Cô giáo Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An chia sẻ: Để việc chỉ đạo tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục đạt hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu của mục tiêu giáo dục tiểu học, trường đã tập trung bồi dưỡng đội ngũ nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời trường chỉ đạo đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức dạy học hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục trong trường. Trường cũng tăng cường kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục cho học sinh; kịp thời khen thưởng phát huy các thành tích tốt, hỗ trợ, tư vấn, uốn nắn kịp thời các hạn chế để đảm bảo các hoạt động được thực hiện đúng hướng và có chất lượng. Cùng với đó, chúng tôi luôn sát sao, đảm bảo các hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo dục được thực hiện đúng chương trình giáo dục của cấp học, phù hợp với đối tượng và các yêu cầu khác.
Để đạt được mục tiêu đó, trường đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh được tham gia hoạt động trải nghiệm các làng nghề, giúp học sinh có cơ hội phát triển tối đa năng lực phẩm chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thực hiện “Học đi đôi với hành”, Trường Tiểu học Chu Văn An đã nghiên cứu, xây dựng “Khu trải nghiệm các làng nghề truyền thống” tại trường để học sinh được trải nghiệm những ngành nghề thiết thực, giúp các em có thêm những hiểu biết về giá trị và vai trò của làng nghề truyền thống, được trải nghiệmnhiều ngành nghề, từ đó có ý thức giữ gìnvà bảo tồn các nghề truyền thống vốn đang có nguy cơ mai một của dân tộc.
“Trước khi triển khai, trường khảo sát tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của học sinh, phụ huynh và đội ngũ giáo viên về nội dung hoạt động trải nghiệm; tổ chức cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh tìm hiểu, nghiên cứu các làng nghề và lựa chọn những làng nghề phù hợp với lứa tuổi học sinh, phù hợp với điều kiện nhà trường, có tác dụng định hướng nghề nghiệp cho các em đồng thời bảo tồn và giữ gìn được truyền thống của quê hương, đất nước” - Hiệu trưởng Phạm Thị Hà cho biết.
Nhờ truyền thông tốt, trường nhận được sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh. Các phụ huynh học sinh, giáo viên và học sinh đã cùng nhau tự sơn mới, vẽ, trang trí khu trải nghiệm đẹp, sinh động. Học sinh được hướng dẫn và thực hành in tranh, đúc tượng thạch cao, làm gốm…theo đúng phương pháp truyền thống của làng nghề. Ngoài thời gian trải nghiệm tìm hiểu, thực hành làng nghề ở các buổi ngoại khóa, căn cứ vào mục tiêu của môn học với từng lớp, giáo viên cùng học sinh tiếp tục trải nghiệm các loại hình nghệ thuật khác nhau và vận dụng sáng tạo vào trong các tiết học.
Trường vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực vào tiết học và hoạt động trải nghiệm, phát huy tính tự chủ, sáng tạo ở học sinh trong quá trình trải nghiệm. Qua những buổi trải nghiệm, học sinh xác định được những việc cần làm, biết chủ động chia nhóm, phân công việc phù hợp với năng lực của bản thân. Trường tích cực tuyên truyền để cha mẹ học sinh ủng hộ, tiếp tục mở rộng, đưa thêm nhiều mô hình làng nghề vào trường học cho học sinh trải nghiệm để các em ngày càng sáng tạo, phát triển toàn diện hơn.