Nằm giữa những ngôi nhà cao tầng kiến trúc hiện đại mới xây, ngôi của ông hoàng Tuy Lý Vương cổ kính, bí ẩn, thơ mộng. Nơi làm nên thương hiệu Huế - miền đất “phủ đệ” mà GS Trần Quốc Vượng sinh thời đặt tên là “thành phố thơ”.
Ông hoàng Tuy Lý Vương (sinh 1820 – mất 1897) tên thật Nguyễn Phúc Miên Trinh, con vua Minh Mạng. Từ bé ông thông minh, hiếu học, lớn lên bộc lộ tài thi phú. Ông nổi tiếng bậc nhất trong Mặc Vân Thi xã - một hội thơ của những danh sĩ tài ba. Nổi bật trong đó là Tùng Thiện Vương, Tương An Quận Vương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát. Vua Tự Đức đã làm hai câu tuyệt bút được ghi vào sử sách để ca ngợi ông chú mình: “văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”.
Vương phủ của ông nổi bật trên đường Nguyễn Sinh Cung, chỉ cách cầu Trường Tiền 2km. Vương tước của ông ghi rõ trên cổng phủ là “Phủ Tuy Lý”, song dân gian vì tôn trọng ông nên gọi là “Phủ ba cửa”. Nên nhớ thời Nguyễn, theo luật “hoàng triều”, chỉ những vị vua phong tước “vương” mới được xây cổng phủ đệ 3 cửa. Cửa lớn chính giữa chỉ mở ngày Tết nguyên đán, cho chủ nhân đi (vương gia) hoặc tiếp đón nhà vua đến thăm.
Tính tình hiền hậu, nghiêm nhưng không dữ, năm 1865, ông được cử nhiệm chức Hữu Tôn Chánh, chức vụ cao nhất trong Tôn Nhơn Phủ - cơ quan quản lý toàn thể hoàng tộc. Năm 1882, ông được cử làm Hữu Tôn chính ở Tôn Nhân phủ quyền hành rất lớn. Năm 1883, vua Tự Đức mất, ông được di chiếu làm Phụ chính, đến thời Thành Thái ông vẫn làm Phụ chính kiêm Tả Tôn chính ở Tôn Nhân phủ. Sử quan triều Nguyễn nhận xét về ông - nghiêm trang nhưng có phần nhu nhược, quá hiền lành nên các vua phân công ông quản lý Tôn Học Đường - trường dạy riêng cho con em trong hoàng tộc.
Tuy xuất thân “con vua cháu chúa”, được giữ các trọng trách trong triều đình, nhưng ngoài đời ông vẫn giao du thân thiết và kết bạn tri âm tri kỷ với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu… Nhà thơ họ Cao vốn tài hoa tột bật, tự xưng “giữ một bồ chữ của thiên hạ” và luôn coi trọng tư cách kẻ sĩ, thế mà giữa hai người, hai giai cấp khác nhau, vẫn có sự tôn trọng, yêu mến và hiểu biết nhau.
Trong vương phủ Tuy Lý Vương hiện còn hai tòa nhà chính. Ngôi nhà trước là nhà thờ mẹ ông, một gian hai chái đã trải qua 156 năm (1866 – 2022). Bên trong nhà hiện còn tấm hoành phi đề dòng chữ “Tiền triều Lê tiệp dư từ”. Giữa đặt một bàn thờ Phật phía trước, kế tiếp là ban thờ bà Tiệp dư. Cách sau đó một cái sân là ngôi nhà mang tên “Tuy Lý Vương Từ”, nơi thờ ông. Ngôi nhà rường ba gian hai chái đơn sơ, được làm theo kiểu nhà kép, gồm hai bộ mái được nối lại với nhau bằng trần thừa lưu. So sánh với các phủ đệ khác ở Huế, vương phủ của ông bình thường, giản dị. Trong nội thất, ngoài các bàn thờ và khám thờ, những đồ tự khí, và các hình ảnh của vương gia. Có lẽ trong số hiện vật quý báu là ba cái tủ kính đựng các tác phẩm chữ Hán Nôm và 150 mộc bản bằng gỗ thị, khắc in thơ văn của ông. Tuy Lý Vương để lại các tác phẩm chính: Vĩ Dạ hợp tập, Vĩ Dạ văn tập, Vĩ Dạ thi tập, Nam Cầm khúc, Nữ phạm diễn nghĩa từ, Trung Quốc công thi tập… chủ yếu đều bằng chữ Hán, một ít bài chữ Nôm.
Sau khi ông mất (năm 1897), triều đình cho tổ chức Quốc táng tại làng Dương Xuân Thượng. Phủ Tuy Lý Vương hiện ở số 140 đường Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ, thành phố Huế. Vào năm 1991, phủ đường và tẩm mộ của ông được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, tước hiệu Tuy Lý Vương đã được đặt cho các đường phố ở Huế, Đà Nẵng, Tp. HCM.