Dự hội nghị còn có nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương; đại diện Unilever Việt Nam; lãnh đạo một số Ban thuộc Trung ương Hội; đại biểu Hội LHPN 21 tỉnh, thành thực hiện chương trình. Hội nghị còn có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn về tài chính vi mô, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Chương trình "Nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khoẻ" được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động hợp tác giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Unilever Việt Nam trong năm 2021.
Chương trình bao gồm 03 trụ cột trọng tâm: Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình có sinh kế bền vững; Chương trình “Giáo dục vệ sinh sức khỏe và bảo vệ môi trường”; Chương trình “Tài chính vi mô”: Tổ chức triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ kỹ thuật các tỉnh, thành quản lý chương trình tài chính vi mô thuận lợi, hiệu quả.
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững được triển khai với nhiều hoạt động phong phú hỗ trợ cả về kiến thức lẫn tài chính. Chương trình được kỳ vọng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chị em phụ nữ tự tin bước vào con đường khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc, có sinh kế bền vững.
Theo Ban Tổ chức chương trình, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, với sự nỗ lực của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Unilever Việt Nam, nhiều hoạt động phong phú trong khuôn khổ Chương trình đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chị em phụ nữ, giúp chị em tự tin bước vào con đường khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc, có sinh kế bền vững. Có thể kể đến hơn 100 ý tưởng kinh doanh xuất sắc được Sunlight trao giải, hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn cho hơn 45.600 hội viên phụ nữ. Năm 2021, số lượng chị em phụ nữ tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình đã tăng đáng kể so với năm 2020.
Với các lớp đào tạo những mô hình kinh doanh tại gia phổ biến, Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” đã trang bị kỹ năng, kiến thức kinh doanh cần thiết cho những chị em đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp. Sự xuất hiện của những nhân vật trưởng thành từ Chương trình đã truyền cảm hứng cho các chị em mạnh dạn bước ra vùng an toàn, có thể tự tin đóng góp vào kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn.
Năm 2021 cũng đánh dấu một sự gia tăng đáng kể những dự án tham dự Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh với tổng cộng hơn 780 dự án. Trong đó, 55 dự án xuất sắc nhất đã được vinh danh, trao giải và trao nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, đồng hành cùng các chị em tự tin hiện thực hóa ước mơ mở cửa hàng của riêng mình, tự chủ tài chính, đóng góp kinh tế cho gia đình và gowin99 .
Chương trình “Giáo dục vệ sinh sức khỏe và bảo vệ môi trường” tổ chức xây dựng 03 mô hình, bao gồm: “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường” tại 03 tỉnh Hải Dương, Thanh Hoá, Đồng Tháp. Thông qua mô hình, hơn 150 hộ gia đình hội viên, phụ nữ đã được tập huấn, trang bị kiến thức, hỗ trợ thiết bị, vật dụng và cam kết thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại gia đình, góp phần nâng cao sức khoẻ, hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp.
Đồng thời, Chương trình tiếp tục duy trì, phát triển thực hiện mô hình “Phụ nữ khởi đầu mới” tại các tỉnh Thanh Hoá, Hải Dương, Thái Nguyên, Nghệ An. Qua hoạt động của mô hình đã góp phần hỗ trợ hội viên, phụ nữ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và ngày càng thu hút hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động Hội.
Chương trình “Tài chính vi mô” đã tổ chức triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ kỹ thuật các tỉnh, thành quản lý chương trình tài chính vi mô (TCVM) thuận lợi, hiệu quả, gồm các hoạt động: Xây dựng 01 Báo cáo rà soát, đánh giá hoạt động chương trình TCVM; xây dựng “Cẩm nang chuẩn hoá quy trình hoạt động TCVM làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hoạt động TCVM”; xây dựng 01 phần mềm quản lý hoạt động TCVM;...
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã tổ chức 05 lớp tập huấn thử nghiệm phần mềm tại 05 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Lào Cai, Hà Nam; tổ chức 01 lớp tập huấn TOT hướng dẫn sử dụng, quản lý hoạt động TCVM cho 50 đại biểu Hội LHPN 09 tỉnh, thành thực hiện Chương trình TCVM. Kết quả lớp tập huấn, trên 80% đại biểu đã có ý kiến phần mềm áp dụng phù hợp, thuận lợi tại địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình Xã hội - Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều biến động, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình "Nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khoẻ" đã được triển khai bám sát Nghị quyết và định hướng của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội và theo kế hoạch đã được hai bên phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN Việt Nam và Unilever Việt Nam đã cùng tích cực phối hợp, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh, thu hút và khích lệ hội viên phụ nữ chủ động, tự tin, nâng cao quyền năng trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Trong năm 2022, Unilever Việt Nam, nhãn hàng Sunlight sẽ hợp tác với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình trọng tâm, hướng đến mục tiêu lan tỏa tri thức và kỹ năng phát triển kinh doanh đến 100.000 chị em hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó còn hướng đến mục tiêu hỗ trợ 1 triệu phụ nữ Việt làm kinh tế đến năm 2025, nỗ lực xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt hiện đại, trí tuệ, tự tin và bản lĩnh.