danh có tiềm năng lớn về môi trường sinh thái, có giá trị lịch sử văn hoá tâm linh và du lịch. Theo đó, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Quốc gia Đặc biệt đối với di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương).
Điểm nổi bật của Lễ hội Chùa Hương năm 2024 là Ban Tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện. Chỉnh trang cảnh quan, không gian lắp đặt panô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 (từ Đốc Tín đi Hương Sơn) và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.
Việc bán vé tiếp tục thực hiện từ mô hình truyền thống chuyển sang mô hình bán vé điện tử. Không bán vé và kiểm soát ở 02 cổng Đục Khê và Tiên Mai để tạo thông thoáng vá an toàn giao thông trong lễ hội. Thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương vận chuyển thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.
Về thời gian vận chuyển xuồng đò khách tham quan lễ phật từ 05h00 đến 20h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Đối với ngày thứ 7 và Chủ nhật thì thời gian vận chuyển từ 04h00 đến 20h00. Tiếp tục vận hành thử nghiệm đưa xe Điện vào vận chuyển trong khu vực Lễ hội từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách; thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực Lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của Thành phố. Đẩy mạnh công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong khu vực lễ hội. Bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương Tích, ga cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn cho du khách.
Niêm yết công khai các giá vé, giá vé dịch vụ thuyền đò vận chuyển khách. Tuyến Hương Tích 85.000 đồng/ người/ 02 lượt (vào, ra); Tuyến Tuyết Sơn và tuyến Long Vân giá vé là 65.000 đồng/ người/ 02 lượt (vào, ra). Giá vé cáp treo khứ hồi đối với người lớn là 220.000 đồng/ người/ lượt vào, ra; đối với trẻ em là 150.000 đồng/ người/ lượt vào, ra. Giá vé cáp treo một lượt đối với người lớn là 150.000 đồng, đối với trẻ em là 100.000 đồng. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện là 20.000 đồng/người/ lượt.
Ban tổ chức Lễ hội cũng khuyến cáo tới du khách về thăm quan thắng cảnh, lễ phật đầy năm cần chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sử, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi,… Tuần tra, kiểm tra và xử lý toàn bộ xuồng máy, xuồng điện, đò chở khách vi phạm các quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình bán hàng rong trên dòng suối Yến.
Một số hình ảnh tại Lễ hội Chùa Hương 2024: