“Thiên đường du lịch”
Sau những ngày làm việc tất bật trong khung cảnh bụi xe đời thường, bạn muốn tìm đến nơi yên tĩnh để tận hưởng những giờ khắc thư giãn, thì Phú Quốc là một trong những điểm hấp dẫn bạn, bởi, người ta ví, Phú Quốc như một cô gái trẻ, căng đầy sức sống, có vẻ đẹp bí ẩn, càng khám phá càng thấy lí thú, hấp dẫn của những vạt rừng nguyên sinh; lại vừa có vẻ đẹp quyến rũ, nồng nàn của đại dương hoang sơ. Cánh rừng nguyên sinh của Phú Quốc nằm ở trung tâm hòn đảo, rộng tới 37.000 ha, là nơi sinh sống của nhiều loài gỗ; chim muông quý.
Rũ bỏ hết những lo toan thường nhật hàng ngày, khoác ba lô trên mình, đến với đảo ngọc Phú Quốc hoà mình với thiên nhiên, hưởng cái tinh khiết của đất trời, cảm nhận hết vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của miền biển, đắm mình trong làn nước xanh trong, hứng ngọn gió mát, thưởng thức đặc sản miền biển hãy còn tươi sống sẽ là một chuyến trải nghiệm thật là kỳ thú khó quên trong đời với bất cứ ai.
Đảo ngọc với diện tích khoảng 567km2, có 7.000 ha rừng, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh, 28 hòn đảo lớn nhỏ, 150 km đường bờ biển, 20 bãi biển tuyệt đẹp với làn nước xanh ngọc lam ấm áp như bãi Sao, bãi Trường, bãi Ông Lang, suối Đá Bàng, suối Tranh.
Đặc biệt Bãi Dài đứng đầu danh sách các bãi biển tiềm ẩn được hãng thông tấn cũng như du khách nước ngoài đánh giá và bình chọn top 5 bãi biển đẹp nhất thế giới. Dưới đáy biển xinh đẹp ấy có 250 loài san hô nhiều màu sắc và hình thù, có rùa xanh, rùa diều hâu và nhiều loài sinh vật quý hiếm sinh sống. Khí hậu Đảo Ngọc ôn hòa, nắng ấm áp quanh năm, mùa mưa không kéo dài, vùng biển lại ít bão,… đã khiến Phú Quốc trở thành “thiên đường du lịch”, là nơi mà du khách “một lần đặt chân đến - thương mến mãi không rời”.
Với tiềm năng du lịch phong phú, Phú Quốc đã phát triển đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển - đảo, gowin99 , lịch sử, du lịch tâm linh tại các địa bàn trọng điểm nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó, loại hình du khách ưa thích nhất khi đến Phú Quốc là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái - một loại hình du lịch thân thiện với môi trường.
Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Đảo Ngọc là từ khoảng tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đây là mùa khô ở phương Nam, trời ít mưa, biển lặng, sóng êm và nắng ấm thích hợp cho các hoạt động du lịch ngoài trời. Mùa này thích hợp cho những tour du lịch nghỉ dưỡng, không thích hợp cho khách đi bụi hoặc đi phượt.
Từ khoảng tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa, đôi khi có bão nhưng Phú Quốc vẫn đông khách do rơi vào khoảng thời gian nghỉ hè. Nếu đi Phú Quốc mùa này, bạn nên đến vào khoảng cuối tháng 4, lúc này khách vẫn chưa đông và thời tiết còn đẹp, giá cả cũng không tăng quá cao như mùa cao điểm. Các điểm du lịch trên Phú Quốc được chia làm 4 khu chính là: Khu trung tâm ở thị trấn Dương Đông, Nam đảo, Bắc đảo và Đông đảo. Tuỳ lịch trình, bạn nên dành ít nhất hai ngày nếu muốn khám phá hết các điểm vui chơi trên đảo.
Đến với Đảo Ngọc, bạn sẽ được khám phá Vườn quốc gia Phú Quốc, làng chài Rạch Vẹm hay "vương quốc sao biển", Vinpearl Safari, Mũi Gành Dầu, Bãi Sao, Bãi Trường, Dinh Bà và Dinh Cậu, Mũi Dinh Cậu, Nhà tù Phú Quốc, Chợ đêm Phú Quốc, tham quan các hòn đảo như Hòn Thơm, Móng Tay, Gầm Ghì, Mây Rút. Câu cá, lặn ngắm san hô, khám phá đảo hoang là sự lựa chọn dành cho những ai muốn trải nghiệm nét đẹp của Đảo Ngọc - Phú Quốc và tận hưởng một ngày rong ruổi trên biển theo cách riêng của mình.
Hành trình đến với Phú Quốc, bạn không thể bỏ qua Dinh Cậu:
“Cửa Dương có bãi cát vàng
Có nơi Dinh Cậu, có nàng bồng con”
Không biết tự bao giờ, Dinh Cậu đã trở thành một trong những biểu tượng của đảo ngọc Phú Quốc. Nơi đó không chỉ biểu trưng cho tín ngưỡng dân gian của cư dân miền biển mà còn thể hiện khát vọng mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng, để vươn khơi bám biển.
Dinh Cậu nằm trong hệ thống tín ngưỡng thờ mẫu và nữ thần của cư dân miền biển Phú Quốc, được những ngư dân miền Trung đưa vào trong quá trình Nam tiến vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Cũng như bao cư dân miền biển khác, người Phú Quốc rất tin tưởng Bà – Cậu, gọi nghề chài lưới là “nghề Bà - Cậu”, mọi việc thuận lợi trên biển khơi đều nhờ Bà – Cậu độ trì. Dinh Cậu ra đời từ niềm tin như thế. Dinh Cậu từ đầu là ngôi miếu nhỏ, xuất hiện vào cuối thế kỷ XVII; đến năm 1937 được xây cất kiên cố và sau nhiều lần trùng tu mới được khang trang như hiện nay.
Về xuất xứ Dinh Cậu, người dân Phú Quốc còn lưu truyền truyền thuyết rằng, khi chưa có tên Phú Quốc, vùng đất này gọi là Xích Thổ, tức vùng đất có màu đỏ, chịu sự cai quản của Thủy Long Thần nữ, thường gọi là Bà Chúa Đảo. Bà có người con mà bà rất mực thương yêu, người hạ bạc quen gọi là Cậu, tánh khí rất thất thường. Vì cãi lời mẹ giải thoát Sấu tinh đang bị giam cầm nên Cậu phải đời đời ngồi trên lưng Sấu tinh để canh giữ, dù nó đã hóa đá. Cám cảnh Cậu phải dầm mưa dãi nắng nên dân làng dựng miếu ngay lưng chừng núi đá. Bà con quen gọi là Dinh Cậu, mỗi chuyến ra khơi đều đến van vái Bà và Cậu phù hộ bình an, thuận buồm xuôi gió.
Lại có một truyền thuyết khác, kể rằng, Dinh Cậu ngày xưa có tên Long Vương Thần Miếu, chánh điện gọi là Thạch Sơn Điện. Mấy trăm năm trước, người dân Phú Quốc sống bằng nghề chài lưới, nhiều ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Thế rồi một ngày nọ bỗng nổi lên một mũi đá ngay cửa biển. Cho là điềm linh ứng, nhân dân đã cất một ngôi miếu để cầu mong được thần linh che chở. Ban đầu làm bằng cây lá, trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay dinh đã khang trang, bề thế hơn. Dinh Cậu được xây cất trên gành đá có hình đầu con rùa, vì vậy mà câu đối trong dinh ghi:
“Tọa tại thạch đầu quy danh hiển
Chấn phong bình lảng bảo lương dân”.
Nghĩa là: Dinh nằm trên tảng đá hình đầu rùa hiển linh, che chắn sóng gió bảo vệ dân lành.
Dinh Cậu cất theo kiến trúc hình chữ Đinh, mặt hướng ra biển, cách thị trấn Dương Đông vài trăm mét, theo hướng Tây. Phía trước Dinh có bình phong và mô hình tàu cá hướng ra khơi. Trong Chánh điện, nơi chánh trực thờ Chúa Ngọc Nương nương, hai bên là Cậu Quý (phải) và Cậu Tài (trái), cùng Tả Ban, Hữu Ban, Sơn thần, Thần Tài và Thổ địa. Theo lời người dân truyền tụng, mỗi khi ngư dân đóng tàu mới, chuẩn bị ra khơi hay thu hoạch cá tôm trúng vụ đều đến để cầu khấn Bà - Cậu. Vật phẩm cúng quan trọng nhất là cặp gà và cặp vịt, theo quan niệm “Ông cúng gà, bà cúng vịt”.
Lễ hội Dinh Cậu diễn ra vào ngày 15-16 tháng 10 âm lịch hằng năm, nghi thức khá giống lễ Kỳ yên, nhưng thực chất là lễ Cầu ngư, trong đó Bà và Cậu là đối tượng cúng tế quan trọng nhất. Đặc biệt, trong lễ hội Dinh Cậu có thêm phần múa - hát Bóng Rỗi rất đặc sắc. Đến Dinh Cậu thắp nén hương gửi lòng đến đấng thần linh, đưa mắt ngắm nhìn hoàng hôn dần buông trên biển thật sự là trải nghiệm lý thú. Cảnh đẹp nơi Dinh Cậu làm say lòng bao tao nhân mặc khách.
Ngày nay, Dinh Cậu là một địa điểm du khách không thể bỏ lỡ khi đến Phú Quốc. Dinh Cậu chính là biểu tượng niềm tin về sự an lành của cư dân miền biển, làm phong phú hơn tín ngưỡng dân gian của đảo ngọc Phú Quốc. Dinh Cậu đã được UBND tỉnh Kiên Giang xếp hạng Di tích cấp tỉnh, loại hình Danh lam thắng cảnh, vào năm 2012.
Trong hành trình du lịch của mình, điểm đến không thể thiếu của mỗi chúng ta đó là địa điểm du lịch nổi tiếng nhà tù Phú Quốc, nơi đã từng giam cầm những chiến sĩ cộng sản trong hành trình khám phá đảo Ngọc. Đây cũng là một điểm du lịch lịch sử đã được phục dựng giống hệt thời chiến – nơi ghi dấu tội ác vô cùng dã man của thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm của các chiến sĩ cộng sản. ở đây đã từng được ví như "địa ngục trần gian”, nơi tra tấn tù đày của bọn đế quốc tay sai. Chúng có những đòn tra tấn khó có thể tưởng tượng được với những "chuồng cọp” ngoài trời, những chiến sĩ cách mạng bị chúng giam cầm, đánh đập tóe máu rồi nhốt hàng chục chiến sĩ vào một cũi sắt nhỏ chật chội phơi dưới cái nắng cháy da và đổ nước muối vào người nhằm mục đích để những chiến sĩ cách mạng phải khai báo, đầu hàng. Ngoài ra, chúng còn vô số hình thức tra tấn dã man, tàn bạo như đóng đinh vào tay, chân, đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi… hòng tiêu diệt khí thế cách mạng của những người con cộng sản.
Đến Đảo Ngọc, bạn không thể bỏ qua Công viên vườn thú Vinpearl Safari. Đây là công viên đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế xây dựng theo quy mô Safari -một mô hình sở thú bán hoang dã nổi tiếng khắp thế giới từ hổ, báo, hươu cao cổ, tê giác, voi cho đến các loài chim, thú như: công, vẹt, khỉ, quạ… Không chỉ là không gian mở ra để làm khu du lịch mà nơi đây còn là nơi để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, dã ngoại, khám phá và thư giãn trong một môi trường rừng núi hoang sơ rất tự nhiên với nhiều chủng loại động vật hoang dã đặc trưng trên thế giới.
Món ngon khó cưỡng
Và, đến với Phú Quốc, bạn không thể bỏ qua ăn đặc sản ở nơi đây, như: Gỏi cá trích, Ghẹ Hàm Ninh, Còi biên mai nướng, Hải sâm, Bún Kèn, Nấm tràm, Nhum biển, Bào ngư, Cua huỳnh đế, Ốc hương nướng muối ớt, Sò quạt nướng mỡ hành, Mực trứng nướng...., những món này đều có thể dễ dàng tìm thấy trong các nhà hàng bình dân đến cao cấp.
Gỏi cá trích là một món ăn rất bình dân và thường được người dân Phú Quốc sử dụng hàng ngày. Nhưng để nâng tầm cho món ăn này và phục vụ du khách đến với Phú Quốc, gỏi cá trích được các nhà hàng, quán ăn chế biến công phu từ khâu chọn cá đến trang trí tạo sự tinh tế, ngon lành hơn cho món ăn. Cá trích làm gỏi sẽ được chọn từ những con tươi sống, đảm bảo quá trình làm món ăn sẽ giữ được độ ngon lành từ các thớ thịt. Sau khi làm sạch sẽ, cá trích sẽ được bóp gỏi cùng hành tây, hành tím,rau húng hoặc rau rừng Phú Quốc đặc biệt tùy vào công thức riêng của mỗi quán ăn.
Tiếp đến là phần pha nước chấm cũng rất quan trọng, tạo nên tinh thần của món gỏi cá trích Phú Quốc. Nước mắm chuẩn Phú Quốc pha cốt chanh, thêm đường, tỏi, ớt… tạo nên đủ các loại hương vị hấp dẫn. Gỏi cá trích Phú Quốc sẽ được cuốn ăn cùng bánh tráng và rau sống các loại. Rải đều một lớp rau nào xà lách, tía tô, húng quế,,.lên mặt bánh tráng, sau đó là một lớp cá tươi mềm mại, cuối cùng chấm với nước chấm đặc biệt rồi cùng thưởng thức vị ngon ngọt đặc trưng của món ăn này nhé. Gỏi cá trích Phú Quốc là phải đi đôi với rượu sim Phú Quốc, hai thứ này là hòa quyện tạo nên điểm đặc trưng của sự dân dã của cuộc sống nơi đây.
Ghẹ Hàm Ninh thường sống ở đáy biển sâu khoảng 10 – 20m. lẩn trốn trong những đám san hô hoặc vùi mình dưới cát. Để được thưởng thức món nghẹ ngon bạn nên đi chợ vào những buổi sáng sớm hoặc “săn” đúng lúc rạng đông khi đoàn thuyền ngư dân trở về lựa được nhiều ghẹ ngon nhất. Không chọn những con ghẹ quá to, tầm 0.2 – 0.3kg khoảng 6 con/kg là ngon nhất, ghẹ cái thịt mềm nhưng nhiều gạch, ghẹ đực thịt chắc thơm.Tuyệt đối không nên tham rẻ mà chọn ghẹ đã chết lâu ướp đá, bởi chất oxy hóa nhanh trong loại hải sản này có thể gây ngộ độc cho người ăn. Ngoài ra khi chế biến cũng phải có kỹ thuật, dùng vật nhọn đâm vào hõm của ghẹ rồi mới tháo dây buộc rửa sạch cát, rửa tay với nước chè xanh để khử mùi tanh bám vào.
Ghẹ Hàm Ninh được chế biến thành nhiều món ngon như: Cơm ghẹ, ghẹ rang me, canh ghẹ chua cay, càng ghẹ muối ớt… nhưng ngon nhất giữ được độ tươi ngon nhất vẫn là ghẹ luộc có thể thêm chút sả đập dập. Cách làm đơn giản không phải gia giảm quá nhiều thứ gia vị, để giữ được độ đạm hương vị của biển một cách hoàn hảo nhất. Thịt ghẹ mà chấm với muối pha chanh thêm chút hồ tiêu Phú Quốc thì ngon không tả nổi. Đây là món ăn không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn nơi đây. Du khách nên chọn những nhà hàng gần biển, để vừa ăn vừa cảm nhận được làn gió tươi mát của biển mang lại, nhâm nhi ly rượu sim say ngây ngất vẻ đẹp lẫn ẩm thực Phú Quốc.
Còi biên mai được người dân Phú Quốc chế biến thành nhiều món ăn độc - lạ, mang hương vị hấp dẫn như: xào, hấp, làm súp, lẩu, nấu cháo... Thế nhưng, nhắc đến món ăn đặc biệt, đậm chất miền biển thì không gì qua nổi còi biên mai nướng muối ớt. Còi biên mai chính là lớp cơ thịt nằm bên trong con sò biên mai - một loài hải sản thân mềm hai mảnh thuộc họ sò. Sò biên mai có hình tam giác, giống như chiếc quạt xếp đang khép hờ. Nó có màu nâu sẫm, to cỡ mu bàn tay người lớn, vỏ phình ra như bắp chuối và trọng lượng nặng gấp nhiều lần sò huyết.
Sò biên mai sống ẩn nấp sâu dưới đáy biển. Tại Phú Quốc, du khách có thể tham gia các tour "săn" biên mai. Du khách sẽ đeo kính lặn, ống hơi và lặn biển, vừa ngắm nhìn hệ sinh thái, sinh vật đa dạng của Phú Quốc vừa tận tay thu hoạch sò biên mai cắm sâu dưới đáy.
Còi biên mai có màu trắng, dày và to cỡ đầu ngón tay cái, vị ngọt và dai, là phần thịt ngon nhất của sò biên mai. Để lấy được phần còi ngon, ta phải đập bể vỏ, tách phần thịt thân nhão, bầy nhầy của con sò đi. Để nướng được một mẻ còi biên mai ngon đòi hỏi người nướng phải thật tinh tế, khéo léo trong từng bước thực hiện.
Còi biên mai đem rửa sạch, cắt thành từng khoanh tròn nhỏ đều nhau, ướp sẵn muối và ớt, sau đó xâu lại đem nướng trên bếp than lửa nhỏ để còi được chín đều. Lúc này, người nướng phải thật chú tâm vì nếu để lửa quá lớn sẽ làm còi bị cháy xém còn bên trong chưa chín hẳn. Còi vừa chuyển vàng là đã có thể gắp ra đĩa, nếu để quá lâu, còi sẽ bị khô, cứng, ăn sẽ không ngon nữa.
Còi biên mai nướng chấm chao, rồi ăn cùng với rau húng, diếp cá, xà lách, chuối chát, dưa leo và khóm,...hương vị càng thêm thơm ngon, hấp dẫn. Từng miếng còi biên mai ngon ngọt, giòn dai lẫn với vị muối ớt cay cay mặn mặn khiến cho du khách cảm tưởng như đang thưởng thức một món mỹ vị nhân gian hiếm có.
Không chỉ vậy, Phú Quốc nổi tiếng với đặc sản nước mắm, có vị ngon thơm đặc biệt, chế biến từ cá cơm, có độ đạm cao, khác hẳn với nước mắm những vùng biển khác. Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc được hình thành hơn 200 năm nay. Hiện Phú Quốc có hơn 7.000 thùng gỗ chượp cá, mỗi thùng có sức chứa từ 12 - 15 tấn cá. Hằng năm, Phú Quốc sản xuất từ 20 - 30 triệu lít nước mắm tính từ 25 độ đạm trở lên. Nghề làm nước mắm Phú Quốc được công nhận Di sản gowin99 phi vật thể quốc gia đã thúc đẩy hoàn thiện yêu cầu quản lý nhà nước đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc trưng của tỉnh Kiên Giang, góp phần đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Cùng với đó, Rượu Sim là một loại rượu đặc sản không thể bỏ qua khi bạn du lịch đến hòn đảo Ngọc xinh đẹp này. Rượu có màu hồng, sóng sánh đẹp mắt như rượu vang, mùi thơm đặc trưng của sim rừng và vị ngọt thanh pha chát nhẹ nhàng luôn đủ sức níu giữ vị giác của cả những du khách sành rượu nhất. Thành phần của rượu sim Phú Quốc bao gồm trái sim rừng, men trái cây, rượu 29o. Những trái sim được người dân mang về rửa sạch rồi chọn những quả chín mọng ngon nhất đem xay nhuyễn và ủ lên men với đường cát theo tỷ lệ nhất định trong khoảng 40- 45 ngày sẽ cho ra thành phẩm với nồng độ cồn khoảng 12%.
Cây sim có 2 loại là hồng sim và tiểu sim, đều có lá mặt dưới màu trắng có lông, trái khi chín có màu tím đen. Song trái sim dùng làm rượu ở Phú Quốc chủ yếu là hồng sim vì nó có mùi thơm hơn, ngọt chát, có sắc tố antoxyanozit, tanin và hàm lượng đường nhiều hơn tiểu sim. Hầu như sim ra hoa và có trái quanh năm, nhưng theo những người chế biến cho biết, thì vụ sim vào tiết xuân khi sim nở rộ vào dịp tháng Giêng âm lịch mới cho ra lứa trái có chất lượng tốt nhất, nhiều mật ngọt và là nguyên liệu tốt nhất để làm ra thứ rượu sim với hương vị thơm ngon và bổ dưỡng.
Điểm qua một vài nét về Đảo Ngọc Phú Quốc để bạn thấy rằng, Đảo Ngọc đẹp hoang sơ và quyến rũ đến nao lòng đang chờ đón bạn đến khám phá, trải nghiệm, chiêm ngưỡng. Đến với Phú Quốc, chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị khó có thể nào quên bởi được hòa mình với nhịp sống bình yên, được thưởng thức vẻ đẹp quyến rũ của con suối, những bãi biển hoang sơ và cả những món ăn đặc sản và quà về cho người thân, gia đình là những sản vật đặc trưng của Đảo Ngọc, như: Hồ tiêu, nước mắm, ngọc trai, rượu sim,...mà chắc chắn mọi người sẽ ưa thích.