Sau giải phóng, tôi mới biết chồng cô từng là Tư lệnh của Mặt trận Sài Gòn. Tên chú là Nguyễn Ngọc Lộc, bí danh Tư Qùy, rất thân với cha tôi. Chú là hình ảnh người lính trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” trong đợt Tổng tiến công năm 1968. Hèn chi nhớ lại đúng là thần giao cách cảm, vì hai người là Chính ủy, một người Tư lệnh mặt trận thân nhau. Nên ở ngoài Bắc, tôi và cô Quảng cũng thân nhau.
Ở khu tập thể Nam Đồng ngày đó, tôi còn có một người bạn gái thân thiết, thường đùm bọc, giúp đỡ tôi rất nhiều trong lúc khó khăn, tên là Minh “mập”, họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ngọc Minh. Theo mọi người nói thì Minh là con gái duy nhất của bác Huỳnh và được bác Ba Duẩn nhận làm con nuôi. Còn trên giấy tờ, thì Minh là con gái của chú Hai Phụng. Minh “mập” rất hay chia sẻ cho tôi từng tí đường, tí thịt, tí sữa, thậm chí cả nước mắm, muối… mỗi khi được người nhà bác Ba Duẩn cho.
Ngược lại với những người tốt, thường hay giúp đỡ tôi, ở Khu tập thể Nam Đồng hồi đó cũng có vài phụ nữ, vợ của một vài vị Tướng cứ thắc mắc: “Con bé” này là con cháu nhà ai mà được ở trong khu này? Hôm chú Tuyến xuống thăm, tôi có nói lại việc có người thắc mắc vậy chú bảo:
- Cháu không việc gì phải lo lắng nếu ai hỏi trực tiếp cháu thì cháu bảo: ai muốn biết cứ lên Ban Tổ chức Trung Ương mà hỏi, hoặc đến Cục Chính sách Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng mà thưa.
Đến hôm nay, tôi cứ ân hận mãi lúc đó sao không hỏi quê quán, nhà cửa chú Tuyến – Người thường xuyên thay mặt các chú ở trong Thành ra chăm sóc tôi. Sau giải phóng, tôi không biết gia đình chú Tuyến ở đâu mà đến thăm và cám ơn sự chăm sóc của chú đối với tôi cả một thời gian dài. Tuy rằng chú là người thay mặt cho tổ chức cơ quan của cha. Tôi cảm ơn chú bởi vì chú rất tình cảm, tôi thấy mình có lỗi là thật vô tâm. Điều này, làm tôi cứ day dứt mãi.
Tôi tiễn em Ngọc đi Liên Xô, hai chị em chỉ có liên lạc với nhau bằng thư gởi qua lại. Đến năm 1973, em Hồng từ trường Học sinh Miền Nam ở Trung Quốc về trường Nguyễn Văn Bé. Em cao lên rất nhiều, tóc dài ra, còn nét mặt thì vẫn như vậy. Hồng về ở nhà má Hai, nhưng lâu lâu cũng xuống ở với chị.
Có một chuyện liên quan đến Hồng mà đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn sợ. Lúc đó, bé Đào chưa đến hai tuổi, dì Hồng ở nhà chơi với mấy đứa con cô Quảng, hai vợ chồng tôi đi làm, Đào được gởi nhà trẻ. Một hôm, đi làm về tôi thấy nhà chỉ còn có một cái nồi nấu đồ ăn còn hai cái nồi khác mất tiêu, tôi hỏi em Hồng:
- Em có biết mấy cái nồi đâu rồi, hoặc có ai mượn không?
Em trả lời:
- Em vứt đi rồi, vì nấu cơm bị cháy nên em ném xuống ao.
Lúc đó, đồ dùng bằng nhôm rất hiếm, mà trong nhà chỉ có ba cái nồi, nên tôi cũng chỉ bảo:
- Nếu lần sau nếu nồi bị cháy, em cứ để chờ chị về đánh sạch chứ không được vứt đi như vậy nhé.
Không có một lời la mắng nào cả. Sau đấy hai vợ chồng xuống ao mò được hai cái nồi về chà cát trắng lại rồi nấu cơm. Lúc nấu mì ăn sáng, tôi gọi Hồng nhờ em chơi với cháu hộ chị, không thấy Hồng nói gì cả. Lúc nấu mì xong tìm em để ăn sáng thì thấy em đã ngồi trên ngọn dừa gần nhà cô Quảng. Tôi ra đứng dưới gốc dừa kêu Hồng tuột xuống ăn sáng, em không trả lời. Đến trưa nấu cơm xong ra kêu em xuống ăn cơm em cũng không trả lời. Sợ em khát vợ chồng tôi cứ thay phiên nhau ra đưa nước để uống, em cũng không uống. Cả ngày Hồng cứ ngồi trên ngọn dừa tóc xõa ra tay, cầm cái cặp ba lá ngậm vào mồm. Tối đến nấu cơm gọi em xuống ăn cũng không xuống.
Cô Quảng sang nhà tôi nhiều lần cứ nói: Tao chưa thấy đứa nào con gái mà lì được như vậy. Tôi thì khóc vì ức, vì tôi có la mắng em câu nào đâu mà cô cứ hỏi hay tại mày la mắng nó? Đến 10 giờ đêm đó bé Đào ngủ xong tôi lại ra năn nỉ em xuống về nhà đi ngủ, cũng không xuống. Cả ngày hơn 10 tiếng không ăn, không uống, không tiểu tiện, không ngủ, không nằm, không đi lại, chỉ ngồi ngọn dừa xõa tóc nhìn mọi người… Khi mệt quá cô Quảng mới qua bảo với tôi “Mày đi ngủ đi đã 11 giờ đêm rồi, cây dừa cạnh nhà tao để tao gọi nó vào ngủ”…
Sau này tôi nghe Hồng nói lại, khi tôi vào nhà, Hồng tụt xuống vào nhà cô Quảng ăn cơm và ngủ với con cô. Còn nghe em Lan con cô Quảng kể, Hồng bảo: “Ngồi trên thấy bà chị sợ quá, tao khoái chí…”.
Từ đó trở đi, đến một tiếng nói lớn với em tôi cũng không dám, vì sợ nó lại lên cơn điên lần nữa. Thậm chí cho đến tận bây giờ, nhiều lúc giận lắm vì cái tính ăn nói bô ba bô bi của Hồng, có thể nói xong là quên luôn và cũng không quan tâm điều mình nói có làm ai buồn giận không, tôi vẫn ráng chịu. Những lúc như thế, tôi phản ứng bằng cách cười hoặc im lặng. Tôi vẫn giải thích cho các con thông cảm: “Tại dì con quen cuộc sống tập thể từ nhỏ đến bé, nên mới như vậy.”
Trong tâm, tôi luôn nghĩ là do Hồng quá thiếu thốn tình cảm từ khi sinh ra. Lại không may mắn có được người mẹ nuôi như me Kíu của tôi, ở tập thể không được ai chỉ bảo, nên mới như vậy. Tôi nhịn Hồng riết thành thói quen, mà hình như em thích chọc giận chị cũng thành thói quen. Tôi không giận mỗi khi em vạ miệng, cũng không có phản hồi, nên chị em chưa sảy ra chuyện gì xích mích. Tôi rút ra kinh nghiệm mình: chịu đựng mãi, nhịn mãi cũng thành thói quen.
*
Vào một sáng chủ nhật, khoảng tháng tám năm 1973, tôi đang ngồi chơi với Đào, thì thấy có một xe com măng ca đến đậu trước cửa nhà. Trong xe có một người trung niên mặc áo cổ vuông quân đội hỏi tôi:
- Em cho qua hỏi: Ở đây có em nào tên là Dân không?
Tôi trả lời:
- Dạ, chỉ có em Vân không có em “Dân”.
Người bộ đội Miền Nam đó lại hỏi:
- Tía bay tên gì?
Tôi không trả lời vì có hiểu tía là gì đâu! Một lúc sau ông hỏi lại:
- Vậy còn ba bay tên gì?
Tôi trả lời:
- Dạ, ba cháu nhiều tên lắm vừa là Lộc, vừa là Thu, vừa là Đạo, rồi là Đời nữa…
Ông đó la lên:
- Đây đúng là bay rồi!
Sau đó ông bảo:
- Bay lên xe đi, theo tao để gặp một ông bự. Ổng mới ở trong ra đó muốn gặp bay.
Không hiểu sao tôi tin ông và đồng ý đi ngay. Tôi gởi Đào ở nhà Minh “mập” bạn tôi cho cháu chơi. Ngồi vào xe tôi mới phát hiện ra cái ông vừa hỏi chuyện mình mặc quần cộc. Tôi cứ bò ra mà cười, thật là vô duyên. Ông quay lại hỏi tôi cười gì? Tôi mới nói: “Trời ơi đi ô tô mà lại mặc quần cộc”. Ông đó bảo “Bay bày đặt, ở trỏng nóng tao mặc quần cụt quen rồi”.
Điểm chúng tôi đến là số 8 đường Chu Văn An, quận Ba Đình. Đó là Nhà khách Trung ương. Qua cổng gác, vào phòng ở tầng một, tôi thấy có một người mặc quần áo quân giải phóng, còn tất cả đều là bộ đội.
Tôi nghe ông bộ đội đón tôi nói với mọi người: “Con gái ông Năm Thu đó”. Ai cũng hỏi “Con chú Năm thứ thiệt hả? Sau đó ông bộ đội thân mật bảo: “Từ nay, bay gọi tao là anh Mười Lù nha”.
Tôi nghe cái tên lạ quá không dám hỏi lại mà cứ nghĩ ông này có cái tên buồn cười. Sau này anh mới kể lại khi đã thân thiết. Quê anh ở Củ Chi, nhà nông dân chính hiệu, tham gia Cách mạng. Một lần bị bắt đang nhốt ở cảnh sát, có một bà má cơ sở đi vào. Bà mẹ hai mắt bị mù, chống gậy vừa đi vừa la: “Các ông tha thằng Mười Lù con tôi ra, bà gọi Mười Lù ơi Mười Lù bay đâu?”
Trong đồn cảnh sát lúc đó cũng có vài ba người nữa bị bắt… Không thấy ai lên tiếng. Anh Mười mới la lên: “Má ơi thằng Mười Lù của má đây!”. Bà má đó chống gậy lọc cọc nói: “Bay đâu làm ơn trả thằng Mười Lù về cho nó nuôi tao chứ đui mù vầy ai nuôi?”. Thế là anh Mười thoát được trở về căn cứ hoạt động lại. Mười Lù tên thật là Hồ Văn Tảng. Hiện nay ở Củ Chi có một con đường mang tên Hồ Văn Tảng vì anh là Anh hùng lực lượng vũ trang của Công an. Anh nói từ đó để tưởng nhớ bà má cơ sở đã cứu anh ra khỏi tù. Anh đã giữ luôn cái tên Mười Lù thành tên đi hoạt động cách mạng.
Hôm đó, anh Mười Lù dặn tôi: “Bây giờ anh đưa em gặp ông bự trên lầu. Nếu ông có nói gì cho bay, có khóc thì khóc tại đó. Nhớ ra tới đường không được khóc nghe chưa?” Tôi vừa sợ vừa hồi hộp không biết chuyện gì sắp xảy ra.
Lên lầu một, tôi được đưa vào một cái phòng rất lớn, thấy có ba người, một ông gày và rất cao, một bà cũng rất cao và gày. Còn một người thì thấp và mặc quân phục bộ đội. Người này thì tôi biết vì có đôi lần tôi thấy bà và má Hai có gặp nhau. Đó là bà Hồ Thị Bi. Người đàn ông cao gầy đó hỏi:
- Cháu tên gì? Cha cháu có những tên gì?
Tôi trả lời xong, ông nhìn tôi một lúc rồi nói:
- Con có cái xương cằm giống bố con quá!
Và quay ra nói với bà cao gầy kia: “Đúng con anh Năm rồi”. Ông dặn tôi “Gọi chú bằng chú vì chú thua bố cháu một tuổi. Chú tên là Năm Xuân, hay còn gọi là chú Tám Cao (Tức Đại tướng Mai Chí Thọ (1922 – 2007), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) ở với cha cháu rất nhiều năm từ đánh Pháp đến đánh Mỹ, đây là dì Bảy Huệ ở Ban Tổ chức Trung ương, dì Năm thì con biết rồi”.
Ba người cùng bảo tôi: “Cháu ăn bánh kẹo đi, kẹo từ Miền Nam ra đấy”. Lần đầu tiên tôi được ăn kẹo chuối, kẹo dừa, mứt mãng cầu cái vị hơi lạ lạ. Một lúc sau ông nói:
- Bố cháu trên đường đi công tác gặp phải bọn thám báo Mỹ bao vây. Anh em đánh trả quyết liệt. Nhưng lực lượng ta yếu, vì chỉ có một tiểu đội bảo vệ. Trong khi đó, tụi nó có cả máy bay trực thăng, tàu thủy, pháo bay ở các căn cứ bắn sang dày đặc…
Kế đến bà gầy và cao mới nói:
- Với tình hình của ba cháu hiện nay đang ở tình trạng mất tích. Tổ chức Đảng và Cơ quan Trung ương Cục đã cho nhiều đơn vị tìm kiếm mà không ra tin tức. Sự tổn thất này rất lớn cho tổ chức Đảng vì ba cháu là một cán bộ cao cấp của Đảng. Còn cháu thì đã mất một người cha hy sinh vì đất nước…
Tôi thực sự toát cả mồ hôi, như vậy là niềm hi vọng cuối cùng của tôi chờ đợi phép màu kỳ diệu bị tắt ngấm. Tôi bật khóc. Lúc ấy ông cao gầy mới bảo:
- Cháu cứ khóc thật nhiều đi, khóc bao nhiêu cũng được. Nhưng khi ra khỏi đấy là không đuợc khóc nữa và tuyệt đối không được nói với ai vụ cha cháu đã mất tích và hy sinh, đề phòng giặc chưa biết được tin này.
Còn bà Hồ Thị Bi thì cứ động viên:
- Cứng rắn lên con. Tội nghiệp con nhỏ này, chưa có biết mặt cha của nó.
Và bà Bi cũng bật khóc…
Trong lòng tôi rất bề bộn và có phần bực mình nữa. Vì trong lúc tôi đau đớn vì mất cha thì họ cứ nói về Tổ chức về đảng. Mãi sau này, khi giải phóng Miền Nam vào Nam gặp lại tôi mới biết người cao và gầy đó chính là chú Năm Xuân. Còn bà cao gầy là dì Bảy Huệ - Vụ phó Vụ tổ chức của các Bộ Miền Nam ở Ban Tổ chức Trung ương và là vợ của bác Mười Cúc, sau này là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Ra khỏi phòng lòng tôi rối bời. Sự thất vọng, chán chường mất phương hướng quay quắt trong đầu óc tôi. Thấy anh Mười Lù ngồi ở ngoài cầu thang chờ tôi. Chú Năm Xuân nói với anh Mười Lù: “Mày lấy số quà đem ra từ T4 chia cho con anh Năm Thu một mớ”. Anh Mười trả lời: “Dạ, cho con nhỏ hết vì cha nhỏ đã hy sinh, còn những đứa cha nó còn sống không cần cho”. Chú Năm Xuân kêu: “Cái thằng toàn làm theo ý bay”. Tôi theo anh Mười vào phòng khách anh đang ở, anh nói:
- Em đừng có buồn nữa nha, gia đình anh chết gần hết tới mười mấy người lận. Chiến tranh bay không ở, không chứng kiến nên không hiểu được sự chết chóc diễn ra hàng ngày… Từ bây giờ trở đi, anh Mười coi bay như em gái. Tao biết ba bay rất rành, mà anh em bảo vệ của Trung ương lẫn Khu ủy ai cũng quý mến và chịu ba bay hết… Sau giải phóng, nếu bay về Sài Gòn mà anh Mười còn sống, thì bay nhất định sẽ là em của anh chị Mười.
Điều đó đã diễn ra đúng như vậy. Sau năm 1975, vào lúc tôi khó khăn nhất, anh chị Mười đã đùm bọc bốn mẹ con tôi hàng ngày. Đây là một câu chuyện dài sẽ được kể giai đọan sau. Anh Mười kêu mấy người mang ra cho tôi một thùng lương khô có viên sâm, một bịch rất to hạt tiêu, một bịch rất to đậu xanh, một ký bột ngọt với vài thứ khác trong đó có miếng vải dù chiến lợi phẩm, võng tăng… cho xe chở tôi về nhà, anh Mười nói:
- Bay đừng quá buồn! Ba bay ở trong chiến trường anh em ai cũng thương ông quá trời. Ba bay dễ thương lắm, đặc biệt lắm, bay biết không?
Ngồi nhìn đống đồ anh Mười vừa chuyển trên xe xuống, chưa bao giờ có nhiều của cải như vậy. Cứ nhớ câu anh dặn: “Bay đem bán đi, lấy chút tiền nuôi con nhỏ…”.
Tôi không quan tâm chuyện đó nữa. Tối đó, tôi chở Đào qua ngay nhà me Kíu, tôi kể hết với bà những chuyện sảy ra, rồi nói: “Cha con chết thật rồi”.
Me Kíu hét lên, bảo tôi ăn nói dại mồm dại miệng. Bà không tin người như cha tôi lại chết một cách dễ dàng như vậy, bà bảo có lẽ bị thương nằm đâu đó mà tổ chức chưa tìm ra. Khi tôi nói rõ những người đã gặp. Tôi nói ở địa điểm nào và những ai nói gì thì bà lại ngồi im lặng. Lúc đó, bà lại hâm trà, hãm trà liên tục và không nói câu nào.
Tôi chỉ muốn chạy sang bên đình ở Lò Sũ ngồi xuống dưới chân ông tượng để nói: “Tại sao vậy! Hết mẹ lại đến bố lại bỏ tôi đi, tại sao vậy?”. Những đứa trẻ khác lớn lên đều biết mặt bố và mẹ còn tôi thì không. Không được gặp và biết mặt bất cứ một ai? Tại sao vậy?
Khi tôi hỏi me Kíu câu đó, bà chỉ ôm tôi vào lòng rồi bà khóc: “Khổ thân con gái tôi, khổ thân con...”. Bà cứ lặp đi lặp lại câu đó mãi. Cuối cùng, bà nói: “Còn mẹ của con thì không có người hiểu mẹ nhất và cũng không còn người để minh oan cho mẹ rồi…”.
Giờ thì tôi đã lớn, tôi không thể sang bên đình Lò Sũ, ngồi dưới chân ông tượng để nói được nữa. Tôi thương thân tôi, tôi cũng thương các em tôi. Vậy là, chúng tôi trở thành côi cút… Cuộc chiến tàn khốc này đã cướp mất hai người thương yêu nhất của tôi, và rất nhiều người thân của các bạn tôi nữa.
*
Gia đình tôi lúc đó cũng giống như bao gia đình khác, vợ chồng cùng đi làm cùng góp tiền lương của mình vào nuôi con, Đó là thời điểm mà tất cả hàng hóa, nhu yếu phầm cần cho cuộc sống hàng ngày đều đựơc mua bán qua tem phiếu.
Nhắc đến Minh “mập”, tôi nhớ lại chuyện sảy ra năm 1973. Lúc đó, má của Minh từ chiến trường ra, đó là bà Hai Hồng. Sau này là Phó Giám đốc Sở Nhà đất Thành phố Hồ Chí Minh. Cô thấy tôi chơi với Minh, và trong tình bạn này cô thấy không công bằng, vì tôi chả có gì cho Minh cả, mà Minh thì lúc nào cũng cho tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy hình như cô không vui lắm, hoặc có thể chỉ là tình cờ mà tôi cảm nhận ra như vậy. Tôi có nói với Minh cảm nhận đó. Nó nói: “Bà già tao kỳ cục”.
Vài tháng sau, Minh lại có ba từ chiến trường ra, nghe nói ba nó làm lớn lắm, hình như cấp Tướng thì phải. Chú người miền Trung nhưng cả đời sống và chiến đấu ở Nam Bộ. Chú rất hiền, ngược lại với má của Minh. Chú thấy tôi chơi với Minh và nghe mọi người giới thiệu tôi là con liệt sĩ. Chú gọi lại hỏi tên tuổi cha mẹ. Lúc nghe tôi nói xong, chú bảo: “Con nói lại lần nữa các tên của bố con đi nào”. Tôi nhắc lại. Chú bảo: “Con về cầm bất cứ thư nào của bố con qua cho chú xem”. Tôi về mang sang mấy lá thư bố gởi cho chú xem. Vừa nhìn thấy chữ viết thôi, chú ôm chầm lấy tôi và bảo:
- Cháu ơi chú và cha cháu gần gũi nhau vô cùng: Ăn cùng, ở cùng, hầm địa đạo cùng…
Chú nói rất cảm động rồi chú gọi má của Minh ra:
- Bà Hai này! Thật kỳ diệu, bà có biết cháu Vân là con gái của ai không? Tôi đang đi tìm thì nó lại ở ngay đây.
Cô Hồng bảo:
- Thì ông nói rõ ra đi!
- Con của Chính ủy chúng ta. Anh Năm Thu đó!
Cô Hồng ngạc nhiên la lên:
- Thật hả bay?
Rồi cô chú cùng ôm chầm lấy tôi, giàn giụa nước mắt…
Đến lúc này chú mới nói:
- Con ơi, chú là Tư lệnh Mặt trận, còn ba con vừa là Chính ủy Quân khu vừa là Bí thư của chú… Về Đảng, ba con là Lãnh đạo của chú, còn về tình con người thì thân thiết vô cùng.
Tôi nghe chú nói với cô Hồng, bà xem có giúp gì cho cháu nó thì ráng giúp đỡ. Sau này tôi mới biết chú Thiếu tướng Trần Hải Phụng là Tư lệnh Biệt động, Tư lệnh Quân khu. Chú ra Miền Bắc rất ngắn ngày sau đấy lại đi vào B ngay. Trước hôm đi chú cứ ôm tôi vào lòng và nói: “Đừng có khóc nhiều cháu nhé! Ba cháu đã hy sinh rất dũng cảm, mọi người ở trong đều kính trọng và thương xót ba của cháu”.
*
Tôi nhớ lại trước khi anh Mười Lù quay lại chiến trường B. Anh xuống nhà tôi chơi và thấy những thứ anh cho tôi vẫn còn nguyên ở góc nhà. Tất cả được tôi đậy bằng tấm vải dù chiến lợi phẩm mà anh cho hôm đó. Đi cùng anh Mười còn có mấy em trai, đều là Dũng sĩ diệt Mỹ ra Miền Bắc học gowin99 , và bồi dưỡng sức khỏe. Tôi nhớ có em Đức, Quang, Mên, Tư và em Bé. Các em đều ở chiến trường Sài Gòn và Đông Nam Bộ.
Khi tôi nấu cơm đãi khách, thì trong nhà chả có gì nhiều. Anh Mười hỏi:
- Sao bay không bán đống đồ đó đi, lấy tiền xài đỡ?
Tôi trả lời anh:
- Em chẳng biết bán ở đâu, vì đây là lần đầu tiên có nhiều đồ như vậy.
Anh Mười bảo: “Vậy để tao giúp cho”. Rồi anh kêu mấy cậu dũng sĩ chở đi bán. Một lúc sau, các em đem về hơn 300 trăm đồng. Số tiền này lớn lắm, vì lương tôi lúc đó vừa được tăng rồi, nhưng cũng chỉ được 63 đồng một tháng. Tôi hỏi mấy em bán đồ ở đâu? Các em trả lời ở chợ Hòa Bình. Tôi lại hỏi sao các em bán được? Các em cười tinh nghịch: “Tụi này còn đưa cả súng sáu ra hỏi: Có mua cái này không? Các bà ở chợ chạy sợ chạy dạt hết”.
Anh Mười Lù cười bảo: “Quan trọng là mình đã có tiền xài. Vân cầm lấy 200 đồng”. Còn lại, anh đưa 50 đưa đồng cho mấy cậu dũng sĩ về trường liên hoan với nhau. 50 đồng còn lại, anh Mười nói để đem về số 8 Chu Văn An liên hoan chia tay anh em trước khi về lại chiến trường… còn hơn 18 đồng, anh kêu tôi đi chợ. Cả đám xúm lại nấu được một bữa cơm tươm tất.
Sau giải phóng, tôi có lên Thủ Dầu Một tìm Hồ Văn Mên. Năm đó, Mên làm ở huyện đội. Gặp lại tôi, em mừng quá trời, nhưng gia đình em thì nghèo quá, nhà chẳng ra nhà, vì bị căn cứ Mỹ chà đi xát lại tan hoang… Một thời gian sau, tôi nghe tin Hồ Văn Mên chết, vì trong đầu vẫn còn mảnh đạn. Trong lúc chạy honda trên đường thì bị lên cơn, ngã xuống đường không kịp cấp cứu. Đó cũng là một trong những hậu của cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương tôi. Thương Mên quá, em và các bạn sống rất tình cảm. Nghe nói, năm 13 tuổi Mên từng cho lựu đạn vào ổ bánh mì làm bộ cầm vừa đi vừa ăn. Đến đồn cảnh sát em bất ngờ tung lựu đạn vào, giết chết rất nhiều cảnh sát ngụy. Hình hài em trông nhỏ bé, nhưng đúng là ra ngõ gặp anh hùng.
Tôi vẫn nhớ trước khi chia tay, anh Mười Lù cứ dặn đi dặn lại: “Ngày giải phóng vào ngay Sài Gòn tìm gặp nhau, Vân nhớ nhé! Anh sẽ báo cho chị Mười là có đứa em ở Hà Nội, con của chính ủy Năm Thu…”. Còn số tiền 200 anh trao cho tôi, lúc ấy với tôi quá lớn. Một phần tiền đó, sau này tôi dùng mua vé tàu cho cả nhà vào Sài Gòn bằng tàu thủy Thống Nhất.
Thời gian thấm thoắt trôi qua. Giờ đây, tôi đã có cuộc sống tốt và ổn định. Tôi có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn. Nhớ lại những ân tình khi xưa như Ba Phước, anh Mười Lù đối với mình biết bao giờ trả lại được. Tôi luôn nhắc nhở các con tôi lúc mình nghèo khó, mà có người dang tay giúp đỡ thì muôn đời không được quên.
(Còn nữa)
______
Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.
Theo Trái tim người lính