Tôi nhớ vào năm 74, 75 ở thế kỉ trước, xã quê tôi đã có thói quen đi ăn cỗ là lấy phần về cho người ở nhà. Khi bố tôi - chàng rể ở Nam Định, về quê vợ thấy cảnh đó thì ngạc nhiên, cười tủm tỉm. Mẹ tôi rất ngại mà không dám nói câu nào. Quê bố và quê mẹ cách nhau con sông Hồng. Muốn sang thì phải đi qua bến đò Sa Cao. Nét văn hoá, phong tục tập quán bên đôi bờ cũng khác.
Bất cứ đám cưới nào cũng thế, mỗi gia đình ở làng Vân Hưng cũng chuẩn bị đủ các món theo từng thời kì. Xôi, gà, giò, nem, các món xào, canh. Trên phố có món gì thì nhà quê cũng có. Đôi khi còn ngon hơn vì do gia đình tự trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi lần có đám cưới là rộn ràng khắp làng. Vào những năm 80 thì loa đài xập xình các bản nhạc nước ngoài. Vui suốt mấy ngày liền. Thời nay, đám cưới cũng hiện đại hơn. Cô dâu váy áo xúng xính, nhiều cô trang điểm xinh như hoa hậu. Có gia đình khá giả thuê cả ca sĩ về hát trong mấy ngày cưới.
Tuy nhiên, việc đi ăn cỗ lấy phần thì vẫn còn. Mỗi đám cưới chuẩn bị cho khách mỗi người một túi sẵn bằng nilon (ngày xưa thì người đi ăn cỗ tự mang giấy hoặc lá chuối để gói phần mang về). Sau khi xem hết phần ca nhạc, phần ra mắt cô dâu, chú rể là vào chính tiệc. Gần hết bữa tiệc, mọi người tự chia nhau phần. Xôi, giò...tất cả được cho vào cái túi đặt cạnh mâm.. Tan tiệc, mỗi người nhận được miếng trầu cánh phượng, điếu thuốc thơm.
Ai đi đám cưới cũng vui.
Nhưng vui nhất là bọn trẻ hóng mẹ (bố hoặc ông bà) đi đám cưới mang phần về cho. Nụ cười vui ban trưa hay lúc chiều vẫn rạng rỡ trên mặt lũ trẻ. Mặc dù thời nay hầu như nhà nào cũng có của ăn, của để.
Mỗi nơi, mỗi vùng miền có một tập quán. Quê tôi bây giờ vẫn còn vẹn nguyên nét rất riêng đó.
Theo Chuyện làng quê