Tháng cuối năm của năm 1974, ba phóng viên tin: Vũ Xuân Bân cùng khóa GP.10 (sau này Trưởng ban biên tập tin trong nước), Nguyễn Minh Nhựt (sau giải phóng là Tổng biên tập báo Đồng Nai) và tôi rời căn cứ Ban Tuyên huấn tỉnh Ủy Bà Rịa- Long Khánh trở lại Ban Tuyên huấn khu ủy Đông Nam bộ đóng tại căn cứ Mã Đà thuộc Biên Hòa (Đồng Nai hiện nay). Hai phóng viên ảnh Vũ Kim Sơn và Trần Quang Minh tiếp tục ở lại địa phương để tác nghiệp. Đoạn đường chúng tôi sẽ phải đi qua ngoài xuyên qua những khu rừng già của miền Đông còn phải vượt qua hai con lộ: Quốc lộ 1, đoạn qua gần thị xã Long Khánh, quốc lộ 20 đi Đà Lạt, đoạn qua huyện Định Quán tỉnh Biên Hòa và con sông Đồng Nai mùa mưa thường nước đỏ ngầu dâng tràn hai bờ, cuồn cuộn chảy xiết về biển. Đây là đoạn đường khi từ căn cứ “Tổng xã” TTXGP đi xuống tỉnh chúng tôi đã đi qua, nhưng khi đó là vào mùa khô, các con suối trong rừng cạn trơ đáy và các sông nhỏ nước trong vắt có thể lội bộ qua dễ dàng và con sông Đồng Nai hiền hòa, lặng lẽ trôi xuôi.
Ba phóng viên chúng tôi ghép với đoàn gồm các cán bộ từ “R” xuống địa phương công tác trở lại, một số cán bộ của tỉnh lên “R” tập huấn. Giao liên dẫn đoàn đi theo cung đường đã định sẵn phù hợp về cả thời gian hành quân lẫn thuận tiện về sinh hoạt (an toàn, gần nguồn nước…).
Ngày chuẩn bị vượt quốc lộ 1, giao liên đưa đoàn dừng chân tại trạm giao liên ở khu rừng xã Bảo Bình ( thị xã Long Khánh) cách đoạn quốc lộ 1 sẽ vượt qua khoảng 2 giờ đi bộ. Trời nhiều mây báo hiệu có thể có cơn mưa cuối mùa. Cả đoàn căng tăng, mắc võng dưới những tán cây chờ tối sẽ vượt lộ theo kế hoạch. Gần cuối buổi chiều, mưa bắt đầu nặng hạt và to dần, kéo dài. Ở miền Nam, các cơn mưa thường ngắn, nhưng đôi khi cũng có những cơn mưa kéo dài. Và đây là trường hợp đó. Mưa to và kéo dài, nước từ các gò cao chảy thành dòng xung quanh trạm giao liên, dồn lại chỗ trũng tạo thành vũng nước đục ngầu. Từ nhiều tầng cây, nước mưa đổ xuống mái tăng làm lung lay bần bật, tạt nước tung nóc. Giao liên thông báo có thể sẽ vượt lộ sớm hơn nên đề nghị mọi người chuẩn bị cơm chiều sớm để sẵn sàng hành quân. Mưa chưa dứt tuy có giảm bớt, chúng tôi nhanh chóng hoàn tất việc nấu nướng và ăn xong bữa ăn chiều, chuẩn bị gọn gàng mọi thứ để có thể hành quân ngay khi có lệnh của giao liên. Bóng tối phủ dần xuống khu rừng ẩm ướt, cả đoàn xuất phát lội qua những rãnh nước đục ngầu, ra bìa rừng, băng qua rẫy trồng hoa màu và cây trái của bà con vùng ven thị xã Long Khánh. Hành quân trong mưa, nhất là phải vượt qua những nơi như quốc lộ, gần đồn bốt định sẽ tốt hơn vì nước mưa sẽ xóa hết mọi dấu viết của người đi qua. Cả đoàn lặng lẽ theo chân giao liên vượt qua những khu rẫy ra sát quốc lộ. Không ai được dùng đèn pin vì cách thị xã Long Khanh không xa, trên đỉnh núi Chứa chan (sông Ray ?) có đồn địch. Nếu phát hiện nghi ngờ có “Việt cộng” chúng sẽ pháo kích dữ dội. Tuy vậy, thỉnh thoảng từ đỉnh núi địch bắn pháo sáng giúp cả đoàn hành quân dễ dàng hơn (với giao liên họ đi lại nhiều lần nên thuộc đường đi lối lại). Rồi cả đoàn cũng đến ven lộ. Sau khi quan sát và rà mìn, giao liên ra hiệu cho đoàn vượt lộ trong khi mưa chưa ngớt hẳn đủ để xóa đi mọi dấu chân chúng tôi từ trong rẫy ra đầy bùn đất. Cả đoàn nhanh chóng lẩn vào bóng tối trong những khu rẫy phía bắc quốc lộ. Tưởng như mọi thứ đã an toàn, suôn sẻ, nhưng trước mặt chúng tôi, đoạn sông Ray xuyên qua khu rẫy trong ánh sáng bàng bạc của pháo sáng do địch bắn cầm canh, nước đã tràn hai bờ lên rẫy.
Ngày lãnh đạo TTXGP phổ biến kế hoạch cho khóa GP.10 đi các tỉnh, tôi đã xin đi các tỉnh miền Đông Nam bộ vì tôi không biết bơi (lội) nên nếu đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long kênh rạch chằng chịt thì sẽ không thuận tiện cho việc đi lại. Lãnh đạo đồng ý. Tuy nhiêu, điều không lường trước được là: lụt thì người biết bơi có thể chống chọi được, còn lũ thì có khi cả người biết bơi cũng khó vượt qua. Đang phân vân, lo lắng tình huống do mưa to, kéo dài đoạn sông Ray này ngày chúng tôi từ “R” xuống tỉnh nước chỉ cao quá đầu gối, nay không những dâng cao mà còn chảy xiết bẻ gãy ngọn cây hai bên bờ, anh giao liên tên Thắng nói với cả đoàn chờ anh ta đi dò xem đoạn sông nào thuận tiện để ôm bòng (loại ba lô gọn, nhẹ, không thấm nước) và bơi thả theo dòng nước sang bờ bên kia. Chốc lát, anh ta quay lại và dẫn mọi người ngược lên một đoạn, trong ánh sáng mập mờ của pháo sáng, đoạn sông mà cả đoàn sẽ vượt qua khá trống trải hai bên bờ, cây cối thưa thớt.
Tất cả chuẩn bị bỏ quần áo (cả đồ lót vì trong đoàn không có phụ nữ) vào bòng, cột chặt và chuẩn bị vượt sông. Mưa đã tạnh, dòng sông vẫn ào ào cuộn chảy. Tôi thành thật nói với anh giao liên và các anh trong đoàn là mình không biết bơi. Một ý kiến được nêu ra là lấy dây dù (dùng mắc võng) của nhiều người nối lại căng qua sông để tôi ôm bòng lần theo qua bờ bên kia. Sáng kiến đấy, nhưng cần rất nhiều dây dù để đủ độ dài vượt sông. Anh Bân, anh Nhựt, nhiều anh trong đoàn và tôi đã phải mở bòng tháo dây võng nối lại. Anh Bân tìm gốc cây bên bờ nam cột chặt dây dù và ôm bòng bơi chéo xuôi theo dòng nước cùng các anh trong đoàn sang bờ bên kia, tìm gốc cây chắc chắn cột chặt lại. Tôi mang bòng trên lưng làm phao, đồng thời hai tay lần theo sợi dây dù căng bần bật trên dòng nước chảy xiết và sang bờ an toàn. Anh Xuân Bân lại phải bơi ngược sang bờ bên kia để tháo dây dù (dây võng của nhiều người) rồi bơi trở lại để nhanh chóng nhập đoàn. Anh Bân đã phải bơi qua bơi lại ba lần ở đoạn sông này để giúp tôi.
Pháo của địch từ đỉnh núi vẫn bắn cầm canh giúp cả đoàn nhanh chóng băng qua những vạt rẫy trồng cây ăn trái đẫm nước mưa đi về khu rừng già.
Vào sâu trong rừng khi pháo sáng của địch không còn soi đường đi cho chúng tôi, mọi người dùng đèn pin để chiếu. Ánh sáng đèn, tiếng bước chân làm những con thú ăn đêm chạy sột soạt, tiếng tác của nai, hươu (mễn) vọng xa xa.
Khuya, chúng tôi đã về đến trạm giao liên bên con suối nhỏ, mọi người tranh thủ căng tăng, mắc võng và ngủ vùi để lấy lại sức khỏe cho chặng hành quân tiếp theo vào hôm sau mặc dù được đi ban ngày trong rừng.